Ấm áp giai điệu quê hương trên đất Pháp

17/03/2015

Khi người Hà Nội còn đang vui Tết và đón Xuân Ất Mùi, đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã lên đường sang Pa-ri (Pháp), thực hiện một hành trình giới thiệu, quảng bá nghệ thuật hát xẩm và bài chòi - hai loại hình nghệ thuật diễn xướng độc đáo của dân tộc, tại trung tâm của châu Âu. Chương trình biểu diễn của đoàn đã để lại ấn tượng với bạn bè quốc tế và nhận được nhiều tình cảm của những người Việt xa quê hương.


Tiết mục xẩm do nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa biểu diễn trong chuyến lưu diễn vừa qua
tại Pa-ri (Pháp).

Ngay sau đêm biểu diễn phục vụ nhân dân Hà Nội đón Xuân tại rạp Hồng Hà dịp giáp Tết Nguyên đán, đoàn nghệ sĩ của Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã lên đường sang lưu diễn tại Pa-ri, theo lời mời của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. Chương trình của đoàn khá gọn nhẹ, bao gồm các tiết mục hát xẩm vừa biểu diễn thành công trong chương trình "Xẩm và đời" tại Nhà hát TP Hà Nội trong dịp đầu năm mới Ất Mùi và một số tiết mục bài chòi cổ. Không phải bỗng dưng chúng tôi lại lựa chọn hai loại hình nghệ thuật dân gian này để mang "đi khoe" ở trời Âu, một phần là từ mong muốn của lãnh đạo Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp và phần nữa là muốn giới thiệu đến các bạn quốc tế những nét đặc sắc của bài chòi, một bộ môn nghệ thuật của miền trung đang được lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nghệ sĩ biểu diễn chính về xẩm là Mai Tuyết Hoa và phụ diễn là nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. Người đệm nhạc cho các tiết mục xẩm là hai nhạc sĩ Giáng Son và Thanh Dần. Riêng tôi đảm nhận cả phần "diễn thuyết" giới thiệu và biểu diễn hai vai trong tiết mục bài chòi Ông Xã - Bà Ðội. Trước khi lên đường sang Pháp, chúng tôi đã tập luyện khá kỹ để có được sự phối hợp đồng bộ với sự góp ý của nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc và biểu diễn vì "đem chuông đi đánh xứ người" thì không thể chủ quan và thiếu tính chuyên nghiệp được.

Chúng tôi đến Pa-ri khi châu Âu đang giữa mùa lạnh giá, nhưng được sự đón tiếp nồng nhiệt của cán bộ Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp đã khiến các nghệ sĩ cảm thấy ấm áp và thân quen như ở nhà. Giám đốc trung tâm Nguyễn Thành Vượng, một người con quê hương Kinh Bắc, vốn "nằm lòng" từ nhỏ những giai điệu quan họ Bắc Ninh, rất hồ hởi, vui mừng với sự góp mặt của các nghệ sĩ nổi tiếng trong đoàn. Anh nói với tôi: "Biết thông tin đoàn sang, đã có rất nhiều bạn Pháp, bà con Việt kiều hỏi thăm và mong chờ đoàn. Một số bà con Việt kiều cao tuổi đã từng biết xẩm Hà Thành và trong ký ức của họ, xẩm gắn với một thời hoài niệm không bao giờ phai mờ về một Hà Nội xưa. Có người hỏi em, thế xẩm Ðồng Xuân, xẩm Bờ Hồ ngày trước vẫn còn hả chú. Em phải giải thích cho các bác, các cô, các chú hiểu, Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đang cố gắng duy trì và phục dựng lại để xẩm không mất. Làn điệu thì vẫn thế, nhưng bên cạnh nội dung lời ca cũ, đã có thêm nhiều lời ca mới, phù hợp cuộc sống đương đại".

Các anh ở Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp cũng cho biết, nhiều Việt kiều quê ở Bình Ðịnh và các tỉnh Nam Trung Bộ ở Pa-ri và thậm chí là nhiều vùng khác của nước Pháp đã gọi điện hỏi về đoàn khi biết có tiết mục bài chòi. Có những người đã lặn lội về Pa-ri dự buổi biểu diễn, tan cuộc vẫn còn nán lại hỏi thăm tôi và các nghệ sĩ đầy bịn rịn trước khi vội vã ra bến Mê-tờ-rô-pôn để kịp đáp chuyến tàu đêm trở về thành phố nơi họ ở. Một bác Việt kiều đã lớn tuổi cầm tay tôi lắc lắc vẻ xúc động sau khi tôi diễn xong: "Ðã lâu lắm tôi mới lại được nghe lại những làn điệu bài chòi mặn mòi quê tôi. Vui đấy mà chỉ muốn khóc ở trong lòng thôi".

Trong nhiều buổi biểu diễn của đoàn tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, đều có sự tham dự của đông đảo cán bộ Ðại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cán bộ các doanh nghiệp, đơn vị và các lưu học sinh, sinh viên, người lao động Việt Nam đang công tác, làm việc tại nước bạn. Mở đầu thường là phần hát tặng của nghệ sĩ xẩm Mai Tuyết Hoa và các nghệ sĩ khác trong đoàn. Riêng phần tôi, bên cạnh bài chòi, còn phải giới thiệu, biểu diễn minh họa về nghệ thuật tuồng truyền thống theo yêu cầu của nhiều người xem, giúp cho những người con sống xa quê hương tiếp cận được những nét đẹp, những giá trị của nghệ thuật hát tuồng hay còn gọi là hát bội như ở các địa phương trong nam thường gọi.

Ấn tượng nhất với tôi là đêm diễn đầu tiên mang tên "Tết làng tôi" tại sân khấu Ban-ta (Baltard) do Hội người Việt Nam tại Pháp, Hội Sinh viên Việt Nam tại Pa-ri và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp phối hợp tổ chức. Ðại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn cùng phu nhân, đại diện Thượng nghị viện Pa-ri và nhiều bạn bè Pháp thân thiết với Việt Nam đã đến dự. Ðiều đặc biệt là tôi đã được gặp lại nữ đồng chí Ray-mông Ðiêng, một nhà hoạt động cách mạng lão thành, người bạn thủy chung đã có nhiều đóng góp lớn lao đối với cách mạng Việt Nam. Không nhiều thời gian để quảng cáo, song nhiều người lại biết và đêm diễn đã thu hút tới 1.300 khán giả đến xem. Chương trình hôm đó có sự kết hợp biểu diễn của đoàn với các nghệ sĩ của một số đoàn nghệ thuật ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cùng các cháu trong các câu lạc bộ văn hóa của thiếu nhi Việt kiều và sinh viên Việt Nam ở Pháp. Tiết mục cải lương của Quế Trân, Tấn Giao, Duy Khôi và ca nhạc của NSƯT Ánh Tuyết, Tuấn Mạnh được cổ vũ rất nhiệt tình, song có lẽ chiếm được nhiều tình cảm của người xem hơn cả là các tiết mục hát xẩm và bài chòi. Sau mỗi tiết mục, khán giả đã đứng dậy để vỗ tay khen ngợi nhiều lần. Nữ đồng chí Ray-mông Ðiêng không thể lên sân khấu để chúc mừng, bà bắt chặt tay và ôm hôn khi tôi đi xuống để cảm ơn. Bà nói với chúng tôi: "Cảm ơn các nghệ sĩ đã cho tôi sống lại với không khí thân quen, nồng ấm tình bạn, tình đồng chí của Việt Nam, nơi tôi đã coi như quê hương thứ hai của mình". Tiếp nối đêm diễn đầu tiên, chương trình kết hợp này còn được lưu diễn ở hai địa điểm nữa là Ê-pa-xơ Giăng Vi-la và TP Mác-xây do Hội Hữu nghị Việt - Pháp tổ chức. Riêng ở TP Mác-xây còn có thêm tiết mục độc tấu đàn tơ-rưng của nghệ sĩ Thanh Dần, đem đến cho đồng bào Việt kiều cũng như người Pháp những âm điệu độc đáo của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ và cả những làn điệu dân ca Pháp.

Ðêm diễn của đoàn ở Ðại sứ quán Việt Nam cũng là buổi họp mặt mừng Xuân Ất Mùi của cán bộ sứ quán và các cơ quan đại diện nước ta tại Pháp, cùng đại diện nhiều tổ chức và cá nhân Việt kiều, người Việt Nam tại Pa-ri. Ðiểm nhấn trong đêm đón Xuân là chương trình văn nghệ của đoàn với các tiết mục hát xẩm, độc tấu đàn tơ-rưng và các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Giáng Son. Tôi được ban tổ chức mời lên phát biểu về thành tựu phục hồi và phát huy nghệ thuật dân tộc nước nhà và giới thiệu về môn nghệ thuật hát xẩm. Theo các cán bộ tại Ðại sứ quán Việt Nam và Trung tâm Văn hóa Việt Nam, đã lâu lắm xẩm và các nghệ sĩ hát xẩm mới lại xuất hiện trên đất Pháp. Từ Ðại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đến các cháu sinh viên, học sinh còn nhỏ tuổi, hàng trăm người có mặt đêm đó đã chăm chú lắng nghe và tìm hiểu về những thông tin, kiến thức mà tôi cung cấp về xẩm. Cuối buổi biểu diễn và nói chuyện, nhận xét về ba đêm diễn thành công của đoàn trong mấy ngày vừa qua, Ðại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Có thể nói, đây là đêm nghệ thuật dân tộc đặc sắc mà hiếm có dịp diễn ra tại Ðại sứ quán Việt Nam trong những dịp đón Xuân, vui Tết như lần này. Ðã có nhiều nghệ sĩ từ Việt Nam đến đây biểu diễn nhưng đa số là tiết mục quen thuộc, còn xẩm là lần đầu tiên".

Trong thời gian lưu diễn tại Pháp, đoàn chúng tôi còn được Câu lạc bộ giao lưu Ðức - Việt ở thành phố Muy-ních (CHLB Ðức) do GS, TS Thái Kim Lan mời sang giới thiệu và trình diễn nghệ thuật hát xẩm và bài chòi. Cũng chẳng phải chỗ xa lạ gì, năm 2002, tôi đã từng dẫn đầu đoàn các nghệ sĩ Nhà hát tuồng Ðào Tấn sang đây biểu diễn và gây được tiếng vang tốt trong dư luận báo chí thời đó. Trong không gian một tư gia rộng chừng 100 m2, bày biện những đồ vật mang dáng dấp cổ xưa của Việt Nam với cành mai vàng tươi rói, biểu trưng ngày Tết phương nam xứ Việt, chúng tôi đã biểu diễn và thuyết trình về xẩm và bài chòi cho người xem là các trí thức người Ðức, các văn nghệ sĩ và đông đảo người Việt đang sống và định cư tại Ðức. Sân khấu dành cho các nghệ sĩ là một sàn gỗ được trải thảm với không gian bố trí theo kiểu kiến trúc đình làng. Sau khi tôi vừa làm nhiệm vụ thuyết trình nghệ thuật, vừa biểu diễn tiết mục bài chòi cổ Ông Xã - Bà Ðội, nữ nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hát bài xẩm Thập ân - Công cha nghĩa mẹ sinh thành. Lời ca và những giai điệu da diết đi vào lòng người khiến nhiều chàng trai, cô gái Việt dưới khán phòng phải rơi lệ vì xúc động. Một sinh viên trẻ tâm sự với tôi: "Nghe chị Mai Tuyết Hoa hát, cháu lại nhớ mẹ già đang sống ở quê hương, chỉ muốn được trở về ngay bên mẹ thôi bác ạ". Khi Mai Tuyết Hoa chuyển điệu xẩm sang hát một bài mới sáng tác về đề tài bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, nữ nghệ sĩ múa Ái Vân - Việt kiều tại Ðức đã xin lên sân khấu ứng diễn tại chỗ những điệu múa minh họa, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh.

Chỉ hai tuần lưu diễn tại Pháp và Ðức, những tiết mục của đoàn chúng tôi đã phần nào quảng bá được những nét đẹp của nghệ thuật dân gian hát xẩm và bài chòi nước nhà. Tôi nhớ mãi buổi đến thăm và gặp lại NSƯT Khánh Hợi, một nghệ sĩ cải lương lão thành nổi tiếng đất bắc trước đây, hiện đã 95 tuổi, đang định cư cùng gia đình tại Toóc-xi của Pháp. Bà cũng đồng thời là người bạn đời, bạn nghề của cố NSND Sỹ Tiến, người đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng bà vẫn minh mẫn và đưa ra nhiều đánh giá, góp ý khá sắc sảo về diễn xuất của các nghệ sĩ. Bà tâm sự: "Mình chỉ lo nhất là giới trẻ trong nước xa rời nghệ thuật truyền thống của dân tộc, không còn tha thiết, mặn mà với nghề ông cha truyền lại. Nhưng được xem Mai Tuyết Hoa, Quang Long, Giáng Son cùng các cháu khác biểu diễn, mình vô cùng tự hào và hiểu rằng, nghệ thuật diễn xướng cổ truyền vẫn sống, vẫn phát triển được với sự tiếp nối trẻ trung này".

(Nguồn: http://www.nhandan.org.vn)

 

Tin liên quan

06/03/2021
Nhạc sĩ Phú Quang đã được vinh danh ‘Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội 2020’ tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái vừa diễn ra chiều 7/10.
23/02/2021
Chín ca khúc gồm: Thị, Mía, Khế, Cà rốt, Sầu riêng, Na, Thuyền giấy, Thả diều, Em yêu tổ quốc em. Cố nhạc sĩ phổ nhạc dựa theo lời thơ Phạm Hổ, xoay quanh những loại quả, trò chơi tuổi thơ với lời ca trong trẻo, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ ...
23/02/2021
Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB) đã hoàn thành việc mua bản quyền âm nhạc của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” và sẽ công diễn tác phẩm vào đêm 21-22/11, tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
23/02/2021
Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, một dự án hợp tác giữa nghệ sĩ Việt Nam Mademoiselle và nhạc sĩ Australia Floyd Thursby mang tên “The South Lands” vừa được các nghệ sĩ giới thiệu.