Đêm chèo cổ và triển lãm tranh giấy dó tại Hà Nội
Nhằm tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, vào tháng 6 tới, Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức chương trình Đêm chèo cổ và triển lãm tranh giấy dó "Tố nữ dân ca”.
Các nghệ sĩ hát chèo cổ Việt Nam
“Tố nữ dân ca” là một chương trình nghệ thuật tổng hợp, thông qua việc giới thiệu cuộc gặp gỡ giữa Nhạc (hát Chèo cổ) và Họa (Tranh giấy dó đương đại của Họa sĩ Lý Trực Sơn), “Tố nữ dân ca” muốn nói lên sự giao lưu và tiếp biến giữa truyền thống và hiện đại trong văn hóa Việt Nam.
Theo đó, buổi trình diễn chèo cổ “Tố nữ dân ca” diễn ra vào 20h ngày 13-6 qua sự thể hiện các nghệ sỹ hàng đầu của làng Chèo Việt Nam là nghệ sĩ Thanh Hoài, Thanh Bình, Thúy Ngần, Mạnh Phóng, Trần Thịnh, Vũ Ngọc… Chương trình muốn được là một "Khoảnh khắc chèo" trên sân khấu hiện đại để người thưởng thức hôm nay được yêu mến và được hiểu hơn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của bộ môn nghệ thuật cổ kính này.
Nghệ sĩ trình diễn trích đoạn "Xúy Vân giả dại"
Trước đó, vào ngày 2-6 sẽ là triển lãm tranh giấy dó "Tố nữ dân ca” của họa sĩ Lý Trực Sơn. Sinh ra tại Huế, lớn lên và sinh sống ở đồng bằng sông Hồng, Lý Trực Sơn được nuôi dưỡng bằng văn hóa và âm thanh của miền đất này. Thời niên thiếu (những năm 50 – 60 của thế kỷ 20), ông sống rất nhiều với đồng ruộng nông thôn và chất Chèo cũng ngấm vào máu.
Bức tranh giấy dó "Tố nữ dân ca" của họa sĩ Lý Trực Sơn
Trong các vở Chèo cổ, ông thích nhân vật "Vân dại", vai nữ đầy mâu thuẫn nội tâm, với các màn diễn độc đáo, các vũ điệu mê hoặc và âm nhạc đầy ấn tượng đồng quê. Với ông, "Vân dại" là một bi kịch lớn của sân khấu cổ Việt Nam. Khi đi tìm một cảnh vẽ tự do để thoát ra khỏi cái gò bó chật hẹp của tranh lụa truyền thống, Lý Trực Sơn đã vẽ loạt tranh "Vân dại" trên giấy dó và thuốc nước.
Loạt tranh “Vân dại” này sẽ cũng sẽ được trang trí trên sân khấu trong đêm trình diễn chèo cổ của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam.
(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn)