Chia tay nhạc sĩ Phong Nhã
Năm nay, bài hát “Cùng nhau ta đi lên” tức Đội ca tròn 70 tuổi. Bài hát được viết vào năm 1950, tại Bắc Kạn, trong thời gian kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Khi đó, tác giả bài hát, nhạc sĩ Phong Nhã (Nguyễn Văn Tường) 26 tuổi.
Người nhạc sĩ đó đã ra đi hôm 28/3 vừa qua, thọ 97 tuổi. Hôm nay, mình và vài đồng nghiệp đến chia tay ông tại Nhà tang lễ Thanh Nhàn. Sáng, Hà Nội trời âm u, lất phất mưa phùn.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và thành phố về tổ chức lễ tang trong bối cảnh dịch, đám tang của nhạc sĩ có ít người đến vĩnh biệt ông. Đa số là gửi vòng hoa đến viếng, kể cả Hội nhạc sĩ VN - tổ chức mà ông là một trong những người sáng lập. Một đồng nghiệp nhận xét, là một người khiêm nhường giản dị, có lẽ nhạc sĩ đã chọn thời điểm ra đi của mình sao cho thật nhẹ nhàng, yên tĩnh.
Mình thấy có một điểm chung giữa tác giả Đội ca Việt Nam và Đội ca Liên Xô. Đó là sáng tác đầu tay của hai nhạc sĩ đều được chọn là bài hát chính thức của tổ chức dành cho thiếu nhi.
Nhạc sĩ Sergey Kaidan-Dyoshkin sáng tác bản hành khúc đầu tay “Đốt lên lửa trại trong đêm xanh” khi ông 21 tuổi, năm 1922, được chọn ngay làm Đội ca. Còn nhạc sĩ Phong Nhã của chúng ta năm 1944 viết bài hát đầu tay “Nhanh bước nhanh nhi đồng” khi ông tròn tuổi đôi mươi. Hành khúc này ngay sau đó đã được chọn làm bài hát chính thức của Hội Nhi đồng cứu quốc, và đến nay vẫn là bài hát của Đội nhi đồng.
Trở lại với Đội ca. Bài hát “Cùng nhau ta đi lên” được nhạc sĩ Phong Nhã sáng tác năm 1950, sau đó được Ban thanh vận chọn làm Đội ca. Từ đó, suốt chiều dài lịch sử của dân tộc trong thế kỷ XX cho đến nay, bài hát đã song hành cùng tuổi thơ Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Cùng với Quốc ca, có lẽ đây là bài hát được vang lên nhiều nhất tại các trường học trên đất nước ta suốt mấy chục năm qua. Mình vẫn nhớ như in thời đi học, sáng thứ hai đầu tuần, giờ chào cờ sau khi hát Quốc ca, Đội ca, từ lồng ngực bé bỏng lại rền vang 2 tiếng “Sẵn sàng!” để đáp lại câu khẩu hiệu Đội. Bất cứ ai đã đi học, đều thế, tất cả chúng ta. Đã biết bao thế hệ lớn lên cùng bài hát đó. Và hiện nay, gần 8 triệu đội viên hàng tuần vẫn tự hào hát vang bài hát chính thức của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh.
Do tính chất nghề nghiệp, suốt mấy chục năm qua, mình có dịp đi khắp các trường học trong Nam ngoài Bắc, từ thành phố đến núi rừng heo hút, tham gia các hoạt động lớn của Đội... Và ở những ngôi trường đó, mình lại được hát cùng các bạn nhỏ những bài hát của tuổi ấu thơ, trong đó có những bài hát của nhạc sĩ Phong Nhã: Đội ca, Nhanh bước nhanh nhi đồng, Hành khúc đội TNTP (Đi ta đi lên...), Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng... Những khi đó, ký ức tuổi thơ lại ùa về, mái trường lợp ngói đỏ cũ kỹ bên cánh đồng, những buổi đi cổ động náo nức trên đường làng trong tiếng trống ếch...
Có phải mình là người may mắn, khi cứ được hoà mình mãi vào những năm tháng học trò, khi bây giờ được làm đồng nghiệp nhỏ bé của ông, tiếp tục sự nghiệp ở Tòa soạn mà ông đã đặt nền móng với chức danh Tổng biên tập đầu tiên (báo Thiếu niên tiền phong) từ hơn 60 năm về trước?
Người đã ra đi, những bài hát còn ở lại và tiếp tục song hành cùng tuổi thơ đất nước chúng ta. Cầu chúc ông yên nghỉ.