“Gửi xe cũng phải trả tiền, tại sao nghe nhạc lại không chịu trả?”

11/06/2017

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: NVCC

“Vì sao bạn ăn đĩa cơm phải trả tiền, đi tham quan công viên phải trả tiền, thậm chí gửi xe cũng phải trả tiền, mà nghe nhạc lại không chịu trả? Như vậy có công bằng với những người viết nhạc hay không?” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung - tác giả bản hit “Nhật ký của mẹ” - chia sẻ quan điểm của mình về những tranh cãi liên quan đến việc thu tiền tác quyền âm nhạc, đang làm “nóng” dư luận những ngày qua.

Vấn đề thu tiền bản quyền âm nhạc tại phòng nghỉ khách sạn, quán càphê của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMV) vẫn đang nhận những ý kiến trái chiều, quan điểm của nhạc sĩ về việc này thế nào?

- Theo tôi được biết, những nơi nên thu tiền tác quyền âm nhạc là nhà hàng, siêu thị, quán cafe, sân bay, sảnh khách sạn, karaoke... nơi họ chủ động bật nhạc để đón tiếp khách hàng! Tôi nghĩ chuyện phải trả phí là nên làm!

Chúng ta nên tập làm quen với việc nghe nhạc thu phí. Vì điều đó chứng tỏ chúng ta tôn trọng giá trị lao động của những người nhạc sĩ, tôn trọng những chất xám, thời gian, tâm sức họ dành để sáng tác những bài hát hay phục vụ cho đời sống tinh thần của chúng ta!

Khi VCPMV thu tiền tác quyền, họ trả cho nhạc sĩ theo hình thức nào? Phía trung tâm có gửi kèm văn bản ghi rõ nguồn thu từ nhạc chuông, karaoke hay trên truyền hình, quán cà phê hay không?

- Hiện tôi là hội viên của VCPMC. Trung tâm đang trả  tiền tác quyền cho tôi theo từng quý, liệt kê rõ ràng từng hạng mục, từng bài hát của tôi được các đơn vị sử dụng. Cả 1 bộ hồ sơ chi tiết mỗi quý của tôi khoảng 220 trang.

Tôi rất tin tưởng vào sự nhiệt tình và minh bạch của Trung tâm, bởi vì khi có những vụ xâm phạm quyền tác giả, Trung tâm cũng tích cực giải quyết cho tôi!


Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng, việc khán giả trả phí nghe nhạc là thể hiện
sự tôn trọng với những người sáng tác. Ảnh: NVCC

Phía đơn vị kinh doanh, trước khi trả tiền, họ cũng có quyền được minh bạch thông tin, ví dụ như yêu cầu phải trưng giấy ủy quyền tác giả, có sự thỏa thuận giữa bên trả và bên thu. Còn Trung tâm thì bảo phía người sử dụng phải có nghĩa vụ khai báo và đóng tiền. Theo nhạc sĩ, làm thế nào để dung hòa lợi ích của bên đi thu và bên phải trả?

- Tôi thấy mọi người đang nghĩ hơi tiêu cực quá! Nhưng phía VCPMC nên cẩn trọng hơn trong những lộ trình tiếp theo để khán giả dần dần thích nghi được. Trước khi thu, phải tuyên truyền, hướng dẫn họ.

Sự quyết liệt của Trung tâm cũng chỉ vì muốn mang đến một sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ từ các khán giả! Nghệ sĩ yêu mến khán giả thì khán giả cũng nên trân trọng nghệ sĩ. Và điều thiết thực nhất để thể hiện điều đó là trả phí khi nghe nhạc.

Nếu VCPMC không tích cực như vậy thì chứng tỏ rằng họ không hề tâm huyết với công việc của họ, không hề tâm huyết với lý tưởng mang lại công bằng và quyền lợi cho nhạc sĩ trên cả nước!

Hiện có một số cơ sở kinh doanh đề nghị nên dừng việc thu tiền tác quyền âm nhạc, với tư cách là một người sáng tác, nhạc sĩ nghĩ sao về đề xuất này?

- Việc Trung tâm đề xuất thu phí bản quyền âm nhạc là một việc nên làm. Ở các nước khác cũng vậy, khi các bạn nghe nhạc, các bạn nên trả tiền như khi các bạn đi chợ vậy!

Trên iTunes cũng thế, các bạn chỉ được nghe demo 30,45 giây cho 1 bài hát thôi, muốn nghe full phải trả phí! Như vậy, người nghệ sĩ mới có kinh phí để tái đầu tư ra những sản phẩm tốt hơn! Chúng ta nên tập bỏ thói quen xài miễn phí đi!

Cảm ơn nhạc sĩ đã chia sẻ!

Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam:

Chúng tôi chỉ thu tiền cho những tác giả đã ủy quyền cho trung tâm. Các cơ sở kinh doanh muốn biết danh sách đấy thì phải đến trung tâm khai báo, cung cấp danh mục ca khúc sử dụng, rồi ký hợp đồng sử dụng tác phẩm âm nhạc. Sau khi ký hợp đồng, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm về việc này. Đầu tiên trung tâm sẽ đối chiếu danh mục các ca khúc mà cơ sở kinh doanh sử dụng với danh mục ca khúc được ủy quyền cho trung tâm. Nếu chúng tôi thu sai, nhận vơ, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm.

(Nguồn: http://m.laodong.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...