Các học viện múa, âm nhạc kêu cứu vì không được đào tạo trung cấp
Trước nguy cơ không được tiếp tục đào tạo hệ trung cấp, Học viện Múa Việt Nam và Học viện Âm nhạc quốc gia đang kêu cứu.
Nghệ sĩ nhân dân Ngô Văn Thành và dàn nhạc dây 140 em học sinh sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia trình diễn - Ảnh: HVANQG
Luật thay đổi đã dẫn đến những xáo trộn rất lớn trong hệ thống các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật.
Bỗng nhiên thành đào tạo "chui"
Gần 100 giảng viên, cán bộ của Học viện Múa Việt Nam đang không biết số phận của mình sẽ ra sao khi từ năm 2020 học viện sẽ chỉ được phép đào tạo từ trình độ ĐH trở lên. Công văn mới nhất của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) gửi học viện này khẳng định học viện không được phép đào tạo trình độ trung cấp nữa.
Quyền giám đốc học viện, ông Trần Văn Hải cho biết: "Trường CĐ Múa Việt Nam mới chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam từ năm 2019. Hơn 60 năm qua trường chủ yếu đào tạo trình độ trung cấp, CĐ, vậy mà bây giờ không được phép đào tạo trình độ trung cấp nữa, anh em rất hoang mang.
Gần 100 giảng viên chỉ chuyên đào tạo trung cấp thôi, họ sẽ ra sao khi trường không được đào tạo trung cấp nữa? Nếu Học viện Múa Việt Nam chỉ dành đào tạo biên đạo và huấn luyện múa, không đào tạo trung cấp nữa thì không ai muốn lên học viện làm gì cả, như vậy cũng xóa sổ luôn trường đầu ngành cung cấp diễn viên cho toàn quốc.
Cuối năm nay hoặc sang năm sau học viện mới đăng ký đào tạo ĐH. ĐH thì chưa được đào tạo, trung cấp không được tuyển sinh thì ra sao?".
Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng đang trong tình thế tương tự. Ông Lê Anh Tuấn, giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia, cho biết: "Hệ trung cấp của Học viện Âm nhạc quốc gia là hệ đào tạo năng khiếu kéo dài từ 6-9 năm, không phải là giáo dục nghề (6-12 tháng) theo Luật giáo dục nghề nghiệp.
64 năm nay hệ trung cấp vẫn tồn tại trong học viện không sao, giờ có quy định mới chúng tôi như đứng giữa hai làn chưa biết đi đường nào. Tiếp tục đào tạo trung cấp, CĐ thì là làm chui. Nhưng không thể dừng lại vì đặc thù của đào tạo tài năng nghệ thuật là phải dạy từ nhỏ.
Để có một cử nhân ngành nghệ thuật thì cần phải có 13 năm đào tạo liên tục từ trung cấp. Không thể có chuyện một học sinh học xong lớp 12 mới thi vào học viện để học đàn".
Cả ông Lê Anh Tuấn và ông Trần Văn Hải đều cho biết hầu hết các trường trung cấp, CĐ văn hóa nghệ thuật ở các địa phương hiện nay không đủ nhân lực và khả năng để đào tạo ra học sinh đáp ứng được tiêu chí tuyển đầu vào của học viện.
Việc yêu cầu các trường ĐH, học viện bỏ đào tạo trung cấp đang gây ra xáo trộn rất lớn, nhất là khi các trường này đều đang thực hiện nhiệm vụ đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật do Chính phủ giao.
Bị bỏ quên khi làm luật?
Trước kia Luật giáo dục nghề nghiệp cho phép các trường ĐH có thể đào tạo trung cấp, CĐ với điều kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp phép. Tuy nhiên kể từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH có hiệu lực, các cơ sở giáo dục ĐH không được đào tạo trình độ trung cấp, CĐ nữa. Trình độ sơ cấp, trung cấp, CĐ do giáo dục nghề nghiệp phụ trách.
Với các trường đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, "đứt" mất khâu đào tạo trung cấp là cả một vấn đề. Ông Trần Văn Hải cho biết đào tạo nghệ thuật có đặc thù phải đào tạo từ nhỏ (bậc sơ cấp), dần tiến lên bậc trung cấp chuyên nghiệp, rồi tiếp tục học tới CĐ, ĐH.
"Giờ phân luồng, không học ĐH thì vào giáo dục nghề nghiệp là đúng, nhưng xếp ông học trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp từ 6-9 năm với một ông học sửa điện lạnh học có vài tháng vào chung một nhóm là giáo dục nghề nghiệp thì không ổn. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn phải có cơ chế riêng với hệ trung cấp tài năng, năng khiếu đặc thù" - ông Lê Anh Tuấn nói.
Ba năm trước, Chính phủ đã cho cơ chế để các cơ sở đào tạo ĐH văn hóa nghệ thuật tiếp tục đào tạo trình độ trung cấp, CĐ. Đồng thời giao Bộ VH-TT&DL phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội xem xét để tháo gỡ "nút thắt" cho các cơ sở đào tạo này.
Khi Luật giáo dục ĐH chính thức có hiệu lực từ 1-7-2019, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã buộc phải ra văn bản yêu cầu các trường ĐH, học viện không được phép đào tạo trung cấp, CĐ nữa. Hiện hệ thống các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật đều rất băn khoăn vì "gạo đã nấu thành cơm" thì làm cách nào để gỡ được nút thắt này.
Liên hệ với Vụ Đào tạo, Bộ VH-TT&DL, vụ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay: "Bộ VH-TT&DL đã làm văn bản, chậm nhất đầu tuần tới sẽ gửi lên Thủ tướng. Văn bản này tiếp tục đề nghị cho các trường đào tạo văn hóa nghệ thuật được đào tạo trình độ trung cấp, CĐ trong năm nay. Ngoài ra xin cơ chế cho các trường tiếp tục duy trì mô hình đào tạo từ sơ cấp lên đến ĐH như hơn 60 năm qua họ đã thực hiện".
Điều 6, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH quy định: Các trình độ đào tạo của giáo dục ĐH bao gồm trình độ ĐH, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ.
Sẽ rối trong đào tạo tài năng nghệ thuật Khi ban hành luật đáng lẽ phải lường trước được thực tế nếu không cho các trường ĐH, học viện đào tạo trung cấp, CĐ thì ai sẽ là người đào tạo. Về nguyên tắc, trong quá trình làm luật phải có khâu lấy ý kiến. Rõ ràng các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật hoặc không có ý kiến vì không biết chuyện này, hoặc có ý kiến nhưng ban soạn thảo đã không nghe. Để đến cơ sự bây giờ thì cần phải tháo gỡ, nếu không sẽ làm rối loạn trong đào tạo tài năng nghệ thuật. Ông Bùi Hoài Sơn (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) |
(Nguồn: https://tuoitre.vn/)