Nguyễn Đình Phúc: Lối vào nghệ thuật của kẻ du tử (phần 1)

15/10/2019

Khi bước vào việc nghiên cứu và sưu tầm tư liệu về nền tân nhạc Việt Nam, tôi đã được một điều may mắn là nhiều nhân vật từng chứng kiến và tham gia phong trào ấy còn sống. Năm 1996 tôi được biên tập viên Đào Mai Trang đưa đến nhà riêng của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc ở phố Hàng Buồm.

Lúc bấy giờ sự hiểu biết về nhạc Việt của tôi còn hạn chế. Vì vậy tôi không đặt những câu hỏi để có được câu trả lời hay. Nhưng cuộc gặp gỡ với ông cũng rất thú vị. Gần 80 tuổi, ông giữ nét rất nghệ sĩ vừa Á vừa Âu. Nói chuyện xong ông tặng tôi tập ca khúc Cô lái đò và ký tên "Ng. Đ. Fúc, 7/9/96, Nhạc sĩ, Họa sĩ”.

Vài năm sau khi ông qua đời quyển hồi ký Chuyện Mình, Chuyện Đời của Nguyễn Đình Phúc được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành (2003). Nhìn lại đời mình, ông kể lại theo ngôi thứ ba - là chú bé, chàng trai và du tử. Nghĩa là ông kể về chính mình như một người hơi xa lạ qua các chặng đường đời. Như vậy ông không chỉ thuật lại việc đời và sự nghiệp mà muốn hiểu đến những yếu tố thúc đẩy mình lúc còn trẻ.

Đến với âm nhạc

Trong những trang đầu sách ông tự xưng mình là "chú bé”. Chú bé này được lớn lên trong hoàn cảnh đầy đủ - bố là một giáo viên, mẹ bán hàng ở Chợ Đồng Xuân. Nhưng chú bé này cũng nhận xét rằng ông bố là người học thức không kính trọng người mẹ vô học phải làm việc mệt nhọc (bà bán cá). Có lúc bố bắt chú bé phải xa mẹ khi đi theo cùng vợ lẽ, chú bé này quyết tâm "muốn sống không bị lệ thuộc vào ai”. Nếu muốn như vậy thì "phải có tài, có nghề, kiếm ra tiền để tự nuôi mình”.

Chú bé này cũng có điều kiện học ở trường tư có uy tín là École Thăng Long tại Hà Nội. Ông không phải là học sinh xuất sắc (ông "dốt toán"), như vậy tôi không biết ông có đủ khả năng thành một công chức cho chính quyền thực dân. Chú bé "khoái" học tiếng Pháp lại không ưa thực dân Pháp "bắt nạt dân mình”. Ông muốn giỏi tiếng Pháp "để có thể đối đáp với bọn chúng". Nghĩa là ông khó hòa giải với xã hội thực dân chủ nghĩa.

Trong thời gian này "chú bé" đã thành "chàng trai”. Chàng trai trưởng thành yêu một cô gái nhưng bị cô "Nàng" khước từ. Có biết bao nhiêu sự kiện lớn trên trái đất này được làm ra do những người bị thất tình. Vì cô Nàng ấy phụ tình, chàng trai buồn bã hơn một năm trời. Nhưng giống như nhiều kẻ thất tình khác, Nguyễn Đình Phúc đã được thúc đẩy đi tìm một lối đi khác.

Đến tuổi 20 chàng trai Nguyễn Đình Phúc đột nhiên bước vào học âm nhạc. Ông thừa nhận lý do học nhạc là do cô Nàng biết chơi đàn (chắc là đàn piano - ước gì tôi biết cô Nàng là ai). Lúc bấy giờ nhạc sĩ Phạm Đăng Hinh, cựu học sinh của Conservatoire Français d'Extrême-Orient (Nhạc Viện Pháp Đông Dương), có tiếng chơi đàn violin giỏi. Biết vậy chàng nhạc sĩ tương lai lập tức sắm một cây đàn violin để học với thầy Hinh.

Theo Nguyễn Đình Phúc thì Phạm Đăng Hinh đàn rất hay ("bàn tay phải của thầy mềm như bún đưa lên đưa xuống như bướm lượn") nhưng lại dạy rất dở. Thầy Hinh dạy học không có phương pháp. Ông rất thích nói chuyện đời trong những giờ học và nhờ vậy chàng trai Nguyễn Đình Phúc được làm với quen với khái niệm của giới nghệ sĩ nhạc cổ điển Tây phương.

Tự học nhạc lý phương Tây

Ông cũng áp dụng vốn tiếng Pháp của mình để học sáng tác và lý thuyết âm nhạc Tây phương qua sách. Một đặc điểm của nhạc cổ điển tây phương là một nền giáo dục có hệ thống rõ rệt và công khai. Nhạc sĩ tương lai này đã học theo sách của Albert Lavignac (có lẽ là cuốn Cours complet théorique et pratique de dictée musicale - Giáo trình toàn tập về lý thuyết và thực tiễn xướng âm pháp) và Vincent D'Indy (có lẽ là cuốn Cours de composition musicale - Giáo trình sáng tác âm nhạc). Khi còn thất tình ông can đảm soạn và tự xuất bản một tác phẩm theo phong cách nhạc cổ điển Tây phương là "Lệ Thu: Mélodie avec accompagnement de piano - Giai điệu với phần đệm cho đàn piano".

Nhìn lại sự nghiệp của mình, Nguyễn Đình Phúc xếp bài Lệ thu vào "dòng lãng mạn tiêu cực". Mặc dù vậy ca khúc này nằm trong vị trí đứng đầu danh sách của các tác phẩm của Nguyễn Đình Phúc và cũng được tác giả nhắc đến trong quyển hồi ký, nhưng tôi không biết ca khúc đã bao giờ được trình diễn trước người nghe.

Đoạn đầu viết cho piano có hợp âm trầm ở tay trái nghe không rõ. Tay phải của đàn piano có những chụm nốt móc ba và nốt phụ làm trang trí cho các nốt chính. Âm lượng thì tăng dần từ mezzo forte ("mf" [to vừa]) rồi đến có âm lượng forte ("f" [to]). Kèm theo có chữ tiếng Ý là subito (đột ngột). Đây là nhạc đầy cảm xúc như nhạc tưởng tượng mà Thẩm Oánh cho nhân vật Cầm soạn trong tiểu thuyết Nhạc thời gian (xem bài "Phụng sự cho nghệ thuật: Thẩm Oánh và ban đàn Myosotis"). Tốc độ của bài ca Lệ thu cũng được viết bằng tiếng Ý - andantino espressivo tức "thong thả biểu cảm”. Lúc âm thanh giảm dần cũng có những lời hướng dẫn "avec le sentiment de regret" [với cảm xúc hối tiếc].

Bản thảo nhạc bản Lệ Thu của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc với ghi chú cách thể hiện âm nhạc.

Khi giai điệu lời ca đến trong nhịp ba thì phần đệm đột nhiên giảm đến piano [âm lượng nhỏ]. Dolce là lời hưởng dẫn bằng tiếng Ý nghĩa là "ngọt ngào”. Một điều chứng minh kỹ thuật soạn nhạc của Nguyễn Đình Phúc lúc bấy giờ còn non nớt, chưa được đào tạo nhiều là cách viết các nốt nhạc (note head) không đúng chính tả. Các nốt nhạc phải viết tròn cho dễ đọc, nhưng nhạc sĩ chưa kinh nghiệm này viết các nốt nhạc bằng đường chéo ngắn.

Ở một đoạn sau phần đệm được thể hiện với tay trái. Các nốt sau móc [sextuplet] và các hợp âm chơi quá trầm nghe không rõ. Đồng thời các nốt piano của tay phải chơi các nốt của giai điệu giọng ca.

Hai ô nhịp cuối chậm lại dần (rall. = rallentando) và giảm dần từ âm lượng forte [to]. Tay phải của đàn piano chơi một hợp âm rải rồi có lời hướng dẫn "perdendosi" [mải mê, lạc lối]. Theo phương pháp nhạc cổ điển, một tác phẩm nên kết thưúc với một kết tròn hoàn toàn (perfect cadence) từ hợp âm B trưởng đến E thứ.

Đáng lẽ phải có nốt B ở vị trí đáy của hợp âm B trưởng, nhưng Nguyễn Đình Phúc chọn nốt F# làm một hợp âm đảo thứ hai (second inversion) như vậy kêt́ thúc không được tròn hoàn toàn. Các hợp âm tay trái vẫn nghe không rõ. Tác giả của bài ca cũng đề nghị ca sĩ hát nốt "G" trong ba âm vực (registers).

Bài ca Lệ thu là một tác phẩm cho ta thấy một tác giả biết nhạc tây phương qua sách, nhưng chưa được kinh nghiệm thực tế. Lời ca của bài ca này cũng đơn giản - "kiếp hoa chóng tàn" nghĩa sắc đẹp của tuổi trẻ không tồn tại mãi. Không biết Nguyễn Đình Phúc tiếc cho cô "Nàng" hay cho chính mình.

Mặc dù thế, đây là tác phẩm với nhiều tham vọng. Đến bây giờ rất ít tác giả xuất bản tác phẩm của mình với phần đệm piano. Nguyễn Đình Phúc thực sự muốn soạn một ca khúc xứng đáng cho nền âm nhạc cổ điển. Nhưng ông cũng nhận ra thiếu sót của tác phẩm đầu tay của mình.

"Chẳng học ai, lại sáng tác phứa phựa đi, không như người khác, khiêm tốn một chút, chỉ viết giai điệu và lời ca, anh ta còn cả gan viết phần đệm dương cầm cho bài hát nữa. Chàng trai có biết chút kỹ thuật cơ bản gì về loại đàn này đâu? Chẳng qua anh ta đọc vài trang sách, nghiên cứu một số bản nhạc quốc tế viết cho dương cầm và nhất là xem người ta chơi loại đàn này … thế thôi" (trích Chuyện Mình, Chuyện Đời).

Tôi nghĩ rằng ông chưa được thành công hoàn toàn, nhưng ca khúc này chứng minh một người tự học có thể soạn một tác phẩm theo phong cách một nền âm nhạc xa lạ trong một thời gian mà người Việt khó có cơ sở để hiểu biết về nền âm nhạc ấy.

(Còn nữa)

(Nguồn: BBC Tiếng Việt)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...