Con người đang trục lợi từ thần linh
"Khi phục hưng các lễ hội, nhiều tín ngưỡng có dấu vết từ thời nguyên thủy cũng 'hồi sinh', đánh thức sự trục lợi bản năng của con người", nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ.
Nhiều năm qua, báo chí cùng các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh mọi thực trạng đáng quan ngại, được xem như hệ lụy của phong trào đua chen tín ngưỡng với nhiều vấn nạn nhức nhối. Ở đây, hệ thống quản lý Nhà nước dường như phải mở cuộc chạy đua với đời sống tín ngưỡng trong xã hội mới.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền.
Chuyện “bắt cóc bỏ đĩa” là thực trạng thường thấy. Trên thực tế, việc đòi hỏi khâu tổ chức lễ hội trở nên quy củ, an toàn lành mạnh và trong sáng dường như là nhiệm vụ bất khả thi.
Đánh thức sự trục lợi bản năng
Xưa, các lễ hội chủ yếu chỉ quy tụ dân cư thu hẹp trong từng vùng. Nay với sự quảng bá hấp dẫn của truyền thông, số lượng người hành lễ, chơi hội đổ về luôn quả tải trên mọi địa bàn. Do vậy, việc khống chế, kiểm soát lượng người trong những không gian nhỏ hẹp là điều bất khả kháng với ban tổ chức.
Khi phục hưng các lễ hội, rất nhiều tín ngưỡng dân dã có dấu vết từ thời nguyên thủy cũng đồng thời “hồi sinh”, đánh thức sự trục lợi bản năng của con người với thần linh.
Người dân trèo rào vào phía trong đền Trần để thụ lộc đêm 14 tháng Giêng (21/2/2016). Ảnh: Lê Hiếu.
Thực tế cho thấy, sự mê đắm của đám đông tín ngưỡng khổng lồ rất dễ biến thành thảm họa bởi hiệu ứng tâm lý đám đông, khả năng kiểm soát an ninh dường như là điều không thể.
Ở đây, vấn đề không chỉ nằm ở khâu tổ chức, mà điều quan ngại chính là trình độ tín ngưỡng của xã hội.
Những năm gần đây, các cuộc hành hương về lễ hội tín ngưỡng là vấn đề nóng bỏng trong xã hội. Những nguy cơ tai nạn, thảm họa đám đông luôn thường trực mỗi độ xuân về. Ở đây, chỉ xem xét cách thức hành hương cùng niềm tin tín ngưỡng trong các lễ hội đó đã thấy trình độ tín ngưỡng người Việt thời nay như thế nào.
Ví như vụ Khai ấn đền Trần Nam Định, vốn là một sinh hoạt xưa của những thanh đồng phủ thủy. Đầu Xuân, họ thường đến xin lá ấn ở đền thờ Đức Thánh Trần, những mong thánh phù hộ cho công việc bắt ma trừ tà của giới nghề.
Cần thấy rằng, chiếc ấn gỗ đó không có ý nghĩa như một bảo vật lịch sử. Thế nhưng dần dà về sau, theo đường thì thầm rỉ tai lan truyền, chuyện “thiêng hóa” chiếc ấn với sức mạnh “phù danh”, “ban tài phát lộc” đã nhanh chóng lan truyền khắp nơi.
Tối rằm tháng Giêng (21/2/2016), hàng nghìn người dân chen chúc xin lộc
đầu năm tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội. Ảnh: Việt Hùng.
Cây chết, người nhà cũng... toi mạng?!
Có gia đình, với niềm tin kiểu “thần cây đa, ma cây gạo”, sức khỏe và sinh mạng của những người thân được gán cho một cái cây mọc trong vườn nhà. Họ tin rằng hễ cây ấy héo là người thân lâm bệnh, còn nếu không chăm sóc tốt nhỡ để cây chết khô thì người nhà cũng toi mạng.
Thời nay, chuyện đám đông thắp hương khấn khứa một cái cây góc phố, một hòn đá ven đường vẫn tồn tại đây đó. Sẽ không thấy lạ cái chuyện người người chen nhau lễ bái xì xụp, nhưng hỏi địa điểm đó thờ gì, sự tích ra sao, phần lớn không ai hiểu.
Cứ nghe bảo thiêng lắm thì đi lễ thôi, còn những chi tiết cụ thể không thành vấn đề và cũng chẳng cần minh xác.
Thế mới biết tâm lý “bán tín bán nghi” trong truyền thống tâm linh người Việt có sức mạnh như thế nào, thôi thì “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, cho chắc ăn! Có lẽ vì thế, hành vi trục lợi bất chấp sự vi phạm giáo lý Phật pháp như việc đốt vàng mã, hình nhân, rải tiền bừa bãi, nhét tiền vào tượng Phật… nơi cửa thiền là điều không có gì lạ.
Sự vụ lợi của con người thường là vậy, cứ đắm đuối tin rằng càng cúng nhiều, thánh thần sẽ càng ban nhiều tài lộc... Niềm tin của người Việt “hồn nhiên” lắm, từ ngàn xưa đã vậy!
Ảnh chụp tại chùa Bái Đính, Ninh Bình đầu xuân Bính Thân. Ảnh: Lê Hiếu.
Nếu nhìn lại suốt chiều dài lịch sử, có lẽ chưa bao giờ mọi sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt lại có cơ nở rộ muôn hình vạn trạng như hiện nay.
Khắp nơi, người người cúng bái, nhà nhà xây mộ, đua chen hành hương lễ bái tấp nập, khẩn cầu danh lợi với thế giới siêu hình. Một thế giới “linh thiêng tổng hợp” đủ những Phật, Mẫu, thánh, thần, Ngọc Hoàng, chầu, cô, thần tài, thổ địa, tổ tiên ông bà, thần núi, thần sông, ông công ông táo, vong hồn đủ loại...
Kèm theo đó là lực lượng giao tiếp trung gian, thường phối hợp giữa những sư sãi, ông đồng, bà cốt, thầy cúng, thầy bói, thầy phù thủy, thầy địa lý... mọc lên nhan nhản như nấm sau mưa với đủ mọi kiểu dạng.
Với mục đích thực dụng vụ lợi, vốn được xem như bản năng nguyên thủy của thế giới tâm linh, giờ đây việc cúng lễ trên chùa, đền, phủ, đình, điện, miếu dường như đã trở thành một thao tác mang đậm tính thương mại tín ngưỡng, không thể khác.
(Nguồn: http://news.zing.vn)