Nhạc sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Doãn Tiến

04/06/2019

Nhạc sĩ Doãn Tiến được sinh ra ở thành Nam (Nam Định), nhưng anh lại lớn lên ở thành phố Hoa Phượng đỏ (Hải Phòng), trong một gia đình công chức nhà nước nhưng có truyền thống yêu văn học nghệ thuật. Cha anh rất say mê làm thơ, viết kịch và biết chơi một số nhạc cụ truyền thống. Anh trai là cố nhà thơ Doãn Thanh Tùng – tác giả bài thơ nổi tiếng Thời hoa đỏ, đã được nhạc sĩ Nguyễn Đình Bảng phổ nhạc và đã trở thành một ca khúc nổi tiếng hay được yêu thích.

Năm 1966, giữa lúc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, nhưng vì say mê nghệ thuật, cha anh vẫn cho cả ba anh em Doãn Tiến, Doãn Bích Châu và Doãn Hương Khanh lên Hà Nội để thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Cả ba anh em đều thi đỗ, Doãn Tiến và Doãn Hương Khanh đều học đàn Violon Cello. Còn Doãn Bích Châu thì học đàn tranh.

 Khi vào trường, Doãn Tiến đã may mắn được học giáo sư, NSND Bùi Gia Tường. Năm 1975, Doãn Tiến tốt nghiệp đàn cello loại giỏi. Anh được phân công về công tác tại Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam); còn Doãn Bích Châu thì về giảng dạy tại Trường Nghệ thuật Hải Phòng, sau đó vào Nha Trang công tác tại Cung thiếu nhi; Doãn Hương Khanh về giảng dạy tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau đó công tác tại Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Mặc dù theo học nền âm nhạc Phương Tây, nhưng trong suốt quá trình học tập tại Trường Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Tiến luôn luôn gắn bó với nền âm nhạc truyền thống. Đặc biệt, trong tất cả các buổi sinh hoạt của khoa nhạc cụ truyền thống như thi cử, biểu diễn, hòa tấu, độc tấu các loại nhạc cụ dân tộc... nhạc sĩ đều tích cực mang đàn cello cho dù chỉ tham gia phần đệm. Chính vì thế âm nhạc truyền thống đã ngấm vào máu thịt con người anh.

Sau khi tốt nghiệp, nguyện vọng lớn nhất của Doãn Tiến là được cống hiến hết mình cho nền âm nhạc truyền thống nước nhà. Và Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam là nơi đã chắp cánh cho ước mơ của anh. Anh luôn luôn tìm hiểu về tính năng của từng loại nhạc cụ truyền thống, sưu tầm, nghiên cứu những vốn cổ âm nhạc dân gian, phối hợp với âm nhạc phương Tây đã được học trong nhà trường để phát triển và hiện đại hóa âm nhạc truyền thống, góp phần nâng nền âm nhạc truyền thống lên một tầm cao mới, hội nhập sâu rộng với nền âm nhạc quốc tế.

Năm 1981, Doãn Tiến đã quay lại Học viện Âm nhạc Quốc gia để học thêm ngành sáng tác, chỉ huy dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ, NSND Trần Quý. Năm 1985, tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc, anh đã vững bước với tư cách là nhà chỉ huy dàn nhạc, sáng tác, phối âm, phối khí cho chuyên ngành âm nhạc dân tộc. Từ năm 1986 - 1997, Doãn Tiến là Trưởng đoàn Nhạc dân tộc. Từ năm 1997 - 2011 là Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Ở bất kỳ cương vị nào, anh cũng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Năm 2001, Doãn Tiến vinh dự được Nhà nước tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Đặc biệt, với tài năng sáng tạo, kết hợp với kiến thức âm nhạc phương Tây đã được đào tạo bài bản chính quy trong nhà trường, cộng với sự lao động nghệ thuật say mê nghiêm túc, sự phối hợp tinh tế, nhuần nhuyễn giữa âm nhạc phương Tây và âm nhạc truyền thống, Doãn Tiến đã có nhiều tác phẩm viết cho độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc hiện đại mà vẫn mang tính truyền thống cao như tác phẩm: Âm vàng đại ngàn, Bức tranh quê hương, Đất nước hùng thiêng...

Với vai trò chỉ huy dàn nhạc kiêm đạo diễn, nghệ sĩ đã dàn dựng một cách công phu hoành tráng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ Đảng và Nhà nước, các lực lượng vũ trang và đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Đồng thời, Doãn Tiến tham gia giới thiệu, giao lưu văn hóa với bạn bè năm châu. Bên cạnh đó, anh vẫn luôn luôn cho ra đời những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao như: Âm vang cao nguyên - độc tấu đàn T’rưng (1987) đã hai lần được Huy chương Vàng; Lời ru bên suối - độc tấu sáo Mèo (1999) được Huy chương Bạc; Tung cánh bay hỡi chim Prôtôc - song tấu đàn K’longput (1999) được Huy chương Vàng; Hội xuân - hòa tấu dàn nhạc dân tộc (2000) được giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam...

 Nhạc sĩ Doãn Tiến có một cuộc sống hạnh phúc trong gia đình nhỏ cùng người vợ trẻ, xinh đẹp, tài năng là nghệ sĩ Nguyễn Thanh Hương - nghệ sĩ đàn Tam thập lục, T’rưng, Klongput. Anh là người đã tiếp lửa đam mê để nghệ sĩ Thanh Hương hoàn thành xuất sắc nhiều tác phẩm trong đó có cả những tác phẩm do chồng sáng tác, dàn dựng và chỉ huy và đoạt nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Năm 2012, nghệ sĩ Thanh Hương đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...