Hồi ký Berlioz (18)
Tưởng niệm 150 năm ngày mất nhà soạn nhạc Berlioz
Chương 18
Sự xuất hiện của Shakespeare - Miss Smithson - Tình yêu chí mạng - Chứng ngủ lịm như chết - Buổi hòa nhạc đầu tiên của tôi - Sự phản đối buồn cười từ Cherubini - Thất bại của ông ta - Con rắn chuông đầu tiên
Tới đây tôi lâm vào bi kịch lớn nhất đời mình. Tôi sẽ không kể lại mọi biến cố đau thương của nó. Tôi sẽ chỉ nói thế này: một đoàn kịch Anh tới Paris để biểu diễn các vở kịch của Shakespeare mà công chúng Pháp lúc bấy giờ hoàn toàn chưa biết tới. Tôi đã có mặt trong buổi công diễn lần đầu vở Hamlet[1] tại Nhà hát Odéon. Tôi nhìn thấy diễn viên sắm vai Ophelia tên là Harriet Smithson người năm năm sau sẽ trở thành vợ tôi[2]. Ấn tượng mà tài năng phi thường của nàng, hay đúng hơn là thiên tài sân khấu của nàng tạo ra trong tâm trí tôi chỉ có thể so sánh với sự biến động tôi lãnh nhận từ đại thi hào mà nàng là diễn viên xứng đáng nhất. Tôi không thể nói gì hơn nữa.
Vậy là Shakespeare giáng xuống tôi một cách bất ngờ khiến tôi choáng váng. Ánh chớp cùng tiếng sấm rền cao cả của ông vừa mở ra cho tôi một bầu trời nghệ thuật vừa soi rọi cho tôi những chiều kích sâu xa nhất. Tôi nhận ra thế nào là sự vĩ đại thật sự, vẻ đẹp thật sự, tính chân thực thật sự của sân khấu. Đồng thời tôi thấy sự nực cười vô hạn của những ý kiến về Shakespeare mà Voltaire tung ra ở Pháp...
...Con khỉ thiên tài này được Satan gửi tới
Chỗ con người để thi hành sứ mệnh[3].
Và tính ti tiện đáng thương hại của nền thi ca già cỗi của các nhà mô phạm và các thầy dòng của chúng ta. Tôi thấy... tôi hiểu ra... tôi cảm thấy rằng mình còn sống và mình phải đứng dậy mà bước đi.
Nhưng cú sốc đã quá mạnh và tôi phải mất một thời gian dài để vượt qua. Một nỗi buồn rầu mãnh liệt, thẳm sâu, không thể vượt thoát tràn tới kết hợp cùng một trạng thái thần kinh giống như bệnh hoạn mà chỉ một tác giả lớn về môn sinh lý học mới có thể đưa ra một khái niệm gần đúng.
Tôi không tài nào ngủ được và mất hết tinh thần hoạt bát trước đây cùng với hứng thú học tập các môn yêu thích và mất cả khả năng làm việc. Tôi lang thang không mục đích trên các con phố Paris và ở các vùng lân cận. Tôi nhớ là trong suốt quãng thời gian dài đau khổ này mình chỉ có được bốn giấc ngủ sâu gần như chết do cơ thể kiệt sức; một đêm trên những bó rơm ở một cánh đồng gần Ville-Juif; một ngày trên một đồng cỏ ở vùng phụ cận Sceaux; một lần khác ở trên tuyết bên bờ sông Seine đóng băng, gần Neuilly; và lần cuối ở trên bàn cà phê quán Cardinal, góc giao giữa đại lộ Ý và phố Richelieu, nơi tôi đã ngủ liền năm tiếng đồng hồ trước sự kinh hoàng của mấy người bồi bàn không dám đến gần vì sợ thấy tôi đã chết.
Chính vào lúc về tới nhà, sau một trong những cuộc lang thang đó khi tôi có vẻ đang tìm kiếm linh hồn mình, mà tôi thấy tập Những giai điệu Ailen của Th. Moore để mở trên bàn, ánh mắt tôi hạ xuống đúng bài thơ được mở đầu bằng những lời này: “Khi chàng, người tha thiết yêu nàng” (When he who adores thee). Tôi lấy bút và một mạch phổ nhạc cho bài thơ xé ruột mà người ta bắt gặp dưới nhan đề Élégie ở cuối tập 9 mélodie có tên Irlande của tôi. Đây là lần duy nhất tôi có thể miêu tả trực tiếp một tình cảm như vậy ngay lúc ảnh hưởng của nó vẫn còn hiệu lực với mình. Nhưng tôi nghĩ rằng mình hiếm khi có thể đạt tới một sự chân thật trong giọng điệu du dương mà thống thiết đồng thời chìm ngập trong một cơn bão hòa âm ghê gớm đến thế.
Tác phẩm này vô cùng khó hát và khó đệm đàn; để thể hiện được ý nghĩa chân thực hay nói cách khác là để tái tạo lại, vớt ít nhiều phai nhạt, nỗi thất vọng u ám, mãnh liệt nhưng dịu dàng mà Moore đã trải nghiệm khi viết những câu thơ của mình và tôi cảm thấy tràn ngập trong âm nhạc của tôi thì cần tới hai nghệ sĩ tài năng hoàn hảo[4], đặc biệt là người ca sĩ phải được trời phú cho một giọng hát dễ thương và tính nhạy cảm cực độ. Nghe những nghệ sĩ xoàng biểu diễn sẽ khiến tôi đau đớn khôn tả.
Để khỏi chuốc lấy nỗi đau đó, trong suốt hai mươi năm tồn tại của khúc ca này tôi chưa bao giờ đề nghị ai hát nó. Một lần Alizart nhìn thấy nó ở nhà tôi nên đã thử hát không nhạc đệm bằng cách dịch nó xuống giọng xi cho phù hợp với giọng basse của mình và đã khiến tôi chao đảo đến mức ngắt lời anh ở giữa chừng và năn nỉ anh dừng lại. Anh ấy hiểu tác phẩm; tôi thấy anh sẽ hát nó một cách hoàn hảo; điều này khiến tôi nảy ra ý tưởng chuyển soạn bè đệm piano sang cho dàn nhạc. Rồi vì nghĩ rằng các tác phẩm tương tự không được viết ra cho công chúng đông đảo của những buổi hòa nhạc và rằng việc trình bày chúng trong sự thờ ơ của công chúng sẽ là một sự báng bổ nên tôi đã bỏ không làm tiếp và thiêu hủy những phần đã chuyển soạn cho dàn nhạc.
May mắn là bản dịch sang văn xuôi tiếng Pháp[5] trung thành với bản gốc đến độ về sau tôi có thể lắp những câu thơ bằng tiếng Anh của Moore vào phần âm nhạc của tôi.
Nếu có bao giờ khúc bi ca này được biết đến ở Anh và Đức thì có lẽ nó sẽ tìm được một vài đồng cảm hiếm hoi; những trái tim tan nát sẽ nhận ra sự đồng điệu. Một tác phẩm như thế là khó hiểu với phần đông người Pháp, còn những người Ý thì thấy nó phi lý và điên rồ.
Khi rời khỏi buổi biểu diễn Hamlet, kinh hãi vì những gì mình trải nghiệm, tôi tự hứa dứt khoát không có lần thứ hai tiếp xúc với ngọn lửa của Shakespeare.
Hôm sau người ta công bố trên áp phích về vở Romeo and Juliet... Tôi đã có thẻ vào khu sàn gỗ của Nhà hát Odéon nhưng sợ rằng người gác cổng nhà hát mới được lệnh ngăn cản không cho tôi vào như thường lệ nên ngay khi đọc được thông báo về vở kịch đáng gờm tôi chạy ngay đến phòng vé mua một vé ở khu ghế gần sân khấu nhất để đảm bảo chắc chắn cho quyền vào nhà hát của mình. Thế là quá đủ để số phận tôi được định đoạt.
Sau sự u sầu, những đau đớn khổ sở, tình yêu đầy nước mắt, những cõi lòng tan nát, sự điên dại, nước mắt, tang tóc, những thảm họa, những tình cờ tai ác của Hamlet, sau những đám mây đen và những cơn gió lạnh Đan Mạch, việc tôi tiếp xúc với mặt trời thiêu đốt, với những đêm tỏa hương vị Ý để tham dự vào vở kịch về tình yêu mau lẹ như ý nghĩ, thiêu đốt như nham thạch, khẩn thiết và không thể cưỡng lại được, bao la, trong sáng và đẹp đẽ như nụ cười của những thiên thần, vào những cảnh trả thù tàn bạo, những cái ôm siết đắm say, những cuộc đấu tranh tuyệt vọng của tình yêu và cái chết... là quá sức chịu đựng với tôi. Thế là từ màn ba, gần như không thở nổi và khổ sở như có một bàn tay sắt bóp chặt lấy tim mình, tôi tự nhủ một cách chắc mẩm: - A! mình toi rồi.
Cần phải nói thêm rằng vào lúc ấy tôi không biết một từ tiếng Anh nào và chỉ thoáng đọc Shakespeare qua những màn sương trong bản dịch của Letourneur, và hậu quả là tôi không hề nhận ra tấm lưới thơ như dệt bằng vàng bao bọc các tác phẩm tuyệt vời của ông. Không may là ngay cả bây giờ tôi vẫn phải hơi gắng sức để nhận ra[6]. Một người Pháp rất khó để thăm dò được những chiều sâu trong phong cách của Shakespeare cũng như một người Anh khó mà cảm nhận được những tinh tế và độc đáo trong phong cách của La Fontaine và của Molière. Hai nhà thơ của chúng ta là những lục địa phì nhiêu còn Shakespeare là một thế giới. Song diễn xuất của các diễn viên, nhất là của nữ diễn viên, loạt các cảnh liên tiếp, cử chỉ và giọng điệu có nhiều ý nghĩa hơn với tôi và làm tôi thấm thía hơn những ý tưởng và đam mê kiểu Shakespeare gấp nghìn lần so với các từ ngữ trong bản dịch nhạt nhẽo và không trung thành tôi đã đọc. Mùa đông năm ngoái một nhà phê bình người Anh[7] đã viết trên tờ Illustrated London News rằng sau khi thấy Miss Smithson đóng vai Juliette tôi đã thốt lên: “Ta sẽ cưới người phụ nữ này! Và ta sẽ viết bản giao hưởng lớn nhất về vở kịch này!”. Tôi đã làm hai việc đó nhưng tôi chả hề nói gì đại loại thế. Người viết tiểu sử tôi đã gán cho tôi một tham vọng lớn hơn bản tính rất nhiều. Ta sẽ thấy trong phần tiếp theo chuyện xảy ra như thế nào và trong những tình huống đặc biệt nào mà điều tâm hồn chao đảo của tôi không hề dám mơ tới lại trở thành hiện thực.
Thành công của Shakespeare ở Paris được sự ủng hộ nhiệt tình của tất cả các trường phái văn chương mới mà dẫn đầu là Victor Hugo, Alexandre Dumas, Alfred de Vigny vẫn không trội hơn thành công của Miss Smithson. Tại Pháp chưa từng có nữ nghệ sĩ nào khiến công chúng xúc động, yêu thích và ca tụng như nàng: chưa bao giờ lời lẽ tán tụng của báo chí sánh được với những lời mà các tờ báo Pháp đã đăng để vinh danh nàng.
Sau hai buổi biểu diễn Hamlet và Roméo, tôi không còn khó khăn trong việc tránh đi xem đoàn kịch Anh; thử thêm lần nữa sẽ quật ngã tôi mất; tôi sợ điều đó như người ta sợ những cơn đau thể xác dữ dội; chỉ nghĩ đến việc tiếp xúc với nó đã khiến tôi rùng mình.
Tôi trải qua nhiều tháng trời trong một kiểu tâm trạng tuyệt vọng âm ỉ mà chỉ tôi mới biết bản chất và nguyên nhân, đầu óc luôn nghĩ tới Shakespeare và nữ nghệ sĩ gợi cảm hứng, tới nàng Ophelia dịu dàng mà cả Paris đang chết mê chết mệt, rầu rĩ so sách giữa vinh quang sáng lạn của nàng và cảnh tối tăm buồn thảm của mình; rốt cuộc khi tự hồi phục tôi muốn bằng một nỗ lực cuối cùng để khiến cái tên của tôi mà nàng còn chưa biết tới tỏa sáng tới tận chỗ nàng. Thế là tôi thử làm cái việc mà không nhà soạn nhạc nào ở Pháp còn thử nữa.
Tôi sẽ cả gan tổ chức tại Nhạc viện một buổi hòa nhạc lớn gồm toàn tác phẩm tôi viết. Tôi tự nhủ: “Mình muốn chứng tỏ với nàng rằng tôi cũng là họa sĩ!”[8]. Để đạt được mục đích đó tôi cần ba điều: các bản sao âm nhạc của tôi, phòng hòa nhạc và những người biểu diễn.
Ngay khi đã quyết định xong tôi bắt tay vào việc và dùng 16 trên 24 giờ mỗi ngày để sao chép từng bè dàn nhạc và hợp xướng trong các tác phẩm tôi đã chọn.
Chương trình của tôi gồm: các ouverture Waverley và Những thẩm phán tự do; một aria và một trio với hợp xướng của vở Những thẩm phán tự do; hoạt cảnh Anh hùng ca Hi Lạp và bản cantate Cái chết của Orphée bị ban giám khảo của Học viện tuyên bố là không thể chơi được. Trong lúc không ngơi tay chép nhạc, bằng cách tăng cường tiết kiệm tôi đã thêm được một số tiền vào khoản dành dụm từ trước và dự tính sẽ dùng nó để trả cho các ca sĩ hợp xướng. Còn về phần dàn nhạc thì tôi chắc chắn sẽ có được sự hỗ trợ miễn phí của dàn nhạc Nhà hát Odéon, cùng một số nhạc công Nhà hát Opéra và Nhà hát Nouveautés.
Vậy là chỉ còn lo phòng hòa nhạc nữa thôi mà ở Paris nó luôn là trở ngại chính. Để được quyền sử dụng phòng hòa nhạc của Nhạc viện, nơi duy nhất thật sự tốt về mọi mặt, cần sự cho phép của ngài tổng giám sát nghệ thuật Sosthènes de Larochefoucault và cả sự đồng ý của Cherubini.
Ngài de Larochefoucault dễ dàng chấp thuận đơn thỉnh cầu tôi gửi đến; ngược lại Cherubini vừa nghe nhắc đến dự án của tôi đã nổi cơn tam bành.
- Cậu muốn tổ chức một buổi hòa nhạc? ông ta hỏi tôi bằng vẻ trịnh thượng thường lệ.
- Vâng thưa ngài.
- Để làm thế phải có sự cho phép của ngài tổng giám sát nghệ thuật.
- Tôi đã được phép rồi ạ.
- Ngài de Larossefoucault chấp thuận việc này ư?
- Vâng, thưa ngài.
- Nhưng, nhưng, nhưng tui thì tui không chấp thuận; tui phản đối việc cho cậu mượn phòng hòa nhạc.
- Nhưng ngài chẳng có lý do gì để từ chối tôi cả, vì lúc này Nhạc viện có đang sử dụng nó đâu và trong hai tuần tới nó sẽ bị bỏ không hoàn toàn.
- Nhưng tui bảo cậu rằng tui không muốn cậu tổ chức buổi hòa nhạc này. Mọi người về nông thôn hết cả và cậu sẽ không có lãi đâu.
- Tôi không mong có lãi. Buổi hòa nhạc này chỉ nhằm mục đích khiến tôi được biết tới.
- Người ta không cần biết tới cậu! Ngoài ra phải có tiền để trả các chí phí! Thế cậu đã có chưa?...
- Có rồi, thưa ngài.
- A! Thế cậu muốn người ta nghe cái gì trong buổi hòa nhạc ấy?
- Hai ouverture, các trích đoạn từ một vở opéra, bản cantate Cái chết của Orphée tôi viết...
- Bản cantate dự thi mà tui không ưng đó ư! Nó dở tệ, nó không thể chơi được.
- Ngài cho là thế, thưa ngài, nhưng tôi có cách đánh giá của tôi... Nếu một nghệ sĩ piano tồi không thể chơi được phần đệm thì điều đó không có nghĩa là một dàn nhạc tốt không thể chơi được.
- Thế ra đây là một kiểu lăng mạ Viện hàn lâm mà cậu muốn làm?
- Đây chỉ là một thí nghiệm thôi thưa ngài. Vì có thể Viện hàn lâm có lý khi tuyên bố rằng tác phẩm của tôi không thể chơi được. Ngược lại nếu Viện hàn lâm nhầm lẫn thì người ta sẽ bảo rằng tôi đã tiến bộ nhờ ý kiến của họ và rằng sau cuộc thi tôi đã sửa chữa lại tác phẩm.
- Cậu chỉ có thể tổ chức hòa nhạc vào chủ nhật thôi.
- Tôi sẽ tổ chức vào một chủ nhật.
- Nhưng nhân viên phòng hòa nhạc, những người soát vé, những người xếp chỗ mà Nhạc viện thuê sẽ vắng mặt vì hôm đó là ngày nghỉ duy nhất, thế cậu muốn làm những người nghèo khổ đó chết mệt hay sao?
- Chắc ngài đang đùa, thưa ngài; những người nghèo khổ mà ngài cảm thấy xót thương ấy lại thích thú khi gặp cơ hội kiếm thêm chút tiền và ngài sẽ có lỗi với họ nếu tước đi của họ cơ hội đó.
- Tui không muốn, tui không muốn! Và tui sẽ viết cho ngài tổng giám sát để ngài ấy rút lại giấy phép.
- Ngài rất tốt bụng, thưa ngài; nhưng ngài de La Rochefoucault không nuốt lời đâu. Ngoài ra chính tôi cũng sẽ viết cho ngài ấy để thuật lại chính xác cuộc đối thoại mà lúc này tôi đang vinh dự có được với ngài. Như vậy thì ngài ấy sẽ có thể cân nhắc giữa lý lẽ của ngài và của tôi.
Tôi đã gửi thư thật và kể lại y chang những gì ta vừa đọc. Nhiều năm sau qua một viên thư ký của văn phòng nghệ thuật tôi mới biết rằng lá thư dạng hội thoại của tôi đã khiến ngài tổng giám sát cười đến chảy nước mắt. Sự âu yếm Cherubini dành cho những người nghèo khổ được Nhạc viện thuê mà tôi muốn làm cho chết mệt bằng buổi hòa nhạc của mình có vẻ khiến ngài xúc động nhất. Ngài trả lời tôi ngay lập tức như bất cứ ai có lương tri cũng sẽ làm và vừa cho phép tôi một lần nữa vừa viết thêm những lời khiến tôi luôn biết ơn vô cùng này: “Tôi khuyến khích anh đưa lá thư này cho ngài Cherubini người đã nhận được những mệnh lệnh cần thiết về vấn đề của anh”. Chưa đầy một phút sau khi nhận được giấy tờ chính thức tôi đã chạy ào đến Nhạc viện và đưa nó cho ông giám đốc: “Thưa ngài, xin vui lòng đọc cái này”. Cherubini cầm lấy tờ giấy đọc đi đọc lại một cách chăm chú, sắc mặt chuyển từ xanh xao sang tái nhợt và đưa trả lại tôi mà không nói một lời.
Đây là con rắn chuông đầu tiên mà bàn tay tôi ném cho ông ta để đáp lại con rắn nước mà ông ta đã bắt tôi nuốt khi đuổi tôi ra khỏi thư viện trong cuộc chạm trán đầu tiên giữa chúng tôi.
Tôi bỏ đi với đôi chút thỏa mãn, một mình lẩm bẩm nhại lại cái giọng êm ái của ông ta một cách khá vô lễ: “Nào, ngài giám đốc, đây chỉ là một con rắn nhỏ xinh xỉnh xình xinh thôi, hãy thích thú nuốt đi; nuốt thật êm vào! Thật êm vào! Có thể chúng ta sẽ thấy nhiều con khác nếu ngài chẳng để tôi yên!”.
Ký hiệu ở các chú thích:
[1] Ngày 11/9/1827 với đạo diễn là William Abbot đoàn kịch đã khai mạc mùa diễn năm đêm trước đó bằng các vở The rivals và Fortune’s frolic của Allingham. Đêm diễn Hamlet đầu tiên đã bị hoãn lại do diễn viên nam chính Charle Kemble (em trai của John) bị lỡ chuyến tại Anh. (DC)
[2] Thực tế là sáu năm sau. Berlioz nhìn thấy Smittson lần đầu vào tháng 9/1827 và cưới cô vào tháng 10/1833. (DC)
[3] Victor Hugo, Les rayons et les ombres (Tia sáng và bóng tối). (DC)
[4] Pischek tự đệm đàn thì sẽ là lý tưởng để thể hiện khúc bi ca này. (HB)
[5] Bản dịch Les Amours des anges, et les mélodies irlandaises gồm 2 tập của Louise Swanton Belloc (1796-1881), nữ nhà văn và dịch giả người Pháp gốc Ailen.
[6] Lúc viết những dòng này Berlioz đã biết tiếng Anh. Nhờ theo học lớp tiếng Anh buổi tối năm 1828 nên Berlioz có thể đọc lưu loát và nói khá tốt ngôn ngữ này. (DC)
[7] Ngày 12/2/1848, người viết là Charles Gruneisen, nhà phê bình âm nhạc của các tờ Illustrated London News, Morning Chronicle và Britannia. (DC)
[8] Nhận xét của Correggio khi nhìn thấy bức tranh St Secilia của Raphael. (DC)