Có một đường phố mang tên nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu

07/10/2019

Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, vào năm 1977, Ủy ban Thiếu niên Nhi đồng Trung ương tổ chức cho một số nhạc sĩ vào thành phố Hồ Chí Minh sáng tác ca khúc cho thiếu nhi, trong đó có tôi, nhạc sĩ Văn Chung và Phong Nhã. Theo kế hoạch, khi vào thành phố Hồ Chí Minh chúng tôi sẽ cùng một số nhạc sĩ đang làm việc ở đây kết thành một đoàn cùng đi thâm nhập thực tế ở một số cơ sở để tạo cảm hứng và tìm đề tài sáng tác. Ở thành phố cùng tham gia có các nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Phan Nhân và Phạm Trọng Cầu.

Tôi biết nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu từ khi đó. Anh có một thân hình cao to, mập, với bộ râu quai nón rậm rì lởm chởm, bề ngoài tưởng đây là một con ngươi có chất “bụi”, nhưng anh là một người dễ mến, dễ gần gũi, cởi mở, đôn hậu và quảng giao. Anh có nụ cười hiền hòa, giọng hát trầm ấm, có âm sắc riêng, hấp dẫn mỗi khi tự trình bày bài hát của mình. Phạm Trọng Cầu đã từng thu âm một băng nhạc với hàng chục bài do anh sáng tác và tự hát. Tôi rất ấn tượng với những bài hát và giọng ca của Phạm Trọng Cầu trong băng cát-sét anh tặng.

Lần nào vào thành phố Hồ Chí Minh, tôi cũng gặp anh, có lần anh mời anh em chúng tôi về nhà dùng cơm. Phạm Trọng Cầu khi đó làm việc ở Hội Âm nhạc thành phố nhưng thường xuyên anh huấn luyện một tốp thiếu nhi, gọi là nhóm Dây leo xanh, dàn dựng các bài hát tuổi thơ mới sáng tác để thu thanh, phát trên Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố và biểu diễn ở các nơi khi có yêu cầu. Anh làm công việc này hết sức say sưa, nhiệt tình mặc dù không ít khó khăn khi phải di chuyển trên một chiếc chân gỗ (anh bị thương trong một trận càn của quân Pháp trong thời kì kháng chiến). Anh chạy chỗ này, chỗ kia bằng chiếc xe máy, đưa đón các cháu đến địa điểm tập luyện. Có lần tôi đã đến thăm nhóm Dây leo xanh trong một buổi tập tiết mục tại trụ sở Hội Văn nghệ Thành phố khi anh đang huấn luyện các em hát.

Một lần vào công tác ở thành phố Đà Nẵng năm 1987, anh em tôi đang ở khách sạn thì nghe lễ tân báo có khách. Từ trên tầng cao đi xuống, chúng tôi ngỡ ngàng thấy Phạm Trọng Cầu đang ngồi đó. Anh em gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Anh tặng chúng tôi một tập của riêng anh và một tập của anh và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn in chung. Có điều khác người, trong lời đề tặng thường các tác giả ghi “thân tặng, mến tặng”…, nhưng Phạm Trọng Cầu lại ghi là “Bản của Hoàng Long - Hoàng Lân”, dưới ký tên, một chữ ký rất “chân phương’’.

Lại một lần nữa, khi anh ra Hà Nội dự một đêm nhạc tổ chức ở Cung thiếu nhi - đường Lý Thái Tổ, trong đó, Đài Tiếng nói Việt Nam trao giải nhất cho bài hát Cho con của Phạm Trọng Cầu (phổ thơ Tuấn Dũng). Chúng tôi gặp anh và có một buổi trò chuyện vui vẻ. Đây là lần cuối cùng tôi gặp nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, sau đó anh mất (26/5/1998).

Cách đây ít năm, nghe trên Đài truyền hình Việt Nam thông tin thành phố Hồ Chí Minh đặt tên mới cho một số đường phố, trong đó có nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Phạm Trọng Cầu, Diệp Minh Tuyền, để ghi nhận những cống hiến rất đáng trân trọng của các văn nghệ sĩ với thành phố Hồ Chí Minh.

Phạm Trọng Cầu sinh ngày 25 tháng 12 năm 1935 tại Phnông Pênh - Campuchia. Nguyên gốc gia đình tổ phụ ở Nghệ An. Năm 8 tuổi, gia đình Phạm Trọng Cầu từ Campuchia về ở Sài Gòn (1943). Năm 1944 - 1945, gia đình Phạm Trọng Cầu ra Biên Hòa, rồi về Bến Lức - miền Tây Nam Bộ. Phạm Trọng Cầu theo học trường tiểu học Vũng Liêm, thuộc tỉnh Vĩnh Long, sau đó tham gia Cách mạng trong đội tuyên truyền xung phong của huyện.

Năm 1948, anh trở lại Sài gòn, tham gia phong trào sinh viên học sinh xuống đường. Một thời gian sau, Phạm Trọng Cầu vào bộ đội ở tiểu đoàn 308, rồi Trung đoàn Cửu Long.Trong một trận chiến, anh bị thương phải cưa chân. Má anh đưa anh về Sài gòn chạy chữa. Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài gòn. Trong thời gian đó, anh viết ca khúc đầu tay Trường làng tôi nổi tiếng. Bài hát theo tiết điệu Valse dìu dặt, nhẹ nhàng tha thiết với lời ca đằm thắm yêu thương, giàu hình ảnh, gợi nhớ. Năm 1962, anh sang học tại Nhạc viện Paris (Pháp). Tại đây Phạm Trọng Cầu viết ca khúc Mùa thu không trở lại. Trong tập nhạc gồm 12 ca khúc in ở Paris, Phạm Trọng Cầu ghi bút danh là Phạm Trọng, mãi sau năm 1975, anh mới ghi đầy đủ họ tên theo khai sinh.

Về ca khúc Mùa thu không trở lại, Phạm Trọng Cầu tâm sự: “Dạo ở Paris, mình yêu một cô gái Việt Nam, có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay nhau, khung cảnh mùa thu ở châu Âu rất đẹp, nhưng chia ly trong một khung cảnh như vậy thì thật tê tái. Đó là một mối tình thời trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ, tình nồng cháy và mùa thu nàng về nước.Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi qua khu vườn Luxembourg. Khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, trong đầu tôi tự nhiên vang lên giai điệu cùng với ca từ: “Em ra đi mùa thu/ Mùa thu không trở lại… Dù mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng từ đó, đối với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại”.

Năm 1969, Phạm Trọng Cầu trở về Sài gòn, dạy ở Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ, tham gia các hoạt động văn nghệ của sinh viên và Phật tử… Năm 1972, Phạm Trọng Cầu bị chính quyền Sài gòn (cũ) bắt và bị giam cho tới năm 1975. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất  đất nước, Phạm Trọng Cầu làm việc ở Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh và là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Âm nhạc Thành phố. Phạm Trọng Cầu cùng với một số nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hoàng Hiệp, Nguyễn Ngọc Thiện… thành lập nhóm “Giới thiệu sáng tác mới” tại Hội Trí thức yêu nước Thành phố, đem lại một không khí hoạt động âm nhạc có ý nghĩa, thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích âm nhạc tham dự.

Phạm Trọng Cầu cùng với nhạc sĩ Nguyễn Nam tạo dựng phong trào ca hát thiếu nhi của thành phố. Chính từ hoạt động này, anh liên tục viết những ca khúc mới cho tuổi thơ như: Nhịp cầu tre, Ước mơ hồng, Em thương thầy mến cô, Lớp em sao mà vui ghê, Em nhớ mãi một ngày, Lời con hỏi… và đặc biệt ca khúc Cho con (thơ Tuấn Dũng) có sức lan tỏa rất rộng rãi, được đưa vào tuyển tập 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX. Cho con cũng  viết theo tiết điệu Valse, bay bổng: “Ba sẽ là cánh chim cho bay thật xa/ Mẹ sẽ là cành hoa cho con cài lên ngực/ Ba mẹ là lá chắn che chở suốt đời con/ Vì con là con ba, con của ba rất ngoan/ Vì con là con mẹ, con của mẹ rất hiền…”

Nhạc của Phạm Trọng Cầu trong sáng, giàu cảm xúc, không khó hát. Tuy anh học ở Nhạc viện Paris, nhưng gia tài âm nhạc của anh không có tác phẩm khí nhạc, chủ yếu là ca khúc viết cho người lớn và trẻ em, tới trên 200 bài như: Biển sáng - viết cùng Trịnh Công Sơn, Đôi mươi, Cho dù năm tháng - thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đà Lạt gió và mây - lời Nguyễn Lương Hiệu, Có những chuyện tình không là trăm năm, Em mãi là tuổi 20 - thơ Quang Dũng, Một trái tim một quê hương, Đêm lạnh, Quê hương - thơ Giang Nam, Mùa thu không trở lại… Phạm Trọng Cầu ưa dùng nhịp ¾ với lối tiến hành giai điệu “hơi Tây” một chút, bởi những bán cung xuất hiện, tạo nên phong cách nhạc của riêng Phạm Trọng Cầu.

Ai có dịp qua Quận 9 - thành phố Hồ Chí Minh sẽ gặp một con đường mang tên Phạm Trọng Cầu. Chúng ta có thêm một niềm vui chung cho giới nhạc sĩ Việt Nam, thật đáng tự hào!

L

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...