Câu chuyện âm nhạc 1: Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu
Chúng ta vẫn thường nghe nhiều người nói rằng chơi nhạc jazz thì có nhiều tính sáng tạo hơn chơi nhạc cổ điển (classical). Khi đi xem những buổi hòa nhạc, chúng ta cũng dễ cảm thấy như thế, vì trong những buổi nhạc jazz, các nhạc sĩ thường thay phiên nhau biểu diễn những đoạn ứng tấu hấp dẫn; còn trong những buổi nhạc cổ điển thì các nhạc sĩ thường chỉ chơi chính xác những bản nhạc được soạn sẵn và được dày công tập luyện. Thậm chí chúng ta thấy trong số những người trình tấu nhạc cổ điển lừng danh nhất của thế kỷ 20, cũng có nhiều người... không thể ứng tấu.
Stephane Grappelli & Yehudi Menuhin
Hàng triệu khán giả trên thế giới từng say mê thưởng thức những buổi trình diễn song tấu của hai vĩ cầm thủ thượng thặng thế giới trong thế kỷ 20, là Yehudi Menuhin (cổ điển) và Stephane Grappelli (jazz). Tiếng đàn của hai đại danh thủ đã bay lượn vi vút và quyện vào nhau một cách tuyệt vời. Thế mà, trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình BBC, Menuhin thú thật rằng khi ông song tấu cùng Grappelli, thì Grappelli hoàn toàn ứng tấu, còn ông thì phải... soạn trước phần nhạc của mình và tập thuộc lòng. Ông nói: “Tôi không biết nhạc sĩ vĩ cầm nào khác có tài ứng tấu phi thường như Grappelli...” Về phần mình, ông nói: “Tôi không thể nào thực sự ứng tấu được. Ðiều đó quá sức của tôi. Có bắt được vàng thì tôi cũng không thể nào sánh nổi với Grappelli.” [1]
Django Reinhardt & Andres Segovia
Ðại danh cầm thủ guitar cổ điển, Andres Segovia, cũng không thể ứng tấu! Trong khi đó thì tay guitar nhạc jazz, Django Reinhardt, lại nổi tiếng là người có biệt tài ứng tấu (và ông cũng là người bạn âm nhạc thân thiết cùng trình diễn nhiều năm với Stephane Grappelli). Trong một hồi ký, Stephane Grappelli kể lại mẩu chuyện thú vị sau đây:
Tôi còn nhớ chúng tôi được mời đến dự một bữa tiệc do một mệnh phụ phu nhân tổ chức [tại Paris] - bà này thường thích tổ chức tiệc tùng, và trong số khách được mời thường có hai người hoàn toàn đối lập nhau về ý tưởng và khẩu vị nghệ thuật. Buổi tối đó là đến phiên Andres Segovia và Django Reinhardt. Dĩ nhiên là Django đến trễ 3 tiếng đồng hồ, và không mang theo đàn guitar. Segovia đã có mặt ở đó, tất nhiên là đúng giờ và anh ấy đã chơi những bài bản của mình.
Mọi người đều bực mình vì Django, và rốt cuộc thì chàng đến với một nụ cười đáng yêu, cho rằng mọi chuyện đều ô-kê. Chúng tôi nói: “Chứ anh ở đâu vậy? Anh đến trễ ba tiếng đồng hồ rồi đấy.” “Ồ, tôi không ngờ.” Bởi vì Django không bao giờ biết giờ giấc gì cả. Chàng sống theo ánh mặt trời. “Django, bây giờ tới phiên anh chơi đàn.” Nhưng dĩ nhiên chàng đã quên mang theo đàn, và Segovia không muốn cho chàng mượn đàn, nên một người nào đó phải vội vàng nhảy lên taxi để đi kiếm một cái đàn quèn ở đâu đó. Thế rồi, Django chơi độc tấu guitar với một miếng khảy, rồi với những ngón tay, và chàng tạo ra những tiếng đàn và những bài ứng tấu tuyệt vời khiến Segovia sửng sốt và hỏi: “Tôi có thể tìm những bản nhạc ấy ở đâu?” Django cười, trả lời: “Chẳng ở đâu cả, tôi chỉ vừa chế nó ra đấy thôi!”[2] |
Nếu những đại danh cầm thủ cổ điển như Yehudi Menuhin và Andres Segovia không thể ứng tấu theo ngẫu hứng, mà chỉ có thể chơi những bản nhạc đã được soạn sẵn, thì phải chăng khả năng ứng tấu của họ bị hạn chế bởi truyền thống âm nhạc cổ điển?
Không, không phải vậy, vì những nhạc sĩ cổ điển vĩ đại ngày xưa như J.S. Bach, G.F. Handel, L.V. Beethoven, W.A. Mozart, F. Chopin, F. Liszt,... đều có tài ứng tấu tuyệt vời, có người đã để lại những cuốn sách dạy nghệ thuật ứng tấu và có người đã để lại những giai thoại kỳ thú về những cuộc ứng tấu. Ngày xưa, rất nhiều bản concertos có phần cadenza để cho nhạc sĩ tự do ứng tấu, và nhiều nhạc sĩ đã biểu diễn các cadenza ấy một cách đầy sáng tạo. Ðến cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, A. Rubinstein, I.J. Paderewski, P. Grainger, V. Pachmann,... vẫn ứng tấu phần nhạc dạo và nhạc chuyển tiếp giữa các chương hay bài.
Thế nhưng, ở thế kỷ 20 thì nghệ thuật ứng tấu trong nhạc cổ điển dần dần... biến mất. Các nhà nhạc học nêu ra một số nguyên nhân: kỹ nghệ thu âm khiến các nhạc sĩ ở thế kỷ 20 tập trung vào sự chính xác cao độ khi chơi một bản nhạc; các cuộc tranh tài (competition) mọc lên như nấm khiến các nhạc sĩ trẻ nỗ lực chơi bản nhạc thật chính xác để chinh phục ban giám khảo; các sáng tác gia càng ngày càng ký âm bản nhạc hết sức tỉ mỉ, không còn chỗ cho sự ứng tấu; các giáo sư cố gắng dạy cho nhạc sinh chơi nhạc cổ điển hoàn toàn chính xác theo bản ký âm từ lúc mới học đàn và không hề có giờ dạy ứng tấu, v.v... Từ đó, nghệ thuật ứng tấu trong nhạc cổ điển ngày càng mai một.
May thay, trong những năm gần đây, chúng ta bắt đầu thấy những nỗ lực khôi phục nghệ thuật ứng tấu trong nhạc cổ điển. Nhiều diễn đàn và hội thảo nêu lên vấn đề này, và nhiều cuộc nghiên cứu khoa học đã chứng minh ích lợi của việc ứng tấu. Chẳng hạn, một công trình nghiên cứu ở nhạc viện Graz và viện đại học Graz (Austria) chứng minh rằng, quả thực chơi nhạc jazz thì có nhiều tính sáng tạo hơn chơi nhạc cổ điển, và nguyên nhân là người chơi nhạc jazz luôn tự rèn luyện khả năng ứng tấu, còn những người chơi nhạc cổ điển thì tập trung vào việc biểu diễn chính xác bản ký âm.[3] Công trình nghiên cứu do các giáo sư John Sloboda và David Dolan ở Guildhall School hợp tác cùng một số chuyên gia ở Imperial College London quan sát những tín hiệu trong não bộ của các nhạc sĩ và thính giả nhạc cổ điển, và họ kết luận rằng phần não liên quan đến sức tập trung, ký ức và hồi ứng (gọi là phần não Brodman 9) hoạt động tích cực hơn trong những cuộc trình diễn nhạc cổ điển có ứng tấu, và thụ động hơn trong những cuộc trình diễn nhạc cổ điển không có ứng tấu. Nghĩa là nhạc có ứng tấu có tác dụng kích thích não bộ của cả nhạc sĩ và thính giả một cách tích cực hơn, khiến cho họ cảm thấy thích thú hơn. Nhóm nghiên cứu “hy vọng rằng công trình nghiên cứu sẽ được ứng dụng theo một cách nào đó để giúp nhạc cổ điển chống lại tình trạng bị mất dần khán thính giả.” Họ đề nghị “đem nghệ thuật ứng tấu vào các buổi hòa nhạc cổ điển, các nhạc sĩ sẽ tạo nên một sự kiện độc đáo vừa có khả năng nối kết nhạc sĩ và khán giả, vừa gây nên sự thích thú.” [4]
Nói tóm lại, thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa.
Nghe chương trình song tấu của Stephane Grappelli & Yehudi Menuhin
_________________________
[1] Độc giả có thể xem trên Youtube một đoạn video ngắn trích từ cuộc phỏng vấn của đài truyền hình BBC. Trong đoạn video ngắn này có bản “Jealousy” của Jacob Gade do Yehudi Menuhin và Stephane Grappelli song tấu, rồi có mấy lời tâm sự của Yehudi Menuhin.
[2] Xem Stephane Grappelli, “For a few seconds I am back again with Django”.
[3] M. Benedek, B. Borovnjak, A.C. Neubauer & S. Kruse-Weber. “Creativity and personality in classical, jazz and folk musicians”, PMC, 2014 Jun; 63 (100):117-121.
[4] David Dolan, John Sloboda, Henrik Jeldtoft Jensen, Björn Crüts & Eugene Feygelson. “The improvisatory approach to classical music performance: an empirical investigation into its characteristics and impact”, Music Performance Research, Vol. 6, Nov/Dec 2013.
(Nguồn: http://www.tienve.org)