Hướng tới một Đại hội thành công với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn”

22/06/2015

TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NHẠC SĨ VIỆT NAM LẦN THỨ IX

Hướng tới một Đại hội thành công với tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, dân chủ, nhân văn”

Hội Nhạc sĩ Việt Nam đang trong không khí khẩn trương tập trung triển khai công tác tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020). Đại hội là một sự kiện quan trọng, ngày hội lớn của của giới âm nhạc Việt Nam. Đây là đợt sinh hoạt chính trị nghề nghiệp sâu rộng, trên cơ sở đánh giá, nhìn nhận về những thành tựu đã đạt được cũng như những hạn chế của khóa VIII, với tinh thần: Đoàn kết - Sáng tạo - Phát triển, với niềm tin nhiệm kỳ mới tạo được dấu ấn mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX sẽ quyết định những vấn đề quan trọng và hoạt động Hội trong 5 năm tới (2015-2020) nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các nhạc sĩ, nghệ sĩ. Trước thềm đại hội, chúng tôi có cuộc phỏng vấn Ts. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam – Trưởng Ban tổ chức Đại hội.

PV: - Kính thưa Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân! Với tư cách là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội sắp diễn ra tại Thủ đô Hà Nội, xin nhạc sĩ cho biết cảm nghĩ của mình về Đại hội IX của Hội sắp tới?

NS Đỗ Hồng Quân: Điều đầu tiên là không khí phấn khởi trong toàn giới âm nhạc từ Nam ra Bắc, tinh thần hội viên hướng tới Hội như một mái nhà chung, tất cả đều tích cực chủ động từ các đơn vị, các đoàn nhạc sĩ, các chi hội, đặc biệt là vai trò của các chi hội trưởng, các đoàn trưởng. Có được điều này là có sự chuẩn bị công phu từ giữa năm 2014, từ cuộc họp Ban Chấp hành khóa VIII, kỳ họp thứ 10 tại Quảng Ninh. Chỉ tiếc rằng không như mong muốn là toàn thể hội viên được dự Đại hội, mà chỉ được 1/3. Nên chăng, lần sau sẽ có được một Đại hội toàn thể.

PV: - Nhiệm kỳ VIII Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết thúc, được đánh giá là một giai đoạn nhiều thành công. Vậy Nhạc sĩ ấn tượng sâu sắc nhất về điều gì?

NS Đỗ Hồng Quân: Hội Nhạc sĩ vừa đi qua nhiệm kỳ VIII với đầy ắp các sự kiện và để lại cho giới âm nhạc nhiều dấu ấn tốt đẹp. Hoạt động âm nhạc đều khắp các khu vực, vùng miền, các câu lạc bộ, các chi hội. Mặc dù có những chi hội hoạt động chưa lâu nhưng có những sáng tạo đáng khen ngợi như chi hội: Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi..., các đơn vị hoạt động có hiệu quả chuyên môn như: Hội Âm nhạc Hà Nội, Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Hội Âm nhạc thành phố Cần Thơ... đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế cho hội viên ở biển đảo, vùng nông thôn, sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng trong các đợt đi thực tế... hướng cho các nhạc sĩ, ca sĩ trẻ tham gia vào Hội.

Liên hoan khu vực là những nét nổi bật đã trở thành truyền thống hàng năm. 5 năm liền xây dựng chương trình nghệ thuật “Ngày Âm nhạc Việt Nam 3/9”, như một sự biều dương, báo công với đất nước của các nhạc sĩ ở khắp các địa phương. Hội góp phần làm phong phú cho đời sống văn hóa của đất nước bằng các chương trình nghệ thuật với chủ đề ca ngợi quê hương, đất nước, con người, ca ngợi gương các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển đảo, quê hương, như 1000 năm Thăng Long – Hà Nội; Đại hội Đảng lần thứ XI, 100 năm Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Âm nhạc Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Nhiệm kỳ vừa qua cũng ghi được dấu ấn sâu đậm với hai chương trình nghệ thuật mang tên “Là người con Đất Việt” ủng hộ đồng bào miền Trung bị thiên tai bão lụt, và chương trình về bảo vệ biển đảo là tiếng nói từ ý thức công dân của các nhạc sĩ, nghệ sĩ khi lãnh thổ của Tổ quốc bị xâm phạm.

Thật vui mừng với hướng đi mở rộng quan hệ quốc tế như: Festival âm nhạc Mới “Á – Âu” 2014, bạn bè quốc tế khẳng định Việt Nam có nền âm nhạc chuyên nghiệp, nền khí nhạc độc đáo, với các dàn nhạc, các nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, cơ sở vật chất, phòng hòa nhạc. Đặc biệt, nổi bật các solist trẻ như: nghệ sĩ violon Bùi Công Duy, nghệ sĩ viola Nguyễn Nguyệt Thu...

Tuy nhiên vẫn có những băn khăn trăn trở với yếu tố âm nhạc thị trường lấn át dòng âm nhạc chính thống, nhiều sáng tác vội vàng. Chưa quản lý chặt chẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực biểu diễn, có quá nhiều chương trình giải trí làm cho bức tranh âm nhạc không hài hòa, lệch chuẩn, Ít quan tâm đến âm nhạc dân tộc, thính phòng... Đây là nỗi trăn trở của các nhạc sĩ và giới phê bình lý luận.

PV: - Nhạc sĩ có nhận xét như thế nào về Ban chấp hành khóa VIII?

Trong nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành đã nhất trí đoàn kết cao, các ủy viên Ban chấp hành đa phần có bề dày hoạt động chuyên môn rất tốt, phát huy vai trò, ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên ở các vùng miền, gắn bó với các chi hội địa phương, hội viên trong cả nước, làm được nhiều việc: tổ chức nhiều cuộc liên hoan âm nhạc, hội thảo, trại sáng tác, phối hợp tổ chức nhiều cuộc thi sáng tác ca khúc về các ngành. Đẩy mạnh công tác đối ngoại, tham gia các hoạt động âm nhạc trong khu vực và quốc tế có sức ảnh hưởng xã hội và được ghi nhận.

Tuy nhiên, cũng có những mặt chưa được, một số ủy viên hoạt động chưa hiệu quả, sự phân công trong Ban Chấp hành đôi khi dựa vào tính lý thuyết nên chưa thật hợp lý, không phát huy hết khả năng của các Ban chuyên môn và các thành viên.

PV: - Một Ban Chấp hành khóa IX mà Đại hội mong muốn là gì?

Nhiệm kỳ tới chúng tôi mong muốn có được những gương mặt mới đại diện cho các vùng miền, có thể nâng số lượng ủy viên lên nữa ở các khu vực: miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên..., ưu tiên các đại biểu là nữ, dân tộc thiểu số, đặc biệt là những gương mặt trẻ, tâm huyết, trách nhiệm. Cần chuẩn bị một Ban Chấp hành mới hiệu quả hơn cho nhiệm kỳ tới, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong từng mảng công tác của Hội.

Hy vọng sẽ có được một Ban Chấp hành Hội khóa IX thực sự có tâm, có tài, hài hòa hơn nữa, phát huy được những ưu điểm và khắc phục được những nhược điểm của Ban Chấp hành khóa VIII, để hoạt động của Hội đạt được nhiều thành tựu hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn nhạc sĩ. Chúc nhạc sĩ luôn mạnh khỏe, thành công hơn nữa trong sự nghiệp. Chúc Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ IX thành công tốt đẹp!

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...