Diều bay không cần gió
Có con diều không cần dây, không cần gió, không cần cả không gian lẫn người thả, vẫn bay.
Đơn giản vì nó bay trên giấy. Bay bằng niềm tin, bay bằng ước mơ, bay bằng sự lạc quan của em bé bị di chứng chất độc da cam không có đôi tay đã vượt qua nỗi đau tật nguyền dùng chân vẽ con diều lên giấy để hòa mình vào khoảng trời tuổi thơ.
Ấy là tôi đang nói đến con diều trong ca khúc Diều bay không gió của nhạc sĩ Trần Khánh Nam, ca khúc ông viết để đồng cảm và san sớt những bất hạnh với em bé bị dị tật bởi di chứng chất độc da cam đang phải ngày ngày gánh chịu nỗi đau không có đôi tay. Nhạc sĩ Trần Khánh Nam chia sẻ: “Tôi không dùng cách than vãn, cũng không đưa hình ảnh tật nguyền đầy bi thương vào ca khúc. Tôi chọn đưa ước mơ rất trẻ thơ mà đứa trẻ nào cũng yêu thích. Đó là được tung tăng thả diều, được vui đùa bắt dế trong những ngày hè: “Khi dế mèn lên tiếng gọi về bao ước mơ/ Có quãng thời thơ ấu đùa vui những trưa hè”.
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam, tác giả ca khúc Diều bay không gió.
Nhưng cảm giác háo hức khi tự tay giật dây diều, rồi sung sướng đến rân người khi thấy con diều của chính tay mình thả vi vút trên bầu trời xanh trong mùa lộng gió đã không đến với em, vì hình hài của em không trọn vẹn, em không có đôi tay như người bình thường. Niềm náo nức mong đợi mùa gió đến để thả bay những cánh diều xanh biếc tuổi thơ trong em trở thành nỗi khát khao xen lẫn sự thất vọng. Ngày lại ngày, con diều mà em mơ ước chẳng khác nào con diều không có dây, một con diều không thể bay, không thể chở theo tiếng cười, niềm vui. Cho đến một ngày, với ước muốn cháy bỏng, em đã đưa sự thiệt thòi đó lùi vào quá khứ, khi dùng chân vẽ con diều mơ ước lên giấy và con diều ấy đã... bay, bay không cần dây, bay không cần gió: “Em thả diều lên giấy/ Diều bay không có dây”.
Qua thời gian, với lòng bao dung, cùng sự độ lượng, chúng ta có thể hiểu và cảm thông, rằng chiến tranh là do hoàn cảnh lịch sử. Thế nhưng những hậu quả nặng nề của nó để lại thì không một ai có thể phủ nhận và được phép lãng quên. Chiến tranh đã gây ra quá nhiều mất mát và đau thương trên rất nhiều số phận người dân Việt Nam. Trong đó, nỗi đau da cam là minh chứng rõ nhất cho thấy sự tàn độc và khốc liệt của nó. Bởi di chứng chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng đến hôm nay (thế hệ thứ nhất), còn là ngày mai (thế hệ thứ hai) và trong cả những ngày tới (thế hệ thứ ba), mãi mãi không có cách khả dĩ để vượt qua nỗi đau này. Chỉ còn cách: “Em ước là cơn gió để nâng cánh diều này/ Thêm một con diều giấy bay chạm khẽ tay em”, thì cánh diều mới no gió căng phồng: “Diều em bay vút lên chở đầy niềm vui tuổi thơ”.
Nhạc sĩ Trần Khánh Nam viết ca khúc Diều bay không gió giọng Si thứ hai đoạn đơn. Ông sử dụng nhiều thủ thức như dấu luyến, chuyển đảo phách, nhảy quãng, nốt cao... để nói lên sự day dứt trước ước mơ quá đỗi giản đơn với những đứa trẻ bình thường nhưng lại là niềm khát khao trong tuyệt vọng của em bé bị di chứng chất độc da cam. Câu nhạc vì thế vừa là miêu tả vừa là tự sự, gần gũi với cách nghĩ trong sáng, cách nói hồn nhiên của trẻ thơ. “Ai sẽ là cơn gió để nâng ước mơ đầy?”, câu hỏi trống ở câu nhạc tiếp theo nghe nhẹ nhàng, tự nhiên mà thật ám ảnh. “Mỗi người chúng ta hãy cho em một sợi dây, một cơn gió để nâng cánh diều ước mơ của em, để em thỏa thích bay bổng trên mảnh giấy có con diều được vẽ bằng chân: Thêm một con diều giấy về dưới đôi chân gầy”, nhạc sĩ Trần Khánh Nam tâm sự.
(Nguồn: https://suckhoedoisong.vn/)