Một chân dung làm nên từ những bài hát trữ tình: Hoàng Hiệp
Tưởng niệm 4 năm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (1931-2013), hoinhacsi đăng lược trích chân dung nhạc sĩ Hoàng Hiệp từ cuốn sách Tác giả - tác phẩm tập III của Nguyễn Thị Minh Châu (Viện Âm nhạc, 2007).
Hồn nhạc được sinh ra từ ngọn lửa trái tim người sáng tác.
Cuộc sống là cái sản sinh ra ngọn lửa ấy.
Hoàng Hiệp[1]
Hồn nhạc của Hoàng Hiệp được sinh ra từ ngọn lửa ấm áp, nồng nàn chất trữ tình. Trữ tình như một mạch chảy không ngừng xuyên qua các giai đoạn sáng tác của ông, kể cả trong thời kì chiến tranh ác liệt nhất. Mạch trữ tình ấy thường được khởi nguồn từ thơ ca. Ai đó từng gọi ông là “Ông hoàng của nghệ thuật phổ thơ”. Quả thực, Hoàng Hiệp là một trong số ít nhạc sĩ có biệt tài chắp cánh cho thơ. Với giai điệu giàu cảm xúc của ông, nhiều bài thơ nổi tiếng như có thêm cuộc đời mới, bay bổng hơn và bay xa hơn.
*
Cậu bé Lưu Trần Nghiệp ra đời ngày 1-10-1931 tại An Giang, trong một làng cù lao nằm giữa sông Tiền. Là niềm hi vọng của gia đình, cậu bé như được “định hướng” vào nghề thuốc theo truyền thống bên nội, hoặc nghề giáo của bên ngoại. Vậy mà đời cậu lại chẳng an bài theo số phận.
Vốn đa sầu đa cảm, bé Nghiệp rất dễ rớt nước mắt trước những điệu hát buồn thảm.
Hà rứa hà rứa mô đành
Mần rứa mần rứa sao đành
Sao cho đành
Anh hỡi anh!...
Một ông đồ xứ Nghệ thất cơ lỡ vận đến ngụ nhà cậu vẫn thường hát ru như vậy. Giai điệu bài ca rầu rĩ như lời người bị tình phụ đã làm cậu bé tan nát cả tâm can. Chú nhóc bốn - năm tuổi ấy vờ như đang ngủ mà thực tình đang thổn thức trong lòng theo câu hát: “Sao cho đành, anh hỡi anh! Sao cho đành…”.
Nhà nghèo cố lắm mới đủ ăn chứ không đủ mặc, mấy anh em quanh năm chỉ mặc quần xà lỏn. Vì hay ốm đau quặt quẹo nên cậu con trai thứ được má chăm chút hơn, ưu tiên hơn cả mấy đứa em gái. Tết đến má phải lấy vải đỉnh màn nhuộm vỏ cây để may cho bé Nghiệp chiếc quần dài.
Không đủ sức nuôi các con ăn học, ba má đành gửi bé Nghiệp về nhà ngoại ở thị xã Sa Đéc. Nhiều đêm cậu bé thao thức trong nỗi nhớ nhà, bứt rứt trong tiếng rao hàng đơn côi, trong những câu hò mênh mang trôi theo dòng sông trước nhà ngoại. Tiếng hò xốn xang bao nỗi niềm có một sức quyến rũ lạ kì. Có đêm sự quyến rũ ấy đã thôi miên vẫy gọi, lôi cậu vùng dậy chạy dọc bờ sông đuổi theo giọng hò như người mộng du, không đuổi kịp được nữa thì một mình đứng khóc mùi mẫn cho tới lúc ngoại tất tả kiếm ra dắt về.
Năm 1945, khi cơn lốc Cách mạng tràn về thức tỉnh cái làng nhỏ im lìm cũng là lúc những bài ca yêu nước làm bừng lên khả năng ca hát ở cậu thiếu niên nhút nhát. Ngày nào còn là chú nhóc thèm bơi lội mà không có gan nhảy đại xuống nước như lũ bạn, muốn tập đi xe đạp mà sợ té chẳng dám liều mình leo lên chiếc xe. Ngày nào còn là đứa trẻ ủ dột, trầm tư, nghiền đọc truyện nên nhiều lúc cứ như người mất hồn, chỉ thích núp dưới gầm cầu hay chui xó xỉnh nào không ai hay biết để tha hồ chìm đắm vào thế giới xa vời trong sách vở. Giờ đây nhờ ca hát, cậu như lột xác thành con người mới. Cậu dám nhảy lên sân khấu hát hết bài này tới bài khác dẹp cơn hoảng loạn của dân vùng giáp ranh khi bất ngờ có loạt súng nổ. Chưa đến tuổi cầm súng chiến đấu, cậu vẫn có mặt trong đội quân vác tầm vông đi cướp chính quyền, rồi tham gia Đoàn tuyên truyền lưu động Long Xuyên phục vụ Cách mạng bằng tiếng hát, “hát đến rát cả cổ họng, hát đến muốn vỡ tung lồng ngực”[2]. Nếu không xảy ra sự kiện Cách mạng, chưa biết cuộc đời cậu bé thích ca hát đó phải đi theo ngả nào. Sẽ có một thầy thuốc hay nhà giáo Lưu Trần Nghiệp, chứ chắc không thể có một nhạc sĩ Hoàng Hiệp!
Đam mê ca hát vừa bùng lên đã kéo theo một niềm đam mê mới: học đánh đàn. Trong làng có cả một đội nhạc lễ, nhiều người biết chơi đàn cò, đàn kìm, đàn tranh những bản nhạc cổ. Nhưng lần đầu tiên được nghe người ta vừa hát nhạc mới vừa họa theo bằng đàn mandoline, cậu thiếu niên đã thực sự bàng hoàng và nhất quyết thực hiện kì được “giấc mơ lớn” của đời mình. Quả là giấc mơ quá lớn vì một cây đàn mandoline đáng giá bằng mấy chục giạ lúa. Thương con trai, ba phải vét sạch số lúa còn lại trong nhà đem bán rồi lùng mãi mới mua được cho con chiếc banjo cũ kĩ.
Cây đàn trầy xước không còn đủ dây đã trở thành vật quý giá nhất đời của cậu bé. Lúc nào cũng giữ khư khư cây đàn, ngủ cũng ôm đàn, cậu nhất quyết không cho ai đụng đến báu vật của mình. Một nốt nhạc cắn đôi không biết, cậu bấm mò trên phím tìm kiếm giai điệu như một em bé “tập đi mà không ai dắt”[3]. Đàn được hết vốn liếng bài hát đã thuộc rồi, cậu lại có tham vọng lớn hơn, muốn nhìn bản nhạc mà đàn được những bài chưa quen biết. Đành phải xông pha vào môn kí xướng âm, nghe nói khó chẳng kém gì môn đại số. Đánh vật với những nốt “đồ - rê - mi”, cuối cùng cũng đến một ngày cậu đã tự xóa được nạn “mù nhạc”, biết đàn cả những bài ca ghi trên năm dòng kẻ.
Cùng cây đàn đầu tiên của đời mình, Hoàng Hiệp đã thoát li gia đình đi kháng chiến, lấy lời ca tiếng hát làm vũ khí chống kẻ thù, làm điểm tựa tinh thần để đối mặt với gian khổ, thiếu thốn và bệnh tật. Cùng cây đàn đó, chàng trai mười bảy tuổi đã vô tình đặt bước chân đầu tiên lên một ngưỡng cửa mới của nghệ thuật âm nhạc: sáng tác ca khúc. Bài hát “vỡ lòng” của chàng nhạc sĩ chưa tên tuổi này là cảm xúc không thể kìm nén, không thể chia sẻ cùng ai nỗi đau mất một người em gái nhỏ. Trong bốn năm mất liền ba đứa em gái, nước mắt cứ trào ra khi mường tượng ba má chịu đựng nỗi bất hạnh này ra sao. Lặng lẽ trốn vào chiếc ghe của ai đó, chàng ôm đàn thầm thì những lời ca khóc em. Chưa hề được trang bị một chút kiến thức âm nhạc nào, bài hát đầu tay mang đậm ảnh hưởng của những bài ca tiền chiến, nhất là những ca khúc của các nhạc sĩ Văn Cao và Lưu Hữu Phước - hai thần tượng mà chàng trai trẻ vô cùng ngưỡng mộ.
Năm 1954, Hoàng Hiệp theo Đoàn Văn công Nam bộ tập kết ra Bắc. Vừa theo học khóa sáng tác đầu tiên (năm 1956) tại Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Hà Nội), nhạc sĩ trẻ đã nổi danh với Câu hò bên bờ Hiền Lương (lời: Hoàng Hiệp - Đằng Giang). Hoàng Hiệp tự cho rằng từ đó trở đi đời ông may nhiều hơn rủi: được chọn một nghề nghiệp phù hợp với khả năng, được học hành đến nơi đến chốn, được làm việc tại các nhà xuất bản âm nhạc (Nhà xuất bản Mĩ thuật âm nhạc từ 1960 và Nhà xuất bản Giải phóng từ 1969). Công việc biên tập đã cho ông một điều kiện đáng ao ước đối với người sáng tác, đó là được tiếp xúc với nhiều tác phẩm âm nhạc.
Sau ngày Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời (năm 1961), Hoàng Hiệp là một trong những người được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước “chọn mặt gửi vàng” giao nhiệm vụ viết về quân giải phóng. Thế là trong đội ngũ sáng tác cho miền Nam lúc đó có thêm một tác giả: Lưu Nguyễn, họ thật của chàng Lưu ghép với họ Nguyễn của cô người yêu.
Với bút danh bí mật nghe như mượn tên nhân vật của câu chuyện về một chốn thiên thai nào đó, Hoàng Hiệp viết liền một lúc hai hành khúc chiến đấu: Giải phóng quân hành khúc và Giờ hành động. Bài đầu về sau đổi tên Hành khúc giải phóng, bên cạnh tên tác giả Lưu Nguyễn có thêm Long Hưng - đó là nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Huỳnh Văn Tiểng tham gia đặt lời. Bài này được nhận giải thưởng Văn học nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu năm 1965. Còn Giờ hành động cũng được phổ biến rộng rãi, đặc biệt nó còn bay tới các đô thị tạm chiếm, được hát trong các phong trào học sinh sinh viên miền Nam. Những người bạn Mỹ tham gia phong trào chống chiến tranh ở Việt Nam cũng thuộc bài hát này, họ từng xuống đường biểu tình và hát những bài ca tiếng Việt: Dậy mà đi và Giờ hành động.
Để giữ kỉ niệm về hai hành khúc mang tên Lưu Nguyễn, nhạc sĩ đã đặt tên con trai đầu lòng theo bút danh đó. Nếu như người ta thường quan niệm đời nghệ sĩ dễ lận đận long đong, thì cuộc sống riêng của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là ngoại lệ: tình yêu và hôn nhân của ông đều thuận buồm xuôi gió, chẳng cần phải ba chìm bảy nổi đã được yêu và được lấy người như ý. Tổ ấm gia đình là một góc trời êm ả, tiếp sức mạnh cho ông, để ông yên lòng lao vào những chuyến đi thực tế nối tiếp nhau trong suốt cuộc đời sáng tác của mình.
Là người con của quê hương miền Nam, dễ hiểu vì sao trong thời kì đất nước còn chia cắt, Hoàng Hiệp đã rất thành công ở những bài ca gửi về đất mẹ thương nhớ. Ông nắm bắt những góc độ bất ngờ của những con người vô danh, những công việc bình thường, và làm cho những hình ảnh xúc động trở nên lung linh hơn trong âm nhạc. Em gái vừa hò khoan vừa vác hòm đạn tám mươi cân với “hình cánh hoa lan trên vai áo trắng ngần là vết xước đinh hòm vừa mới xé”[4]. Mẹ già bao năm đào hầm đủ giấu cả sư đoàn trong lòng đất, và nơi hầm tối đã thành nơi sáng nhất để soi tỏ tấm lòng và sức mạnh con người Việt Nam[5]. Sức mạnh con người còn được thể hiện qua những ngọn đèn dầu chong mắt đêm thâu trên đường ra trận, những cây tre rừng làm nhà biến thành chông diệt giặc, những đoàn xe không kính, không đèn, không mui, chỉ cần có một trái tim nóng bỏng để lao ra trận tuyến[6]. Sức mạnh tinh thần tiềm ẩn ở những người con trai con gái nơi tiền tuyến biết gạt đi mọi nỗi nhớ riêng tư, ở những người vợ người yêu nơi hậu phương biết đợi chờ cũng là hạnh phúc, như xưa kia ông bà cha mẹ ta đã từng đợi chờ nhau [7].
Vốn sống được tích lũy từ những chuyến đi, nhiều cảm xúc cũng xuất phát từ đó, nhiều ca khúc thành công là kết quả của thực tế đời sống mà nhạc sĩ được tận mắt chứng kiến. Sẽ không có được một Ngọn đèn đứng gác (1966, thơ: Chính Hữu) đầy xúc động và niềm tin nếu tác giả chưa từng đội bom lên cầu xuống phà trên tuyến lửa khu Bốn chết hụt không dưới ba lần. Sẽ chẳng có một Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (1971, thơ: Phạm Tiến Duật) hay Lá đỏ (1975, thơ: Nguyễn Đình Thi) đằm thắm và đầy sức sống nếu tác giả chưa từng lặn lội trên con đường mòn lịch sử. Từ cảnh thực người thực, từ những mảnh đời và số phận khác nhau, bình dị mà đáng khâm phục đã kết tinh thành câu ca tứ nhạc. Hình ảnh một má Năm có thực trong đời đã làm nên Đất quê ta mênh mông (thơ: Dương Hương Li), một phụ nữ xa chồng như nhiều phụ nữ trong chiến tranh đã dẫn đến Em vẫn đợi anh về (1980, thơ: Lê Giang). Quả thực bài ca không thể ấn tượng đến thế nếu trong chiến tranh tác giả đã không gặp người phụ nữ ấy. Chị là một người vợ lính luôn bình thản vui vẻ như chẳng hề sống trong cảnh bặt tin chồng nhiều năm. Chiến tranh kéo dài đã biến con người ta thành chai sạn, sắt đá, không còn biết nhớ nhung buồn bã nữa sao? Đâu phải, thì ra chị đã cất giấu không biết bao nhiêu nước mắt vào bóng đêm, cất giấu nỗi đau khổ nhớ thương vô bờ vào những vết răng cắn hằn sâu suốt dọc thành giường.
Trước 1975, Hoàng Hiệp còn viết nhiều về đề tài xây dựng cuộc sống mới trên miền Bắc. Ông hát về cánh đồng mười tấn rồi lại đến với nhà máy thép gang, hát từ thượng nguồn đến cánh đồng vùng chiêm trũng, hát dưới ánh sáng đèn dầu xóm bản đến đêm trăng đồng bằng, hát với anh lái xe trên tầng, hát cùng cô xã viên nông nghiệp...
Sau 1975, đề tài này được bổ sung thêm nhiều bài mang tên các vùng đất phía Nam: từ Huế đến Cà Mau, từ Đà Lạt đến Nha Trang, từ Tây Ninh đến Đồng Tháp... Nếu trong đề tài về chiến tranh Hoàng Hiệp thường phổ thơ, thì ở đề tài về quê hương ông thường tự viết lời, có lẽ đó là những cảm xúc trực tiếp sau mỗi chuyến đi về các vùng miền đất nước. Bài Trở về dòng sông tuổi thơ không gắn liền với địa danh nào cụ thể, lại có phần nổi trội hơn nhiều bài khác. Bên cạnh đường nét giai điệu giàu cảm xúc, yếu tố thành công còn nhờ vào lời ca truyền cảm và đẹp như một bài thơ. Bài hát không “trói buộc” vào một địa phương nào càng làm cho nhiều người dễ cảm thấy như chính nỗi lòng mình đang hát về con sông quê của riêng mình.
Một điểm đặc biệt nữa trong đề tài quê hương, là chưa có “địa phương ca” nào của Hoàng Hiệp, kể cả những bài dành cho quê hương miền Nam ruột thịt, được công chúng yêu thích hơn Nhớ về Hà Nội - “Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”[8], và một thời thanh xuân của chính ông.
Trong giai đoạn hòa bình, đòi hỏi chính đáng của giới trẻ là được hát về tình yêu đã thôi thúc Hoàng Hiệp viết nhiều tình ca. Thực ra, chủ đề tình yêu đã xuất hiện từ lâu trong những bài ca “ngày Bắc đêm Nam”, những ca khúc kể về tình người hậu phương gửi người ra trận, về nỗi nhớ nhau giữa cô thanh niên xung phong với chàng lính lái xe đang xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Nhưng, như các bạn trẻ thời nay nhận xét, những bài hát “một thời đạn bom” [9] ấy chỉ có 50% tình yêu đôi lứa, còn 50% kia vẫn không quên nhiệm vụ. Vậy, “tình yêu 100%” phải từ thập niên 80 trở đi mới thực sự trở thành một chủ đề chính trong sáng tác của ông.
Tình yêu đôi lứa là đề tài muôn thuở trong thơ và ca. Chẳng gì ngăn cản được thơ tình dù là chiến tranh, chẳng lẽ nhạc tình phải chịu mãi cảnh đứt đoạn, kể cả lúc chiến tranh đã qua đi? Chẳng lẽ âm nhạc cách mạng chỉ nói về tình yêu đất nước, tình yêu con người chung chung chứ tránh “đụng” tới tình lứa đôi? Còn cái khó nữa là viết sao cho khỏi trùng lặp trong đề tài muôn thuở này?
Nhạc sĩ đã trả lời những thắc mắc đó bằng tác phẩm. Và thời gian đã trả lời bằng hiệu quả của những gì có được từ cảm xúc tình yêu trong ông, đó là Con đường có lá me bay, Tình yêu thì thầm và Mùa chim én bay (thơ: Diệp Minh Tuyền), Cùng cơn mưa, Hư ảo tình ta (thơ: Lê Thị Kim), Về phía ấy tình yêu (thơ: Lê Giang), Đánh mất (thơ: Thanh Nguyên), Tình đầu (thơ: Tôn Nữ Thanh Yên)…
Viết về tình yêu đôi lứa khi đã bước qua tuổi 50, 60... rồi 70, nhạc sĩ cho thấy một quan niệm và cách thể hiện tình yêu của lớp người từng trải, từng hi sinh mất mất. Đó không phải loại tình ca giận hờn đỏng đảnh một cách hời hợt, hoặc đau đớn não nề một cách giả tạo như thường gặp trong nhiều bài hát “thời thượng” của “âm nhạc kinh tế thị trường”. Tình yêu của Hoàng Hiệp không phải trò đùa, không mờ ảo sương khói, không là cỏ, là gió, chợt đến rồi đi[10]. Yêu, không theo cái cách bột phát, lộ liễu, gấp gáp, mà có phần “cổ điển” trong cái nghĩa kín đáo, sâu nặng, bền lâu. Với ông, tình yêu luôn thủy chung, sắt son, trọn vẹn. Nếu thuở nào đã nhắn nhủ nhau lời thề: “Bến thì một dạ, khăng khăng đợi thuyền”, thì nay ông vẫn muốn giữ cho tình yêu “một màu hoa tím”[11]. Chỉ một lần đến là có một đời để nhớ để yêu, là nguyện nuôi tình yêu trẻ mãi đến trọn đời[12]. Chữ yêu luôn đi kèm với chữ tin, dù xa cách vẫn biết “anh đang nghĩ với em những điều em nghĩ” và “anh vẫn thấy đời không lẻ loi” [13]. Những nàng Tô Thị của hôm nay cũng như trong quá khứ, của thời bình cũng như thời chiến, luôn mong mỏi “đợi anh về” để có một hạnh phúc thật giản dị, đời thường: được ghen được hờn, được thương được giận, được cùng chồng hôn con[14].
Hoàng Hiệp ngợi ca những mối tình sáng trong như nắng mai vàng, đầy đặn như biển ôm bến nước, còn “Em” dịu dàng như cơn gió nhẹ, như cánh én mỏng, ấm êm như một vầng nắng giữa đời mưa sa[15]. Cũng có những phút giây “đánh mất”, nhưng ngay lập tức người trong cuộc sực tỉnh ngộ “anh không ra đi mà như trở lại”[16]. Khoảng cách thời gian, không gian chẳng làm nhạt đi niềm tin về một tình yêu vĩnh cửu, một tình yêu không già.
Tình khúc của Hoàng Hiệp được tuổi trẻ nồng nhiệt đón nhận, song cũng vì những bài hát tình “anh - em” đó mà ông từng phải chịu nhiều oan trái. Có lúc người ta đã gay gắt phán xét: “Hoàng Hiệp trước đây sáng tác nhạc đỏ, bây giờ chuyển sang sáng tác nhạc vàng!”[17]. Dù nhiều năm không được xuất bản và không được phát sóng trên các đài Phát thanh và Truyền hình, những bản tình ca đó vẫn luôn là tiết mục “tủ” của nhiều chương trình ca nhạc. Bài Khi anh nhìn em (thơ: Lê Thị Kim) được bổ sung vào phút cuối trong chương trình biểu diễn tại Liên Xô của Đoàn ca nhạc Tháng Tám không ngờ được khán giả Xô viết hoan nghênh đến thế. Nơi em gặp anh cũng được công chúng ngoài nước biết đến, được thu băng ở Cộng hòa Liên bang Đức, được chọn làm tiết mục đơn ca của một đoàn ca múa nhạc nhẹ Liên Xô.
Định kiến một thời rồi cũng qua đi, và còn lại trong đời sống âm nhạc đương đại vẫn là những tình ca giàu sức sống.
Sống giữa một thành phố trung tâm của các phong trào ca hát như Thành phố Hồ Chí Minh, Hoàng Hiệp viết nhanh và nhiều hơn trước. Nhiều bài hát của ông được nhận giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải thưởng Văn học nghệ thuật Hà Nội, giải thưởng của Tổng cục chính trị và của nhiều tỉnh phía Nam. Bên cạnh hơn 200 ca khúc, ông còn viết nhạc cho sân khấu, cho hàng chục phim truyện và phim tài liệu, như Mùa gió chướng, Vùng gió xoáy, Biệt động Sài Gòn, Hai Cũ, Miền đất không cô đơn...
Ngoài lĩnh vực sáng tác, Hoàng Hiệp còn chứng tỏ sức làm việc của mình trong hoạt động quản lí âm nhạc. Từ năm 1981 ông không ngừng tham gia gánh vác trách nhiệm lãnh đạo Hội Âm nhạc TP. Hồ Chí Minh, với cương vị ủy viên thường vụ khóa I, phó tổng thư kí khóa II, tổng thư kí khóa III, phó chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Âm nhạc và ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các hội Văn hóa nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh.
Sự nghiệp âm nhạc của Hoàng Hiệp được ghi nhận bằng một loạt huy chương, huân chương: Huân chương Kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, Huân chương Độc lập và phần thưởng cao quý nhất trong đời nhạc sĩ: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật (năm 2000).
*
Có lần “chơi chữ” nhạc sĩ Doãn Nho đã gọi đùa Hoàng Hiệp cùng Hoàng Vân là hai “ông hoàng” mang cái nghiệp làm âm nhạc.
“Ông hoàng của nghệ thuật phổ thơ” tuy không phải trải qua nhiều sóng gió cuộc đời (như lời tự sự của chính ông), nhưng là người nhạy cảm, dễ rung động, lại thường xuyên lăn lộn trong đời sống quần chúng, nên ông ngày một giàu có thêm với cái vốn sống mà trong đó “số phận của nhiều người được gán cho một người”[18]. Nhờ thế mà gia tài âm nhạc của ông cũng ngày một lớn dần thêm với những tình ca khéo gói ghém nhiều cái chung vào một cái tôi.
Nói đến tính trữ tình và những sáng tạo trong nghệ thuật phổ thơ của ca khúc Việt Nam nửa sau thế kỉ XX, chắc chắn người đời sau sẽ không quên nhắc đến một tên tuổi: Hoàng Hiệp!
Với Nhớ về Hà Nội - một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội, món quà tặng Hà Nội của một người con rể đất Hà thành, thì Thủ đô nên dành một con đường mang tên nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
[1] Hoàng Hiệp: Đôi điều nhớ lại. Sách: Nhạc và Đời. Nxb Tổng hợp Hậu Giang, 1989.
[2] Nhạc và Đời. Sđd.
[3]Nhạc và Đời. Sđd.
[4] Nghe hò đêm bốc vác (Phạm Tiến Duật).
[5] Đất quê ta mênh mông (Dương Hương Li).
[6] Ngọn đèn đứng gác (Chính Hữu), Cô gái vót chông (Môlôichoi), Tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật).
[7] Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Phạm Tiến Duật), Em biết là anh đang ở đâu! (Phạm Hổ).
[8] Nhớ về Hà Nội.
[9] Nhớ về Hà Nội.
[10] Tình yêu không là gió.
[11] Câu hò bên bờ Hiền Lương, Bông lục bình.
[12] Một lần đến một đời yêu, Nơi em gặp anh.
[13] Em biết là anh đang ở đâu (Phạm Hổ), Thơ tình lính biển (Trần Đăng Khoa).
[14] Em vẫn đợi anh về (Lê Giang).
[15] Về phía ấy tình yêu (Lê Giang), Mùa chim én bay (Diệp Minh Tuyền), Hư ảo tình ta (Lê Thị Kim).
[16] Đánh mất (Thanh Nguyên).
[17]Nhạc và Đời. Sđd.
[18] Hoàng Hiệp: Đôi điều nhớ lại. Sđd.