Nhạc sĩ Doãn Nho và những cung bậc cuộc sống

02/02/2021

Hiếm có nhạc sĩ nào có một đời sống lẫn sự nghiệp âm nhạc sôi động và “3 trong 1” như nhạc sĩ Doãn Nho. Vừa là đại tá quân đội, vừa sáng tác thanh nhạc, khí nhạc và là nhạc sĩ nghiên cứu, ông đã chứng tỏ một năng lực, một sở trường sáng tạo dồi dào, mãnh liệt.

1. Có thể nói, những Tiến bước dưới quân kỳ, Người con gái sông La, Năm anh em trên một chiếc xe tăng... mang khí phách, hồn cốt một dân tộc, hay thấm đẫm tình yêu người, yêu đất nước, đã làm nên tên tuổi một Doãn Nho rất riêng, không trộn lẫn, giữa một làng nhạc sĩ Việt già - trẻ, nam - nữ với đủ các dòng sáng tác mang phong cách rất khác nhau, cổ điển, đương đại…

Ông đem đến cho đời những cung bậc của tâm hồn và ý thức mỗi người, trước vận mệnh đất nước, phải ra sao. Khi hòa bình lập lại, những ca khúc đó, mỗi khi vang lên vẫn thấy rung động tận đáy lòng, khơi gợi niềm tự hào của dân tộc về một thời kỳ lịch sử cứu nước, giữ nước hào hùng. Không chỉ vậy, ông còn có một kho tàng những tác phẩm thanh nhạc, khí nhạc.

Có một thời gian dài, người nghe không thấy sáng tác mới của nhạc sĩ Doãn Nho, nhưng đó là giai đoạn ông dành tâm trí cho thể loại nhạc có tầm vóc hơn, đòi hỏi nhiều thời gian, nội lực hơn. Năm 2017, với cụm tác phẩm khí nhạc Liên khúc giao hưởng Chiến thắng, giao hưởng Khúc tưởng niệm, các tác phẩm thanh xướng kịch Trảy hội Đền Hùng và Hoa Lư Thăng Long - Bài ca dời đô, ông đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Nhạc sĩ Doãn Nho vẫn miệt mài sáng tác

Trưởng thành và nuôi dưỡng mạch nguồn sáng tác trong môi trường quân đội, giờ đã bước vào tuổi ngót nghét 90, nhưng chất lính trong ông vẫn nguyên vẹn. Ông bảo: “Viết nhạc với tôi là nghề, viết như một thói quen, viết từ thời chống Pháp, qua chống Mỹ… Tôi đã có mặt trên chiến trường, nhiều trải nghiệm thăng trầm, gian khổ và có lẽ vì thế nên việc viết nhạc với tôi không quá khó khăn. Nếu bây giờ có người bảo tôi lên biên giới, hải đảo, tôi sẵn sàng. Có thể tôi không còn viết nhanh được ngay, nhưng sự có mặt của mình nơi gian khó ấy cũng góp phần động viên, khích lệ tinh thần người lính”.

2. Đến với âm nhạc khi còn rất trẻ và dành trọn tình yêu cho âm nhạc, nhạc sĩ Doãn Nho với kho tàng khổng lồ tác phẩm ở các thể loại khí nhạc, ca khúc, nghiên cứu…, có thể được coi là một “tượng đài” trong âm nhạc, song ông vẫn luôn có cái nhìn bao dung, đầy khích lệ với thế hệ kế cận.

Không quá băn khoăn về trào lưu “làm mới” hay pop hóa, thậm chí là rock hóa các ca khúc cách mạng mà giới trẻ đang ưa thích, nhạc sĩ Doãn Nho nhận định: “Không chỉ có ca khúc của tôi mà nhiều tác phẩm của Văn Cao, Huy Du, Lưu Hữu Phước… đều được làm lại và mang màu sắc của nhạc nhẹ. Đây cũng là xu hướng mà thế giới vẫn làm và nó là dòng chảy tất yếu của âm nhạc với cuộc sống, phù hợp với lớp trẻ hiện nay”.

Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, đúng là cũng có nhiều ý kiến cực đoan khi nhìn nhận đánh giá về trào lưu này, nhưng không phải họ phản đối việc lấy bài cũ viết thành nhạc nhẹ, mà là do tay nghề của người “làm mới” chưa tới, chưa có được cá tính âm nhạc, lấp liếm những nhược điểm đó bằng cách “trang trí” rườm rà. Cách làm này khiến âm nhạc không thu hút được người nghe, lấy cái nhìn để thế cho cái tai nghe. Đó là kiểu làm nghiệp dư…

3. “Tại thời điểm này, cơ chế thị trường đã chi phối người viết nhiều quá”, nhạc sĩ Doãn Nho nói. Theo ông, các bạn trẻ có nhiều lợi thế hơn khi họ có điều kiện tiếp xúc với các nền văn hóa, âm nhạc khác nhau. Thế giới giờ đây là một mặt phẳng, một thế giới mở, và âm nhạc cũng như người làm nhạc có điều kiện giao lưu, học hỏi tốt hơn.

Song, điều này cũng khiến người trẻ phải nỗ lực hơn trong việc tạo dấu ấn sáng tạo riêng để không bị hòa lẫn, bị lôi theo, trở thành người chuyên đi bắt chước. Tiếc là sức ép phải đem lại lợi nhuận đã khiến nhiều tác phẩm chỉ ở mức nhàng nhàng, không có cá tính sáng tạo nổi bật.

“Nghệ thuật là rất chân thật, không nói dối được. Vì vậy, mỗi tác phẩm muốn thoát khỏi sự mờ nhạt, cần phải được sáng tạo từ chính cuộc sống, bằng cả tâm hồn của người viết. Kinh nghiệm của các thế hệ nhạc sĩ già thì đó là những người viết ra bằng máu thịt của mình, bằng tâm hồn của mình, bằng tìm tòi riêng của mình, như vậy tác phẩm nó mới thực sự có sức nặng”, nhạc sĩ Doãn Nho, tác giả của ca khúc Chiếc khăn Piêu một thời “khuynh đảo” các bảng xếp hạng âm nhạc, chia sẻ.

Ở tuổi ngót nghét 90, ông vẫn miệt mài viết. Viết không có chút sức ép nào mà là một thói quen giống như mạch nguồn tiếp thêm năng lượng cho ông mỗi ngày. Nếu không có gì đột xuất, vở nhạc kịch Bài ca tình yêu - tác phẩm ông ấp ủ và viết suốt 2 năm, được Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam và Trường Đại học Văn nghệ Nghệ thuật Quân đội hợp tác dàn dựng sẽ hoàn tất trong năm 2021. Vở nhạc kịch nói về người lính và là một trong những sáng tác ông dành tặng đồng đội, khán giả - những người luôn đồng hành và tiếp sức ông trên con đường âm nhạc.

(Nguồn: https://www.sggp.org.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...