‘Màu cỏ úa’ và đời thực của nhạc sĩ Trần Tiến
“Màu cỏ úa” là bộ phim ghi lại hành trình 5 năm "đi tìm" nhạc sĩ Trần Tiến, người nghệ sĩ gắn liền với tuổi thơ của đạo diễn Lan Nguyên.
Nhạc sĩ Trần Tiến là một huyền thoại của âm nhạc Việt Nam. Ông được yêu mến bởi gia tài âm nhạc đồ sộ, bởi cuộc đời nghệ thuật gắn với những chuyến du ca, bởi tâm hồn lãng tử luôn tươi trẻ, và cả bởi sự khó tính.
Ông khó tính trong âm nhạc, trong cách chọn bạn, trong cách người ta hát ca khúc của mình, lại càng không thích bị truyền thông để ý... Nhưng bằng cơ duyên lạ kỳ, vị nhạc sĩ đã mở lòng, chấp nhận để một bộ phim về mình ra đời.
Chia sẻ với khán giả, đạo diễn Lan Nguyên cho biết chị từng bị nhạc sĩ Trần Tiến thẳng thừng từ chối khi bày tỏ nguyện vọng muốn làm phim về ông. Nhưng sau khi nghe bản thu Lan Nguyên hát ca khúc Tạm biệt chim én, nhạc sĩ Trần Tiến đã đổi ý. Ông tin rằng cô gái ấy đã hát được khúc ca mình viết, thì sẽ làm được bộ phim kể về mình.
Sắc màu thực của người nghệ sĩ du ca
Màu cỏ úa bắt đầu bằng hình ảnh nghệ sĩ Trần Tiến nhìn thẳng máy quay và nói: “Chào ống kính! Tôi sẽ nói chuyện với ống kính. Coi như ống kính là một cô gái hơi bị đẹp”. Lời chào ngắn gọn, nhiều phần sai lệch với lý thuyết thực hiện một bộ phim tài liệu, lại có sức gợi mở mạnh mẽ.
Màu cỏ úa đan xen giữa những thước phim tư liệu đầy màu sắc và các cảnh phim hiện thực đổ màu đen trắng. Ảnh: Silver Moonlight.
Khoảnh khắc ấy giúp khán giả nhận ra khuôn mặt Trần Tiến, nhớ lại chất giọng trầm ấm và cái cách ông luôn kể về những ca khúc của mình trước mỗi lần biểu diễn. Đó có thể là một thói quen, một điểm nhấn, nhưng đã trở thành bản sắc Trần Tiến được lưu trữ trong các album, hay khoảnh khắc người nghệ sĩ thăng hoa trên sân khấu.
Nội dung tác phẩm tài liệu chia làm hai nửa, giống như hai luận điểm được triển khai của một luận đề. Nửa này của bộ phim là những tư liệu về nhạc sĩ Trần Tiến được đạo diễn Lan Nguyên dày công tìm kiếm, thu thập. Nửa kia là những chuyến đi của người nghệ sĩ khi đã ở bên kia con dốc cuộc đời.
Kho tư liệu quý được sử dụng trong Màu cỏ úa là trích đoạn tài liệu, các màn biểu diễn của nhạc sĩ Trần Tiến trên sóng truyền hình, hình ảnh ông trong những chuyến đi… Chúng làm sống lại trong lòng khán giả hình ảnh người nghệ sĩ du ca, tính tình ngông nghênh mà trái tim cũng nhạy cảm vô cùng.
Phiên bản trai trẻ của Trần Tiến cũng chính là ký ức của đạo diễn Lan Nguyên (và phần lớn khán giả) về ông, là một phần nguồn cảm hứng dẫn chị đến những quyết định quan trọng trong cuộc đời: làm truyền hình, làm phim, và đi tìm lại bóng hình người nghệ sĩ mình từng ngưỡng vọng thời thơ bé.
Những hình ảnh đến từ quá khứ, không chỉ là luận cứ của luận điểm “Trần Tiến là huyền thoại du ca của âm nhạc Việt”. Nó ít nhiều cũng tồn tại trong phim như một vế của phép so sánh.
Ký ức rực rỡ sắc màu đối lập với thực tại bàng bạc màu sương trắng. Người nghệ sĩ năm xưa chỉ cần ôm đàn là tiếng hát tự cất lên, với Trần Tiến của ngày hôm nay và câu nói nửa đùa nửa thực rằng giờ chỉ có thể hát khi uống rượu.
Chiến tranh như một nỗi ám ảnh
Trong những ngày du ca xưa cũ, Trần Tiến hát về tuổi trẻ, hát về cuộc đời mới, hát về những đổi thay thời hậu chiến, hát về tương lai… Ngày nay, trước ống kính của đạo diễn Lan Nguyên, ông nói nhiều về chiến tranh, về nỗi cô đơn rèn giũa cốt cách một con người. Nhan đề bộ phim - Màu cỏ úa - cũng được sinh ra từ tâm trạng bảng lảng u sầu ấy.
Về già, nhạc sĩ Trần Tiến - người đàn ông "sinh ra bên sông" - về sống ở miền biển Vũng Tàu. Ảnh: Silver Moonlight.
Màu cỏ úa là màu áo lính, là sắc của một “ngôi sao vụt tan biến" trong cái đêm ông mơ về người đồng đội đã hy sinh. Câu chuyện về thứ màu xanh ám ảnh của rừng già, của cỏ cây, gợi lên mùi khói thuốc, mùi mồ hôi, mùi máu từng được Trần Tiến đề cập trong cuốn tự truyện Ngẫu hứng.
Còn trong bộ phim tài liệu của đạo diễn Lan Nguyên, người nghệ sĩ già kể lại câu chuyện lần đầu ông nhìn thấy biển trên đường hành quân vào mặt trận. Từ ngày ấy, biển trở thành nỗi ám ảnh, khiến người đàn ông ra đi từ Hà Nội, dành cả thanh xuân để xê dịch và du ca, lựa chọn một miền duyên hải làm nơi dừng chân sau nhiều thập kỷ. Đâu đó trong những khung hình là đời thực của nhạc sĩ. Sau hơn 50 năm cháy với nghệ thuật, ông vẫn đàn hát trên vỉa hè, bên những người bạn, dành nhiều hơn thời gian cho gia đình. Người nghệ sĩ du ca mang trái tim đa cảm.
Hai hình ảnh đối lập của Vũng Tàu - tan tác vì chiến tranh và sầm uất chỉ sau vài thập kỷ - trong tâm sự của Trần Tiến, xét rộng ra, cũng chính là sự đối lập giữa “đen trắng” và “sắc màu” trong cả bộ phim.
Hình tượng Trần Tiến sống động, rực rỡ trong ký ức tập thể của khán giả vừa thân quen, lại đôi phần xa lạ với người đàn ông tĩnh lặng, nhiều suy tư và chiêm nghiệm cạnh biển khơi trong những thước phim đen trắng màu khói tro.
Trần Tiến từ ngôi kể thứ ba
Màu cỏ úa không được làm ra nhằm mục đích phục dựng hình ảnh người nghệ sĩ du ca Trần Tiến năm xưa. Bộ phim chính là phần nối dài, là sức sống bền bỉ khi những ca khúc, trái tim tự do và tâm hồn lãng tử của ông đã tìm được nơi chốn trong trái tim khán giả.
Ở nửa sau của Màu cỏ úa, nhạc sĩ Trần Tiến không xuất hiện nhiều. Nhưng không vì thế mà câu chuyện của ông, về ông trở nên đứt đoạn. Nó vẫn chảy trôi, chỉ khác rằng, vị trí trần thuật không còn thuộc về người kể xưng “tôi” mà trở thành rất nhiều khuôn mặt.
Hình ảnh hậu trường đoàn phim Màu cỏ úa. Ảnh: Du côn ca.
Chú bé ngoại quốc ôm đàn thích thú hát Mặt trời bé con mà chưa hiểu hết tầng nghĩa câu từ, nhóm bạn thơ văn đất Bắc trong một đêm nhạc tự phát nơi quán bia vỉa hè, những người xa lạ nhận ra ông vì họ yêu âm nhạc Trần Tiến, người thân và bạn chiến đấu… đã xuất hiện và thay người nghệ sĩ tiếp tục câu chuyện đời mình
Câu chuyện của họ nối dài sức sống âm nhạc của Trần Tiến. Đây cũng chính là luận điểm còn lại được thể hiện thông qua những thước phim hiện tại. Giống như lời ca khúc Đen trắng, từ những thước phim chỉ gồm những mảng màu sáng tối ấy, tiếng hát Trần Tiến sẽ cất cánh bay lên.
Dưới những tiêu chuẩn nghiêm khắc của nghệ thuật làm phim, Màu cỏ úa của đạo diễn Lan Nguyên có thể vụng dại, thô ráp và đầy rẫy lỗi sơ đẳng. Nhưng giá trị của tác phẩm lớn hơn rất nhiều lớp vỏ vật chất ấy.
Cảm xúc chất chứa trong từng thước phim là điều khiến Màu cỏ úa đi vào lòng khán giả, và chắc chắn, sẽ còn ở lại rất lâu. Như ca sĩ Trần Thu Hà chia sẻ trong buổi ra mắt phim tại Hà Nội, do bộ phim nghiệp dư, nên nó mới hay và đáng quý.
Nhờ bộ phim của đạo diễn Lan Nguyên, văn nghệ nước nhà có thêm một bức chân dung nữa về Trần Tiến bên cạnh chân dung âm nhạc và bức tự họa của ông trong Ngẫu hứng.
Không chỉ vẽ nên bức chân dung Trần Tiến từ góc nhìn của những người yêu mến ông, Màu cỏ úa cũng họa nên chân dung Lan Nguyên với vẻ đẹp của sự liều lĩnh và đam mê. Ở một mức độ nào đó, chị chính là đại diện cho những khán giả đồng cảm với bộ phim, và yêu mến âm nhạc của người nghệ sĩ tài hoa.
(Nguồn: https://zingnews.vn/)