Cảm giao với một Hồn nhạc

15/11/2013

 Để quảng bá cho recital 12-2013 của NSND Đặng Thái Sơn, hoinhacsi tiếp tục đăng một bài cũ của tác giả Nguyễn Thị Minh Châu với hi vọng cung cấp thêm những điều không cũ...

Tặng tuổi năm mươi của bạn

“Hãy cho tôi một không gian tĩnh lặng để chỉ còn hồn nhạc và cảm giao” - Quả là chẳng đòi hỏi gì nhiều cho điều ước tuổi năm mươi của người mang biệt danh “Chopin” từ thuở… con nít.

Chúng tôi gọi Đặng Thái Sơn là Chopin từ lâu lắm rồi, không phải gần 20 năm trước khi anh đoạt giải Chopin, mà đã ngót 40 năm kể từ thời còn học sơ cấp Trường Âm nhạc Việt Nam.

Lúc đầu chỉ gọi lén sau lưng, rồi biệt danh ấy đeo dính luôn lấy Sơn, bởi trong con mắt trẻ con của chúng tôi hồi ấy, Sơn cực kì giống Chopin ở tài năng thiên phú và cả cái vẻ mảnh mai, dịu dàng.

Thật ra, mấy đứa nhóc hơn mười tuổi chẳng có tài coi tướng coi số gì đâu, cũng chẳng có linh cảm hay khả năng ngoại cảm để tiên đoán rằng sau này chính Chopin đã khởi đầu cho sự nghiệp biểu diễn sáng giá của Đặng Thái Sơn trên nhạc trường quốc tế, rằng âm nhạc Chopin sẽ gắn liền với tên tuổi Sơn và theo Sơn suốt cuộc đời.

Thời học trung cấp, nghe Sơn đàn “cực siêu” concerto số 2 của Rachmaninov - tác phẩm quá lớn so với trình độ chung của bạn bè cùng khóa, trong sự “tâm phục khẩu phục”, không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh bởi ý nghĩ: nếu như Sơn đàn một trong hai concerto Chopin…

Tất nhiên chẳng phải do rơi rớt dư âm của cái kiểu gán ghép thời con nít về hình thức của Sơn với Chopin, mà giữa bao nhiêu thứ mung lung mơ hồ của tuổi thiếu niên trong tôi bỗng có một cảm nhận thật rõ ràng: tiếng đàn của Sơn “rất Chopin”!

Từ những cảm nhận hoàn toàn bản năng ấy đã lớn dần một niềm tin mà hồi ấy tôi không biết lí giải thành lời. Khi nghe Sơn trình tấu mang ý nghĩa “thi thử” cùng các sinh viên Nga trong quá trình tuyển chọn thí sinh tham dự concours Chopin, niềm tin lại dâng lên, không đơn thuần vì tinh thần “màu cờ sắc áo”, mà vì tiếng đàn đầy ma lực, trái ngược với dáng dấp bé nhỏ và bẽn lẽn của anh chàng người Việt duy nhất trong “đội tuyển” Liên bang Xô viết. Những buổi diễn đầu tiên ấy đã cho chúng tôi - những “fan” hâm mộ đầu tiên của Sơn - một niềm tin tuyệt đối vào chiến thắng tuyệt đối của Sơn, trong khi chính anh lại không dám tin ngay cả khi được biết giải nhất thuộc về mình.

Có lẽ đó là những cảm giao đầu tiên, để từ đó tôi dần dần hiểu rõ hơn con người trong Sơn không chỉ qua cuộc sống đời thường, mà còn bằng con đường vô hình và không cần đến ngôn từ: tiếng đàn của Sơn.

Cây đàn piano, với Sơn, là phương tiện hoàn hảo để đưa một “hồn nhạc” đến với muôn “hồn yêu nhạc”. Bề ngoài thân thiện, dễ mến, nhưng Sơn vẫn thuộc “tip” người kín đáo, không thích nhiều lời. Những gì muốn nói đều được nói bằng nhạc không lời, nơi duy nhất anh giãi bày tất cả cõi lòng mà không hề e ngại, nơi duy nhất anh được sẻ chia trong mối đồng cảm đáng để chấp nhận sự cô độc của đời nghệ sĩ. Và như thế Sơn đã vô tình tự vẽ chân dung mình qua những phím đàn.

Nhỏ nhẹ, từ tốn, mềm mỏng, khéo léo, nhu mì, tế nhị, ý tứ, chu đáo..., có khá nhiều tính từ dễ liên tưởng đến phái đẹp được huy động vào bức phác họa Đặng Thái Sơn. Biết đâu chính những yếu tố nhiều nữ tính ấy đã tôn thêm vẻ đẹp mượt mà, quyến rũ và sự nhạy cảm, tinh tế trong phong cách đàn của Sơn. Ngay cả tính láu lỉnh đến tinh quái, sắc sảo đến đáo để trong đời thường cũng lóe lên trong nhiều khoảnh khắc âm nhạc. Ở những đoạn nhạc êm ái (dolce) và sắc thái cực nhẹ (pianissimo), đặc biệt với những chuỗi lướt trên âm vực cao, tiếng đàn của Sơn vẫn rõ nét và tỏa sáng, không phải thứ ánh sáng lờ mờ bàng bạc, mà rạng ngời, lấp lánh như ngọc trai tuôn ra đầy đặn hạt nào rõ hạt nấy. Có điều, những âm sắc pha lê ấy thuộc về tính “dương” chứ không phải “âm”.

Cùng với âm thanh sắc nét là sự dứt khoát, không điệu đà, không làm duyên làm dáng, là cách xử lí bao quát tổng thể chứ không sa đà tiểu tiết. Đằng sau cái “vỏ bọc” mềm mại có một bản lĩnh mạnh mẽ, đầy nam tính. Bên cạnh vẻ đẹp bay bổng có cả một chiều sâu của những mạch ngầm dữ dằn, và những khoảnh khắc quyết liệt chỉ có thể thấy ở đàn ông.

Có gì lạ đâu, anh chàng tưởng hiền như con gái này thực ra rất ngang bướng, rất dũng khí và không thỏa hiệp trong những chuyện liên quan đến âm nhạc, mà khi đã quyết thì cũng “gia trưởng” phát khiếp!

Đó, lại thêm một điểm để càng thấy Sơn giống Chopin, một người ốm yếu về thể xác, đắm đuối trong tình cảm lại viết ra những bản nhạc, nói theo Schumann, như “khẩu đại bác núp dưới những khóm hồng”.

Nếu thiếu bản lĩnh và không kiên định, chắc gì Sơn đã có thể bộc lộ cái tôi định hình từ rất sớm bằng nghệ thuật diễn tấu hoàn toàn không phải là bất biến. Nghệ thuật lớn dần theo tháng năm, từ lúc“tươi” đến kì “chín”, từ sức hấp dẫn choáng ngợp của sự điệu nghệ và vẻ đẹp lộng lẫy bên ngoài, đến những suy tư sâu xa và đa nghĩa của cái đẹp bên trong.

Sơn đi qua những nếm trải để trở nên từng trải, qua cách diễn tấu nồng nhiệt, đam mê như nhập hồn, để đến gần hơn cái tĩnh lặng thoát tục của trạng thái thiền.

Sơn không ngừng khám phá mình từ khi mới bước vào cái nghiệp biểu diễn ở tuổi đôi mươi, để biết chút mùi đời ở tuổi ba mươi và hiểu đời hơn ở tuổi bốn mươi. Đến cái tuổi thực sự “tri thiên mệnh”, biết tiết chế, tự kiểm soát và dám rũ bỏ mọi phù du, anh lại tìm thấy mình theo cách biểu hiện giản dị nhất có thể.

Không biết lúc thổi những cây nến của tuổi năm mươi Sơn thầm ước điều gì, nhưng mong muốn bấy lâu có được một chương trình recital (độc diễn) tại Hà Nội đã thành sự thật đúng lúc anh vừa bước sang thập niên thứ năm của đời mình.

Không cần đến sự hoành tráng rầm rộ của những chương trình diễn tấu cùng dàn nhạc như trong mấy năm gần đây, không bị lệ thuộc vào sự điều khiển của cây đũa trong tay nhạc trưởng, hoàn toàn làm chủ sân khấu với sự tự do tuyệt đối về cường độ và thời gian, đấy chính là “không gian tĩnh lặng” mà anh mong đợi cho cuộc tái ngộ này.

Recital lần trước ở Hà nội vào năm 1993 không những đượm buồn theo sắc thái âm nhạc Nga để tưởng niệm thầy Natanson của Sơn vừa khuất bóng, mà còn trĩu nặng những băn khoăn mâu thuẫn của một tâm tư đang ngổn ngang bao nỗi niềm u uẩn.
Sau 16 năm, recital lần này với chươngtrình “một nửa Chopin, một nửa nhạc sĩ Pháp” như đem đến một Đặng Thái Sơn khác. Bên cạnh các tác giả Pháp quen thuộc trong danh mục biểu diễn của Sơn: Fauré (Nocturnes - Dạ khúc), Ravel (Miroirs - Những chiếc gương) và Debussy (một tiểu phẩm trong Góc trẻ thơ),vẫn là Chopin với những Mazurka, Barcarolle và Scherzo, nhưng cảm nhận lúc này về tính siêu phàm, tinh xảo, điêu luyện của nghệ thuật kinh viện đang trở nên bình dị, gần gũi, tự nhiên. Sự tuyệt kĩ và tuyệt mĩ cũng nằm ngay trong cái tự nhiên, tự tại.

Kỉ niệm 30 năm sự nghiệp biểu diễn trong không gian thân mật để thủ thỉ tâm tình, đúng là cách thích hợp với con người Sơn hôm nay.

Chuẩn xác mà thoải mái, thâm thúy mà thanh thoát, lắng sâu mà phóng khoáng, tĩnh tâm thư thái để càng thấy yên lòng ấm dạ, vì dù ở đâu và ở tuổi nào, thì đó vẫn là một hồn nhạc nồng hậu, chân thành và đậm tính nhân văn.

4-3-2009

 

 

Tin liên quan

08/03/2021
Đạt Kìm luôn cho rằng anh chưa bao giờ dừng lại niềm khao khát được làm mới, được đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với khán giả trẻ. Phóng viên: Từ bao giờ anh biết mình yê...
07/03/2021
Thanh Xuân là nghệ danh của bà Vũ Thị Xuân, người may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu tình yêu nghệ thuật, tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long. Những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng đàn, tiế...