Cảm nhận một tấm lòng qua chương trình cảm thụ âm nhạc
Con hãy ôm cô.
Con hãy nhìn vào mắt cô.
Chạm để yêu thương, nhìn để thấu hiểu.
Thầy ôm trò. Trò ngả đầu lên vai cô. Cô nhìn sâu vào mắt con. Con nắm lấy tay bạn. Một vòng tròn được kết nối trên nhạc nền êm ả.
Thế rồi, cậu bé mải miết độc thoại góc nhà chẳng cần biết đến ai cũng bắt đầu chịu ôm lưng bạn làm một mắt xích trong đoàn rồng rắn nhấp nhô lượn quanh phòng; cô bé nghiện Iphone đến mức kỳ quái la hét giận dữ nếu bị tịch thu vật bất ly thân cũng đã chấp nhận tạm rời thế giới ảo để giao lưu với “người thật”; bé gái tăng động khó tập trung chú ý đã chịu ngồi yên cắm cúi tô màu; bé trai khép kín một mình một cõi không nhìn ai giờ cũng vỗ tay theo nhịp và cười với cô.
Phép màu chăng? Không, chẳng có phép màu thần thánh nào cả, vẫn chỉ nhờ sự gắn kết vô hình của âm nhạc và sự nhẫn nại đáng khâm phục của tình yêu thương.
Tôi đã theo nhạc trưởng Hoàng Điệp tới School art of love - một trung tâm dành cho trẻ down, tự kỷ, trầm cảm do nghệ sĩ viola Nguyệt Thu sáng lập và điều hành. Điệp bay ra Hà Nội gần một tuần để tổ chức lớp học “cảm thụ âm nhạc” cho trường, gồm cả thầy cô, phụ huynh và các con.
Không còn ranh giới thầy - trò, người lớn - trẻ con, bố mẹ - anh em, người bình thường - trẻ bất thường, tất cả mấy chục con người hòa chung nhịp đập của động tác tay chân và tự giới thiệu tên mình theo kiểu “tấu rap”. Trò chơi tiết tấu đã liên kết những đứa trẻ vốn không biết giao tiếp với xung quanh. Các bé tập lắng nghe, tập nhìn người khác và chờ đến lượt mình bắt chước giống thế. Các bé cảm nhận về sự hợp tác tin cậy nhau khi đứng nắm chặt tay nhau thả người ra sau thư giãn.
Đời sống hôm nay quá nhiều áp lực. Môi trường đâu đâu cũng thấy ô nhiễm. Các mối quan hệ gia đình trở nên lỏng lẻo. Hội chứng tự kỷ lan nhanh hơn bao giờ hết, và đối tượng bị căn bệnh này tấn công mạnh nhất là thế hệ măng non. Nhiều em bé bị đơn độc ngay trong gia đình mình. Nhiều đứa trẻ tự khép kín ngay trong lớp học của mình. Làm thế nào để các con không biến thành kẻ lạc loài giữa cộng đồng đây?
Nhiều thử nghiệm chữa bệnh bằng âm nhạc ở các nước Âu - Mỹ đã giúp các bé rối loạn cảm xúc (trầm cảm cũng như hưng cảm) cải thiện được hành vi của mình, bớt khó khăn hơn trong giao tiếp cộng đồng. Như một thần dược, âm nhạc phù hợp có thể tác động tích cực vào vùng não khiếm khuyết và chạm tới thế giới khép kín của người tự kỷ.
Tôi được nghe về âm nhạc trị liệu (music therapy) từ lâu. Trăm nghe không bằng mắt thấy: ở đây, trong buổi học của cô Hoàng Điệp có những ánh mắt, nụ cười và vòng tay ôm của các bé khiến ta cay hết cả mắt.
Chữa bệnh bằng âm nhạc là một phần trong dự án dài hơi của Hoàng Điệp, một dự án ấp ủ gần ba chục năm mới bắt đầu thử nghiệm chừng hai năm nay trong một số trường tư thục và trường quốc tế tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, đó là xây dựng và thực hành môn học “cảm thụ âm nhạc” (music appreciation) trong điều kiện Việt Nam. Để làm được thế cần có một nhạc sĩ kiêm nghệ sĩ, một nhà nghiên cứu kiêm thực hành, một nhà tổ chức kiêm thuyết trình, một nhà sư phạm kiêm nhà tâm lý học - từng đấy “sĩ”, ngần ấy “nhà” hội tụ trong một người. Vẫn chưa đủ nếu đó không phải là người bản lĩnh, nhiệt tâm, kiên nhẫn và rất-rất yêu trẻ.
Tôi biết Điệp từ thuở con nít học sơ cấp Trường Âm nhạc Việt Nam, một cô em thân thiện, hoạt bát, tự tin và ham học hỏi. Sau này sang Moskva lại có chung một thầy giáo Nga đã thương yêu chị em chúng tôi như con cháu trong nhà. Chính người thầy đáng kính ấy đã cho chúng tôi thấy vị trí hàng đầu trong giáo dục âm nhạc phải là “cảm thụ âm nhạc”, cũng như vai trò của mối quan hệ tương tác linh hoạt giữa thầy và trò nhằm khích lệ sáng tạo cá nhân ở mỗi đứa trẻ.
Đến với âm nhạc trước tiên là học cảm thụ bằng trái tim rồi mới đi tới nhận thức qua khối óc. Biết nghe, biết khám phá cái đẹp trong âm nhạc là cách nuôi dưỡng trí tưởng tượng phong phú và khả năng sáng tạo ở con trẻ. Âm nhạc là sự kết nối, là những trải nghiệm thú vị để các bé thể hiện bản thân, trau dồi trí tuệ và hoàn thiện nhân cách. Tới lớp để được “học mà chơi” và “học nhạc là niềm vui” - đấy là điều mà cô giáo Điệp muốn đưa đến cho các học viên nhí. “Yêu thương và chấp nhận sự khác biệt” - đấy là thông điệp mà cô muốn gửi tới những người làm thầy và làm cha mẹ, bởi chính cha mẹ hơn ai hết có thể là người thầy, người bạn sẻ chia cùng con niềm vui cảm thụ âm nhạc.
Học viên lớp cô Điệp gồm các đối tượng khác nhau ở độ tuổi khác nhau: hai lớp Kids dành cho mẫu giáo và nhi đồng, lớp Teen dành cho thiếu niên; lớp người lớn chuyên đào tạo giáo viên các trường mầm non và trường phổ thông, ngoài ra còn có lớp tập huấn giáo viên chuyên biệt và bố mẹ của các bé tự kỷ. Mỗi lớp ban đầu chỉ 6 người sau tăng lên 20, rất ít người vắng mặt kể cả ngày mưa gió, chứng tỏ sức hấp dẫn của môn học là không nhỏ.
Và hạnh phúc cũng không nhỏ khi cô luôn nhận được những dòng tin nhắn như thế này:
-Mấy tuần lọt vào quỹ đạo cô Điệp, em đã xóa được nạn mù… nhịp rồi cô ơi.
-Sau bao nhiêu năm thầy mang tiếng nghiêm lắm, giờ được cô Điệp truyền cho mấy tuyệt chiêu “cảm thụ âm nhạc”, các bé đỡ sợ thầy rồi.
-Bình thường các bé không giao tiếp với nhau, nhưng qua trò chơi hôm nay thấy chúng thân thiện với nhau hơn cô ạ.
-Thấy các con tiếp thu nhanh em vui lắm. Thầy cô tập mãi mới được, mà trẻ con xem làm mẫu một lần bắt chước được ngay.
-Dạy mệt mà nghe học sinh nói “con muốn học cô nữa”, “con muốn theo cô về nhà luôn”… thì không còn gì hạnh phúc hơn.
-Nhờ cô truyền kinh nghiệm nên con đứng lớp “ngọt” rồi cô ơi. Ai cũng thích “cảm thụ âm nhạc by cô Điệp”.
“Cảm thụ âm nhạc by cô Điệp” bắt đầu trở thành “thương hiệu” như thế đấy, dù môn học này chưa hề được biết đến ở các trường công lập và đào tạo chuyên nghiệp.
Các trường phổ thông ở ta hàng chục năm rồi vẫn kiên trì dạy nhạc theo lối xưa cũ, chưa thay đổi được gì đáng kể ngoài cuốn sách giáo khoa ngày càng dày lên, tăng thêm trọng lượng ba lô trĩu nặng trên những đôi vai bé nhỏ. Cứ xướng âm như con vẹt mà không thuộc mặt nốt, cứ làu làu như đọc bảng cửu chương một nốt tròn bằng mấy nốt trắng, một nốt trắng bằng mấy nốt đen…, mà không được học cảm nhận cái hay trong âm nhạc, nhất là nhạc không lời, chả trách con cháu chúng ta thấy sợ, ghét và coi thường môn nhạc ở trường đến thế! Ghét thì ghét, điểm nhạc vẫn cao. Điểm luôn cao, nhưng các con vẫn mù nhạc! Giáo dục âm nhạc phổ thông và môi trường âm nhạc thiếu nhi còn chưa được đầu tư đúng hướng đúng mức, nói chi đến không gian âm nhạc đặc biệt dành cho những đứa trẻ đặc biệt, “đặc biệt” ở đây bao gồm cả hai nghĩa: hoặc tài năng xuất chúng, hoặc tâm thần bất ổn.
Chính trong tình trạng trì trệ nặng về thành tích ảo của giáo dục âm nhạc hiện nay, tôi càng thấy trân trọng hơn tấm lòng yêu thương con trẻ ở những người làm nhạc như NSƯT Hoàng Điệp, càng thấy cảm phục hơn những cố gắng âm thầm của các nhạc sĩ đam mê “nghiệp giáo” và nguyện trọn đời gieo mầm yêu âm nhạc vào tâm hồn trẻ thơ.
15-7-2017