Hồi ký Berlioz (1)
“Đời chỉ là bóng câu qua cửa;
Trên sân khấu khệnh khạng một kép hề,
Gã tiêu tốn thời giờ rồi im bặt;
Đấy là chuyện kể của gã khờ,
Đầy âm thanh và cuồng nộ, chẳng nghĩa gì.”
(SHAKESPEARE, Macbeth)
LỜI MỞ ĐẦU
Luân Đôn, ngày 21/3/1848.
Người ta đã xuất bản và thỉnh thoảng người ta vẫn xuất bản các chỉ dẫn tiểu sử bản thân tôi với nhiều điều sai lạc và không chính xác đến mức rốt cuộc tôi nảy sinh ý tưởng tự mình viết ra những chuyện trong cuộc đời gian lao và sóng gió của mình mà tôi thấy có thể có ích lợi nào đó cho bạn bè nghệ sĩ. Vả lại, bài tập nhìn về dĩ vãng này tạo cho tôi cơ hội đưa ra các khái niệm chính xác về những khó khăn hiện diện trên con đường của các nhà soạn nhạc trong thời đại chúng ta, và tặng cho họ vài bài học hữu ích.
Một cuốn sách mà tôi xuất bản nhiều năm trước và ấn bản đã bán hết có bao gồm các tin bài phê bình âm nhạc, chuyện kể từng phần về các chuyến du hành của tôi. Mong hãy khoan thứ khi thấy tôi thỉnh thoảng lại chỉnh sửa và bổ sung các ghi chép này không theo thứ tự.
Nếu tôi có lỗi khi hôm nay không cưỡng lại được niềm khao khát thân tình này thì ít ra đó cũng không phải là tôi lạm dụng tầm quan trọng của một công việc như vậy. Tôi chắc chắn rằng công chúng ít bận tâm về những điều tôi có thể đã làm, đã cảm nhận hay suy tư. Thế nhưng một số ít các nghệ sĩ và người hâm mộ âm nhạc lại tỏ ra tò mò muốn biết và nói cho họ biết sự thật còn hơn là để mặc họ tin vào điều sai lạc. Tôi cũng không hề thoáng chút ý định trình diện trước Chúa với cuốn sách của mình trong tay để tuyên bố rằng mình là người tốt nhất hay viết ra những lời bộc bạch. Tôi chỉ nói ra những gì tôi thích nói; và nếu độc giả nào không chịu xá tội cho tôi thì anh ta hẳn phải là một người chính giáo hơi khắt khe bởi vì tôi chỉ thú nhận các tội nhẹ mà thôi.
Nhưng hãy kết thúc lời mào đầu này. Thời gian thúc ép tôi. Nền Cộng hòa lúc này đang lướt chiếc trục cán đồng của nó trên khắp châu Âu; nghệ thuật âm nhạc mà cơn hấp hối kéo dài từ rất lâu ở khắp nơi giờ đây đã chết hẳn; người ta sắp chôn cất nó hoặc sẽ sớm ném nó ra bãi rác. Với tôi chẳng còn nước Pháp cũng như chẳng còn nước Đức nữa. Nước Nga thì ở quá xa và tôi không thể trở lại đó. Nước Anh từ khi tôi ở đã đối đãi tôi với lòng hiếu khách cao quý và thân tình. Nhưng này đây, trong những đợt rung chấn đầu tiên của các ngai vàng làm xáo trộn đại lục, hàng đàn hàng lũ các nghệ sĩ hốt hoảng chạy ào đến từ tứ phía chân trời để tìm kiếm một nơi nương náu tại đó, tựa như những cánh chim biển lánh nạn trên mặt đất khi các cơn bão lớn đang tiến lại gần từ đại dương. Liệu Anh quốc có thể đáp ứng đủ sinh kế cho từng ấy người lưu vong? Liệu nó có muốn rót vào tai họ những khúc hát não lòng giữa những tiếng la ó kiêu ngạo của những người láng giềng hạ bệ nhà vua? Tấm gương không cám dỗ nó hay sao? Jam proximus ardet Ucalegon [1] ... Ai mà biết được tôi sẽ ra sao trong vài tháng nữa?... tôi chẳng hề có phương tiện đảm bảo cho mình và người của mình... Vậy hãy tận dụng những giờ phút này; dù tôi có sắp sửa phải noi theo sự nhẫn nhục kiên cường của những người thổ dân Niagara, những người mà sau những nỗ lực gan dạ để chống chọi lại dòng sông, rốt cục khi nhận ra sự vô ích đã buông xuôi cho dòng nước, nhìn với ánh mắt rắn rỏi cái khoảng hẹp phân tách họ với vực thẳm và cất tiếng hát cho tới tận lúc bị thác ghềnh chộp lấy, họ quay cuồng cùng dòng sông vào vô cùng vô tận.
I - Côte Saint-André – Lễ ban thánh thể đầu tiên - Ấn tượng âm nhạc đầu tiên.
Tôi sinh ngày 11 tháng 12 năm 1803 tại Côte-Saint-André, một thành phố rất nhỏ của nước Pháp nằm ở tỉnh Isère, giữa Vienne, Grenoble và Lyon. Trong những tháng trước khi tôi chào đời mẹ tôi không hề nằm mơ, như mẹ của Virgile, rằng bà sắp sinh ra đời một nhành nguyệt quế. Lời thú nhận này mới đau xót làm sao cho lòng tự ái của tôi, tôi phải nói thêm là bà cũng không tin, như Olympias mẹ của Alexandre, rằng mình đang mang trong bụng một thanh củi cháy rực. Tôi đồng ý là điều này quá lạ lùng nhưng đúng thế đấy. Tôi sinh ra hết sức giản dị, chẳng có một điềm báo nào thường dùng trong thời đại thi ca để tiên đoán về vinh quang tiền định sẽ đến. Phải chăng thời đại của chúng ta thiếu mất chất thơ?...
Côte Saint-André, như cái tên chỉ ra, được xây dựng trên sườn một quả đồi và ngự trị trên một bình nguyên đủ rộng, màu mỡ, vàng rực, xanh rờn mà sự tĩnh lặng có vẻ uy nghiêm mơ màng đến là khó tả, còn được tôn lên nữa bởi vành đai các núi non phân giới nó ở phía nam và phía đông, và sau đó nổi lên ở đằng xa là những sông băng chất chồng, những đỉnh núi kếch xù của dãy Alpes.
Tôi không cần phải nói rằng mình được nuôi nấng trong đức tin vào thiên chúa, vào các tông đồ và tinh thần La Mã. Tôn giáo thú vị này, từ khi không còn nung nấu ai nữa, đã tạo nên hạnh phúc cho tôi trong suốt bảy năm trời; và mặc dù chúng tôi bất hòa với nhau từ lâu nhưng tôi luôn giữ lại một ký ức hết mực êm đềm. Vả chăng nàng có thiện cảm với tôi đến mức nếu tôi xui xẻo vì sinh ra giữa lòng một trong những giáo lý nảy nở dưới sự ấp ủ nặng nề của Luther hay Calvin thì chắc chắn là vào khoảnh khắc đầu tiên của cảm xúc thi ca và thư thái tôi đã vội vàng từ bỏ đạo trang nghiêm để ôm lấy người đẹp La Mã bằng cả trái tim mình. Tôi chịu lễ ban thánh thể đầu tiên cùng một ngày với em gái lớn của tôi trong tu viện Ursulines nơi em học nội trú. Hoàn cảnh đặc biệt đó tạo cho hoạt động tôn giáo đầu tiên này một tính chất dịu ngọt mà tôi nhớ lại với sự bùi ngùi. Cha tuyên úy của tu viện tới tìm tôi vào lúc sáu giờ sáng. Đó là vào mùa xuân khi mặt trời rạng rỡ và gió nhẹ vờn trong những tán dương rì rào; tôi không rõ hương thơm ngây ngất nào đang choán đầy không khí. Tôi hết sức xúc động nhảy qua ngưỡng cửa ngôi nhà thánh. Được đón vào nhà thờ trong trang phục màu trắng giữa những cô bé bạn của em gái tôi, tôi vừa cầu nguyện vừa cùng bọn chúng chờ đợi cái khoảnh khắc nghi lễ uy nghiêm. Linh mục tiến lên và buổi lễ bắt đầu, tôi đã hoàn toàn thuộc về Chúa. Song tôi gượng gạo một cách khó chịu khi mà, với sự thiên vị bất nhã mà những người nào đó vẫn giữ lại cho giới mình ngay cả ở dưới chân bàn thờ, linh mục mời tôi lên trình diện dưới bàn thờ thánh phía trước các bé gái dễ thương mà tôi cảm thấy lẽ ra phải đến lượt trước tôi. Tuy nhiên tôi tiến lại gần, đỏ mặt vì vinh dự không xứng đáng. Thế là vào khoảnh khắc tôi nhận được miếng bánh thánh đã được làm phép, một đội hợp xướng giọng trinh nữ bắt giọng hát một bài thánh ca dành cho lễ ban thánh thể, lòng tôi ngập tràn một nỗi bối rối vừa huyền bí vừa say mê mà tôi không biết phải làm sao để tránh sự chú ý của cử tọa. Tôi tưởng như trông thấy thiên đường mở ra, thiên đường của tình yêu và những niềm vui trong sáng, một thiên đường thuần khiết và tươi đẹp gấp nghìn lần thiên đường mà người ta đã kể với tôi.
Ôi uy quyền tuyệt vời của biểu lộ chân thật, ôi vẻ đẹp không gì sánh được của giai điệu con tim! Khúc aria này, được phóng tác thành lời các thánh một cách rất hồn nhiên và được hát lên trong một nghi lễ tôn giáo, là khúc tình ca của Nina: “Khi người yêu dấu trở về.”[2] Mười năm sau tôi đã nhận ra điều này. Tâm hồn tươi trẻ của tôi mới ngây ngất làm sao! D’Aleyrac thân yêu! Và giờ đây quần chúng hay quên các nhạc sĩ vừa mới nhớ lại họ tên ông!
Khúc hát đó đã tạo nên ấn tượng âm nhạc đầu tiên của tôi.
Thế là đùng một cái tôi trở thành thánh, nhưng thánh ở điểm ngày nào cũng nghe nhạc lễ mixa, chủ nhật nào cũng chịu lễ ban thánh thể và tới tòa xưng tội để nói với cha giám đốc về lương tâm của mình: “Trình cha, con đã không làm gì cả.”... “Sao cơ con của ta, bậc đáng kính đáp, phải tiếp tục .” Trong nhiều năm tôi chỉ hiểu rốt ráo mỗi lời khuyên này.
(trích Hồi ký Hector Berlioz, NA9 dịch)
[1] Câu thơ trích từ Aeneid của Virgil, đoạn kể về sự sụp đổ của thành Troy, nghĩa là: “Liền kề đây, nhà của Ucalegon bốc cháy rồi!”
[2] Aria “Quand le bien-aimé reviendra” trích từ vở opera một màn Nina, ou La folle par amour (Nina, hay cô gái điên dại vì yêu) của nhà soạn nhạc Pháp Nicolas-Marie d’Aleyrac (1753-1809). Sau cách mạng Pháp 1789 nhà soạn nhạc này đổi họ quý tộc thành Dalayrac. Nghe Joan Sutherland thể hiện aria này tại đây: http://www.youtube.com/watch?v=R2iFqu6r2cI
Còn nữa
(Nguồn: https://www.facebook.com/notes/625607964150239/?pnref=story)