Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Xuân

07/03/2021

Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiếng hát của cha con Thanh Xuân vẫn vang lên như át đi tiếng bom đạn.

NSND Thanh Xuân (ngoài cùng, bên phải) khi còn ở Hạ Long.

Ngay từ khi còn là một cô bé 6 tuổi, Thanh Xuân đã tự tin cầm micro cùng bố biểu diễn trước đông đảo công nhân mỏ. Thời đó, bà là một trong những giọng ca sáng giá của CLB Thiếu nhi Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi cả vùng mỏ Quảng Ninh chìm trong tiếng bom thì tiếng hát, tiếng đàn của hai bố con Thanh Xuân vẫn vang lên mạnh mẽ, tươi vui như át đi sự khốc liệt của chiến tranh.

Nghệ sĩ Thanh Xuân (ngoài cùng, bên phải) trong một chuyến đi biểu diễn phục vụ bộ đội tại Trường Sa.

Ca sĩ Thanh Xuân kể, khi mới 6 tuổi, bà được nhạc sĩ Bùi Đức Huyên là Chủ nhiệm CLB dẫn lên Đài Tiếng nói Việt Nam thu thanh. Lúc đó, Thanh Xuân là cô bé răng sún phải thu liền mấy bài. Đến một ca khúc của Huy Du, cô bé răng sún vừa mệt vừa run nhưng cuối cùng cũng hoàn thành. Cuộc thu âm năm đó có nhiều bài hát về Vùng mỏ mà Thanh Xuân và các bạn của mình đã hát, phát sóng khắp cả nước và nhiều thế hệ thiếu nhi Quảng Ninh sau này vẫn hát những bài ấy.

Nghệ sĩ Thanh Xuân thời trẻ và con gái.

Năm 1973, sau khi tốt nghiệp Trường THPT Hòn Gai, Thanh Xuân nhập ngũ và trở thành nữ chiến sĩ của Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Quảng Ninh. Với giọng hát hay, Thanh Xuân được tuyển chọn vào đội văn nghệ của Công an Nhân dân vũ trang tỉnh. Gần như tất cả các cuộc thi, hội diễn nghệ thuật đều có sự góp mặt của bà.

Năm 1975, nghệ sĩ Thanh Xuân chuyển về Hà Nội, công tác tại Đoàn Nghệ thuật Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang với tư cách là nhạc công chơi đàn ghi ta. Bà được lãnh đạo Đoàn tạo điều kiện đi biểu diễn ở nhiều nước như Cu ba, Liên Xô, Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Trung Quốc v.v..

Từ đó, tài năng của bà được rèn luyện, học hỏi thêm rất nhiều. Không chỉ là ca sĩ, Thanh Xuân còn có khả năng vừa đàn, vừa hát, thậm chí chơi nhiều loại nhạc cụ như: Đàn ghi ta, đàn nguyệt, đàn thập lục…

Nghệ sĩ Nhân dân Vũ Thanh Xuân.

Những năm 80 của thế kỷ trước, Thanh Xuân thường xuyên đem tiếng hát của mình phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Giọng hát của bà rất hợp với những ca khúc cách mạng. Có chuyến đi lên chốt biên phòng Hà Giang độ cao 2.000m so với mặt biển, giữa tiết trời tháng 6 nóng như đổ lửa, nữ nghệ sĩ cùng đồng đội vượt bộ hơn 50km, lên đến điểm chốt thì thời tiết như chuyển sang mùa đông. Khoác chiếc áo bông chiến sĩ vừa mượn của một anh lính, Thanh Xuân lại hòa tâm hồn mình với những ca khúc cách mạng, hát vừa đủ nghe, đàn vừa đủ nghe để tránh sự theo dõi của địch nhưng những tiết mục ấy đã chiếm trọn trái tim người lính biên giới.

Năm 1999, trong chuyến đi Trường Sa, nghệ sĩ Thanh Xuân và đoàn công tác đã gặp phải hai cơn bão số 7, số 8. Sóng mạnh lắc lư thân tàu, có những con sóng cao vụt lên chùm lấy thân tàu, đánh bật cả neo tàu. Những trải nghiệm ấy chỉ đi Trường Sa mới có.

Trong chuyến đi đó, nghệ sĩ Thanh Xuân nâng niu những kỷ niệm để khi cất tiếng hát, cảm xúc lại ào ạt đến, dâng trào trong huyết quản khiến tiếng hát như át đi tiếng sóng tiếng gió giữa bốn bề trùng khơi. Có lần sóng mạnh không thể đặt chân lên đảo, nghệ sĩ Thanh Xuân đứng ngay trên sàn tàu, tay ôm ghi ta, hát qua loa những bài hát ca ngợi người lính đảo. Đó thực sự là những giây phút thăng hoa nhất mà đời người nghệ sĩ có được.

Sau mấy chục năm ca hát, nghệ sĩ Thanh Xuân về làm giảng viên tại Khoa Sư phạm Nhạc họa của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (thuộc Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc phòng). Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Xuân là một giảng viên tận tụy với nghề, hết lòng vì sinh viên thân yêu. Ca sĩ Quách Mai Thy, Quán quân Sao Mai 2019 (dòng nhạc dân gian) tổ chức tại Quảng Ninh chia sẻ: Cô Thanh Xuân là người thầy đã luôn ủng hộ em trên con đường nghệ thuật, người thầy đầu tiên cho em những định hình về âm nhạc. Mặc dù cô bận rộn với công việc và cuộc sống nhưng cô đã thường xuyên quan tâm, tư vấn, cổ vũ động viên tinh thần cho em trong suốt bao nhiêu năm nay".

Nghệ sĩ Thanh Xuân đã gặt hái được nhiều thành công trên chặng đường nghệ thuật của mình với các giải thưởng khác nhau như: Giải Người đệm đàn hay nhất trong dàn nhạc do Bộ Văn hóa – Thông tin tặng năm 1981; giải ba cuộc thi hát đơn ca toàn quốc với ca khúc “Tôi về đây nghe sóng” của Nguyễn Cường, “Ngồi tựa mạn thuyền” (dân ca Quan họ Bắc Ninh), “Ánh trăng” (nhạc Nga) năm 1988; Huy Chương vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân với ca khúc “Cô gái biên phòng đánh xe ngựa” (Bảo Chung) năm 1995; Huy chương Vàng với ca khúc “Mái đình làng biển” (Nguyễn Cường) tại Hội thi ca múa nhạc toàn quốc năm 1999.

Với những thành tích đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà, năm 1997, ca sĩ Thanh Xuân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

(Nguồn: http://baoquangninh.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
03/03/2021
Bố tôi đã mê tiếng hát của bác Huyền mà để lại mẹ tôi cùng bốn con thơ, theo bác Huyền về Hà Nội, thi tuyển và trở thành ca sĩ của Đoàn Ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) ...