Nguyễn Đình Phúc: Lối vào nghệ thuật của kẻ du tử (phần 2)
Sau năm 1975 ông được cử đi du học ở Sofia, Bulgaria với nhạc sĩ Dimitur Tupkov (Димитър Тъпков). Nhờ vậy ông được viết nhạc giao hưởng và thính phòng theo kiểu cổ điển tây phương.
Nguyễn Đình Phúc cũng gặp một hiện tượng khác đã đóng góc cho sức tiến triển của nhạc Việt là các nhạc sĩ gốc Nga. Sau cuộc Cách mạng Tháng Tám 1917 ở Nga nhiều người Bạch Nga (tức những người theo triều đình Nga hoàng) thành người tị nạn sống rải rác khắp bốn phương trời.
Theo luật pháp quốc tế, nhiều người tị nạn Nga bị coi là không có quốc tịch nào, như vậy khó sống ổn định. Nhiều nghệ sĩ Bạch Nga từng kiếm sống ở Thượng Hải tại các tô giới nơi người phương Tây được hưởng các đặc quyền đặc lợi. Họ chơi nhạc nhảy tại các vũ trường, khách sạn và hộp đêm.
Ảnh hưởng từ các nhạc sĩ Nga lưu vong
Các nhạc sĩ Việt thời nhạc cải cách như Nguyễn Đình Phúc, Đỗ Nhuận, Nguyễn Thiện Tơ, Nguyễn Xuân Khoát và Lương Ngọc Trác thường nghe, chơi nhạc và nhắc đến ba nhạc sĩ Bạch Nga làm việc ở quán Taverne Royale trong những năm 1944-46. Đó là các ông Mi-lơ-vít (hoặc theo trí nhớ của Đỗ Nhuận là Nélewitz), Si-bi-rép (hoặc Xibêrép) và Victor.
Chắc Mi-lơ-vít là S. M. Milewitch (viết theo tiếng Nga là миливич) chơi đàn piano. Theo báo Accion ở Sài Gòn, Milewitch là "une ancien professeur du Conservatoire d'Extrême Orient à Khabarovsk" (một cựu giáo sư của Nhạc Viện Viễn Đông ở Khabarovsk, Nga). Ông đến với Việt Nam khá sớm. Theo Bulletin administratif de l'Annam [Thông báo hành chính An Nam] tháng 10 năm 1926, ông tổ chức một buổi hòa nhạc cho các sinh viên ở Huế.
Vào cuối những năm 1930 ông hợp tác với nữ nghệ sĩ múa người Mỹ gốc Nga là Xenia Zarina ở Nam Dương (Indonesia). Bà đã từng nghiên cứu về nghệ thuật múa Châu Á và nước Mễ. Trong sách Classic Dances of the Orient (Điệu múa Cổ điển Phương đông - Crown Publishers xuất bản 1967) bà đã chụp một kiểu ảnh ông Milevitch chép nhạc truyền thống ở đảo Bali, Nam Dương. Tờ báo Singapore Free Press and Mercantile Advertiser ngày 24 tháng 8 năm 1938 quảng cáo ông đệm nhạc cho bà Zarina nhảy múa tại rạp Victoria, Singapore. Vào đầu những năm 1940, ông Milevitch hay chơi nhạc ở Hà Nội và Sài Gòn.
Ông S. M. Milewitch đến với Việt Nam khá sớm.
Trong hồi ký Âm thanh cuộc đời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết về hai nhạc sĩ Sibirev (Cибирev - đàn violoncello) và Victor (Bиктor - đàn violin). Theo Đỗ Nhuận, ông Victor từng tâm sự rằng hai nhạc sĩ gốc Nga phải: "sống lang bạt kỳ hồ, nay đây mai đó, chúng tôi đăng vào quân đội viễn chinh Pháp để có lương ăn, nhưng không cầm súng, mà chỉ là lính đánh đàn cho câu lạc bộ quân nhân, đã giải ngũ từ mấy năm nay, đánh đàn ở Taverne Royale".
Đối với Nguyễn Đình Phúc, nhạc sĩ Sibirev đã gây ấn tượng sâu sắc. Trong hồi ký ông nhớ đến lần đầu gặp nhạc sĩ người Nga này. Ông mô tả:
Một ông già người Nga, đầu tóc bạc phơ, kéo đàn xen-lô to đùng. Nghe tiếng đàn trầm trầm, lúc sâu lắng, trữ tình, tha thiết, lúc lại sôi nổi, hùng tráng, chàng trai đâm ra say mê, xin học và đã được toại nguyện.
Nguyễn Đình Phúc đã tìm nhạc khí của mình, một nhạc khí rất đa cảm. Nhưng quan trọng hơn nữa, ông được làm quen với một nghệ sĩ đứng đắn, sẵn sàng hết lòng dạy nhạc cho một chàng trai bản xứ. Ông viết:
"Thầy [Siberev] đi xe kéo tới tận nhà học trò để dạy rồi lại thuê xe kéo về đâu chẳng biết, nhưng, thầy dạy rất tận tâm, công sáo lại chẳng lấy bao nhiêu. Thông cảm với học trò nghèo, có lần thầy nhấm nháp cút rượu lậu, có lần thầy lại chỉ ăn bát mì vằn thắn nho nhỏ hoặc bảo trò trả cho dăm ba xu tiền xa, ngoài ra chẳng có yêu cầu gì khác. Thầy thật là một nghệ sĩ chân chính”.
Ông Siberev sống trong cảnh một người bị đày ải xa quê nhưng sẵn sàng giúp một thanh niên muốn đến với âm nhạc của ông quả là một điều rất đặc biệt và đáng quý. Học với nhạc sĩ người Nga này đã tạo điều kiện cho Nguyễn Đình Phúc thành một nhạc sĩ nhạc cổ điển chuyên nghiệp chơi trong ban nhạc A.B.C. với các nhạc sĩ Việt khác như Lương Ngọc Châu, Nguyễn Thường, Đỗ Thế Phiệt và Nguyễn Cung.
"Du tử"
Viết trong hồi ký về khoảng thời gian sau, nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc tự xưng mình là "du tử”. Song le các nhạc sĩ Bạch Nga là kẻ du tử chính thức bị buộc phải lang thang xa xứ - một hình ảnh vừa lãng mạn, vừa đáng thương.
Ông Nguyễn Đình Phúc cũng nhắc đến một du tử nữa là người Phi Luật Tân, tên Domingo, đã "sống ngày hôm nay không nghĩ tới ngày mai, đi lang thang trên trái đất, tới đâu, thích thì ở lại, chán thì đi, không có hoài bão gì”. Domingo từng chơi nhạc vũ trường ở Hong Kong và Bangkok và cũng chơi nhạc khiêu vũ ở các vũ trường Paramount và Coq d'Or ở Hà Nội đến khoảng năm 1954.
Nghệ thuật phương Tây - một lối thoát
Trước biến cố 1945, Nguyễn Đình Phúc được đi xuyên Việt nhờ tiền thưởng từ giải thưởng mỹ thuật Salon Unique (Phòng triển lãm độc đáo) do L'Association Alexandre de Rhodes tổ chức với sự bảo trợ của Đô đốc Jean Decoux, Thống Đốc Liên Bang Đông Dương (Gouverneur général de l'Indochine française). Lúc bấy giờ Nguyễn Đình Phúc tạo ra hình ảnh lãng mạn của một chàng trai chơi nhạc rong vác theo các bức tranh và chiếc đàn "bò" (tức đàn violoncello). Vài năm sau, khi chiến tranh bùng nổ ông tiếp tục rong ruổi theo nhu cầu của cuộc kháng chiến.
Lúc mới bước vào con đường nghệ thuật Nguyễn Đình Phúc đứng trước nhiều khó khăn. Như mọi người Việt khác ông bị coi là hạng người thứ hai trong một xã hội thực dân. Việc học hành bị lỡ và lại thất tình, âm nhạc và hội họa đã giúp Nguyễn Đình Phúc đi theo lý tưởng của mình, đó là "không bị lệ thuộc vào ai”. Nguyễn Đình Phúc chơi đàn và vẽ tranh để "kiếm tiền tự nuôi mình”. Ông cũng khám phá một cách sống mới mà người Việt chưa từng biết. Nghệ thuật phương Tây đã trở thành một lối thoát cho ông.
Phải có tài thì mới thành công, nhưng cuộc đời nghệ sĩ của ông cũng dựa vào một vài yếu tố khác nữa. Khác với nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc Tây được học qua sách giáo trình. Một điều nữa là Hà Nội có những nghệ sĩ nhạc cổ điển sẵn lòng hướng dẫn một nhạc sĩ với một nền văn hóa khác đến với âm nhạc của mình. Và các tác phẩm hội họa và những buổi biểu diễn cũng được sự ủng hộ của người phương Tây.
Nhạc Tây (tức cổ điển phương Tây) đã mở ra một vũ trụ âm thanh tuyệt vời cho Nguyễn Đình Phúc và các nhạc sĩ cùng một thế hệ với ông. Ông viết: "Cây đàn bò đưa anh ta [chính ông] vào thế giới kỳ lạ của âm thanh. Chính cây đàn đã cất lên những giai điệu hay, đẹp, mẫu mực của các nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới”. Một điều quan trọng nữa là thể loại nhạc này có địa vị cao và cũng có uy tín quốc tế.
Qua việc thực hành âm nhạc ông cũng bắt đầu nắm được lý thuyết và phương pháp sáng tác - "Ai ngờ rằng cây đàn đã thay lời dạy của các bậc thầy về sáng tác, phân tích tác phẩm cho anh ta, anh nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp tương lai”. Trong hồi ký, nhấn mạnh vai trò kinh nghiệm thực tế, ông mô tả quá trình trở thành một nhạc sĩ như sau:
Nhận xét, sàng lọc, rút kinh nghiệm thực tế trong cuộc sống, áp dụng vào quan hệ xã hội và sáng tác, đó là phương pháp tự học của chàng trai từ khi anh ta chập chững bước vào nghề.
Nhưng âm nhạc và hội họa kiểu ấy chỉ có điều kiện được phát triển ở Việt Nam nhờ vào môi trường thế giới chủ nghĩa của nước Pháp đem vào Việt Nam. Trước khi văn hóa tây phương đi sâu vào đời sống người Việt, các nghệ sĩ chuyên nghiệp bị coi như người thợ vẽ hay thợ đàn hát. Ông học để thành một nghệ sĩ đích thức và độc lập. Sau đó ông gia nhập Việt Minh và tìm cách cống hiến tài năng của mình theo lý tưởng chung của đất nước.
Kể về mình, Nguyễn Đình Phúc kể về một "chàng du tử, với đầu óc luôn luôn khám phá, tìm tòi sáng tạo, đã sàng lọc cái sàng khôn của mình”. Nhưng dù ghét chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, hai chủ nghĩa ấy đã mở đường cho ông học sàng khôn theo cách mà trước đó người Việt chưa từng kinh qua. Ông đem túi sàng khôn của mình để góp phần xây dựng một nền âm nhạc mới cho Việt Nam.
(Nguồn: BBC Tiếng Việt)