Người vẽ giai điệu bằng màu sắc
Nhiều người biết đến ông với tư cách là tác giả của những bài hát nổi tiếng như “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Hà Nội một trái tim hồng”... Nhưng ông còn là một họa sĩ tài hoa. Có thể nói, ông là một trong số ít nhạc sĩ coi vẽ như là nghề nghiệp thứ hai của mình.
Nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh của cố nhạc sĩ, họa sĩ tài hoa, công chúng có cơ hội nhìn lại những bức tranh của ông, vẫn thấy ở đó một tâm hồn đẹp, yêu đời và yêu người.
1. Ở nước ta, có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề-nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc và Nguyễn Đức Toàn. Họ thực sự là những họa sĩ. Với Nguyễn Đức Toàn, ngoài sự nghiệp âm nhạc đồ sộ đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông còn là một họa sĩ với hơn 10 triển lãm tranh trong và ngoài nước.
Sinh thời, ông từng viết: “Khi náo động nhất, có khi ta bỗng lắng lại để tìm một thi hứng âm nhạc. Và khi ngồi một mình suy ngẫm về thế sự, bỗng nhiên ta lại muốn bộc lộ ta bằng những mảng, khối, đường nét của nghệ thuật tạo hình”.
Trên thực tế, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều đã tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940-1945. Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha - cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ XX.
Cố họa sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc đã có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng Tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Quang Việt, từ những năm 1980, Nguyễn Đức Toàn hầu như chỉ chuyên tâm vào vẽ, vừa để thỏa lòng say mê, những ước vọng về hội họa ấp ủ đã lâu, mà cũng vừa để “sống” trong thời kỳ bao cấp quá khó khăn của đất nước khi đó. Ông vẽ rất nhiều và vẽ bằng đủ các chất liệu, từ khắc gỗ, bột màu, mực nho, lụa cho đến sơn dầu, sơn mài (vẽ sơn mài thiếu vóc, ông tự làm lấy vóc).
Trong các họa sĩ - nhạc sĩ, ông là người sử dụng nhiều loại chất liệu nhất. Tranh của Nguyễn Đức Toàn là những hình ảnh giản dị quen thuộc với những cấu tứ tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: những con đường làng, những gốc đa, những cái cổng; những mảng ruộng, những ngôi nhà, những đống rơm; mái chùa cổ- mặt trăng; hoặc thiếu nữ, hoa, lá, cây... mang vẻ đẹp dung dị của làng quê Việt Nam, một vẻ đẹp riêng thấm đẫm trong từng nét cọ, từng sắc màu.
Khi được hỏi về lý do cầm cọ, ông tâm sự: “Trước hết tôi vẽ không phải vì bí không làm được bài hát nữa, vả lại cùng một lúc làm nhiều nghề cũng là bình thường, có nghề tay trái, có nghề tay phải, chưa kể có hai chân nữa! Trong nghệ thuật, mỗi ngành là một sân chơi đầy lý thú và các ngành hỗ trợ cho nhau. Tôi vẽ tranh với ý tưởng của họa sĩ chuyên nghiệp, với yêu cầu như một họa sĩ chính cống chứ không xuê xoa, dễ dãi, vin cớ mình là nhạc sĩ mà nhí nhố lăng nhăng vẽ bừa bãi. Tôi vẽ không phải bởi muốn khoe mình có lắm tài, vì nhiều người đã biết tôi, vốn học vẽ ở Trường Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc.
Chỉ có một điều tôi chưa nói ra rằng: Về nhạc tôi đã từng là dũng sĩ đánh Đông dẹp Bắc, làm tốt nhiệm vụ được trao, nên trong hội họa tôi không đủ sức xông pha, đành chỉ vẽ tranh hoa lá cành. Đã nhiều lần tôi thử vẽ đề tài chiến đấu và sản xuất, xây dựng đều không ổn, lại quay về cây đa, giếng nước, chùa làng. Trong hội họa lắm khi nhỏ mà có ý nghĩa về cuộc đời, về nghệ thuật lại lớn, nên tôi yên tâm nhảy múa trên mảnh đất của mình.
Qua nhiều năm tôi vẽ và vẽ, tưởng như đã phụ tình với âm nhạc. Tranh của tôi bán được khá nhiều, có dư luận rằng tranh tôi vẽ chạy theo thị hiếu của khách nước ngoài. Đã nhiều lần tôi tiếp xúc với các khách mua tranh Pháp, Ý, Thụy Điển… đến Hà Nội, tôi hỏi các ông vì lẽ gì mà mua tranh tôi thì họ đều trả lời rằng vì tranh tôi vẽ rất Việt Nam.
Trong nghệ thuật lắm khi chỉ cần một tiêu chí ấy, đã đủ cho mình yên tâm và tiếp tục làm việc. Trong những năm cuối của thế kỷ XX, tôi đã đi và tổ chức triển lãm tranh của tôi ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, tất cả 10 lần”.
2. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Thân sinh ông là nhà điêu khắc, họa sĩ nổi tiếng của Hà Nội - cụ Nguyễn Đức Thục nên từ nhỏ, ông được cha chỉ dạy những kiến thức cơ bản về hội họa dân tộc. Ông lớn lên trong không khí hội họa, anh họ của ông là danh họa Trần Văn Cẩn cũng là người tiếp thêm cảm hứng cho Nguyễn Đức Toàn đến với hội họa.
Ông từng kể rằng, tuổi thơ ông lớn lên trong căn phòng la liệt những bức tranh của cha. Rồi sau này ông được theo học ở Mỹ thuật Đông Dương, ông cứ nghĩ mình sinh ra để làm hội họa. Nhưng âm nhạc đã đến với ông trước cuộc du hành với hội họa. Ông là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như “Quê em miền trung du”, “Hà Nội một trái tim hồng”, “Chiều trên bến cảng”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”…
Ông tâm sự: “Nghệ sĩ luôn luôn trau dồi nghệ thuật, qua nghệ thuật mà góp phần làm sáng danh đất nước, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Nghệ sĩ luôn luôn lấy nghệ thuật làm mục đích, làm niềm vui sống”. Cũng từ quan niệm đó nên Nguyễn Đức Toàn đã sống một cuộc đời sôi nổi, đắm đuối với nghệ thuật.
Kỷ niệm 90 ngày sinh của ông, công chúng yêu hội họa lại có cơ hội được thưởng thức những giai điệu được vẽ bằng màu sắc, một góc tâm hồn sôi nổi và cũng đầy tâm tư của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Những giai điệu gần gụi, ấm áp, không rực rỡ mà tinh tế, ấm áp như tâm hồn ông vậy. Và có lẽ, chính sự gần gụi, giản dị rất Việt Nam đó khiến những tác phẩm của ông còn mãi.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Việt: “Âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài (hay nói khác đi, âm nhạc đã giúp ông tiếp cận được với “hiện thực nhiệm mầu của họa sĩ”) - mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình - màu mà không phải họa sĩ nào cũng có. Tranh của ông có rất nhiều “giọng” (voix) lạ, đôi khi chỉ khác bình thường một chút là đã đủ trở nên đặc sắc. Ông vẽ phong cảnh, tĩnh vật bằng sơn dầu, bột màu như sáng tác các Cantate, khi một bè, khi nhiều bè, với các tầng nhạc đệm phong phú. Ông vẽ phong cảnh bằng sơn mài, tranh thiếu nữ trên nền lụa như sáng tác các Prélude, với những nốt nhạc du dương, huyền ảo, lắm khi chỉ như bản vẽ phác mà vẫn gây hiệu quả hoàn thiện; vẽ các bố cục trừu tượng hoặc bán trừu tượng, các bố cục ứng tấu (improvisation) tựa như sáng tác các bản Fuga, đầy những mảng màu, đường nét chuyển động “thoát - đuổi” vô cùng linh động... Vả lại, kỹ năng nghề nghiệp khá vững chắc về hội họa ở Nguyễn Đức Toàn cũng xứng tầm để ông thể hiện tất cả những gì ông muốn. Tâm hồn Nguyễn Đức Toàn là tâm hồn của một nghệ sĩ yêu nước, yêu quê hương, chiến đấu vì tự do và cái đẹp. Ông cũng rất thích khai thác vốn cổ dân tộc, tìm về quá khứ cha ông, cả trong âm nhạc lẫn hội họa. Cái chất lính trong con người ông có thể “tộc tuệch”, “xuề xòa”, “bất cần” ở ngoài đời, nhưng bao giờ cũng đầy khí phách, tráng kiện trong nghệ thuật. ... Bởi trí tuệ và tài năng quá khiêm tốn, lại trong một môi trường văn hóa còn chưa phát triển, đặc biệt là âm nhạc, thì dẫu rằng có sống trăm tuổi, cũng chỉ có thể là một nhạc sĩ viết ca khúc với một số bài hát được yêu thích. Thế là đủ!”. Về mình, Nguyễn Đức Toàn đã viết như vậy. Nhưng rốt cuộc, ông vẫn là một trong số vô cùng ít những nghệ sĩ đã liên kết được sức mạnh của cả âm nhạc và hội họa. Bên cạnh một Văn Cao họa sĩ “lập thể”, một Nguyễn Đình Phúc họa sĩ “biểu hiện” - Nguyễn Đức Toàn là một họa sĩ “trữ tình” như có cả hai cái đó và... Thế mới là đủ! Nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn sinh ngày 10 tháng 3 năm 1929 tại Hà Nội. Bố ông, cụ Nguyễn Đức Thục là một trong số rất ít nhà điêu khắc nổi tiếng ở nước ta những năm đầu thế kỷ XX. Năm 1945, ông gia nhập các đoàn biểu tình, cướp trại Bảo an binh, tham gia mít-tinh ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Từ đó tham gia nhiều hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên “Ca ngợi đời sống mới”… Ông cũng từng được cử đi thực tập hai năm tại Học viện Âm nhạc Kiev (Ucraina, Liên Xô), viết nhiều Prelude, Etude, Fuga… Viết tổ khúc giao hưởng “Tổ quốc” và bản Cantate “Ngọn cờ giải phóng”. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (cho sáu ca khúc tiêu biểu: “Quê em”, “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Đào công sự”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”, “Tình em biển cả” và “Chiều trên bến cảng”). Ông mất ngày 7 tháng 10 năm 2016 tại Hà Nội. |
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)