Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc Việt Nam có những chuyển động tích cực
PV: Thưa ông, với tư cách là nhạc sĩ sáng tác và Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, ông đánh giá tình hình âm nhạc ở nước ta hiện nay như thế nào?
NS Đỗ Hồng Quân: Trong những năm gần đây, âm nhạc Việt Nam có nhiều chuyển động theo chiều tích cực và cũng có những chuyển động theo chiều ngược lại, bởi vì đề cập đến tình hình âm nhạc thì không chỉ nói đến âm nhạc chuyên nghiệp mà phải nói cả đến sinh hoạt âm nhạc của công chúng.
PV: Trước tiên xin nhạc sĩ hãy nói về những chuyển động tích cực?
NS Đỗ Hồng Quân: Âm nhạc có mặt ở mọi nơi mọi lúc. Có những cuộc thi thu hút được sự chú ý của công chúng đông đảo; thông qua truyền hình như “Sao mai”, “Sao mai điểm hẹn”, “Bài hát Việt”, Việt Nam idol”, “The voice kid”. Có những chương trình âm nhạc truyền hình được chú ý như “Giai điệu tự hào”, rồi những chương trình truyền hình của VOV như “Những bài ca không quên”… Bên cạnh đó là những mảng ít được chú ý nhưng là những thành tích đỉnh cao như hoạt động của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với hàng trăm buổi biểu diễn trong nước mỗi năm với các chương trình đồ sộ có hệ thống, những chuyến lưu diễn ở nước ngoài. Đặc biệt, chuyến lưu diễn tháng 9-2014, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam đã biểu diễn ở những phòng hòa nhạc lớn như ở Bolshoi Zal tại Nhạc viện Quốc gia Tchaikovski (Moksva) và Bolshoi Zal ở Saint Peterburg Philarmonia (thành phố Saint Peterburg). Như vậy là chúng ta đã cắm được lá cờ Việt Nam vào lâu đài âm nhạc.
NS Đỗ Hồng Quân
Bên cạnh đó là hoạt động rất hiệu quả của Nhà hát nhạc Vũ kịch Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động của Dàn nhạc Hà Nội và các ban nhạc cổ điển của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Những buổi biểu diễn của các nghệ sĩ đàn violon Bùi Công Duy, đàn piano Lưu Hồng Quang và một số nghệ sĩ đàn dân tộc cũng gây được sự chú ý.
PV: Liên hoan âm nhạc mới Á - Âu vừa diễn ra ở Hà Nội cũng là một điểm sáng của làng nhạc Việt, thưa ông?
NS Đỗ Hồng Quân: Đó là một sự kiện đáng tự hào. Việt Nam là nước châu Á đầu tiên được chọn để tổ chức festival âm nhạc mới Á - Âu. Trong liên hoan này, các nhà soạn nhạc Việt Nam nhiều thế hệ đã đóng góp những tác phẩm tốt.
Do ảnh hưởng thành công của Festival âm nhạc mới Á - Âu tại Hà Nội này mà tổ chức các nhà soạn nhạc của Châu Á - Thái Bình Dương (A.C.L) đã kết nạp Việt Nam làm thành viên chính thức của tổ chức này và quyết định năm 2016 sẽ tổ chức Festival Châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam. Đó là một hoạt động đáng kể của âm nhạc Việt Nam mang lại nhiều sự tích cực trong đó có sự tiếp cận được âm nhạc thế giới.
PV: Nhưng thực tế thì trong một vài năm gần đây, âm nhạc Việt luôn có những mảng tối cần phải điều chỉnh?
NS Đỗ Hồng Quân: Có những mảng âm nhạc, đặc biệt là nhạc trẻ, có nguy cơ lai căng, hướng ngoại, mất bản sắc dân tộc, thiếu những chủ đề về đời sống xã hội, có xu hướng nghiệp dư hóa, cóp nhặt hoặc sản xuất bằng những phương thức đi ngược lại với chức năng sáng tạo của nhạc sĩ. Cụ thể là những xu hướng dùng nhạc đệm có sẵn để đặt lời, biến cái gọi là sáng tác âm nhạc thành cáo lò bát quái nhào nặn hổ lốn một thứ sản phẩm không thể chấp nhận được, xúc phạm âm nhạc bằng những chiêu thức phi nghệ thuật, phi nhân văn.
PV: Vậy phải làm gì với khuynh hướng này?
NS Đỗ Hồng Quân: Phải nghiêm khắc cảnh báo và ngăn chặn xu hướng này vì đó là sự gian dối tinh vi, táo tợn, vô liêm sỉ và coi thường khán - thính giả. Nguy hiểm hơn nữa là ở chỗ đây không chỉ là việc làm của một cá nhân mà đã như một trào lưu.
Trước mắt phải có những quy định của Nhà nước, những văn bản pháp quy như cấm sử dụng nhạc beat dù được chính tác giả cho phép. Mỗi bài viết ra phải đăng ký người viết nhạc, viết lời và viết phần beat. Nhạc sĩ trước khi làm ra sản phẩm phải học về chuyên môn, dù là được đào tạo ở đâu. Nếu không có học thì sẽ viết bản năng với sự hỗ trợ của điện tử. Việc đào tạo cần phải được chú trọng đồng bộ ở nhiều khâu: đào tạo ca sĩ, nhạc sĩ và đào tạo cả khán thính giả để họ có thể tiếp nhận được cái hay, biết nhận ra cái dở.
PV: Làm thế nào để có những bài hát có chất lượng, nhất là các bài hát hướng tới đối tượng trẻ là điều băn khoăn của nhiều người…
NS Đỗ Hồng Quân: Giúp bài hát có chất lượng còn phải siết ở đầu ra. Phải duyệt sản phẩm từ bản viết, kiểm duyệt về nội dung và quan trọng là về nghệ thuật.
Khi các chương trình truyền hình được xã hội hóa, người ta cho ra những sản phẩm chỉ cần không sai phạm chính trị mà không quan tâm đến nghệ thuật. Vậy nên có những sản phẩm chất lượng nghệ thuật kém mà vẫn được lưu hành.
Ở đây phải nhắc đến báo chí. Vai trò của báo chí rất lớn, đó là người thẩm định giá trị, là người hướng dẫn khán - thính giả. Thế mà có rất nhiều bài hát kém chất lượng nghệ thuật vẫn được một số tờ báo ngang nhiên tung hô.
PV: Nhạc sĩ có nói đến việc đào tạo khán giả. Việc này rất cần thiết, nhưng phải bắt đầu như thế nào?
NS Đỗ Hồng Quân: Có nhiều việc cần làm như: Phải tổ chức các chuyên đề âm nhạc cho từng lứa tuổi, tổ chức các buổi biểu diễn có dẫn giải và quan trọng là phải đưa âm nhạc vào nhà trường, dạy cho các em từ nhỏ đã biết thưởng thức âm nhạc, hình thành một thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc.
PV: Ai sẽ làm những việc này, thưa ông?
NS Đỗ Hồng Quân: Bộ Giáo dục và Đào tạo kết hợp với các tổ chức hoạt động âm nhạc. Hội Nhạc sĩ không thể cung cấp nhân lực mà chỉ làm việc định hướng, tham gia xây dựng các chương trình kiểu như giáo trình âm nhạc…
Đào tạo khán giả, hướng tới lớp trẻ là một khâu rất quan trọng để dần có lớp công chúng tiếp nhận và hiểu được những sáng tạo âm nhạc chuẩn mực, nếu không sẽ là một sự lãng phí lớn. Khi khán giả thiếu thị hiếu chuẩn mực thì họ sẽ có ảnh hưởng không tích cực tới sáng tác.
PV: Xin cảm ơn nhạc sĩ!
(Nguồn: http://www.baomoi.com)