Hồi ký Berlioz (8)

14/09/2017

(Tiếp theo)

Chương 8

Augustin de Pons – Anh ấy cho tôi vay 1200 franc – Bản messe của tôi được biểu diễn lần đầu tại nhà thờ Saint-Roch – Biểu diễn lần thứ hai tại nhà thờ Saint-Eustache – Tôi đã đốt tác phẩm

Thế là nỗi chán nản của tôi lên đến cực điểm; tôi chẳng có lời nào thích đáng để đáp trả những lá thư cha mẹ tôi dồn dập gửi đến. Họ đã dọa cắt khoản trợ cấp ít ỏi nuôi tôi sống ở Paris khi một sự may mắn khiến tôi gặp được, tại buổi biểu diễn vở Didon của Piccini ở nhà hát Opéra, một người yêu nhạc trẻ tuổi và hiểu biết, một người hào phóng và bốc đồng, người đã tham dự và giậm chân giận dữ trước thứ âm nhạc hỗn loạn của tôi tại nhà thờ Saint-Roch. Anh xuất thân trong một gia đình quý tộc ở ngoại ô Saint-Germain và đương nhiên là rất sung túc. Nhưng sau đó anh bị mất tất cả do cưới vợ trái ý mẹ, lấy một cô ca sĩ hạng xoàng là học trò nhạc viện. Khi cô khởi nghiệp thì anh cũng lên sân khấu, anh đã theo cô đi khắp các nhà hát opéra trên đất Pháp và Ý. Sau vài năm bị cô ca sĩ bỏ rơi, anh trở về sống lay lắt tại Paris bằng cách dạy hát. Có vài lần tôi đã giúp được anh trong chuyên mục thường kỳ của mình trên tờ Journal des Débats; nhưng điều tôi tiếc đứt ruột là đã không thể làm hơn thế; bởi vì việc mà anh tình cờ giúp tôi đã tác động sâu sắc lên toàn bộ sự nghiệp của tôi và tôi sẽ không bao giờ quên. Tên của anh là Augustin de Pons. Năm ngoái anh đã sống rất vất vả bằng việc dạy nhạc! Anh sẽ ra sao đây sau khi bị cách mạng tháng Hai tước hết học trò? Ý nghĩ ấy khiến tôi rùng mình...

Khi trông thấy tôi tại phòng diễn viên của nhà hát, anh hét to hết cỡ bằng giọng ngực:

- Ê này! Bản messe thế nào rồi? Viết lại chưa? Khi nào chúng ta sẽ biểu diễn nó cho ra trò?

- Ồ vâng, tôi viết lại rồi, cũng chép nhạc xong rồi. Nhưng bằng cách nào tôi cho biểu diễn được đây?

- Bằng cách nào ấy à! Dĩ nhiên là bằng cách trả thù lao cho nghệ sĩ rồi. Xem nào! Cậu cần bao nhiêu tiền? 1200, 1500 hay 2000 franc? Tôi sẽ cho cậu vay.

- Làm ơn đừng nói to quá. Nếu anh nói nghiêm túc thì tôi quá đỗi vui sướng nhận lời đề nghị của anh và 1200 franc là đủ cho tôi rồi.

- Vậy thế nhé. Sáng mai tới nhà tôi, tôi sẽ đưa tiền cho cậu. Chúng ta sẽ thuê cả đội hợp xướng nhà hát Opéra và một dàn nhạc hùng hậu. Valentino sẽ phải hài lòng, chúng ta sẽ phải hài lòng và công việc sẽ chạy thôi, ơn Chúa!

Và công việc đã chạy thật. Bản messe của tôi được biểu diễn một cách hoành tráng tại nhà thờ Saint-Roch dưới sự chỉ huy của Valentino trước một lượng thính giả đông đảo[1]. Báo chí nói về nó rất thiện chí và cũng nhờ có Pons mà lần đầu tiên nhạc của tôi được người ta nghe và tôi được nghe nhạc của mình. Mọi nhà soạn nhạc ở Paris đều biết bước khởi đầu sự nghiệp quan trọng và khó khăn nhường nào.

Sau đó rất lâu tác phẩm này còn được biểu diễn thêm một lần nữa (năm 1827) tại nhà thờ Saint-Eustache vào đúng ngày diễn ra một cuộc bạo loạn quy mô lớn ở phố Saint-Denis[2].

Lần đó dàn nhạc và dàn hợp xướng của nhà hát Odéon đã tới biểu diễn giúp tôi mà không lấy thù lao và tôi đã dám đích thân chỉ huy tác phẩm. Ngoại trừ một vài lỗi vô ý do cảm xúc thì tôi đã chỉ huy khá tốt. Thế nhưng còn lâu tôi mới có được vô vàn phẩm chất chính xác, uyển chuyển, nhiệt huyết, nhạy cảm và tỉnh táo... hợp thành một bản năng khó diễn tả tạo nên tài năng của một nhà chỉ huy dàn nhạc thực sự! Và tôi cần phải có thêm biết bao thời gian rèn luyện và suy ngẫm để đạt được một vài phẩm chất đó! Chúng ta vẫn thường phàn nàn rằng có quá ít các ca sĩ giỏi, các nhà chỉ huy giỏi còn hiếm hoi hơn thế và trong nhiều trường hợp họ còn quan trọng và đáng gờm hơn nhà soạn nhạc.

Sau thử thách mới đó, khi chẳng ai còn chút nghi ngờ nào về giá trị của bản messe, tôi đã tách ra phần Resurrexit[3] mà tôi thấy khá hài lòng và đốt đi phần còn lại cùng hoạt cảnh Beverley mà với nó niềm đam mê của tôi đã nhạt phai đáng kể, vở opéra Estelle và vở oratorio Latin (Cuộc băng qua biển Đỏ) vừa mới hoàn thành. Cái liếc mắt lạnh lùng của một kẻ soi mói đã khiến tôi nhận ra rằng chúng có cái quyền không thể tranh cãi là phải được thiêu hủy.

Tang thương trùng trùng! Hôm qua sau khi viết những dòng trên đây, tôi tới nhà hát Opéra-Comique để xem biểu diễn. Một nghệ sĩ quen biết gặp tôi trong lúc giải lao và bắt chuyện:

- Anh từ Luân Đôn về khi nào thế?

- Vài tuần rồi.

- À này, anh biết chuyện Pons chưa?

- Chưa, sao vậy?

- Tháng trước anh ấy đã tự đầu độc mình.

- Lạy Chúa!

- Phải, anh ấy viết rằng đã chán sống rồi; nhưng tôi e là anh ấy chẳng thể sống thêm được; anh ấy không còn học trò nữa, cách mạng đã khiến bọn họ tứ tán cả và có bán hết tài sản cũng chẳng đủ trả tiền thuê nhà anh ấy còn nợ.

- Ôi thật bất hạnh! Các nghệ sĩ đáng thương bị nền cộng hòa của bọn phu khuân vác và lũ nhặt ve chai ruồng bỏ!...

Kinh khủng! Kinh khủng! Kinh khủng hết sức! Giờ đây tờ Morning-Post vừa mới đăng tin chi tiết về cái chết của hoàng thân Lichnowsky bất hạnh. Ông bị những gã nông dân Đức thô lậu ám sát một cách tàn bạo tại cổng thành Francfort, những kẻ ngang hàng với những người hùng tháng Sáu của chúng ta[4]. Bọn họ đã đâm vào người ông nhiều nhát dao, dùng lưỡi hái băm vằm thân thể ông, cắt vụn tay chân ông, bắn vào ông hơn hai mươi phát súng trường theo cái cách không giết ông ngay! Sau đó bọn họ lột bỏ áo quần của ông và để ông hấp hối trần truồng dưới chân một bức tường!... Năm giờ sau ông tắt thở mà chẳng bật ra nổi một tiếng thở dài! Lichnowsky quý phái, thông minh, nhiệt tình và dũng cảm! Ở Paris tôi đã biết ông rất rõ và năm ngoái tôi lại thấy ông ở Berlin khi vừa từ Nga trở về. Lúc ấy ông mới bắt đầu nổi danh trên diễn đàn chính trị. Lũ người cặn bã mới bỉ ổi làm sao! Trong những cơn nhăn nhó co giật cách mạng của mình chúng bay còn ngu xuẩn và hung tợn gấp trăm lần lũ khỉ đầu chó và đười ươi Bornéo!

Than ôi! Tôi phải ra ngoài, phải bước, phải chạy, phải hét lên dưới bầu trời!

(Còn nữa)

 


[1] Ngày 10/07/1825. Tác phẩm hiển nhiên là đã thành công. Berlioz, sau khi buộc phải nghe một bài diễn thuyết dài của linh mục nhà thờ Saint-Roch, người “muốn chứng minh với tôi rằng Rousseau đã xuyên tạc thị hiếu của nhân dân trong âm nhạc cũng như trong văn học và tôi được sinh ra là để đem công chúng trở lại con đường đúng đắn” đã rất hài lòng khi nghe Lesueur tuyên bố rằng mình sẽ không trở thành bác sĩ hay dược sĩ mà sẽ là một nhà soạn nhạc lớn. (Hertor Berlioz: Tổng hợp thư từ, tập 1, 1803-1832, do P Citron biên tập 1972, 93, 97)(DC)

[2] Ngày 22/11. (DC)

[3] Về sau tôi cũng thiêu huỷ nốt phần đó. (HB)

[4] Ngày 18/09/1848 Lichnowsky phải gánh chịu sự thù địch do quan điểm cộng hòa và dân chủ của mình trong những phát biểu cánh tả chua cay trước quốc hội Frankfurt. Ông bị giết hại trong những cuộc bạo động mà việc ký Hòa ước Malmo giữa nước Phổ và Đan Mạch đã châm ngòi. (DC)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...