Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu nhạc sĩ Hoàng Dương (1933-2017)
Kính thưa các Cụ, các Ông, các Bà!
Thưa Quý vị và các bạn!
PGS.NGND.nhạc sĩ Hoàng Dương (tên khai sinh của ông là Ngô Hoàng Dương) đã từ giã cõi đời lúc 23h25 phút ngày 30 tháng 1 năm 2017 (mùng 3 Tết Đinh Dậu) tại Hà Nội, hưởng thọ 85 tuổi.
Hôm nay, ngày 2 tháng 2 năm 2017 (nhằm ngày mồng 6 tháng Giêng năm Đinh Dậu) chúng ta đến đây với tấm lòng tiếc thương vô hạn để vĩnh biệt người nghệ sĩ lão thành đáng kính đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp Âm nhạc.
PGS.NGND. nhạc sĩ Hoàng Dương sinh ngày 12 tháng 10 năm 1933 tại Từ Liêm, Hà Nội, cha là nhà văn Trúc Khê (Ngô Văn Triện) - một danh nhân văn hóa của Hà Nội. Nhạc sĩ Hoàng Dương là một nghệ sĩ đàn violoncelle thế hệ đầu. Ông có công xây dựng bộ môn violoncello và khoa đàn dây của Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ông còn là một trong những hội viên đầu tiên chuyên ngành Biểu diễn và sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Nhạc sĩ Hoàng Dương là một nhà sư phạm, một nghệ sĩ biểu diễn và một nhạc sĩ sáng tác có tên tuổi. Ông đã cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy bộ môn violoncelle hơn 40 năm, kể từ những ngày đầu thành lập Trường Âm nhạc Việt Nam, góp phần đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ đàn violoncelle cho nền nghệ thuật chuyên nghiệp của đất nước.
Nhạc sĩ Hoàng Dương được nhiều người biết đến nhất với ca khúc Hướng về Hà Nội. Ca khúc ra đời giai đoạn cuối năm 1953 - đầu 1954, khi nhạc sĩ đang hoạt động xa Thủ đô trong kháng chiến chống Pháp. Khi đó, Hoàng Dương mới 20 tuổi. Những cảm xúc tươi rói về mối tình đầu cùng những day dứt, chất chứa trong lòng đã làm nên một nhạc phẩm trữ tình bậc nhất về Hà Nội cho tới nay.
Thế mạnh trong sự nghiệp sáng tác của ông chính là khí nhạc. Ông đã viết nhiều tác phẩm cho đàn violoncelle, piano, accordéon, clarinette, oboe và dàn nhạc. Những tác phẩm của ông được biểu diễn và dùng trong giáo trình các khoa của Nhạc viện Hà Nội, như Bài ca không lời (piano), Vũ khúc mùa xuân, Tây Nguyên tươi đẹp (accordéon), sonatine Bài thơ Hạ Long, Hát ru, Giai điệu quê hương, Mơ về trái núi Thiên Thai (cello và piano), tổ khúc Tiếng hát sông Hương (cello và dàn nhạc). Nhiều tác phẩm của ông đã được sử dụng trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước.
Ông đã được tặng nhiều Giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam các năm 1993-1996-1997-1998-1999. Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2007, với cụm tác phẩm: Hát ru (độc tấu violon), Giai điệu quê hương (cho violon và piano), Vũ khúc Hơ Rê, Rhapsodie cho violon Bài ca chung thủy, Poeme Tình yêu biển cả.
Đọc nhiều, biết nhiều, nhớ nhiều, sự uyên thâm về văn hóa âm nhạc nhân loại nói chung cũng như về âm nhạc chuyên nghiệp đương đại phương Tây nói riêng lại không lôi kéo ông chạy theo những trào lưu mốt mới và không bứt được ông ra khỏi cội nguồn dân tộc. Không ít tác phẩm khí nhạc của ông được phát triển trực tiếp từ làn điệu cổ: Lý chiều chiều và Lý con sáo trong Giai điệu quê hương, Se chỉ luồn kim trong Những kỉ niệm quê hương, Hò mái nhì trong Tiếng hát sông Hương, Lới lơ trong Khát vọng…
Sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Dương là người chồng, người cha, người ông hết lòng yêu quý vợ, các con con, các cháu. Ông sống có trách nhiệm, cả khi ông đã sang tuổi thất thập rồi mà chẳng vợi được chút nào nỗi khắc khoải vì con cháu, ông sẵn lòng gánh đỡ mọi công việc trong cuộc sống gia đình để các con phát triển sự nghiệp.
Xin thay mặt BCH Hội Nhạc sĩ VN, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới bà quả phụ Khúc Thị Minh Châu, NSND Ngô Hoàng Quân, NSUT Ngô Hoàng Linh, NSND Trần Thị Mơ cùng gia quyến trước mất mát to lớn không gì bù đắp nổi này.
Từ những năm trai trẻ, nhạc sĩ Hoàng Dương đã viết nên ca khúc bất hủ Hướng về Hà Nội với cả trái tim, tình yêu và niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp. Cho đến nay, tác phẩm của ông vẫn sống mãi cùng thời gian. Và trong khoảnh khắc đau thương vô hạn này, chúng ta hãy cùng nhau hướng về ông ở một nơi xa lắm…
Công lao và tác phẩm của ông sẽ mãi ghi sâu trong tâm trí đồng nghiệp và công chúng yêu nhạc. Đức độ và tấm gương về lao động nghệ thuật của nhạc sĩ sẽ mãi là bài học sâu sắc cho các thế hệ văn nghệ sĩ, cho các thế hệ học trò noi theo. Sự nghiệp và tên tuổi của nhạc sĩ PGS.NGND Hoàng Dương còn đọng mãi trong tâm trí đồng nghiệp, bạn bè, các thế hệ học trò của ông. Xin dành một phút tưởng niệm nghiêng mình trước anh linh nhạc sĩ Hoàng Dương.
Xin vĩnh biệt ông!