Hồi ký Berlioz (14)

19/04/2018

(Tiếp theo)
Chương 14
Cuộc thi tại Học viện - Người ta tuyên bố bản cantata của tôi không thể chơi được - Sự tôn thờ Gluck và Spontini của tôi - Sự xuất hiện của Rossini - Những fan cuồng - Cơn giận dữ của tôi - Ngài Ingres

Kỳ thi tại Học viện sắp tới và một lần nữa tôi lại ghi tên ứng thí. Lần này tôi được phép dự thi . Người ta giao cho chúng tôi soạn một hoạt cảnh trữ tình  cho dàn nhạc lớn có đề tài Orphée bị những mụ phóng đãng xé xác. Tôi nghĩ là tác phẩm vòng chung khảo của mình không phải là không có giá trị nhưng nghệ sĩ piano hạng xoàng  (chúng ta sẽ sớm thấy sự tổ chức các cuộc thi khó tin đến thế nào) chịu trách nhiệm đệm đàn cho tác phẩm của tôi, hay đúng hơn là diễn thay cả dàn nhạc trên đàn piano, đã không thể chơi trọn vẹn đoạn lễ hội thần Rượu. Ban âm nhạc của Học viện gồm Cherubini, Paer, Lesueur, Berton, Boïeldieu và Catel loại tôi ra khỏi cuộc thi khi tuyên bố rằng tác phẩm của tôi không thể chơi được.
Sau sự ích kỷ nhỏ mọn và hèn nhát của các bậc thầy e sợ những người mới vào nghề và gạt bỏ họ, tôi còn biết đến sự phi lý chuyên chế của cái thể chế siết cổ họ . Kreutzer đã ngăn cản cơ hội để tôi có được một thành công mà vào lúc ấy sẽ thuận lợi đáng kể với tôi; các viện sĩ thì bằng cách áp dụng với tôi một quy chế đúng là nực cười, đã lấy đi của tôi cơ hội có được một giải thưởng nếu không xán lạn thì ít ra cũng đáng khích lệ, và đem đến cho tôi những hậu quả tai hại do nỗi thất vọng và phẫn nộ tích tụ lại.
Nhà hát Nouveautés đã chấp thuận cho tôi một kỳ nghỉ phép 12 ngày để tham dự cuộc thi này. Ngay sau khi hết phép tôi lại bị xiềng xích. Nhưng cũng gần như ngay lập tức tôi bị ốm nặng, chứng viêm amiđan suýt khiến tôi đi đời. Antoine còn mải ra ngoài tán tỉnh các nàng grisette  nên bỏ tôi ở nhà một mình từ sáng đến nửa đêm mà không có người giúp việc hay y tá săn sóc. Một tối nọ tôi tưởng mình sẽ chết vô phương cứu chữa nếu trong cơn đau đớn cùng cực không có một cú thọc sâu táo bạo bằng con dao nhíp vào ổ áp xe họng đang làm tôi ngạt thở. Sau cuộc phẫu thuật không mấy khoa học này tôi có dấu hiệu khá hơn. Tôi gần như bình phục khi cha tôi, chịu thua trước chừng ấy kiên trì và chắc chắn là lo lắng về sinh kế của tôi, đã nối lại trợ cấp cho tôi. Nhờ tình phụ tử ân cần bất ngờ quay trở lại mà tôi có thể từ bỏ vị trí ca sĩ hợp xướng. Đây không phải là một hạnh phúc tầm thường bởi vì ngoài sự mệt mỏi thể chất mà nghĩa vụ thường ngày đè nặng lên tôi, sự ngu dốt của thứ âm nhạc mà tôi phải chịu đựng trong các vở opéra nhỏ tương tự như kịch tạp kỹ và trong các vở kịch tạp kỹ lớn bắt trước opéra hẳn sẽ đưa đến kết cục truyền cho tôi bệnh tả hoặc biến tôi thành kẻ điên khùng nói năng mê sảng. Chỉ các nghệ sĩ đích thực và biết các nhà hát nhạc kịch nửa mùa  ở nước Pháp chúng ta là thế nào mới hiểu được những gì tôi đã phải chịu đựng .
Vậy là tôi có thể trở lại với các đêm diễn tại Nhà hát Opéra với niềm hăng say hơn bao giờ hết, những đêm diễn mà tôi đã buộc phải hy sinh do yêu cầu của công việc buồn tẻ tại Nhà hát Nouveautés. Lúc bấy giờ tôi dành toàn bộ thể xác và tinh thần để nghiên cứu và tôn thờ thể loại nhạc kịch lớn. Chưa từng nghe buổi hòa nhạc nghiêm túc nào ngoài các buổi diễn ra tại Nhà hát Opéra mà sự trình diễn thiếu lửa và tủn mủn của chúng không đáng để tôi say mê đắm đuối nên các ý tưởng của tôi chẳng hề mon men hướng đến lĩnh vực khí nhạc. Các bản giao hưởng của Haydn và Mozart, nói chung là các tác phẩm thuộc thể loại thân tình, được biểu diễn bằng một dàn nhạc quá yếu trên một sân khấu quá rộng và thiết kế dở về mặt âm học, không tạo ra nhiều hiệu quả hơn nếu như người ta chơi chúng ở cánh đồng Grenelle; chúng nghe rất nhỏ, rời rạc và nhạt nhẽo. Beethoven, tác giả mà tôi đã đọc hai tổng phổ giao hưởng và nghe mỗi một khúc andante, với tôi thật xa vời như mặt trời nhưng là một mặt trời bị che phủ bởi những đám mây dày đặc. Weber đã không còn viết các kiệt tác nữa; cả cái tên của ông cũng xa lạ với chúng tôi. Còn Rossini và sự cuồng tín mà ông gây ra gần đây trong giới sang chảnh ở Paris thì đối với tôi chính là đề tài gây phẫn nộ hết mức vì trường phái mới này có vẻ đối chọi hoàn toàn với các trường phái của Gluck và Spontini. Trong khi không thể tưởng tượng ra cái gì đẹp lộng lẫy và chân thật hơn các tác phẩm của hai bậc thầy này thì vẻ diễu cợt du dương, vẻ khinh miệt từ cách biểu đạt và những ước kệ kịch tính, sự sao chép liên tục thể thức nhịp điệu, kiểu crescendo  bất tận và trẻ con cùng tiếng trống trầm hung tợn của Rossini đã làm tôi bực bội đến mức cản trở không cho tôi nhận ra những phẩm chất thiên tài sáng chói ngoài phần phối khí kể ra cũng rất tinh tế  ngay cả trong kiệt tác Người thợ cạo của ông. Lúc ấy tôi đã hơn một lần tự hỏi làm thế nào để mình có thể tới cài mìn tại Nhà hát Ý và cho nổ tung nó vào một đêm diễn cùng toàn bộ fan cuồng của Rossini. Và khi gặp một trong những fan cuồng đó, những đối tượng mà tôi ghét cay ghét đắng, tôi vừa ném cho hắn một cái nhìn của Shylock  vừa lẩm bẩm: “Đồ vô lại! Ta những muốn có thể đóng cọc mi bằng một thanh sắt nóng!”. 
Tôi phải thẳng thắn thừa nhận rằng tới tận hôm nay từ trong sâu thẳm tôi vẫn còn tâm lý xấu xa của kẻ sắp giết người cùng kiểu nhìn lạ đời đó. Chắc chắn là tôi sẽ chẳng đóng cọc ai bằng một thanh sắt nóng, sẽ chẳng làm nổ tung Nhà hát Ý ngay cả khi mìn đã được cài và chỉ cần châm ngòi nổ, nhưng bằng cả trái tim và tâm hồn tôi tán thưởng ngài họa sĩ lớn Ingres  của chúng ta khi nghe ngài nói về một vài tác phẩm của Rossini: “Đó là âm nhạc của một tên  dối trá!” .
(Còn nữa)
Ký hiệu ở các chú thích: 
HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.
Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký. 

[1] Thuật ngữ chỉ cách chơi nhạc với cường độ mạnh dần.

[1] Và không có trống trầm. (HB)

[1] Nhân vật lão Do thái cho vay nặng lại trong vở kịch Người lái buôn thành Venice của Shakespeare.

[1] Jean-Auguste-Dominique Ingres (1780-1867), họa sĩ Tân cổ điển người Pháp.

[1] Sự tương đồng quan điểm này giữa tôi và họa sĩ Ingres về một số vở opéra sérieux Ý của Rossini không phải là điều duy nhất tôi có thể tự hào. Tuy nhiên nó không ngăn việc tác giả lừng danh của bức Sự tuẫn đạo của thánh Symphorien xem tôi như một nhạc sĩ đáng ghét, một con quái vật, một kẻ bất lương, một tên chống Chúa. Nhưng tôi chân thành tha thứ cho ông vì lòng ngưỡng mộ của ông dành cho Gluck. Vậy là lòng ngưỡng mộ nhiệt thành lại đối nghịch với tình yêu; nó làm cho chúng ta yêu những người yêu những gì chúng ta yêu ngay cả khi họ căm ghét chúng ta. (HB)

Tác giả: Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...