Âm nhạc trong việc duy trì giá trị văn hóa dân tộc thiểu số

04/05/2017

Sự nhìn nhận bản sắc riêng trong xu thế hòa nhập đã khẳng định vai trò của âm nhạc các dân tộc thiểu số.

Thiểu số ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ là những dân tộc ít người trong một quốc gia đa dân tộc, mà còn bao gồm cả những cộng đồng lưu vong trong quốc gia “chủ nhà”, cả những quốc gia nhỏ trước các cường quốc có nền văn hóa thống trị thế giới. Như vậy sự liên hệ với Việt Nam không giới hạn ở 53 dân tộc thiểu số, mà còn có thể đối chiếu với âm nhạc của cộng đồng người Việt ở hải ngoại, với vị thế Việt Nam trên diễn đàn âm nhạc quốc tế.

Thiểu số thường gắn với thế yếu và bị lấn lướt bởi thế lực mạnh hơn. Để tránh nguy cơ bị gạt ra ngoài rìa, thiểu số phải duy trì được tính bền vững của bản sắc văn hóa riêng trong cuộc đối thoại bình đẳng giữa các truyền thống khác nhau. Chính âm nhạc đem lại sự tự tin cho cộng đồng thiểu số. Âm nhạc tạo nên sự nổi bật khác biệt cho các dân tộc thiểu số, làm thay đổi vị thế của họ trong mối tương quan với những nền văn hóa chính thống. Âm nhạc là sứ giả văn hóa đưa cộng đồng thiểu số hòa nhập vào bối cảnh chung của toàn quốc gia, toàn khu vực hoặc toàn cầu.

Âm nhạc là một ngôn ngữ có rất nhiều phương ngữ. Bản sắc địa phương, bản sắc dân tộc một mặt được tôn trọng như “bản quyền” của thiểu số, mặt khác vẫn diễn ra không ngừng những cuộc giao thoa, trao đổi và vay mượn lẫn nhau giữa các truyền thống khác nhau. Thách thức ở đây không nhỏ. Rất khó lường hiệu quả tích cực hay tiêu cực trong việc sử dụng “trích dẫn” bản quyền của dân tộc thiểu số, có thể làm phong phú hơn qua sự hiểu biết lẫn nhau, có thể làm méo mó và ảnh hưởng đến sự tự trình diễn của âm nhạc thiểu số.

 Đối thoại đa văn hóa còn thấy rõ trong khả năng biểu hiện theo cách của mình bằng ngôn ngữ âm nhạc của nền văn hóa khác. Vấn đề của các dân tộc khác với âm nhạc châu Âu, trong đó có Việt Nam, là tạo nên bản sắc dân tộc mình thông qua ngôn ngữ âm nhạc châu Âu từ hàng trăm năm nay đã được sử dụng như một trong những tiếng nói của cộng đồng không biên giới quốc gia, để góp thêm một bè nhạc không nhạt nhòa cho bản hòa tấu đa truyền thống.

Những nước châu Á quá chú trọng đào tạo theo phương thức “Tây học” giờ đây lại cần đến sự thay đổi từ nhận thức. Đó là sự chấp nhận các hình thức khác nhau trong thực hành âm nhạc thông qua giáo dục và cách thức truyền dạy. Việc giảng dạy âm nhạc không thể chỉ trông chờ vào đào tạo chính quy. Những lợi thế của đào tạo không chính quy đòi hỏi sự nhìn nhận những tài năng không bằng cấp. Điều này thật khác xa với tình trạng chạy đua bằng cấp và học vị ở Việt Nam. Muốn tiếp nhận kinh nghiệm của các nhà thực hành từ nhiều nước khác nhau, trước hết phải rũ bỏ căn bệnh thành tích nặng về hình thức dẫn đến cách ứng xử không hợp lí với người làm chuyên môn đích thực.

Từ khía cạnh âm nhạc dân tộc học ứng dụng, đáng chú ý nhất là cách hiểu về tính động và tính bền vững của di sản âm nhạc, hai khái niệm tưởng như mâu thuẫn, nhưng đều liên quan trực tiếp đến sự sống còn của các giá trị truyền thống. Tính động là một đặc tính của âm nhạc dân gian, là sự ứng tác theo phong cách cổ truyền trong khuôn khổ cấu trúc mô hình mang tính ổn định được cộng đồng “chủ sở hữu” thể loại đó công nhận. Mỗi người ở mỗi thời điểm đều để lại dấu ấn cá nhân, dấu ấn thời gian. Mỗi thế hệ đều tạo nên dấu ấn thời đại trên cơ sở tôn trọng những nguyên tắc cổ truyền.

Không thể có sự bền vững nếu âm nhạc trở nên khô cứng như những hiện vật chết của bảo tàng và mất đi sự cuốn hút sống động trước lớp trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau cần phải trao vào tay giới trẻ những giá trị cổ truyền để đến lượt họ có quyền khắc cái “tôi” của mình lên những giá trị đó, để họ biết sử dụng âm nhạc nói lên cảm xúc của chính mình như một phương tiện giao lưu và hội nhập với cộng đồng, như nó đã từng như thế từ đời ông bà ta, tổ tiên ta.

Nói thì dễ mà làm được thật khó lắm thay.

Hơn bao giờ hết chúng ta rất cần mở rộng sự liên kết giữa các nhà nghiên cứu và thực hành âm nhạc trong và ngoài nước, với nhiều “dự án của những cầu nối” - nối nhạc cổ với thế hệ trẻ, nối quá khứ với tương lai, để đến lượt âm nhạc trở thành cầu nối trong cuộc đối thoại hòa bình giữa người với người, giữa thế hệ trước với thế hệ sau, giữa dân tộc này với dân tộc khác.

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...