Nguyễn Văn Tý: Hồi ức lão nhạc sĩ cô đơn
“Cô có biết tôi gần chín mươi rồi không? Cô để tôi chờ lâu thế này, huyết áp tôi lên, lỡ tôi chết thì làm thế nào? Ai lo cho tôi đâu?” Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý đón tôi bằng câu mắng mỏ như vậy, rồi lại nhẹ nhàng kể chuyện. Người nhạc sỹ có nhiều mối tình đang sống cô đơn trong con hẻm nhỏ huyên náo của Sài thành.
Tranh của nguyễn xuân hoàng.
Bí mật của “muôn kiếp bên đàn”
Sáng chủ nhật cuối năm 2012, tôi tìm thấy địa chỉ 94/19 gắn trên khung cửa nhỏ của căn nhà chật chội nằm trong con hẻm ồn ã đường Trần Khắc Chân, quận 1, TPHCM đúng hẹn lúc 9h30 phút.
Nghe tiếng tôi chào, ông uể oải ừ hử rồi đột nhiên nổi giận đùng đùng. Sốt ruột đón khách, ông đã pha trà ngồi đợi suốt một tiếng đồng hồ và tức tối đinh ninh tôi trễ hẹn nên dằn dỗi: “Cô nói dối! Cô có biết tôi đã gần chín mươi tuổi rồi không? Cô để tôi chờ lâu thế này, huyết áp tôi lên, lỡ tôi chết thì làm thế nào? Ai lo cho tôi đâu?”.
Ông mắng tới đâu, tôi nhận lỗi tới đó. Như lửa tắt vì mưa. Lặng thinh giây lát, ông hậm hực: Lần này tôi bỏ qua cho cô!
Ông cắm chiếc USB vào chiếc máy thu phát nhỏ để sẵn trước mặt. Tiếng hát ngọt ngào trong vắt của Lê Dung tràn ra như suối: “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dịu muôn tiếng tơ…”. Đấy cô xem, trình độ như Lê Dung mà hát cũng nhầm lời.
“Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ”. Thế mà cô ấy hát là trong như lời nguyền… Êm mới đi với đẹp chứ ai bảo trong-đẹp đâu nào? Trong quyển “Những dư âm còn lại” người ta in cho tôi, cũng nhầm “muôn kiếp bên đàn” thành “muôn kiếp bên nàng”.
Lòng muốn bên nàng, nhưng người xưa không muốn nói trắng ra nên phải hát tránh thành bên đàn. Bản thu Thanh Long Bass ca Dư âm này đúng ý tôi nhất. Đây là tâm trạng người đàn ông trách yêu người đàn bà nên không thể lẫn lộn anh/em được.
Ngày đó bạn tôi bảo: Tao có hai đứa cháu, mày về Quỳnh Lưu tao giới thiệu cho. Cả nhà muốn ghép đôi tôi với cô chị, nhưng thoáng thấy cô em tuổi vừa mười sáu đôi mắt như hồ thu tôi đã bị hút hồn. Về tương tư mãnh liệt, tôi thức trắng đêm viết bản Dư âm.
Về sau có người gặp lại cô ấy ở Hà Nội, trách sao Hằng thờ ơ với ông Tý quá thế? Hằng bảo: Đời đầy mật ngọt lẫn mật đắng, không phải mật nào cũng ngọt cả đâu!
Hồi ức lão nhạc sĩ cô đơn
Trên bàn thờ kia là chân dung hai bà vợ của tôi đã mất. Còn tấm ảnh sau đầu này là người yêu không cưới được vì cô ấy đi Nam. Bà nào tôi cũng hết lòng yêu thương, vậy mà tôi còn lại có mỗi mình…
Một mối tình nữa khiến tôi ân hận cả đời. Thời tôi đang học Hạ uy cầm, cô Báu á khôi thành Vinh thường kiếm cớ qua nghe tôi đàn. Mẹ cô nghĩ tôi xướng ca vô loài, bữa nọ sang nhà trỏ tay vào mặt tôi mắng “Từ nay tôi cấm cậu không được quyến rũ con gái tôi”.
Tôi vặc lại “Bác tìm hiểu xem ai quyến rũ ai?”. Từ đó Báu bị cấm cung. Nhiều năm sau Báu lấy chồng ở đầu huyện Nam Đàn, lều tranh áo rách rất đáng thương. Gặp lại, Báu giới thiệu cho tôi một cô dệt vải hiền lành.
Tôi nhìn, ưng ý lắm nhưng hỏi gì nàng cũng chỉ tủm tỉm cười, nên tôi quên bẵng. Rất lâu sau đó, trong một cuộc họp của giới điện ảnh ở Hà Nội, cậu nọ bảo: Vì anh mà đời o em dang dở, ai hỏi cũng bảo đã có chồng rồi, chờ gần hai mươi năm không thấy anh quay lại…
Cuộc hôn nhân đầu tiên thật ngắn ngủi. Vợ tôi mất sớm, để lại cho tôi đứa con bé dại và nỗi đau khôn cùng. Mấy năm sau, duyên số run rủi cho tôi gặp bà Bạch Lê, em gái Nguyễn Văn Thương tác giả của Đêm đông.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương vì nhiệm vụ cách mạng phải “biến” suốt thời gian dài, tới khi tìm lại gia đình mới hay vợ mình đã lấy người khác.
Bà Bạch Lê em gái ông có vẻ đẹp vừa mặn mà vừa thanh tao, từng là hoa khôi Quảng Bình, đã lấy chồng và có 4 mặt con nhưng chồng bà lại bỏ bà đi lấy người khác.
Ông Thương bắc cầu cho bà Lê gặp tôi. Tôi cưới bà Lê năm 1953, khi ấy tôi 26 tuổi, nhà tôi hơn tôi vài tuổi. Tôi quý bà ấy lắm nhưng có lẽ bà đã mệt mỏi quá rồi nên bà yêu thương tôi có phần hời hợt.
Tôi kháng chiến biền biệt, bà Lê về ở với mẹ tôi ở Thanh Chương. Mỗi khi có máy bay địch, mẹ tôi đỡ con dâu bụng mang dạ chửa lên bè chuối đẩy ra giữa sông tránh bom.
Tôi về thăm nhà, chỉ mong thấy mẹ và vợ mình còn sống, không ngờ được làm cha lần thứ hai. Ngắm con xinh sáng như thiên thần, tôi đã viết bài Mẹ yêu con: “Mẹ thương con có hay chăng. Thương từ khi thai nghén trong lòng. Mấy nắng sớm chiều mưa ròng. Chín tháng so chín năm gian khó tính khôn cùng…”. Tôi đặt tên cháu là Thái Linh, giờ nó là giảng viên Nhạc viện…
Cõi riêng trong con hẻm huyên náo
...Trong số các con của bà Lê, đứa con gái mất ở Huế. Hai con trai sang Mỹ. Riêng thằng Ái con đầu của bà nhất định ở lại chờ mẹ. Nó bảo với bạn bè: “Bố ruột của tao còn không thương lo cho tao bằng ông Tý”.
Trước năm 1990, bà Lê thăm cháu Linh lấy chồng định cư bên Đức, rồi sang Mỹ sống với con trai. Trước khi đi bà không nói thật, nhưng thấy cách bà sắp xếp cho cháu của bà đến ở để chăm sóc tôi, tôi đoán bà sẽ không về.
Bà đi, tôi cô độc lắm. Ít lâu thì tôi bị tai biến mạch máu, liệt nửa người. Từ đó tôi chỉ quẩn quanh trong nhà, đi đâu cũng phải có người dìu đỡ.
Thằng em họ trước khi sang Mỹ đến chào tôi, tôi hát cho nó nghe bài Con sáo sang sông: “Sổ lồng thì sáo cứ bay, đừng quên công của bấy nay ta xây lồng. Ai đưa con sáo sang sông”… Hát đến đấy tôi khóc. Em họ gặp bà bảo chị phải về ngay, không thì tội anh ấy lắm! Thế là bà vứt hết, bà về hẳn khiến tôi kinh ngạc. Bà về được vài năm thì mất vì bệnh lao. Thằng Ái mới đây cũng mất rồi vì chứng nghẽn mạch máu. Vợ chồng cái Linh bán rẻ hết tài sản bên Đức quay về, mua được cái nhà bên quận Tân Bình, bảo bố bỏ nhà này sang với chúng con. Nhưng tôi không thể đi được.
Hẻm nhỏ hỗn tạp vô số thứ âm thanh. Tiếng chó sủa, tiếng gọi nhau í ới, tiếng trẻ con khóc, tiếng rao quà rong…
Tôi muốn khép cửa. Ông đưa tay ra hiệu đừng. Kể chuyện, ông cũng chỉ giảm bớt âm lượng nhạc chứ không tắt. Từ khi không sáng tác được nữa, ông luôn thèm nghe đời sôi động để tránh nỗi quạnh hiu.
Tôi chào lão nhạc sĩ ra về, ông run run chống gậy đứng lên tiễn, ánh mắt mờ đục hun hút nỗi trống vắng. Chạnh nhớ lúc nhạc sĩ Phạm Duy qua đời, bên cạnh không một người thân.
Tôi hỏi vòng quanh tìm cho được số điện thoại của nghệ sĩ piano Thái Linh, hỏi: Sao chị lại để ông sống có mỗi mình? Con gái yêu của ông thở dài: Vợ chồng tôi hồi hương trước hết là vì bố. Chúng tôi đón bố về chăm sóc nhưng ông than bên này yên lặng quá, ông buồn không chịu được. Đã hai mươi năm ông quen sống với cháu vợ trong con hẻm ấy...
Nguyễn Văn Tý sinh ngày 5 - 3 - 1925 tại Vinh, Nghệ An trong một gia đình yêu âm nhạc. Thuở bé, ông được học nhạc với giáo viên người Pháp, linh mục người Tây Ban Nha và nhạc sĩ người Hoa, chơi nhạc phòng trà .
Năm 1945, ông tham gia phong trào Việt Minh, sáng lập đoàn kịch Thanh niên Cứu quốc Nghệ An, viết tác phẩm đầu tay Ai xây chiến lũy năm 1949. Năm 1950, đang là trưởng đoàn Văn công Sư đoàn 304, ông sáng tác “Dư âm” và bị kiểm điểm vì “bài hát quá ủy mị”.
Cuối năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Sau năm 1975, ông chuyển sang Viện nghiên cứu âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa, cơ sở II tại TP Hồ Chí Minh.
Năm 2006 ông viết tác phẩm cuối cùng, trường ca “Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc” phổ thơ Bùi Mạnh Hảo, rồi bị tai biến mạch máu não lần thứ hai ….
(Nguồn: http://www.tienphong.vn)