Gặp lại Rôđiôn Shêđrin – tác giả Carmen Suite nổi tiếng một thời
Ông là tác giả của hàng ngàn tác phẩm, từ ôpera, nhạc cho balê, nhạc giao hưởng, nhạc thính phòng…, được coi là nhà kinh điển của âm nhạc Nga. Đặc biệt chắc chúng ta còn nhớ Carmen Suite, tổ khúc balê nổi tiếng toàn cầu, nhạc Rôđiôn Shêđrin, biên đạo Alberto Alonso.
Buổi phỏng vấn qua Café buổi sáng (tờ báo Nga) lần này đã có mặt cả phu nhân nhạc sĩ – “Nghệ sĩ balê thế kỷ” Maia Mikhailốpna Plixétxcaia, lúc này đã ở tuổi 87 (bà đã qua đời năm 2015 vào tuổi 90, 3 năm sau buổi gặp mặt này) với nhiều vai diễn kiệt xuất, trong đó có những vai Carmen, Anna Karenina…là những vai trong các vở balê chồng bà viết nhạc, rồi Cái chết của con thiên nga, nhạc Camille Saint-Saens, một vai mà bà còn biểu diễn thành công nhân đêm Gala tôn vinh bà tại Xanh Petécbua khi đã ở tuổi 70.
- Trong Festival sẽ vang lên những tác phẩm mới của ông, thực ra tất cả đều là những tác phẩm viết theo đơn đặt hàng. Liệu những “tuyệt tác” có thể viết ra theo đơn đặt hàng không ?
- Hầu như tất cả, những tuyệt tác mà chúng ta có trong lịch sử âm nhạc, đã được viết theo đơn đặt hàng. Và chân giá trị của những tác phẩm ấy đã được khẳng định từ xa xưa, xa xưa lắm rồi. Đây, hiện nay tôi cùng Maia Mikhailốpna (Plixétxcaia – chú thích của PV) đang thuê một căn hộ ở Muynkhen (Đức), cách nhà trăm mét là trụ sở Bộ Văn hóa Bavaria. Ở đó có tấm bảng kỷ niệm: trong ngôi nhà này đã diễn ra buổi công diễn đầu tiên vở ôpera Iđômênây của Mozart. Cách chúng tôi 300 mét – nhà Bộ Nội vụ, nơi ấy có ghi rõ là nơi Chopin đã chơi bản Concerto số 1 của ông. Xa hơn chút, cách chúng tôi 400 mét, còn một bảng kỷ niệm nữa: nơi đây đã từng là một nhà hát, nơi diễn ra buổi công diễn đầu tiên vở ôpera Bắt cóc từ hậu cung của Mozart. Tất cả đều được sắp xếp theo thời gian của chúng.
- Ông Valêri Ghécghiép gọi ông là nhà kinh điển của âm nhạc Nga. Ông thấy thế nào ?
- Ông trời đã cho tôi một cuộc đời dài. Saint-Saens từng nói : “người sáng tác nhạc tốt phải sống lâu”. Bản thân ông ta cũng sống đến 84 tuổi. Ít người sáng tác sống được ngần ấy năm : Mozart không được, mà Schubert cũng chẳng được. Nhưng tôi buộc phải nói rằng khi cuộc đời càng dài thì càng kịp thấy nhiều, biết nhiều. Khi tôi còn đi học, Stalin còn sống, và chúng tôi trông thấy ông ấy đứng trên lăng, vẫy tay với những người đi diễu hành. Sau đó thế nào, ai cũng biết. Cuộc đời không đơn giản, không xuông xẻ, nhưng điều chủ yếu – rất dài. Và tôi vì thế thấy vui. Đó là phần thưởng lớn của ông Trời. Và còn bởi vì có Maia cùng tôi.
- Ông không ít lần nói về văn nghệ dân gian (folklore), coi đó là nguồn của sáng tạo. Nhưng bây giờ làng đang chết dần, và cùng với làng là những người mang trên mình văn nghệ dân gian. Điều đó có ý nghĩa gì không với người sáng tác thời nay?
- Tuổi thơ của tôi trôi qua tại thị trấn nhỏ Alếchxina, nơi ông tôi là cha cố. Chúng tôi sống ở Maxcơva trong những điều kiện tồi tệ, trong một căn hộ chung, bố mẹ tôi đưa tôi về thị trấn ấy sống. Không khí nơi đó tác động đến tôi : lúc ấy đừng nói vô tuyến, cả đài cũng chẳng có, nhưng lại có “những mảnh” văn nghệ dân gian. Tôi còn nhớ ở nhà bên cạnh có người đàn bà qua đời, người ta thuê người khóc thuê, và bà ta khóc rất chuyên nghiệp. Thật quá hay. Hay tôi nhớ đến những mục đồng xua bò ở bờ sông Oka, chúng tôi đã thổi sáo cùng nhau. Tôi lớn lên với những thứ đó, thấm vào người. Thế giới chúng ta bây giờ mất đi nhiều thứ. Tuy cũng có được cái gì đó: những công nghệ mới.
- Hình như ông có nói rằng người sáng tác bình thường không viết nhạc trên computer. Bản thân ông vẫn tiếp tục viết nhạc bằng bút chứ ?
- Đúng, bằng bút mực đen. Tôi cho rằng con người ta để sáng tạo vẫn cần đến máu tuần hoàn, đến gân cốt, gắn bó với cơ thể vv.
- Ông thấy âm nhạc Nga thời nay thế nào, trường phái sáng tác của ta giờ thế nào? Ông có biết đến những tổng phổ mới không ?
- Ở đây có nhiều vấn đề. Khi bây giờ người ta hỏi tôi những người sáng tác thời chính quyền xô-viết như thế nào ? Tôi trả lời : những người sáng tác trẻ lúc ấy như là có vú mẹ vậy, nhà nước là mạnh thường quân. Còn bây giờ tất cả đều phải trả tiền – chép phân phổ dàn nhạc, thuê phòng, in chương trình, in quảng cáo, mời dàn nhạc, nhạc trưởng. Người sáng tác nặng nhọc hơn, họ chui vào công việc dường như cáu kỉnh, âm thầm. Tôi cảm thấy điều đó trong âm nhạc. Tôi giảng những lớp nâng cao tại Maxcơva, Xanh-Petécbua, ở Mỹ, ở Canada, ở châu Âu, và tôi cảm thấy cái bên trong ấy không chỉ ở Nga, mà ở mọi nơi. Trong các học viện có những người rất có tài, nhưng họ không thể hòa nhập vào cuộc sống ấy: người thì dạy học, người làm biên tập, đắm chìm trong cái thế giới luôn biến đổi này. Thời buổi bây giờ nhu cầu về âm nhạc, về nhà nhấn vào một cái nút… thế là trong nhà có nhạc giao hưởng Beethoven rồi!.
- Ông đã từng viết “Chân dung tự họa” cho dàn nhạc giao hưởng, và mọi người thấy đó là tác phẩm ảm đạm nhất trong tất cả các tác phẩm của ông. Hôm nay ông có trùng hợp với chân dung tự họa ấy không?
- Cái “Chân dung tự họa” ấy Marix Ianxônxơ vừa biểu diễn ở Muynkhen và ở Vienne, công chúng tiếp nhận tốt lắm. Còn có trùng hợp với hôm nay không à? Khi tôi viết “Chân dung tự họa” là vào năm 1984. Lúc ấy tôi cảm thấy như không có lối thoát.
- Có nguyện vọng nào mà ông chưa thực hiện được không ?
- Nguyện vọng chủ yếu: một cuộc đời thứ hai!