Cự ly gần với nhạc sĩ “Nơi đảo xa”

05/12/2013

Ở Hà Nội, mỗi khi đi qua phố Tôn Đức Thắng bao giờ tôi cũng nhớ tới nhạc sĩ Thế Song. Và khi đó, nếu không rẽ vào thăm ông, thế nào tôi cũng ngân nga giai điệu bài hát đã rất đỗi quen thuộc: “Ơi ánh mắt em yêu như biển xanh như trời xanh trong nắng mới/ Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai/ Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui/ Đây con tầu xa khơi, đây con tầu xa khơi…”.


Nhạc sĩ Thế Song cùng nhạc sĩ Lương Nguyên trên đảo Trường Sa (1995)

Mối duyên bất ngờ

Đó là bài hát “Nơi đảo xa” ra đời năm 1979. Có giai thoại đồn rằng, Thế Song viết bài đó là hoàn toàn “bịa”, bởi khi đó ông chưa một lần đặt chân tới hòn đảo nào trên quần đảo Trường Sa. Gặp nhạc sĩ Thế Song, ông mỉm cười, gật gù bảo: “Không đúng cũng không sai”.

Nói rồi nhạc sĩ Thế Song mang ra cho tôi xem tập album ảnh. Hàng trăm tấm ảnh chụp ở nhiều nơi, nhiều tấm đã hoen màu thời gian. Trong đó, nhiều tấm ảnh chớp ghi khoảnh khắc ông đặt chân lên 17 hòn đảo trong quần đảo Trường Sa. Nhạc sĩ cho biết, năm 1995, tức là phải 16 năm sau khi bài hát này ra đời ông mới có cơ hội lần đầu tiên được đặt chân tới quần đảo Trường Sa. Lần ấy, Thế Song đi cùng các nhạc sĩ, nhà báo như Doãn Nho, Lương Nguyên, Trần Bình Minh, Thu Uyên... “Chuyến đi mệt nhưng rất vui. Vui vì đêm nào tôi cũng hát cùng chiến sĩ bài hát ấy... Nhiều chiến sĩ bảo chú đã nói hộ chúng cháu nhiều điều…”, nhạc sĩ Thế Song nhớ lại.

Nhiều lần ghé nhà nhạc sĩ Thế Song, tôi thấy ông thường nằm trên đi văng nghe nhạc, hoặc… nghe tivi. Tuổi già, mắt kém khiến ông cũng không thích xem nhiều hình ảnh chạy loằng ngoằng, mà “nghe là chính”. Nghe rồi có khi ông ngủ quên lúc nào không biết. Nhưng khi chuyện trò, ông vẫn cực kỳ minh mẫn. Đã 34 năm kể từ lúc đặt bút viết “Nơi đảo xa”, ông vẫn còn nhớ rất rõ, khi đó cùng với đồng chí Phạm Tịnh ông có chuyến đi thực tế viết về biên phòng ở Pò Hèn (Quảng Ninh). Thế Song kể: “Lúc ấy tôi dự định viết về hình tượng hi sinh anh dũng của chị Hoàng Thị Hồng Xiêm. Nhưng mới qua Quảng Ninh một đoạn, đến khoảng cây số thứ 8 thì dừng chân ở trạm sửa chữa tàu biển Z48 của bộ đội Hải quân. Định vào chơi một chút thôi, nhưng anh em chiến sĩ giữ ở lại. Đi với họ, ăn với họ… mình nhận ra công việc của họ cũng vất vả. Tự nhiên cảm xúc về biển đảo và người lính Hải quân dâng trào trong tôi, giai điệu bài hát được hình thành rất nhanh trong đầu. Tôi yêu biển, và cảm phục người lính Hải quân. Đấy là lí do để bài hát ra đời…”.

Tình yêu biển đảo

Nhưng có một điều ít người biết, nhạc sĩ Thế Song mới chỉ hoàn thành xong lời 1 của bài hát trên đường đi thực tế. Phải tới khi trở về Hà Nội, ngồi trong căn nhà của mình ở phố Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng) ông mới viết xong lời hai của bài hát. Nhạc sĩ Thế Song cũng chân thành khi ông nói rằng, về bút pháp mà nói bài hát này không có gì cao siêu cả, mình nghĩ cái gì thì viết ra cái đó thôi.

Nhưng tôi nghĩ, chính cái sự mộc mạc và chân thành đó, lại khiến cho “Nơi đảo xa” đọng lại trong tim người nghe, qua nhiều năm tháng. Và đến nay, vẫn được ngân vang trong rất nhiều đêm nhạc. Xúc động hơn, những người lính đang canh giữ đất trời vẫn hát vang bất cứ lúc nào. Còn tác giả, thì vẫn đều đặn được “hưởng lộc” từ thành quả lao động mấy chục năm trước.

“Nơi đảo xa” lần đầu được phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam qua giọng hát của ca sĩ Tiến Thành. Sau này ca sĩ Trung Đức và nữ ca sĩ Tuyết Mai là những người thể hiện thành công bài hát này. Mấy năm qua, Trọng Tấn cũng đã hát và được nhiều khán giả yêu thích. Gần đây nữa, Tùng Dương hát cũng có nhiều nét mới. Mỗi người một “màu”, song trực tiếp nghe nhạc sĩ Thế Song hát, bao giờ tôi cũng thấy rất vui. Giọng hát của người nhạc sĩ tuổi 80 bữa đó tôi nghe trầm ấm và da diết.

Trò chuyện với nhạc sĩ Thế Song ít ai nghĩ ông đã bước sang tuổi tám mươi. Mấy năm trước nhạc sĩ Thế Song bị cơn tai biến, cũng may là nhẹ, nhưng từ đó sức khỏe ông cũng giảm sút. Tuy vậy, ông vẫn duy trì luyện tập thể dục hàng ngày. Ông chọn chiếc xe đạp là phương tiện. Hàng ngày nhạc sĩ “Nơi đảo xa” vẫn ra khỏi nhà từ 5h sáng. Nhà từ Hàng Bột, ông đạp xe một vòng lên hồ Tây rồi về. Cũng có hôm ông “đổi tuyến”, đạp xuống Hà Đông. “Mình phải đạp cật lực cho ra hết mồ hôi, chứ không phải vừa đạp vừa nghỉ đâu nhé”, ông tâm sự.

Nhắc đến Thế Song, người ta có cảm giác ông là “nhạc sĩ một bài”. Sự thực thì bên cạnh “Nơi đảo xa” được cộng đồng biết đến rộng rãi, ông còn viết nhiều ca khúc về biển đảo quê hương: “Tình em theo cánh sóng”, “Hát từ vùng gió xoáy”, “Mênh mang Trường Sa”, “Ngôi nhà lính đảo”, “Hoa hồng biển đảo”… Đặc biệt, những năm tháng tuổi trẻ, Thế Song đi nhiều. Đến nơi đâu ông cũng ghi lại cảm xúc của mình qua những ca khúc. Vì thế số lượng ca khúc về các “điểm đến” của ông, từ cực Bắc Hà Giang cho tới Huế - Đà Lạt - Sài Gòn dễ có tới cả vài trăm ca khúc.

Nhạc sĩ Thế Song tên đầy đủ là Nguyễn Thế Song, sinh ngày 1-12-1933, quê ở An Trạch, Bích Câu, Hà Nội. Ông kiên trì tự học các môn hòa thanh, phối khí và lý luận âm nhạc. Năm 1955, ông là diễn viên hát tại Đoàn Ca Múa Nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam và sau đó là cán bộ của Đài Tiếng nói Việt Nam cho tới lúc nghỉ hưu.

(Nguồn: http://www.baomoi.com)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...