Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương

23/05/2019

Đêm nhạc “Trở về Đất Mẹ” đã diễn ra tại Trung tâm nghệ thuât Âu cơ tối 19 tháng 5 năm 2019, do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam tổ chức, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS, NSND Nguyễn Văn Thương (22/5/1919 – 22/5/2019), nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Giáo sư, Nhạc sĩ, NSND Nguyễn Văn Thương (1919 – 2002) là tác giả của nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ cũng những tác phẩm khí nhạc nổi tiếng và được mệnh danh là bậc thầy soạn nhạc giao hưởng, với một di sản âm nhạc đồ sộ và những đóng góp tích cực cho nền âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã được Nhà nước phong tặng nhiều huân, huy chương, nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quý như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật.

Tri ân cuộc đời nghệ thuật của GS, NSND, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Trở về Đất Mẹ” với sự tham gia của nhiều thế hệ NSND, NSƯTđã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương phát hiện, dìu dắt như: NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Mạnh Hà, NSƯT Quang Huy, NSƯT Minh Đức, NSND Thái Bảo, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Đức Long, cùng các nghệ sĩ trẻ của nhà hát như NSƯT Phương Thảo, ca sĩ Phương Mai, Hoàng Thịnh Ketsle, Thanh Bình Accordion, nhóm Phương Bắc, nhóm Thăng Long, nhóm Pha Lê… và tập thể nghệ sĩ múa Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

Phần I, với chủ đề “Tân nhạc”: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, là tác giả của nhiều ca khúc bất hủ.

Tác phẩm kinh điển của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương viết cho Violoncelle và Piano “Trở về đất Mẹ”, biểu diễn: NSND Ngô Hoàng Quân – Violoncelle, NSƯT Ngô Hoàng Linh và dàn dây Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam

Ca khúc “Trên sông Hương” biểu diễn: ca sĩ Thu Thủy

“Bướm hoa” biểu diễn: Lê Anh Dũng

“Đêm đông” biểu diễn: NSND Thái Bảo – NSƯT Đức Long và nhóm Phương Bắc

Múa “Những bông hoa đầu xuân”, biên đạo: NSND Chu Thúy Quỳnh, biểu diễn: tập thể nam nữ Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Phần 2 “Đất mẹ Đồng Khởi” nói về giai đoạn nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương tham gia cách mạng, đi theo kháng chiến.

Hòa tấu “Ngày hội non sông” được viết năm 1968, do NSƯT Mạnh Hùng, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Văn Ngư, Hoàng Thịnh, Xuân Chung và dàn nhạc biểu diễn

Ca khúc “Dân ta đánh giặc anh hùng” biểu diễn: Tốp ca nam nữ, lĩnh tấu Văn Tuân – Vân Anh

Ca khúc “Bài ca đã hẹn” biểu diễn: NSƯT Phương Thảo

Hát múa “Bài ca Việt Lào” dàn dựng: Phương Linh, biểu diễn: Tốp ca nữ

“Thư xa gửi mẹ” biểu diễn: NSND Thu Hiền

“Bình Trị Thiên khói lửa”, biểu diễn: NSND Quang Huy, NSƯT Thanh Vinh, NSƯT Mạnh Hà, NSƯT Dương Minh Đức, nghệ sĩ Accordion Thanh Bình

Phần 3 “Dâng Người tiếng hát mùa xuân” giới thiệu tới khán thính giả nhiều ca khúc ca ngợi lãnh tụ Hồ Chí Minh và những thành tựu đạt được trong công cuộc giành độc lập dân tộc, đất nước đổi mới xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

“Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ” biểu diễn: NSND Quang Thọ và dàn hợp ca

“Thu Hà Nội - mùa thu tuyệt vời” biểu diễn: Phương Mai

Hòa tấu âm nhạc Tây Nguyên “Buôn làng mở hội” 

Hợp xướng “Dâng Người tiếng hát mùa xuân”

Bên cạnh việc sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương còn có nhiều đóng góp lớn lao trong sự nghiệp quản lý, đào tạo âm nhạc nước nhà, từ năm 1979 đến 1983 ông làm giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), là người thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Ông đã phát hiện ra nhiều tài năng nghệ thuật và đưa về Nhạc viện đào tạo trong đó có nhiều nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và sau này đều trở thành những nghệ sĩ có tên tuổi như: NSND QuangThọ, NSND Thu Hiền, NSƯT Đinh Linh, NSƯT Xuân Bình, NSƯT Trương Ngọc Xuyên, NSƯT Quốc Hùng, NSND Quang Vinh, ca sĩ Lệ Quyên, Ái Vân…

Trong đêm nhạc, Ban tổ chức còn phát phóng sự về thân thế sự nghiệp và quá trình gắn bó của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương với Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam trên cương vị lãnh đạo, và những chia sẻ của các thế hệ nghệ sĩ nối tiếp ông như: GS Chu Minh, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Trần Quý, nghệ sĩ NSƯT Đặng Thị Thanh Hảo – vợ cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, NSND Nguyễn Quang Vinh, nghệ sĩ Lệ Quyên…

GS Chu Minh: Gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương cách đây hơn 60 năm khi còn rất trẻ khi ông mới ở khu IV ra. Năm 1955 Nhà nước chính thức thành lập Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, Nguyễn Văn Thương là người đầu tiên khởi nghiệp, kiên nhẫn bền bỉ trong những lúc gian khó nhất, giúp đỡ anh em trưởng thành. Đã 64 năm, nhưng nói tới Nguyễn Văn Thương phải nói tới tâm hồn Nguyễn Văn Thương, ông rất có năng lực, có tài và điềm đạm, luôn khuyến khích anh em, để xây dựng cơ ngơi Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam như ngày nay, tiếp theo Nguyễn Văn Thương là Chu Thúy Quỳnh, rồi Nguyễn Quang Vinh và thế hệ sau này đã làm cho Nhà hát vô cùng vẻ vang cho đến ngày nay.

NSƯT Đặng Thị Thanh Hảo – vợ cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương chia sẻ về những kỷ niệm về ông tại đêm nhạc

NSND Chu Thúy Quỳnh - nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, chia sẻ về những kỷ niệm về cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương: Vô cùng biết ơn và thương nhớ người anh, người đồng chí, lãnh đạo đầu tiên đã dẫn dắt bà vào nghề nghiệp khi còn rất trẻ.

*
*     *

Nguyễn Văn Thương là một nhạc sĩ nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên của tân nhạc Việt Nam, ông là tác giả của các ca khúc tiền chiến bất hủ như: “Đêm đông”, “Trên sông Hương”… và những ca khúc kháng chiến như: “Bình Trị Thiên khói lửa”. Ông còn có nhiều tác phẩm khí nhạc “Trở về Đất Mẹ” hay thơ giao hưởng “Đồng khởi”. Nguyễn Văn Thương sinh ngày 22 tháng 5 năm 1919 tại Thừa Thiên – Huế. Năm 9 tuổi, ông được bố mẹ cho đi học đàn nguyệt, ông tiếp xúc với tân nhạc qua cây đàn măng-đô-lin, và tự học ký xướng âm qua sách của Pháp. Năm 1936, sau khi tốt nghiệp quốc học Huế, ông thả đò cùng bạn bè từ cầu Hòn Chén về cầu Bạch Hổ, cảm xúc bật lên ông viết bài “Trên Sông Hương” cũng là một trong những tác phẩm tân nhạc đầu tiên ở Huế. Năm 1939 Nguyễn Văn Thương ra Hà Nội học tú tài tại trường tư thục Thăng Long với các GS Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp. Trong đêm giao thừa năm đó, vì không có tiền để về Huế, ông đi lang thang trên những con phố của Hà Nội và sáng tác nhạc phẩm bất hủ “Đêm đông” khi ông mới 20 tuổi.

Năm 1942, tốt nghiệp thủ khoa ngành bưu điện Đông Dương, Nguyễn Văn Thương vào làm việc tại Trung tâm bưu điện Sài Gòn, niềm đam mê âm nhạc vẫn dạt dào trong con người nghệ sĩ trẻ, một ngày hè nắng đẹp tình cờ đi qua trường Trưng Nữ Vương đúng vào giờ tan học, cổng trường vừa mở, hàng trăm cô gái đạp xe với với tà áo dài trắng tung bay, cảm giác mơ một đàn bướm trắng bay vút lên như những chùm hoa, ông viết bài “Bướm hoa”. Trong kháng chiến chống Pháp ông làm Giám đốc Bưu điện và Chi hội trưởng Liên khu IV, ông cũng là người xây lên viên gạch đầu tiên cho Đoàn Văn công Quân khu IV, ông đánh đàn accordeon, viết kịch, phục vụ công tác tuyên truyền ở Mặt trận Bình Trị Thiên, bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” ra đời và gây được ấn tượng mạnh mẽ.

Hòa bình lập lại, Nguyễn Văn Thương tập kết ra Bắc, ông được cử làm Trưởng đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, và là một trong những nhạc sĩ đầu tiên soạn nhạc cho các vở múa chuyên nghiệp như: Thơ múa “Chim gâu”, kịch múa “Tấm Cám”, Múa ô “Chàm rông”… Niềm hạnh phúc lớn của ông là được nhiều lần cùng Đoàn biểu diễn cho Bác Hồ và các vị khách quốc tế. Trong thời kỳ đó, Nguyễn Văn Thương từng là trưởng Đoàn kiêm chỉ đạo nghệ thuật của hầu hết các đoàn nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam dân chủ cộng hòa đi biểu diễn ở một số nước như Tiếp Khắc, Đức, Ba Lan, Slovakia... Ông còn nổi tiếng với các tác phẩm khí nhạc như “Lý Hoài Nam”, “Buôn làng vào hội”, “Quê hương”… Sau khi đi học ở CHDC Đức Nguyễn Văn Thương viết nhiều tác phẩm khí nhạc khác như “Ngày hội non sông” độc tấu sáo trúc và bộ gõ; “Trở về Đất Mẹ” cho Violoncell và Piano; Rhasodie số 2 cho đàn T’rưng và dàn nhạc giao hưởng, đặc việt là giao hưởng thơ “Đồng khởi” của ông đã từng trình diễn lần đầu tại Leipzig (CHDC Đức) năm 1971.

Sau năm 1975, ông tiếp tục sáng tác ca khúc “Thu Hà Nội - mùa thu tuyệt vời”, ông còn viết nhạc cho nhiều bộ phim như “Vợ chồng A Phủ”, “Dòng sông âm vang”, “Hai bà mẹ”, “Bình minh xôn xao”, “Sao tháng Tám”, “Ngày ấy bên bờ sông Lam”, “Thành phố lúc rạng đông”… Nguyễn Văn Thương cũng từng giữ chức Giám đốc Nhạc viện Hà Nội, ông đã đưa hệ Trung cấp âm nhạc cổ truyền lên hệ Đại học. Ông cũng viết nhiều cuốn sách về âm nhạc như “Tuyển tập piano”, Tuyển tập 16 bài dân ca và dân vũ Việt Nam (soạn cho piano) do nhà xuất bản Peters (Đức) ấn hành năm 1972. Trên chặng đường chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy sóng gió và bão tố, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã gặt hái được những hoa trái rất đáng tự hào. Sự nghiệp sáng tác và đào tạo lớp trẻ tiếp theo ông, có nhiều cống hiến vẻ vang, bạn bè, đồng nghiệp hết sức nể phục. Người nghệ sĩ đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều tác phẩm nhạc múa, nhạc phim, khí nhạc và đào tạo hàng loạt tài năng trẻ, đã được nhiều phần thưởng là những bằng khen, giải thưởng trong nước và quốc tế, Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý.

Ông mất ngày 6 tháng 12 năm 2002 , ông đã để lại cho đời một di sản lớn lao và quý giá, đóng góp vào sự trường tồn và phát triển nền âm nhạc Việt Nam, ông đã đi từ dân tộc đến hiện đại một con đường, ông xứng đáng được vinh danh là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, một trí tuệ lớn, một nhân cách lớn, một tài năng lớn của giới âm nhạc Việt Nam.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...