Charles Camille Saint-Saëns
Charles Camille Saint-Saëns sinh ở Paris tại "Rue du Jardin" (phố vườn) vào ngày 9/10/1835 và mất sau một chuyến đi dài ngày tới Algeria vào 16/12/1921. Gia đình Saint Saens vốn xuất thân nông dân. Ông lớn lên dưới sự dạy dỗ của mẹ (Clémence Françoise Collin) và người dì cả Charlotte Masson, cũng chính là người đã giúp cho cậu bé Charles biết chơi piano từ khi mới lên 2. Cậu bé Charles khi ấy đã cho thấy thiên tư âm nhạc mạnh mẽ cũng như của Mozart và Mendelssohn. Cậu bé đã có những khám phá nhỏ trong việc sáng tác khi mới 3 tuổi mà người ta vẫn còn nhớ đến khúc nhạc cho piano có tên là "Galop". Sau đó không lâu cậu học piano dưới sự hướng dẫn của Camille Stamaty và Alexandre Boëly, học hoà âm do Pierre Malede dạy. Họ tập trung tất cả cho sự phát triển tài năng của Saint-Saëns. Kết quả là vào thời điểm 4 tuổi 7 tháng cậu bé Charles đã chơi được một phần trong Violin sonata của Beethoven, và đến năm tuổi thì sáng tác “Le Soir", mélodie đầu tiên là bằng chứng cho tài năng của một nhạc sĩ. Đến năm lên 10, bước tiến mới trong việc học tập nghiêm túc là việc cậu bé đã có thể chơi tất cả 32 sonata của Beethoven hoàn toàn theo trí nhớ. Camille Saint-Saëns nhanh chóng được xem như một thần đồng âm nhạc sau buổi biểu diễn đầu tiên tại "Salle Pleyel" vào ngày 6/5/1864. Ngay năm sau đó, giao hưởng đầu tiên được ra đời và giành giải "Societe Sainte Cecile" rồi được xuất bản năm 1847.
Vào năm 1848, Saint-Saëns lên bảy tuổi và vào học tại Nhạc viện Paris môn organ dưới sự hướng dẫn của François Benoist và môn sáng tác do thầy giáo Jacques-François Fromental Halévy dạy. Mặc dù không dành được giải "Prix de Rome" của viện hàn lâm năm 1851, nhưng ông đã gây được ấn tượng và sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng trong đó có Hector Berlioz và Franz Liszt. Sau lần gặp đầu tiên vào năm 1852, Saint-Saëns và Liszt trở thành những người bạn thân thiết và luôn ủng hộ nhau trong nhiều năm. Franz Liszt thường ca ngợi Saint Saens như nghệ sĩ organ vĩ đại nhất thế giới.
Từ năm 1852 đến năm 1857 ông làm nghệ sĩ chơi organ tại nhà thờ Saint Merry cho đến năm 1858 chuyển sang làm việc tại một trong những nhà thờ có tiếng ở Paris là "La Madeleine", nơi mà Théodore Dubois và Gabriel Fauré sau đó tiếp nối vị trí là nhạc công organ. Saint-Saëns giữ vị trí đó cho đến năm 1876. Một công việc mang lại phần nào danh tiếng cũng như được trả công không ít, giúp nhạc sĩ trẻ an tâm về mặt tài chính để sáng tác và theo đuổi hoạt động ở các lĩnh vực khác mà ông quan tâm tìm hiểu. Vào thời điểm lúc đó, những buổi biểu diễn các thơ giao hưởng của Liszt được coi là hiện tượng mới, làm sống lại mối quan tâm đến âm nhạc thời kỳ trước giai đoạn cổ điển, nổi bật nhất là Johan Sebastian Bach, Georg Friederich Handel, Christoph Willibald Gluck và Jean Phillippe Rameau, và đến mối liên hệ giữa âm nhạc với khoa học và các chủ đề văn học, lịch sử. Saint-Saëns thường đi nhiều nơi, giao thiệp rộng và sáng tác rất nhiều. Ông chính thức trở thành nhà soạn nhạc với tác phẩm "Ode a Sainte Cecile" viết năm 1852. Đồng thời Saint-Saëns cũng theo đuổi sự nghiệp của một nghệ sĩ piano, nhà chỉ huy và thường tham gia làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc.
Năm 1860 ông trở thành giảng viên piano tại "Ecole Niedermeyer", trong số các học sinh do ông hướng dẫn, một số sau này trở nên nổi tiếng như Gabriel Fauré, André Messager, Egène Gigout… ông giữ vị trí này cho đến năm 1867. Đến năm 1864, ông tiếp tục tìm kiếm cơ hội giành giải "Prix de Rome" nhưng vẫn thất bại.
Một cơn bão của sự đổi mới trong âm nhạc trong cách phối hợp giữa piano và dàn nhạc đã ập tới Paris vào cái ngày mà Piano concerto No. 2 giọng Son thứ, Opus 22 của Camille Saint-Saëns công diễn (tháng 4/1868). Từ những hợp âm rải của piano solo mở đầu đầy sức mạnh của suy tư cho đến những chuyển động không ngừng của chương cuối, concerto giọng Son thứ truyền đến cho âm nhạc Pháp thập niên 70 của thế kỷ XIX một tinh thần mới, với sức mê hoặc và nét tinh tế, đã trở thành nguyên mẫu căn bản cho sự kết hợp giữa piano và dàn nhạc cho nhiều thế kỷ sau. Nhạc sĩ đã được trao tặng giải thưởng "Le Legion d’Honneur” (Bắc đẩu bội tinh). Anton Rubinstein là người đầu tiên biểu diễn bản concerto tại Paris, hơn nữa nhạc sĩ, pianist người Nga này còn chính là lý do để Saint-Saëns viết bản nhạc.
Trong suốt cuộc đời, ông đã viết tất cả 10 concerto (5 piano concerto, 3 violin concerto, 2 cello concerto) và khoảng 20 concertante nhỏ cho nhạc cụ độc tấu và dàn nhạc. Các concerto nổi tiếng nhất phải kể đến số 2, 4, và 5 viết cho piano, concerto số 3 viết cho violin và cello concerto đầu tiên. Trong số đó, Concerto giọng Son thứ là một trong những bản concerto dành cho piano nổi tiếng nhất mọi thời đại. Nhưng khi Saint-Saëns nghe Harold Bauer biểu diễn xong bản này, ông đã nhắc nhở: "Anh đã chơi bản nhạc rất tuyệt, nhưng làm ơn hãy nhớ rằng tôi đã viết năm concerto cho piano. Năm” ("That is very good, but please remember that I wrote five piano concertos: FIVE.")
Saint-Saëns sáng tác rất nhiều trong thời trẻ, trong giai đoạn từ năm 1853 đến năm 1855 đáng kể nhất là Giao hưởng "Urbs Roma" ở giọng Fa và một vài concerto (bao gồm concerto số 2 vừa đề cập đến ở trên viết năm 1868). Đến năm 1870, chiến tranh Pháp - Phổ nổ ra làm con đường âm nhạc Pháp tạm thời gián đoạn, Saint Saens đầu quân vào Đội cận vệ quốc gia với vị trí binh nhì của tiểu đoàn 4 Garde Nationale de la Seine (Cận vệ quốc gia vùng Seine).
Sau đó ít lâu, ông bỏ sang Luân Đôn trong suốt thời kỳ "Công xã" và bắt đầu giai đoạn gắn bó với nước Anh. Khi những biến động chính trị ở Pháp qua đi, ông trở lại Paris và đóng góp vào thời kỳ Phục hưng âm nhạc Pháp. Trực tiếp ngay sau thất bại của Pháp trong cuộc chiến Pháp - Phổ, Hiệp hội âm nhạc Quốc gia (Societé Nationale de Musique) của Pháp chính thức được thành lập vào năm 1871 với thành viên sáng lập gồm Saint Saens cùng Romain Bussine, César Franck, Edouard Lalo và Gabriel Fauré.
Trong hơn nửa thế kỷ từ sau khi được thành lập, Hội âm nhạc Quốc gia đã bảo vệ và tích cực thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc Pháp, đứng ra bảo trợ và tổ chức vô số các buổi biểu diễn các tác phẩm của hầu hết các nhạc sĩ hàng đầu của Pháp. Hiệp hội là một cộng đồng lớn về âm nhạc Thính phòng và Giao hưởng đương đại Pháp. Nó đã thành công khi tạo ra nhiều cơ hội cho những tìm kiếm, thử nghiệm trong âm nhạc, dù đó là thể loại nào đi nữa. Hoạt động của hiệp hội mà đứng đầu là Saint Saens này đã có những đóng góp trong hoàn cảnh khi mà sân khấu Opera chiếm ưu thế lấn át trong đời sống âm nhạc Pháp trong một phần lớn thế kỷ XIX, trong khi mảng dành cho các nhạc cụ lại gặp phải sự thờ ơ hay thậm chí là khinh rẻ. Người ta có thể thấy rõ điều này khi nhắc đến thế kỷ XIX với những tên tuổi nhạc sĩ: Jacque Offenbach, Jacques Fromental Halévy, Friedrich Von Flotow, François-Joseph Fétis hay Pièrre Varney, những tên tuổi mà gắn với những sáng tác cho sân khấu Opera và xung quanh họ, con đường dẫn tới danh vọng luôn trải thảm đỏ đón chào. Và còn một tên tuổi nữa nổi lên giữa thế kỷ XIX mà khó có thể quên đó là Richard Wagner.
Từ năm 1871, sau thời gian lánh nạn ở Luân Đôn trong suốt mùa xuân đầy biến động của "Công xã thứ 2" (Second Commune), ông trở lại nhịp sống thông thường, là khách quen, thường xuất hiện ở nhiều tụ điểm với vai trò là nhạc trưởng và nghệ sĩ dương cầm, không chỉ ở Luân Đôn. Ông đã từng chơi đàn cho Nữ hoàng Victoria hai lần, một lần cho Nữ hoàng Alexandra, viết Hành khúc đăng quang (Coronation March) cho vua Edward VII. Bản giao hưởng số 3 nổi tiếng cũng xuất phát từ yêu cầu của Hội âm nhạc hoàng gia (Royal Philhamonic Society). Tên tuổi ông ngày càng nổi tiếng, đến năm 1893 ông được nhận học vị tiến sĩ âm nhạc của Đại học Cambridge cùng với người bạn của ông là nhạc sĩ Peter Ilyich Tchaikovsky. Sau đó là đến bằng tiến sĩ của Đại học Oxford năm 1913.
Sau tuổi thơ được gia đình dạy dỗ tách biệt với xã hội và thời gian làm người chơi organ cô độc tại “La Medeleine” là thời kỳ hoạt động xã hội tích cực của Saint-Saëns, đánh dấu bước chuyển mới trong cuộc đời ông. Năm 1875 Saint-Saëns lập gia đình, cưới một cô gái trẻ 19 tuổi tên là Marie-Laure Truffot. Tính cách người nhạc sĩ không thích hợp với cuộc sống cần gánh vác trách nhiệm gia đình, vì thế mà thời gian của cuộc hôn nhân này là chương buồn nhất trong cuộc đời ông. Ông đối xử không mấy tôn trọng người vợ và thái độ này chỉ được cải thiện khi họ có con.
Vào năm 1878, bi kịch đã xảy ra khi André - đứa con mới 2 tuổi của nhạc sĩ bị ngã từ cửa sổ của căn hộ tại tầng 4 và qua đời ngay sau đó. Tai họa này đã khiến cho Marie rất đau buồn và trong trạng thái đó, cô không đủ khả năng nuôi đứa con thứ 2 mới 6 tháng tuổi nên gửi nó cho bà ngoại chăm sóc, nhưng 6 tháng sau đứa trẻ cũng mất vì quá ốm yếu. Người ta kể rằng vợ của nhạc sĩ là một người cẩu thả và hay lơ đễnh, và đấy cũng chính là lý do khiến ông từ bỏ người vợ này bởi ông cho rằng đó là một phần dẫn đến bị kịch của gia đình khi mất đi 2 đứa con. Sau một thời gian bỏ đi, ông đã viết một bức thư cho vợ nói rằng họ không thích hợp để sống với nhau, và từ đó hai người dù không chính thức li dị, nhưng nhạc sĩ cũng không bao giờ gặp hay liên lạc lại với vợ mình. Rất kỳ lạ, khi thời kỳ của những bi kịch gia đình này lại là khi Saint-Saëns cho ra đời những tác phẩm phổ biến nhất của ông ngày nay bao gồm "Danse Macabre" (vũ khúc ma quỷ) năm 1875, Samson et Dalila năm 1878 và "Requiem" cũng vào năm này. Sau cuộc hôn nhân đầy những sự kiện đau buồn, Camille Saint-Saëns phát triển mối quan hệ với Gabriel Fauré và gia đình của ông, cư xử như một người cha thứ hai đối với những đứa con của Fauré. Tuy nhiên ông vẫn giữ mối quan hệ mật thiết với mẹ mình, người đã phản đối đám cưới của con trai từ đầu.
Vào năm 1875 ông bắt đầu chuyến lưu diễn đầu tiên ra nước ngoài và rất thành công. Năm 1877 vở opera Samson et Dalilagây được tiếng vang lớn ở cộng hoà Weimar, Đức nhưng mãi 12 năm sau đó (1889) mới được biểu diễn ở Pháp. Bản “Requiem” được công diễn lần đầu ngày 22/5/1878.
Năm 1886, ông viết Giao hưởng giọng Đô thứ, “avec orgue” (giao hưởng với sự tham gia của đàn organ). Đây được xem là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông. Được cổ vũ bằng dàn hợp xướng cộng hưởng – là cây đàn Organ vĩ đại nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ được Aristide Cavaillé-Coll dựng lên ở Pháp, công trình này là một trong những thành tựu đặc biệt xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, thời điểm của những bước chuyển có tính chất khổng lồ mang trong mình những thành tựu lớn lao của của thế kỷ ánh sáng, nó rõ ràng là một dấu ấn của nước Pháp kề bên sự ra đời của tháp Effel được phô diễn trong Hội chợ quốc tế tại Paris. Tính chất trầm hùng, trang nghiêm của chương 2 giao hưởng rõ ràng là sự biểu đạt tâm sự riêng của một "công dân Châu Âu" trong ông, cùng với cái vĩ đại và đầy tự hào vẽ nên bởi dàn nhạc và đàn Organ ở chương cuối như niềm tự hào và cái lớn lao của thời đại nảy nở khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên, thời đại của lý trí. Ông thường xuyên bị gọi tên như một "nhạc sĩ Đức nổi tiếng nhất trong tất cả các nhạc sĩ Pháp", có lẽ là để biểu đạt kỹ thuật kỳ diệu của ông được phô bày qua cấu trúc của những đoạn chuyển du dương. Saint-Saëns viết tổng cộng 5 giao hưởng dù chỉ có 3 bản được đánh số Opus. Ông đã tự huỷ bỏ bản đầu tiên, được viết cho 1 Mozartian-scale orchestra (dàn nhạc kiểu Mozart), và bản thứ 3, một tác phẩm dùng để thi thố cũng bị rút lại. Các giao hưởng của ông là những đóng góp quan trọng cho thể loại này trong giai đoạn mà giao hưởng truyền thống Pháp đang có nhiều biểu hiện suy tàn.
Trong suốt một kỳ nghỉ với gia đình và bạn bè năm 1886, Camille Saint-Saëns đã cho ra đời một sản phẩm giải trí cao cấp cho những bữa tiệc vui vẻ cuối tuần Le Carnaval des Animaux (Ngày hội của muông thú) đã làm cho trẻ em mọi lứa tuổi ngạc nhiên và thích thú với cách mô tả các loại động vật rất sáng tạo song lại rõ đặc trưng, như những tiếng gần như khàn khàn, đục đục của những chú gà hay đinh tai the thé của những con lừa ... Đoạn người dẫn truyện khá phổ biến cho đến bây giờ đã được thêm vào sau khi ông mất. Vào thời điểm đó, thính giả khi nghe tuần Le Carnaval des Animaux có thể nhận ra được những nét nhạc thanh tao của “Vũ khúc ballet của các Thần gió“ (Ballet of the Sylphs), được khéo léo thay đổi quãng âm, để trở thành điệu múa của chú voi. Còn Can-can thì được chuyển đổi từ “Folies Bergere“ thành những bước đi điềm tĩnh hơn, gợi lên dáng dấp của một con rùa, và một aria trong Il Barbiere di Siviglia đã được khôn khéo cải trang trở thành một trong số các vật cổ trong "the fossils"...
Chính vì những yếu tố gần gũi với âm nhạc của các nhạc sĩ lãng mạn trước đó đã dẫn đến những lo lắng về việc tuần LeCarnaval des Animaux nếu được công bố rộng rãi có thể làm ảnh hưởng tới thanh danh của một nhạc sĩ sáng tác nghiêm túc như ông, nên Saint-Saëns chỉ cho phép xuất bản khúc “Le Cygne” (Thiên nga). Tác phẩm không đánh số Opus này cũng vẫn chưa được xuất bản. Nhạc sĩ đã không chịu dỡ bỏ "lệnh cấm" xuất bản cho tuần Le Carnaval des Animaux mà phải đợi đến 36 năm sau khi tác phẩm được tạo ra (và cũng là sau khi nhạc sĩ qua đời), ngày 25/2/1922 nó mới được chính thức công diễn. Và sự thật không như nhạc sĩ lo ngại, từ khi tác phẩm này được xuất bản và công diễn, những phác thảo tinh tế giàu trí tưởng tượng và âm nhạc trong sáng của tuần Le Carnaval des Animaux đã gây ấn tượng cả với người nghe nhạc đơn thuần lẫn các nhà phê bình.
Khi mẹ ông mất năm 1888, ông rơi vào trạng thái trầm uất, thậm chí còn nghĩ đến việc tự tử (người dì cả Charlotte Masson cũng đã qua đời năm 1872). Sau sự ra đi của những người thân thuộc nhất năm 1888, Camille Saint-Saëns cũng dần rút khỏi Hiệp hội âm nhạc Pháp do ông sáng lập và bắt đầu thời kỳ chu du khắp nơi. Biểu diễn và thường xuyên sáng tác trên suốt quãng đường đi khắp châu Âu, Đông Á, Nam Mỹ, Bắc Phi. Trong đó nhạc sĩ dành nhiều mối quan tâm đến miền đất Algeria và Ai cập, nơi đã truyền cảm hứng cho ông sáng tác " Africa Fantasy" (khúc phóng túng Phi châu) vào năm 1891 và bản Piano concerto số 5, "Egyptian" (người Ai Cập). Bên cạnh các tác phẩm lớn như concerto và giao hưởng, tên tuổi Saint-Saëns còn được ghi dấu trong lòng người nghe bởi các tác phẩm quy mô nhỏ, các bản hoà âm khúc phóng túng piano và dàn nhạc đầy màu sắc, như Africa, Havanaise và Introduction and Rondo capriccioso cho violin và dàn nhạc, hoặc cho đàn harp và dàn nhạc như tác phẩm Morceau de Concert. Saint-Saëns đồng thời cũng đã viết 6 Preludes và Fugue cho organ, 3 bản thuộc op. 99 và 3 bản thuộc op.109, bản nổi tiếng nhất là Preludes và Fugue giọng Mi giáng trưởng, op.99 No. 3.
Ở khía cạnh nghệ sĩ biểu diễn, Saint-Saëns được coi là “không có đối thủ trên cây đàn organ", và với piano thì chỉ một số người có thể đua tranh được với ông. Liszt cũng đã từng nhận định rằng ông và Saint-Saëns là 2 pianist vĩ đại nhất ở châu Âu (sau khi Georges Bizet tập trung vào sáng tác opera và Hans von Bülow mải mê với cây đũa chỉ huy). Người ta kể lại rằng ông thường chơi đàn trong thế gần như gắn chặt vào ghế, với một trạng thái khá kiềm chế và tự chủ, các giai điệu có nét huyền ảo, phảng phất và trầm tĩnh. Mang lại một vẻ quý phái và tinh xảo trong kỹ thuật. Những bản thu âm mà ông để lại đã cho ta thấy phần nào những đặc điểm đó. Những tác phẩm ông chọn thể hiện thường không quá biểu cảm, khá gần gũi, thực tế so với nhiều tác phẩm có sức lôi cuốn ngay từ bên ngoài. Hầu như chắc chắn một điều rằng ông là người đầu tiên chơi gần như trọn bộ các concerto piano của Mozart. Những concerto của ông do vậy cũng có những ảnh hưởng phần nào từ bậc thầy cổ điển này, như chương 1 của concerto số 4 giọng Đô thứ, có cùng âm điệu với chương cuối concerto thứ 24 của Mozart. Về sau, đến lượt Saint-Saëns để lại ảnh hưởng cho các nhạc sĩ Lãng mạn mà tiêu biểu như là Sergei Rachmaninov. Suốt cả sự nghiệp, Saint-Saëns sử dụng kỹ thuật mà ông được Stamaty dạy, sử dụng sức mạnh của bàn tay thay cho cánh tay. Claudio Arrau không bao giờ có thể quên được cảm giác thanh thản, thư giãn khi chơi đàn theo cách thức của Saint-Saëns (ông đã thể hiện trong Scherzo thứ tư của Chopin).
Sáng tác cho piano của Saint Saens, nhìn chung có phần kém chiều sâu hoặc ít gây được ấn tượng và thách thức mạnh như Liszt và Ravel, những người đã chiếm lĩnh ở mảng sáng tác cho piano ở khía cạnh có phong cách nổi trội. Song đôi khi ở một số tác phẩm khác thường của Saint-Saëns như Variations on a Theme by Beethoven (những biến tấu trên một chủ đề của Beethoven), chương Scherzo, đã có những phần là sự pha trộn giữa những sắc điệu âm nhạc hiện đại và những hình thức theo quy ước cũ. Còn như Caprice Arabe, lại có nét nhạc rất uyển chuyển, có nhịp điệu tự do, đầy chất ngẫu hứng và sáng tạo mà có lẽ mang nhiều ảnh hưởng của âm nhạc Bắc Phi. Dù Saint-Saëns được xem như có một phong cách đã cũ về cuối đời, song có thể thấy ông đã nỗ lực thể hiện những hình thức âm nhạc mới hay điều chỉnh, cách tân một số thể loại cũ. Các sáng tác của ông được truyền cảm hứng từ Chủ nghĩa cổ điển Pháp, đã làm nên tên tuổi ông cũng như báo trước sự ra đời của chủ nghĩa Tân cổ điển của Ravel và những nhạc sĩ khác.
Nguồn: http://www.nhaccodien.vn