Giữa Đông và Tây*
Cuốn sách này tập hợp những bài nghiên cứu về tác phẩm âm nhạc của Nguyễn Lân Tuất, một nhà soạn nhạc Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô và đã 50 năm sinh sống tại Nga. Ông là hội viên của Hội Nhạc sĩ Nga và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nghệ sĩ Công huân Liên bang Nga, giáo sư của Nhạc viện quốc gia (Viện hàn lâm âm nhạc) Novosibirsk.
Các tác giả của các bài viết – những nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nga, Việt Nam và Đức đã nghiên cứu hoạt động khoa học và sáng tạo của nhà soạn nhạc, trọng tâm là những tác phẩm chính, nơi bộc lộ rất rõ những nét đặc trưng cho phong cách của riêng ông.
Giáo sư A.Leovichenko đề cập trong bài viết của mình về đặc điểm chung trong bút pháp của Lân Tuất như một nghệ sỹ có phong cách được định hình ở sự giao thoa giữa các truyền thống âm nhạc của phương Đông và phương Tây, của Việt Nam và Nga. Ở đây thấy rõ cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của ông được đánh dấu bằng sự vượt qua nhiều khó khăn, liên quan đến sự hòa nhập của nhạc sĩ Việt Nam vào môi trường văn hóa Nga với những tìm kiếm, định hướng và khẳng định quan điểm sáng tạo cá nhân.
Giáo sư A.Mikhailenco phân tích phương pháp sáng tạo riêng của Lân Tuất, Được chọn làm dẫn chứng ở đây là những tác phẩm mang dấu ấn đặc biệt của tác giả tuy khác nhau về thể loại nhưng gần nhau về cách thức biểu hiện, đó là giao hưởng số 3 (“Giấc mơ của kẻ bị kết án”) và Tứ tấu dây.
Giáo sư G.Dmeshkk, S.Goncharenko và S.Korobeinikov đã nghiên cứu những nét đặc trưng trong nội dung và cấu trúc những tác phẩm khí nhạc khác: giao hưởng số 1 “Dự cảm nội chiến”, giao hưởng số 4 “Gửi người yêu phương xa” và bài thơ viết cho dàn nhạc thính phòng và giọng hát “Những ngôi chùa”. Tính độc đáo của những sáng tác này dẫn đến những hướng tiếp cận khác nhau trong phân tích. Trong các bài viết về các giao hưởng đặc biệt chú ý tới mối liên hệ giữa tác phẩm với xu hướng giao hưởng mang tính triết lí của Nga ở thế kỉ XX. Bài viết về bài thơ “Những ngôi chùa” nhấn mạnh mối liên hệ giữa âm nhạc của Lân Tuất và những đặc trưng của văn hóa truyền thống Việt Nam với những cách biểu hiện nghệ thuật khác nhau.
Những bài viết của hai nhà nghiên cứu Việt Nam – Phạm Lê Hòa và Nguyễn Thị Minh Châu đáng chú ý bởi sự bày tỏ quan điểm về giá trị sáng tạo của Lân Tuất đối với văn hóa quốc gia Việt Nam. Phân tích Adagio trích từ giao hưởng số 4 và giao hưởng số 2 (Tổ quốc tôi), các nhà nghiên cứu không những chứng minh mối liên quan của các tác phẩm này với truyền thống âm nhạc châu Âu, trước hết là âm nhạc Nga, mà còn khẳng định những yếu tố thuộc về dòng chảy âm nhạc giao hưởng Việt Nam.
Nhà phê bình A.Plakhova và N.Lajons phân tích những tác phẩm thanh nhạc của Lân Tuất được viết trong thời kì đầu cũng như giai đoạn đã trưởng thành sau này. Các sáng tác phổ thơ cổ Việt Nam, Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy đặc điểm bút pháp gắn kết thế giới quan và âm nhạc của Lân Tuất với văn hóa Viễn Đông rất rõ rệt.
Cuối cùng là bài của giáo sư V.Junusova về công trình nghiên cứu khoa học của Lân Tuất dành cho âm nhạc sân khấu cổ truyền của Việt Nam. Đồng thời tác giả cũng phát biểu quan điểm cá nhân về đặc điểm văn hóa sân khấu ở các nước phương Đông và Đông Nam Á, tăng thêm giá trị khoa học cho bài báo.
Cuốn sách tập hợp các bài nghiên cứu được xuất bản hướng tới dịp kỉ niệm 80 năm ngày sinh của nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là ấn phẩm đầu tiên dành tặng cho cuộc đời hoạt động nghệ thuật và khoa học tỏa sáng của ông.
_______________
*Nhiều tác giả: Giữa Đông và Tây – Những bài viết về cuộc đời và tác phẩm của Lân Tuất. Sách tiếng Nga, Nxb Okarina, 2013.