Hướng về Hà Nội là một kiệt tác về thanh nhạc
Người bạn nhạc sĩ Doãn Nho, NSND Quang Thọ và ca sĩ Tùng Dương bày tỏ những ấn tượng và kỷ niệm sâu đậm với nhạc sĩ Hoàng Dương khi hay tin ông vừa qua đời ở tuổi 84.
Nhạc sĩ Doãn Nho: “Hoàng Dương là nhạc sĩ Hà Nội đích thực”
Giờ mới biết tin nhạc sĩ Hoàng Dương mất, tôi bất ngờ quá. Không thể tưởng tượng được. Cách đây khoảng một tháng, khi bệnh tình có cảm giác nguy kịch, nhạc sĩ Hoàng Dương có ý trăn trối với các con. Rồi sau đó tai qua nạn khỏi, nhạc sĩ được chuyển từ bệnh viện về nhà. Tôi vẫn nghĩ Hoàng Dương đang được sum vầy bên con cháu trong cái Tết này…
Tôi và Hoàng Dương là bạn, cũng là đồng hương, đồng nghiệp. Anh rất có tài, nhất là về sáng tác khí nhạc. Đã có lần tôi phát biểu, sáng tác của người nhạc sĩ thể hiện qua khí nhạc, đấy mới là người Hà Nội.
Công chúng có nhu cầu thưởng thức cao thì người sáng tác cũng có nhu cầu bộc bạch, bày tỏ không chỉ qua thanh nhạc mà còn qua khí nhạc. Hoàng Dương đã bộc lộ điều đó với đầy lòng mê say.
Nghe Tùng Dương hát Hướng về Hà Nội:
Hoàng Dương có sự nghiệp vững vàng cả về thanh nhạc và khí nhạc, mà những tác phẩm giao hưởng, piano… của anh thì cũng tuyệt vời lắm. Tìm được người nhạc sĩ Hà Nội đích thực như thế không dễ đâu.
Điều đặc biệt ở cả thanh nhạc và khí nhạc của Hoàng Dương là đều gợi lên phong thái, cốt cách Hà Nội. Trong đời thường và trong công việc giảng dạy, ở Hoàng Dương cũng toát lên sự tao nhã, hào hoa, yêu nghề.
Anh đã đào tạo được nhiều học trò giỏi trong sáng tác cũng như chơi nhạc. Khi tôi gặp học trò của anh thì ai cũng bày tỏ sự quý mến trước sự tận tâm của thầy.
Tôi tính ra thì hơn tuổi Hoàng Dương, nhưng điều đó không thành vấn đề. Chúng tôi gặp nhau trong đời sống và âm nhạc, trở thành bạn bè từ giai đoạn sau khi tiếp quản Hà Nội. Trong nghề nghiệp, chúng tôi nghe nhau, trao đổi, góp ý, khích lệ nhau đi sâu hơn nữa về chuyên môn, để nâng chất lượng sáng tác của mình lên. Cũng có khi chỉ trao đổi với nhau khi ngồi trước đàn, trò chuyện trên mặt phím.
Nay nhạc sĩ Hoàng Dương đã ra đi, Tết này tôi không kịp gặp anh, tôi rất thương anh. Tôi vẫn nhớ từng kỷ niệm với anh, khi chúng tôi cùng chia sẻ với nhau vẻ đẹp của Hà Nội, từ phố phường, thiên nhiên, đến cách ăn nói và nhất là tình cảm thân tình của người đồng nghiệp.
Ca sĩ Tùng Dương: “Nhạc Việt mất đi một nhạc sĩ có tầm vóc”
Tôi có may mắn tham gia đêm nhạc cuối cùng của nhạc sĩ Hoàng Dương được các con của ông tổ chức cách đây hơn một tháng ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Đêm nhạc có hai phần thanh nhạc và khí nhạc. Riêng phần thanh nhạc có Tùng Dương và ca sĩ Trần Thu Hà, trong đó tôi lần đầu tiên được hát bài Hướng về Hà Nội và bài Đôi mắt đen.
Khi biểu diễn, tôi hình dung về ca khúc Hướng về Hà Nội là tâm tình của người con trai đi xa, mong muốn hướng về Hà Nội. Tôi cảm nhận ở đó tinh thần hào sảng của người nhạc sĩ và tinh thần ấy truyền đến một người cha như tôi. Nay không ngờ, đêm nhạc gần đây nhất của nhạc sĩ Hoàng Dương lại có ý nghĩa lớn đối với bác và với cả tôi như vậy.
Trong đêm diễn ấy nhạc sĩ Hoàng Dương không có mặt. Tôi cũng biết bác đang lâm trọng bệnh, nhưng tôi không nghĩ bác lại ra đi nhanh như vậy… Điều này có nghĩa là nền âm nhạc Việt Nam mất đi một nhạc sĩ có tầm vóc, một nhạc sĩ tiêu biểu của thế hệ sáng tác dựa trên nền kiến thức âm nhạc cổ điển dày dặn, với trình độ chuyên môn cao cả về thanh nhạc và khí nhạc.
Cũng trong đêm nhạc vừa qua tôi được biết rõ hơn về những đóng góp trong mảng khí nhạc của nhạc sĩ Hoàng Dương. Người viết khí nhạc ở Việt Nam lâu nay vốn thiệt thòi, nhưng dẫu vậy, nhạc sĩ Hoàng Dương vẫn có nhiều tác phẩm nặng ký để trao truyền lại cho lớp người đi sau, cho các học trò của bác.
Đối với Tùng Dương, nhạc sĩ Hoàng Dương thực sự là tấm gương khuyến khích lớp trẻ về việc kiên trì rèn luyện chuyên môn, kiến thức và tư tưởng để đưa ra những sáng tạo thực chất chứ không phải ăn may rồi sớm tự phụ với thành công bề nổi.
NSND Quang Thọ: “Hướng về Hà Nội là một kiệt tác về thanh nhạc”
Nhạc sĩ Hoàng Dương ra đi không phải đột ngột, nhưng là tổn thất lớn cho giới âm nhạc và những người thân yêu. Ông là một nghệ sĩ đa năng, không chỉ sáng tác ca khúc, mà còn sáng tác khí nhạc, giảng dạy và cũng rất nổi tiếng về biểu diễn cello.
Đối với tôi, bài hát Hướng về Hà Nội của nhạc sĩ Hoàng Dương là một kiệt tác về thanh nhạc. Đó là sự kết hợp nhuần nhị của tính trữ tình, của tình cảm hướng về quê hương, với khúc thức, bố cục chuyên nghiệp, chặt chẽ của thanh nhạc, khí nhạc.
Trước đã đã có nhiều nghệ sĩ hát Hướng về Hà Nội, nhưng có lẽ tôi là người đầu tiên thể hiện ca khúc này theo lối thính phòng. Khi ấy, Hướng về Hà Nội được nhạc sĩ Hoàng Lương phối khí với phần nhạc đệm dành cho piano và cello hòa quyện cùng giọng hát, giống như một tác phẩm khí nhạc. Điều này khiến cho ca khúc trở thành bản nhạc mang đẳng cấp cao hơn.
Đối với nhạc sĩ Hoàng Dương, tôi không chỉ có may mắn được cùng ông giảng dạy ở trường mà còn được thể hiện nhiều tác phẩm của ông. Đó là từ những năm 1990, ông ra một loạt tình ca và tôi được hát gần 10 bài. Đó là những bài hát phổ từ nhiều bài thơ tình nổi tiếng như của Xuân Quỳnh, Thế Hùng và nhiều nhà thơ khác.
Sau đó, tôi đã tham gia một số chương trình truyền hình, đi cùng ông đến nhiều vùng quê… để ghi hình một số tình khúc ấy. Nhạc sĩ Hoàng Dương cũng viết phần đệm với piano cho các ca khúc của ông và tập ca khúc này được dung làm tài liệu giảng dạy trong khoa thanh nhạc.
Ấn tượng của tôi về nhạc sĩ Hoàng Dương đó là một người uyên bác, đọc rất nhiều và hiểu sâu về không chỉ âm nhạc của Việt Nam mà còn của thế giới. Ông đã có một thời gian học thêm ở Liên Xô, thấm nhuần âm nhạc châu Âu và khi về nước đã hướng dẫn nhiều thế ở các bậc đại học, cao học. Chính nhờ kiến thức chuyên môn bài bản cộng với tình cảm sâu nặng với quê hương mà ông đã viết lên nhiều tác phẩm có tính nghệ thuật cao và giàu cảm xúc như thế.
(Nguồn: http://tuoitre.vn)