Gyorgy Ligeti (1923-2006)
György Sándor Ligeti sinh ngày 28 tháng 5 năm 1923 tại Dicsőszentmárton, Transylvania, Rumani trong một gia đình Do Thái. Gia đình Ligeti không có ai chơi nhạc thậm chí chẳng có một nhạc cụ nào ngoài chiếc radio cũ kỹ. Khi còn bé cha mẹ ông đều nghĩ sau này Ligeti sẽ trở thành nhà khoa học bởi ông đặc biệt yêu thích các môn khoa học tự nhiên là vật lý và toán học. “Tôi được bố cho học piano khi đã khá lớn tuổi, chính xác là 14 tuổi do vậy kỹ thuật piano của tôi rất yếu và cũng muộn để trở thành một pianist… Tôi ra cửa hàng mua bút chì, giấy, một cục tẩy và bắt đầu sáng tác dựa theo những bản nhạc của Grieg mà tôi đang tập”.
Năm 1943 khi mới 20 tuổi ông buộc phải dừng việc học do chiến tranh, cả gia đình ông bị bắt vào làm việc trong các trại tập trung của bọn Phát xít và chỉ có Ligeti và mẹ ông là may mắn sống sót sau cuộc chiến.
Sau chiến tranh ông lại theo học tại Budapest dưới sự hướng dẫn của nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Pál Kadosa, Ferenc Farkas, Zoltán Kodály, Sándor Veress và đến năm 1949 thì tốt nghiệp. Sau khi tốt nghiệp ông dành một năm để nghiên cứu về âm nhạc dân tộc rồi sau đó lại quay lại nhạc viện dạy hòa âm, đối vị và phân tích tác phẩm. Sống tại quốc gia theo chế độ Xã hội chủ nghĩa dưới sự bảo trợ của Xô viết nên Ligeti ít được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây. Năm 1956, Ligeti đã sang Vienna và trở thành công dân Áo.
Sau khi đến Áo một thời gian ông chuyển đến làm việc tại một studio ở Cologne nơi ông được tiếp xúc và tìm hiểu âm nhạc của Boulez và Stockhausen. Tại đây Ligeti làm quen vời âm nhạc điện tử cũng như những trào lưu mới nhất và ông cũng bắt đầu có những sáng tác đánh dấu sự xuất hiện của mình bên ngoài biên giới Rumani (tác phầm viết cho dàn nhạc Apparitions(1958-59) được biểu diễn lần đầu tại liên hoan âm nhạc ISCM Festival đã thành công rực rỡ). Tại studio ông thường xuyên gặp gỡ và kết bạn với những nghệ sĩ tiên phong tại châu Âu lúc bấy giờ như Karlheinz Stockhausen, Gottfried Michael Koenig, Herbert Eimert và Pierre Boulez. Tình bạn của ông và nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng người Pháp Boulez có nhiều lúc căng thẳng khi Ligeti chỉ trích nhiều sáng tác của Boulez, nhưng sau này Ligeti tự nhận lỗi và rất biết ơn Boulez đã giúp rất nhiều sáng tác của ông đến với khán giả.
Ligeti không muốn chạy theo số đông hay núp bóng dưới một trường phái nào cả ông muốn sáng tác theo bản năng thiên phú của mình: “Tôi sáng tác một cách hết sức bản năng là ghi lại những âm thanh trong trí tưởng tượng. Tất nhiên tôi có sử dụng kỹ thuật nhưng chúng dường như không tồn tại khi tôi sáng tác, mọi người ngày nay tin rằng có thể phân tích hay mô tả bằng các sơ đồ toán học nhưng tôi thì không”. Không như nhiều nhạc sĩ cùng thời chạy theo các hình thức, âm nhạc của Ligeti cách tân nhưng vẫn đầy chất nhân văn, nó chứa đựng một thế giới nội tâm mãnh liệt của một người đàn ông trải qua bao thăng trầm của cuộc đời .
Piano là nhạc cụ mà ông sáng tác khá nhiều và chúng đều là những tác phẩm tiêu biểu của ông. Các sáng tác cho piano của ông trải dài trên suốt chặng đường sáng tác của ông từ khi còn là sinh viên trường nhạc tại Hungary cho đến Ligeti trưởng thành của thập niên 70. Nổi bật nhất trong số này có lẽ là bộ Etude và một concerto cho piano được nhạc sĩ kiêm nhạc trưởng Boulez coi là những tác phẩm nổi bật cuối thế kỷ 20 và được rất nhiều pianist nổi tiếng cũng như sinh viên trường nhạc luyện tập và biểu diễn. Các tác phẩm cho piano phản ánh khá rõ nét sự phát triển trong ngôn ngữ âm nhạc của Ligeti: Khi còn là sinh viên trường nhạc tại Hungary ông bị cuốn hút bởi âm nhạc dân gian và nhất là âm nhạc mới đầy cá tính của nhạc sĩ đàn anh Béla Bartók. Các sáng tác trong giai đoạn này có thể kể đến Capriccio 1 & 2 và các bài tập sáng tác dựa theo các sáng tác của Mozart, Schumann, Bach, Frescobandi … cho thấy một Ligeti trên con đuờng tìm tòi và ghi đậm dấu ấn của Bartók cũng như Stravinsky. Các etude, có lẽ là các tác phẩm nổi tiếng nhất của ông và ngày càng được nhiều pianist biểu diễn, chia làm 3 tập: “Book I” hoàn thành năm 1985, “Book II” hoàn thành năm 1994 và “Book III” hoàn thành năm 1995.
Ngoài ra ông cũng sáng tác cho piano bốn tay, song tấu piano, harpsichord và cho organ (Khi ở Kolozsvar, Ligeti có học chơi organ trong 3 năm từ 1941 đến 1943).
Le Grand Macabre là vở opera duy nhất của ông với phần libretto gốc bằng tiếng Đức do ông cùng Michael Meschke viết dựa trên vở kịch La Balade du Grand Macabre của nhà văn Bỉ Michel De Ghelderode. Tác phẩm được biểu diễn lần đầu vào ngày 12 tháng 4 năm 1978. Vở opera tạo nên một không gian ma quái thể hiện những ảo ảnh về thế giới hiện đại. Vở opera này có điều đặc biệt là có thể biểu diễn bằng rất niều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Thụy Điển, Pháp và Italia và nó là một trong những vở opera hiện đại đựoc biểu diễn nhiều nhất.
Ngoài ra Ligeti sáng tác khá nhiều concerto cho các nhạc cụ khác nhau: “Hamburg concerto for horn and orchestre” viết trong giai đoạn 1998 đến 2002 cho horn solo và dàn nhạc nhỏ, “Double concerto for flute oboe for orchestre” viết năm 1972, các concerto cho cello (1966), Concerto cho flute và oboe (1972), Concerto cho violin (1992), Hamburg Concerto cho horn (1999).
Như nhiều nhạc sĩ lớn khác ông cũng viết một bản “Requiem” gồm 4 phần với thời lượng khoảng 30 phút. Tác phẩm viết cho dàn nhạc cỡ trung, 2 giọng nữ solo (soprano và mezzo soprano) và được phụ họa bởi dàn hợp xướng 100 ca sĩ: Trong khi phần đầu Introit viết duới hình thức khá đơn giản thì phần Kyrie viết dưới hình thức fugue 5 bè (S,M,A,T,B), mỗi bè lại được viết theo hình thức canon 4 bè tổng cộng tạo thành 20 bè đan xen nhau. Phần Dies Irae là trung tâm của tác phẩm với tính chất kịch tính và bùng nổ miêu tả ngày tận thế (Last Judgement). Bản “Requiem” có buổi biểu diễn đầu tiên thành công rực rỡ tại Stockholm vào năm 1965 và nhận được giải thưởng danh giá Bonn Beethoven Prize vào năm 1967. Ngoài bản “Requiem” nổi tiếng này ông còn sáng tác khá nhiều tác phẩm cho hợp xướng theo phong cách a capella cũng như các tác phẩm thanh nhạc, nổi bật trong số đó có thể kể đến Aventures (1962), Nouvelles Aventures (1962-65), Lux Aeterna (1966) và Síppal, dobbal,nádihegedüvel (2000).
Năm 1953 khi nhóm ngũ tấu nổi tiếng của Rumani lúc bấy giờ là Jeney Quintet đề nghị ông sáng tác cho họ, Ligeti đã chuyển soạn một phần “musica ricercata” cho flute, oboe, horn, clarinet, bassoon lấy tên là “Five bagatelles”… Và khi học viện Franz Listz tổ chức liên hoan âm nhạc đương đại làn thứ nhất vào tháng 9 năm 1956, bản ngũ tấu này đã được nhóm Jeney Quintet biểu diển rất thành công. Thực ra tác phẩm này gồm sáu phần nhưng do một phần có nhiều quãng nghịch nên đã bị chính quyền cắt bỏ. (Sau này khi Ligeti rời Rumani, bản ngũ tấu này mới được biểu biễn đầy đủ gồm 6 phần và có tên là “Six bagatelles for wind quintet”. 12 năm sau Ligeti sáng tác một bản ngũ tấu khác là “Ten pieces for wind quintet”. Tác phầm gồm 10 phần với 5 phần phối khí khá cân bằng trong khi 5 phần còn lại lại làm nổi bật các nhạc cụ khác nhau : số 2 là clarinet, số 4 là flute, số 6 là oboe, số 8 là horn và số 10 là basoon. Trong số các tác phẩm thính phòng, ngoài hai sáng tác cho ngũ tấu nói trên phải kể đến tam tấu cho piano, horn, violin và hai tứ tấu đàn dây và sonata cho viola solo. Các tác phẩm cho thấy một Ligeti đầy cách tân sáng tạo nhưng vẫn mang tính kế thừa các di sản truyền thống : âm nhạc của ông đầy cách tân trong việc sử hệ thống microtone đan xen với các thủ pháp tiến hành bè độc đáo (dynamic polyphony) nhưng vẫn kế thừa âm nhạc của các nhà soạn nhạc lỗi lạc trước đó.
Âm nhạc của Ligeti không chỉ giới hạn trong các nhạc viện cũng như phòng hòa nhạc, ông còn tham gia viết nhạc cho các bộ phim của đạo diễn Stanley Kubrick như A Space Odyssey, The Shining và Eyes Wide Shut.
Trong suốt sự nghiệp của mình Ligeti nhận được nhiều giải thưởng danh giá: Bach Prize (năm 1975), Grawemeyer Prize (năm 1986) , Music Prize của hội đồng âm nhạc quốc tế, Kyoto Award (2001), Kossuth Price, Hungary (2003) Polar Music Prize (2004) và ông cũng tham gia giảng dạy tại nhiều nhạc viện danh tiếng như Stockholm Academy of Music, Hamburg Music Academy, Stanford University…
Ligeti mất ngày 12 tháng 6 năm 2006, ông mãi được nhớ đến như là nhạc sĩ vĩ đại của thế kỷ 20. Những cách tân trong ngôn ngữ âm nhạc cũng như tư tưởng âm nhạc mang tính thời đại sẽ là tấm gương cho các nhạc sĩ tương lai học tập.
(Nguồn: nhaccodien.info)