Doãn Nho với Opera

11/04/2014

Từ thuở trai trẻ, nhạc sĩ Doãn Nho đã có ấn tượng sâu đậm trong tôi. Chẳng hiểu gì về hợp xướng lúc đó, nhưng tôi cứ mê mẩn, khi nghe hợp xướng “Sóng Cửa Tùng” của ông. Sau này mới biết, ông viết tác phẩm đó năm 21 tuổi. Thế rồi sau đấy là “Tiến bước dưới quân kỳ”. Tên của ông đã đi vào tâm trí của tôi như thế.


Nhạc sĩ Doãn Nho đệm piano và hát “Bài ca tình yêu”. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Bằng một cảm nhận thơ ngây, tôi vẫn vô cùng thích tình ca “Chiếc khăn Piêu” mà ông phát triển từ dân ca Khơ Mú qua giọng hát Trần Chất: “Tiếng tôi vang rừng núi/ Sao không ai trả lời…”. Bẵng đi một dạo, không nghe được ca khúc mới của Doãn Nho, hóa ra ông đi tu nghiệp ở Nhạc viện Kiev (thủ đô của nước Ukraina).

Nhưng khởi đầu chống Mỹ, Doãn Nho lại xuất hiện với chùm ca khúc viết ở chiến trường Tây Nguyên: “Tiếng súng Đắc Tô đã nổ”. Và bất chợt cao vút là “Người con gái Sông La” (thơ Phương Thúy): “Em người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết dáng em hiên ngang …”, rồi cười đùa giễu cợt với “Quả bom câm”.

Sau tất cả thì lại tới hành khúc “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (thơ Hữu Thỉnh). Đến bây giờ nghe tốp ca “ngũ lão” gồm Quang Thọ, Quang Huy, Dương Minh Đức, Doãn Tần, Hoàng Chè “nã đại bác” giai điệu này, tôi vẫn cảm thấy xích xe tăng đang nghiến giữa ngực mình.

Ấn tượng Doãn Nho lớn dần trong tôi theo thời gian. Vào dịp kỷ niệm 20 năm mùa hè Quảng Trị (1972 - 1992), tôi thực sự bị chinh phục khi nghe giao hưởng “Khúc tưởng niệm” của ông mà da diết nhất là giai điệu giọng ngâm qua thể hiện của nữ nghệ sĩ Rơ Chăm Pheng. Nhờ tác phẩm này, tôi đã làm phim tài liệu nghệ thuật về ông mang tên “Quảng Trị - 20 năm và một khúc tưởng niệm”.

Qua phim này, tôi tình cờ gặp được nhà văn Doãn Quốc Sỹ (anh ruột Doãn Nho) từ Mỹ về chơi. Đóng góp của ông Sỹ chính là việc lập ra nhóm văn chương “Sáng tạo” ở miền Nam trước 1975 với những tên tuổi lừng danh như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên… và với nhiều đóng góp nghệ thuật đích thực. Vậy là hai anh em, tuy ở hai chế độ khác nhau, vẫn có những đóng góp chung cho nghệ thuật nước nhà.

Không chỉ đóng góp về tác phẩm, Doãn Nho sau khi thêm lần tu nghiệp nữa ở nước ngoài, còn có những công trình lý luận giá trị về âm nhạc Việt Nam. Ông thật khúc triết và mạch lạc nhìn nhận về tư duy đơn âm và đa âm để chỉ ra việc sử dụng các tư duy này trong sáng tạo âm nhạc như thế nào. Có lẽ điều này được ông nung nấu từ khi cùng vợ là ca sĩ Nguyệt Ánh vào công tác ở Tây Nguyên thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhất.

Bà Ánh là con nhà dòng dõi ở Hà Nội. Ba chị em bà đều vì tình yêu âm nhạc mà yêu và lập gia đình với ba nhạc sĩ nổi tiếng. Em gái và là nghệ sĩ piano Thúy Nga lấy nhạc sĩ Huy Thục. Em gái sau nữa là ca sĩ Kim Oanh lập tổ ấm cùng nhạc sĩ Vũ Chí Nguyện (con trai nhạc sĩ Văn Ký - hiện là Phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Khi vợ chồng Doãn Nho vào tuyến lửa Tây Nguyên đã phải gửi con gái đầu lòng cho vợ chồng Huy Thục nuôi dạy. Cô con gái ấy giờ đã ngoài ngũ tuần, là nhạc sĩ Ánh Quyên công tác tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau mấy năm ở Tây Nguyên ra Hà Nội, ông bà mới có con trai thứ hai mang tên để kỷ niệm chuyến đi công tác đầy gian nan ác liệt là Doãn Trường Nguyên. Trường là Trường Sơn, Nguyên là Tây Nguyên.

Nhạc sĩ Doãn Nguyên đi theo con đường của cha, hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam. Con gái thứ ba sinh vào ngày thống nhất là Doãn Mai Hương, cũng đi theo con đường âm nhạc. Mai Hương có lẽ là nghệ sĩ gõ duy nhất của Việt Nam có thể đảm nhận phần gõ trì tục và căng thẳng trong tác phẩm “Boléro” nổi tiếng của M.Ravel.

Hiểu được sự cần thiết dâng hiến không toan tính cho âm nhạc của chồng, bà Ánh đã nhiều năm bươn trải nghề làm bánh gatô để nuôi các con khi chồng đi tu nghiệp ở nước ngoài. Thiền dưỡng sinh đã giúp bà vượt qua mặt tử thần nhiều năm nay trong một tâm thế khỏe mạnh và yêu đời, dù đã ngoại thất tuần. Nhờ sự nỗ lực vun vén gia đình của bà, Doãn Nho hoàn toàn rảnh tay để dâng hiến cho nền âm nhạc nước nhà.

Bước sang thế kỷ mới, Doãn Nho bắt đầu một cuộc dâng hiến khác, đó là việc đi sâu vào thanh xướng kịch và nhạc kịch. Vốn rất kính trọng nhạc sĩ đàn anh Đỗ Nhuận, Doãn Nho muốn có sự tiếp bước cho sự nghiệp Opéra Việt Nam ngỡ đã “thất truyền”. Để đi tới nấc thang cuối cùng này, Doãn Nho đã bỏ ra nhiều năm hoàn thành thanh xướng kịch (Oratorio) “Hoa Lư - Bài ca dời đô”. Tác phẩm tầm cỡ này đã được công diễn vào năm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và đã gây một ấn tượng lớn trong làng âm nhạc, đồng hành với Opéra “Người giữ cồn” của Ca Lê Thuần ở Sài Gòn.

Mùa xuân năm 2012, Doãn Nho đã bày tỏ ý định viết Opéra với tôi. Đó là một kịch bản mà ông nung nấu từ lâu. Khởi từ một bài báo viết về một người anh hùng trên tờ “Tiền phong”, Doãn Nho đã hình thành một kịch bản tóm tắt mang tên “Bài ca tình yêu”. Ý tưởng của ông là nhằm ca ngợi những người lính thế hệ Điện Biên nhưng không dừng lại ở chiến thắng này mà còn nối dài sang những năm đầu chiến đấu ở miền Nam đau thương.

“Bài ca tình yêu” muốn thông qua tình yêu của các nhân vật Hùng, Dũng, Hiền mà ngợi ca phẩm chất cao thượng của người lính “bộ đội cụ Hồ”, đồng thời còn có khát vọng ngợi ca sự hòa hợp giữa các tôn giáo khác nhau ở đất nước ta. Để viết Opéra này, ông rất muốn tôi viết vở kịch thơ với kịch bản trên. Kính trọng ông, tôi đã nhanh chóng thực hiện vở kịch thơ này, nhưng cả tôi và ông đều chưa lường trước một hiện thực.

Ở nước ngoài mà cụ thể là Châu Âu, rất nhiều Opéra đã ra đời từ kịch thơ. Nhưng đó là những kịch thơ ngôn từ không có nhiều dấu như Việt Nam. Nhạc sĩ có thể thỏa sức sáng tạo âm nhạc mà không bị cản trở của ngôn từ. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Do ngôn từ nhiều dấu, nếu nhạc sĩ cứ bám theo ngôn từ của kịch thơ thì e rằng sẽ bị phụ thuộc quá nhiều về tính nhạc của giai điệu.

Doãn Nho đã thấy Đỗ Nhuận rất đúng khi ông tự làm lấy ca từ trong “Cô Sao”, “Người tạc tượng”, “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Ông đã tuân thủ theo cách này. Vở kịch thơ của tôi chỉ là cú huých cuối cùng để ông đủ hưng phấn bước vào sáng tạo riêng của mình. Sau nỗ lực không mệt mỏi trong 2 năm ròng, ông đã hoàn thành Opéra vào trung tuần tháng 3.2014.

Thứ bảy mới rồi 29.3.2014, ông mời tôi đến nghe “Bài ca tình yêu” tại nhà, do chính ông đệm piano và hát. Vậy là sau “Người giữ cồn” của Ca Lê Thuần, “Bài ca tình yêu” của Doãn Nho chính thức báo hiệu sự hồi sinh của Opéra Việt Nam. Theo dự kiến của Bộ văn hóa - Thể thao - Du lịch, việc trình diễn Opéra này trong năm nay phải được coi như một sự kiện văn hóa. Phần phối khí và dàn dựng âm nhạc do Nhà hát Nhạc Vũ Kịch do chính con trai ông - nhạc sĩ Doãn Nguyên thực hiện. Nghệ sĩ Nhân dân Doãn Hoàng Giang đã nhận lời làm đạo diễn.

3 ông họ Doãn đã cùng đồng hành dâng lên đất mẹ tác phẩm này nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên, giải phóng Thủ đô và 70 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch Vương Duy Biên - vốn là một họa sĩ - thì nhận làm phần trang trí sân khấu và chỉ huy ánh sáng. Đó là một sự kết hợp đẹp đẽ. Dự kiến sớm nhất, ngày âm nhạc Việt Nam năm nay, Opéra “Bài ca tình yêu” sẽ biểu diễn tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ. Sau cùng sẽ công diễn tại Hà Nội vào dịp 22.12.2014 - kỷ niệm 70 năm thành lập QĐNDVN.

Nhìn Doãn Nho mỉm cười sau khi chơi hợp âm cuối cùng trên piano, tôi thực sự cảm động trước thành tựu mà ông vừa hoàn thiện. Người nhạc sĩ đã đi tới một trong những cái đích cuối cùng của sự nghiệp ở tuổi 81 - tuổi “Cửu cửu càn khôn dĩ định”.

(Nguồn: http://laodong.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...