Một thời vì trẻ thơ - Một đời vì trẻ thơ
Nhạc sĩ Trương Duy Huyến cùng nữ phiên dịch hướng dẫn trẻ em Nhật bản và Việt Nam chơi trò chơi
Giữa những ngày Đà nẵng “bão dông” chống dịch, tôi đã có dịp trò chuyện với một trong những nhạc sĩ chuyên sáng tác cho thiếu nhi, đó là nhạc sĩ Trương Duy Huyến - Chủ tịch hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. Câu chuyện xoay quanh những trăn trở của anh về sáng tác cho thiếu nhi hiện nay.
Nhạc sĩ Trương Duy Huyến đệm đàn ghi ta cho 1 học sinh hát tặng thân phụ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi
tại nhà ở Thanh Quýt - Điện Bàn - Quảng Nam
1. Thưa nhạc sĩ Trương Duy Huyến, sáng tác cho thiếu nhi, nhiều nhạc sĩ nói rằng: khó, vậy mà anh đã dành gần 40 năm sự nghiệp sáng tác của mình cho thiếu nhi, điều gì đã giúp anh có được sự đam mê này? Nhạc sĩ hãy chia sẻ về tác phẩm đầu tay của anh được các em thiếu nhi đón nhận?
+ Tôi có một quãng thời gian khá dài công tác trong ngành giáo dục với tư cách là thầy giáo dạy môn tiếng Anh rồi sau đó chuyển về công tác tại Nhà Thiếu nhi (Cung Văn hoá Thiếu nhi bây giờ) vì vậy tôi đã có rất nhiều cơ hội và rất thuận lợi trong việc sáng tác ca khúc cho các em. Được làm việc trong môi trường trẻ thơ; cùng vui, cùng tiếp xúc với trẻ thơ đã tạo cho tôi niềm đam mê sáng tác cho các em. Hơn 100 ca khúc viết cho các em. Tác phẩm đầu tay là một ca khúc viết trong đêm lửa trại với tựa đề Ánh lửa tình bạn. Ca khúc viết xong không chỉ riêng các em thiếu nhi đón nhận mà các bạn thanh niên cũng rất thích, thường hát trong những đêm lửa trại. Có lẽ với sự đón nhận ca khúc này của đông đảo thanh thiếu nhi trong cả nước đã tạo cho tôi niềm vui lớn để tiếp tục theo đuổi công việc sáng tác cho các em.
2. Được biết nhạc sĩ có một thời gian làm ủy viên Hội đồng Đội thiếu niên Trung ương, điều ấn tượng nhất đối với nhạc sĩ thời gian này là gì?
+Tôi tham gia Hội đồng Đội Trung ương khóa 4; Lúc đó Trung ương Đoàn cơ cấu một trong các giám đốc cung, nhà thiếu nhi của cả nước vào tham gia Hội đồng và tôi may mắn được chọn. Là Ủy viên HĐĐ TW tôi được tham gia các cuộc Hội nghị, hội thảo bàn những chương trình, kế hoạch hoạt động lớn của Đội Thiếu niên tiền phong HCM. Và ấn tượng nhất là tôi được tham gia Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ 5 tại Hà Nội và Nghệ An quê Bác và được chọn cử làm trưởng đoàn hướng dẫn đoàn thiếu nhi Việt nam dự trại hè Châu Á Thái Bình dương tại thành phố Fukuoka Nhật Bản năm 1999.
3. Năm 2010 nhạc sĩ cho ra mắt 50 ca khúc cho thiếu nhi mang tên Bốn mùa yêu thương đánh dấu một chặng đường sáng tác cho thiếu nhi của mình, xin anh chia sẻ đôi chút về chặng đường sáng tác này? Kỷ niệm đáng nhớ nào? Tại sao anh chọn tiêu đề của tập ca khúc là Bốn mùa yêu thương?
+ Năm 2010 cũng là năm tôi có dự định chuyển công tác sang một lĩnh vực công tác khác, vì vậy trước khi chia tay với môi trường tuổi thơ, tôi nghĩ nên chọn một số ca khúc thiếu nhi để ấn hành một tập ca khúc - coi như đánh dấu một chặng đường, một kỷ niệm đẹp trong đời. Bốn mùa yêu thương là tên của một ca khúc mà thiếu nhi rất thích. Tôi đã chọn ca khúc này để đặt tên cho tập nhạc.
4. Nhạc sĩ từng nói: “Muốn ca khúc của mình được các em yêu thích thì cần sống cùng trẻ, hiểu trẻ và thở cùng hơi thở của trẻ”, có thể coi đó là sự “hóa thân” không, thưa nhạc sĩ?
+ Không! Không nhất thiết phải hoá thân để sáng tác cho các em.. Tuy nhiên khi viết cho tuổi thơ thì người nhạc sĩ cần sống lại với những kỷ niệm và cảm xúc về tuổi thơ của mình cộng với môi trường và cuộc sống hiện tại. Có vậy ca khúc mới phù hợp với các em.
5. Trước khi đảm nhận vai trò Chủ tịch hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, anh là Giám đốc Nhà văn hóa thiếu nhi Đà Nẵng, nơi còn được gọi là ngôi nhà chung của thiếu nhi Đà Nẵng. Xin anh cho biết Nhà VHTN Đà Nẵng đã được các em đón nhận như thế nào? Và Nhà VHTN Đà Nẵng đã đóng góp gì trong đời sống tinh thần của thiếu nhi Đà Nẵng?
+ Cung Thiếu Nhi Đà Nẵng, cũng như các cung, nhà Thiếu nhi khác trên cả nước, với chức năng là trung tâm giáo dục ngoài nhà trường đã góp phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu về thẩm mỹ nghệ thuật, thể dục thể thao và khoa học kỹ thuật cho trẻ em. Vì vậy đã được phụ huynh và các em đón nhận như một điều tất nhiên. Từ khi thành lập (1979) đến nay, hiện thân là CLB Văn hóa Thiếu nhi TP Đà Nẵng, rồi chuyển thành Nhà Thiếu nhi và bây giờ là Cung Thiếu nhi Đà nẵng đã đóng góp rất nhiều trong đời sông tinh thần của thiếu nhi Đà nẵng. Đây chính là chiếc nôi để các em trưởng thành. Ví dụ như Thanh Trà, Tường Vân, Trúc Lam, Cao Minh Đức, Mỹ Tâm, Kasim Hoàng Vũ, Hoàng Hà, Phi Thúy Hạnh, Tân Vinh, Mạc Như Quỳnh, Bội Trân đều được bồi dưỡng và trưởng thành từ ngôi nhà tuổi thơ này.
6. Phụ trách Cung thiếu nhi Đà Nẵng một thời gian dài bây giờ nhớ lại anh có điều gì chia sẻ?
+ Gần 40 năm làm công tác thiếu nhi, tôi đã có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Không thể kể hết!
Nhớ lại thời còn công tác ở đó rất vui! Lúc đó ca khúc dành cho các em đã bắt đầu “khan hiếm”, tôi và một số nhạc sĩ khác như Thái Nghĩa, Phạm Quang Trung, Trịnh Tuấn Khanh đã phải động viên nhau viết cho các em, đặc biệt viết cho thiếu nhi Đà Nẵng. Ca khúc chúng tôi viết ra được các em đón nhận và có sức lan toả rất lớn… Cũng nhờ vậy mà chúng tôi hăng say viết, mặc dù biết rằng viết cho các em thì không đem lại thu nhập về kinh tế, nhưng bù lại chúng tôi có được niềm vui về tinh thần rất lớn, quý hơn cả vật chất!
Có thể nói nếu thời gian quay trở lại thì tôi vẫn chọn công việc đã từng chọn. Vì làm công tác thiếu nhi, sáng tác ca khúc cho thiếu nhi đã cho tôi nhiều niềm vui và hạnh phúc!
7. Tuyển tập ca khúc dành cho thiếu nhi Em lớn lên cùng đất nước anh hùng xuất bản năm 2017. Xin nhạc sĩ cho biết đến nay đã có bao nhiêu tác phẩm đến được với các em thiếu nhi? Và dưới các hình thức nào?
+ Theo tôi được biết chỉ có khoảng 20% ca khúc được dàn dựng, giới thiệu trên Đài truyền hình, phát thanh và được sử dụng trong các chương trình nghệ thuật. Lý do: ca khúc thiếu nhi khó có điều kiện dàn dựng hoặc phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng! Đây cũng là một hạn chế và thiệt thòi cho các nhạc sĩ sáng tác cho thiếu nhi
8. Anh suy nghĩ gì trước ý kiến: “Hiện nay ở một số buổi lễ khai giảng, bế giảng nhiều trường đã chọn các bài biểu diễn cho học sinh là nhạc ngoại, ít thấy các ca khúc tuổi học trò”?
+ Đây là một vấn đề cần phải bàn bạc nhiều mới ra lẽ. Nói vậy là không ổn, bởi có thể hiện tại có nhiều cái giải trí vây quanh quá mà người thưởng thức và đặc biệt trong trường hợp này là các thầy cô giáo chưa phân biệt được chân giá trị của nghệ thuật. Nhạc ngoại mà hay thì cũng tốt thôi mà! Nhưng vấn đề ở đây là ca khúc đó như thế nào? Đôi khi ca khúc viết cho học trò mà chưa được ổn thì là vấn đề khác! Tóm lại trong những chương trình như vừa nêu thì các thầy cô nên chọn nhưng ca khúc đã được ổn định, được thẩm định bởi các chuyên gia âm nhạc để phục vụ cho các buổi lễ khá trọng đại đối với tuổi học trò.
9. Tôi được biết huyện Hòa Vang đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, thành lập các CLB dân ca trong hơn 40 trường học các cấp, và nhạc sĩ cũng cho rằng: đây là tín hiệu vui trong việc bồi đắp, giáo dục và định hướng thị hiếu âm nhạc cũng như giữ gìn giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc. Vậy tới nay việc làm này đã được nhân lên như thế nào, thưa nhạc sĩ?
+ Không riêng gì Hòa Vang đâu! Tất cả các quận huyện trong thành phố cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian, thành lập các CLB dân ca. Có lẽ Hòa Vang là mạnh nhất. Tôi cũng rất vui với tín hiệu tích cực này. Tuy nhiên cũng không nên tôn vinh quá đáng. Trong thời đại thế giới phẳng, kỹ thuật số thì giữ gìn giá trị âm nhạc truyền thống dân tộc là rất cần nhưng cũng cần phải hòa nhập với xu thế hiện đại của thế giới.
10. Với tư cách là một nhạc sĩ gần 40 năm sáng tác cho thiếu nhi, nhạc sĩ có thể cho biết những suy nghĩ, nhận xét về tình hình sáng tác cho thiếu nhi ở Đà Nẵng hiện nay.
+ Với 40 năm hoạt động âm nhạc mà phần lớn thời gian là dành cho trẻ em, theo tôi, xét về tình hình sáng tác cho thiếu nhi ở Đà Nẵng hiện nay gần như đã chựng lại. Sau tập ca khúc Em lớn lên cùng thành phố anh hùng là sản phẩm của đợt vận động sáng tác cho thiếu nhi do Hội Âm nhạc và Cung Thiếu nhi phối hợp tổ chức thì các nhạc sĩ gần như đã “quên” viết cho trẻ em!
11. Với tư cách là Chủ tịch hội Âm nhạc thành phố Đà Nẵng, Phó chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, theo anh Đà Nẵng cần phải làm gì hơn nữa để giúp các nhạc sĩ trở lại với trẻ em, như ngày xưa?
+ Đây là câu hỏi khó. Một bài toán mà Hội Âm nhạc nói chung, bản thân tôi nói riêng không thể đưa ra một đề nghị cho một giải pháp cụ thể. Nếu được thì cần sự đồng hành của nhiều đơn vị, nhiều cơ quan cùng vào cuộc như Sở Giáo dục Đào tạo, Thành đoàn, Đài Phát thanh, truyền hình, Cung Văn hoá Thiếu nhi… đã tổ chức nhiều hoạt động văn hoá văn nghệ cho thiếu nhi, tạo nhiều sân chơi cho các em nhằm định hướng, giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em.
12. Đúng vậy, tuy nhiên Hội Âm nhạc thành phố với vai trò là hội nghề nghiệp sẽ làm gì để góp một phần trách nhiệm và tác động tới các đơn vị liên quan, thưa nhạc sĩ?
+ Với chức năng của mình, sắp tới Hội Âm nhạc sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức các chương trình cụ thể như: quảng bá các tác phẩm thiếu nhi, mở trại sáng tác ca khúc thiếu nhi và tham gia hội thảo văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi.
Doãn Ánh Quyên (thực hiện)
Đà Nẵng 12/08/2020