Mozart: Con người đằng sau những lá thư

17/01/2019

Dưới góc nhìn độc đáo của một nhà nghiên cứu lịch sử, Elizabeth Jane Timms đã tiết lộ một Mozart đời thường bên cạnh một Mozart – nhà soạn nhạc thiên tài thế kỷ 18, thông qua việc phân tích các bức thư ông gửi từ Prague, Czech.

Nhà soạn nhạc Mozart trong một bức vẽ thế kỷ 19. Nguồn: mariinsky-theatre.com

Chúng ta đã rất quen với việc “nghe” Mozart như nghe một bản giao hưởng hay một khúc aria; nhưng lắng nghe chính con người thực bên ngoài địa hạt âm nhạc của ông, đọc những lời ông thực sự nói thì lại là chuyện khác. Thư từ của Mozart là độc nhất vô nhị. Giống như thư từ của các nhà soạn nhạc khác, chúng đem đến cho chúng ta một góc nhìn sâu sắc hiếm có vào con người đằng sau âm nhạc của Mozart.

Mozart - người phàm

Từ lâu nay, nhiều nhà nghiên cứu đã áp dụng nhiều cách tiếp cận để so sánh bản thảo âm nhạc viết tay với thư từ của Mozart, tìm ra các mẫu hình về cả cấu trúc lẫn phong cách nhằm tìm kiếm điểm chung có thể có trong quá trình sáng tạo. Đôi khi có những lời đồn đại phổ biến, rằng các bản thảo âm nhạc gốc của Mozart được viết ra mà không cần chỉnh sửa, do đó càng dẫn đến quan điểm nhầm lẫn: dù đã trưởng thành thì ông vẫn là thần đồng vùng Salzburg được Chúa trời đọc cho chép lại tác phẩm ngay từ lần nghe đầu tiên. Trong khi đó, những gì biết được thông qua thư từ của Mozart lại cho thấy ông là thực sự là một người phàm; đồng hiện hữu bên cạnh con người nhạc sĩ, điều đó đã tổng hòa nên cái tôi riêng của ông. Là một phần của những gì thoáng qua trong cuộc sống thường nhật của ông, những lá thư này cho ta cái nhìn thấu đáo vào một thế giới thú vị hơn nhờ vào tính “tầm thường” của nó, ví dụ trong một lá thư gửi một người bạn thân, ông kể với vẻ vô tình (nhưng lại quan trọng như một phần của câu mở đầu lá thư): “Biểu diễn vào ngày 29/10, vở opera Don Giovanni của tôi được khán giả tán dương nồng nhiệt.”

Điều quan trọng là những lá thư của Mozart là một mảnh ghép cho thấy một phần con người ông mà chúng ta cảm nhận được bằng xương bằng thịt chứ không phải một pho tượng; chúng đắp bồi “da thịt” vào nhân vật huyền thoại thay cho một vị thần được tạc từ đá cẩm thạch.

Vậy chúng cho chúng ta thấy điều gì về người nhạc sỹ thiên tài này? Những lá thư gửi từ Prague còn sót lại của Mozart phản ánh phần nào kết quả lao động của người nhạc sĩ. Chúng được viết như thể ông biết tài năng đích thực của mình không nằm trong những con chữ, việc viết thuần túy chỉ để truyền tải thông tin, tuy nhiên cũng “vay mượn” một khía cạnh thiên tài của ông. Ngược lại, những lá thư đầy cảm xúc từ Paris ông gửi cho cha là Lepold Mozart kể về cái chết của mẹ – bà Maria Anna Mozart vào năm 1778, lại mộc mạc đến kỳ lạ và hết mực chua xót bởi cách thức thương tâm mà ông báo tin về gia đình từ nơi xa tít tắp. Những lá thư gửi người em họ của mình, Maria Thekla Mozart – hay còn được gọi là ‘những lá thư Bäsle’ – là một trường hợp riêng biệt rõ rệt. Dù phong cách thể hiện của chúng gây sốc cho những ai không thể gộp chung hình ảnh một nhà soạn nhạc của những giai điệu hiền hòa, bay bổng với hình ảnh tác giả của những lá thư này thì chúng vẫn giúp gợi nhắc cho ta tính người của nhà soạn nhạc Mozart, cũng như những gì có lẽ là một sự giải tỏa rất cần thiết để ông “xả” những nỗi bực dọc trước sức ép phải sáng tác liên tục. Và quan trọng hơn, chúng cũng cho thấy, thư từ không phải lúc nào cũng chỉ để Mozart thông báo tin tức.

Một trong những bức thư còn sót lại của Mozart. Nguồn: praguepost.com

Những lá thư Mozart gửi từ Prague cũng rất thực tế, nó thể hiện một con người đang trong một hành trình, thi thoảng dừng lại miêu tả nơi mình đã dừng chân trên đường, nơi mình đã gửi những lá thư, người mình đã gặp và ở phạm vi hẹp hơn là những việc mình đã làm. Những lá thư rong ruổi trên đường này của Mozart không giống như những lá thư nghiêm túc hơn được cha ông, Leopold Mozart, gửi về quê nhà Salzburg, với hi vọng chúng sẽ là những bản tin nhanh cho những người thân của gia đình tại quê nhà. Trên thực tế, những lá thư trên những hành trình âm nhạc này có lẽ là minh chứng hay nhất về lối sống bận rộn của ông những khi chuẩn bị cho một vở opera, tổ chức một buổi hòa nhạc, đi thăm một người bạn. Đôi khi ta cảm nhận là chỉ khi tận dụng được thời gian, ông mới kịp vơ lấy bút viết thư – ông từng thừa nhận điều này trong một lá thư từ Prague gửi cho Gottfried von Jacquin – một người bạn ở Vienna: “Cuối cùng thì tôi cũng có thì giờ viết cho anh…” quả thực, ông đã viết thêm rằng mình định viết bốn lá thư nhưng cuối cùng chỉ được một: “và thậm chí bức này cũng chỉ viết được một nửa – vợ tôi và Hofer [nghệ sĩ violin cung đình đã đi cùng họ đến Prague] đã phải hoàn thành nó”. (ed. Cliff Eisen, Mozart: A Life in Letters, Pg 520, 2006). Khi đọc kĩ, có thể thấy những lá thư này thậm chí có vẻ kích động, nhưng phản ánh chân thật về nhịp sống của Mozart khi ông viết chúng. Do đó, những bức thư Prague của Mozart đã góp phần hình thành một cái nhìn vi tế về cuộc đời ông. Chúng luôn tràn đầy năng lượng nên khi đọc chúng, ta có cảm giác sự hoạt động liên tục của ông: “Vừa tới nơi… chúng tôi lại hối hả chạy đi để ăn trưa lúc một giờ…” (Ibid, Pg 520).

Cái nhìn về đời sống âm nhạc Prague

Không chỉ phản ánh một phần cuộc sống của Mozart, những lá thư ông viết từ Prague bộc lộ một cái nhìn sâu sắc độc đáo về thành phố mà ông đã đến lần đầu vào năm 1787 – thời điểm danh tiếng của tác giả vở opera Le Nozze di Figaro đã được biết đến ở thành phố này từ trước, như lời ông miêu tả trong lá thư đầu tiên được viết ở đây. Prague của Mozart là một nơi thực tế, là một thành phố có công chúng âm nhạc chào đón ông nồng nhiệt trước khi ông thực sự đến đấy và có những đôi tai sành điệu đã được ông đánh giá cao bằng món quà là vở opera Don Giovanni và dĩ nhiên cả bản giao hưởng K504 ‘Prague’. Prague của ông là một Prague của nhà hát, bè bạn, những buổi diễn tập, những chuyến thăm, những cây đại phong cầm, những trạm bưu điện.

Nếu chỉ tính những lá thư còn sót lại của Mozart thì ông chỉ viết cho hai người từ Prague là vợ ông, Constanze và người bạn Gottfried von Jacquin. Những lá thư cho Constanze được viết khi bà không đi cùng ông, như trong trường hợp năm 1789. Nhiều giấy tờ khác còn sót lại được Mozart viết gửi tới von Jacquin hoặc gia đình ông – nay nằm trong cơ sở dữ liệu của trường Đại học Mozarteum, Salzburg; chúng còn là lời đề tặng Joseph Franz von Jacquin cùng với luân khúc đôi KV 288 (515b) do thư viện Bibliotheca Mozartiana lưu giữ và một lá thư viết từ Vienna gửi Gottfried von Jacquin sau tháng 5/1787, đề cập đến việc cha ông qua đời; lá thư sau đã được bán tại nhà bán đấu giá Christie ở Paris vào ngày 26/11/2003, đến nay là tài sản riêng của người thắng cuộc.

Ngày nay, vở “Don Giovanni” được trình diễn nhiều lần tại nhà hát Estates. Nguồn: Prague TV.

Lá thư đầu tiên gửi von Jacquin từ Prague đọc giống như một bản thảo âm nhạc viết tay theo nhiều cách bởi những mối liên quan đến âm nhạc bên trong nó: thư đề cập đến buổi vũ hội ông dự vào ngay buổi tối đến Prague, trong đó âm nhạc của vở opera Figaro đã được dùng thay cho những khúc dân vũ và vũ khúc Đức. Ngày hôm sau ông nhấn mạnh việc vì về trễ sau buổi vũ hội mà “cả sáng hôm sau lại ‘sine linea’ (không sáng tác được một dòng nhạc nào)”. Điều này được nhắc đến hẳn vì việc không thể dành thời gian cho sáng tác là bất bình thường; dòng tiếp theo tiếp tục nói rằng có một cây đàn pianoforte đặt trong phòng dành cho ông tại Cung điện Thun và ông đến đó “mà không biết là chúng tôi phải chơi một tứ tấu nhỏ…”; đêm đó cũng lại trôi qua mà không có sáng tác vì lần này ông còn bận chơi nhạc. Cũng trong thư này, ông viết mình đến nhà hát và kể về việc khi nào sẽ diễn ra buổi hòa nhạc của ông; nó diễn ra vào ngày 19 tháng Một và là dịp Mozart ra mắt bản giao hưởng K504 ‘Prague’, cùng những ứng tác từ Figaro. Ông cũng viết trong lá thư gửi von Jacquin rằng đã lên kế hoạch đi xem Figaro tại Prague, vì ‘ở đây họ chẳng nói gì ngoài Figaro; không chơi, hát hay huýt sáo bản nhạc nào ngoài Figaro; không vở opera nào được khán giả đến xem đông như Figaro…’  (Ibid, Pg 520).  Tuy nhiên, dù ngưỡng mộ Prague đến nhường nào – và dĩ nhiên điều này là thời gian trước khi diễn vở Don Giovanni – rõ ràng là ông nhớ Vienna – ngôi nhà âm nhạc của ông: “dẫu cho Prague thực sự là một nơi xinh đẹp và dễ mến – Tôi đang mong mỏi được về lại Vienna… Tôi có lẽ sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc thứ hai, và việc này khiến tôi phải lưu lại đây lâu hơn”.

Bức thư thứ hai – được viết trong khoảng ngày 15 đến 25 tháng Mười - gửi von Jacquin từ Prague tràn ngập những câu chuyện về việc chuẩn bị trình diễn Don Giovanni vào ngày 29/10/1787: “Anh chắc nghĩ rằng vở opera của tôi đã được ra mắt công chúng từ lâu nhưng có lẽ đây chỉ là sự hiểu nhầm. Trước hết, diễn viên của nhà hát ở đây không được chuyên nghiệp như đồng nghiệp tại các nhà hát ở Vienna để có thể tìm hiểu một vở opera trong khoảng thời gian ngắn như thế. Thứ hai, khi đến nơi tôi mới thấy là còn thiếu sót trong dàn dựng đến mức vở opera không thể diễn ra vào ngày 14 hôm qua…” Ông còn cho biết buổi ra mắt vở opera được ấn định vào ngày 24 tháng Mười nhưng bị hoãn lần nữa vì một ca sĩ ngã bệnh. Sau đó, ông lại viết tiếp bức thư lần nữa vào ngày 25 tháng Mười để nói rằng cuối cùng thì ngày ấn định là 29 tháng Mười và sau buổi ra mắt, ông sẽ kể về việc nó đã diễn ra như thế nào.

Bức thư thứ ba gửi von Jacquin ghi ngày 4-9 tháng Mười một năm 1787, đáng chú ý là được viết ngay sau buổi ra mắt Don Giovanni; đúng như lời ông hứa, nó bao gồm phần miêu tả về sự đón nhận vở opera được gói gọn ngay trong câu mở đầu thư. Có lẽ đây cũng là một điều quan trọng vì bấy giờ cha ông đã không còn sống để Mozart chia sẻ tỉ mỉ về thành công vang dội của mình; thay vào đó, Mozart nói về nó – một cách vắn tắt nhưng có lẽ trong lúc đang  mệt lử – với von Jacquin, chứng tỏ sự quan tâm của Mozart dành cho người bạn của mình: “Tạm biệt, người tuyệt nhất trần gian – Tôi trân quí tình bạn của chúng ta biết bao – mong sao nó mãi trường tồn!” (Ibid, Pg 522).

Vì bức thư được viết lập tức sau buổi ra mắt, chúng ta có thể hình dung rằng nó được viết tại ngôi nhà ở Uhelny Trh, nơi ngày nay vẫn có một bảng hiệu ghi lại việc ông ở tại ngôi nhà này vào năm 1787; việc nó nằm gần nhà hát Estates, nơi vở opera được biểu diễn cũng ủng hộ giả thuyết này. Phần còn lại của bức thư đề cập rất ít đến Prague lẫn buổi ra mắt, ngay cả ở đây, dù có được thành công lẫy lừng của vở opera thì sức hút của Vienna vẫn mạnh mẽ: “Mọi người ở đây đang làm mọi cách có thể để thuyết phục tôi ở lại thêm vài tháng và viết thêm một vở opera. Dẫu lời mời mọc của họ có hấp dẫn đến đâu, tôi cũng không thể nhận lời…” (Ibid, Pg 532). Mozart cũng nhắc đến một bài hát có thể là bài Das Traumbild (Hình ảnh trong mộng) mà ông viết trong chuyến đi đến Prague và ghi ngày 6/11/1787, vì thế có lẽ là thời điểm Mozart chấp bút viết thư (Ibid, Pg 532).

Dấu ấn nghề nghiệp

Các địa điểm được biết đến của những lá thư còn sót lại của Mozart từ Prague, chẳng hạn như những lá gửi cho von Jacquin và Constanze vợ ông, được giữ tại Thư viện quốc gia Áo, cho phép chúng ta nghiên cứu chữ viết của ông chi tiết hơn. Lá thư gửi von Jacquin (ngày 4-9/11/1787) được viết rất đẹp, với phong cách gothic Đức đặc trưng của Mozart, thường xuyên có những dấu gạch ngang, thi thoảng có những dấu chấm than và những dấu gạch dưới; đọc nó như thể một tổng phổ opera kĩ càng nhưng đầy hồ hởi, phản ánh nội dung đầy ắp. Thú vị hơn, dường như Mozart đã gạch dưới từ “Prague, ngày 4 tháng 11’ nhưng gạch đôi dưới năm ‘1787’, ông cũng phần nào làm tương tự với lá thư cho Constanze từ Prague, việc gạch dưới lần này, chỉ có từ ‘Prague’ và sau đó gạch dưới con số chỉ năm hai lần, như thể nhấn mạnh với vợ các địa điểm chính xác nơi mình đang ở trên đường về nhà. Đây là điều khiến bức thư sau đặc biệt thú vị; nó là một bức thư nhanh nhỏ gọn riêng tư, cá nhân, vội vã, được viết bằng cùng nét chữ viết tay gần như như gà bới, ‘In Eile…’ [một cách vội vã]. Chữ kí của Mozart được gạch dưới  bằng kiểu răng cưa ba lần, với vẻ bay bướm đậm chất sân khấu.

Câu sau có thể được coi như phản ánh phần lớn lối sống của Mozart.

Mặc dù chẳng những lá thư cho chúng ta thấy những lời lẽ từ bản thân Mozart song dường như ông không nói hết lời mình, năng lượng của ông có lẽ chảy về một nơi nào khác. Tuy nhiên những bức thư từ Prague vẫn miêu tả những gì ông thấy là quan trọng để đề cập và là những minh họa cho các hoạt động của ông, trong tư cách con người và nhạc sĩ. Và như một phần trong nhân dạng của ông, chúng cũng phản ánh chính xác sự thống trị của âm nhạc trong đời ông, như một nhân vật chính trong một vở opera, sau đó là trong những lá thư của ông. 

Trong các bức thư còn sót lại từ Prague của Mozart – có năm bức được xếp trong cơ sở dữ liệu của Mozarteum – không bức nào được lưu giữ ở Prague, tại Cục Lưu trữ thành phố hay bất kì đâu khác, có lẽ lí do rõ nhất là cả hai người nhận thư đều ở Áo. Trong ba bức gửi Gottfried von Jacquin ở Vienna thì một đang thuộc sở hữu cá nhân, bức thứ hai đang ở Cục lưu trữ Khu vực Quốc gia tại Trebon, miền nam Bohemia. Một bức thứ ba được giữ ở Thư viện quốc gia Áo, tại Vienna. Tương tự thế, hai lá thư còn lại gửi cho Constanze từ Prague năm 1789 cũng có những địa chỉ đến khác nhau; bức đầu từ ngày 10/4/1789, được bán tại nhà đấu giá Christie ở London như một phần của đợt ‘Những quyển sách & bản thảo’ (Sale 4791) vào ngày 24/6/1992, với tên ‘Lô 2: Mozart, Wolfgang Amadeus, Một bức thư có chữ kí gửi vợ ông’; không rõ nó nằm trong bộ sưu tập cá nhân nào, nhưng nó đã vượt qua mức định giá bán đầu khoảng 45.000 đến 55.000 bảng, sau được bán với giá 60.500 bảng. (Christie’s, retrieved 07/06/18).

(Nguồn: https://www.praguepost.com/culture/mozarts-letters-and-prague)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...