Dở dang di nguyện Trần Văn Khê
Di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê chưa được thực hiện, sau gần 4 năm kể từ khi ông qua đời.
Gần 4 năm kể từ ngày GS-TS Trần Văn Khê qua đời, di nguyện của ông vẫn chưa được thực hiện. Những người nặng lòng với di sản mà ông để lại cho đời đang dốc sức xây dựng không gian mang tên ông với mục đích duy trì hoạt động văn hóa nghệ thuật và nghiên cứu âm nhạc dân tộc nhưng xem ra lắm vất vả, nhọc nhằn.
Để mất một địa chỉ văn hóa
GS-TS Trần Văn Khê mất ngày 24-6- 2015, kể từ ngày đó TP HCM đã mất đi một địa chỉ văn hóa đáng tin cậy đối với những người trân quý âm nhạc truyền thống nói riêng và văn hóa nghệ thuật dân tộc nói chung. Từ năm 2006, ở tuổi 85, GS-TS Trần Văn Khê đã hồi hương, chính thức rời nước Pháp để về sinh sống, làm việc tại TP HCM (ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam).
Các nghệ sĩ sân khấu, nghệ nhân đờn ca tài tử Nam Bộ giao lưu biểu diễn tại nhà GS-TS Trần Văn Khê, số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM
Sự trở về của GS-TS Trần Văn Khê đã được bàn bạc và có nhiều buổi gặp gỡ giữa ông và các cơ quan quản lý liên quan, trong đó đáng chú ý là đề án nhà Trần Văn Khê do Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM soạn thảo tháng 11-2003. Theo đó, năm 2005, UBND TP HCM giao cho sở này ngôi nhà 32 Huỳnh Đình Hai (quận Bình Thạnh, TP HCM) để làm nơi bảo quản, trưng bày hiện vật và làm nơi ở cho GS-TS Trần Văn Khê những năm cuối đời.
Đến năm 2006, Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM đã có quyết định cùng các bên liên quan tiếp nhận 435 kiện sách, trong đó hơn 10.000 đầu sách, tạp chí liên quan đến nghiên cứu, giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam và âm nhạc thế giới; hiện vật âm nhạc (nhạc cụ, đĩa, băng ghi âm, hình ảnh, sách báo, bằng khen, huy hiệu…)… Trong đó, có khoảng 200 quyển du ký gắn với cuộc đời, sự nghiệp của GS-TS Trần Văn Khê.
Địa chỉ văn hóa mang tên GS-TS Trần Văn Khê đã đi vào hoạt động, số 32 Huỳnh Đình Hai trở thành địa chỉ thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, cung cấp kiến thức về âm nhạc dân tộc, nghệ thuật cải lương, nghệ thuật hát bội, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế… hoàn toàn miễn phí dành cho công chúng. Thế nhưng, chưa đến 2 tháng sau khi GS-TS Trần Văn Khê qua đời, ngôi nhà này được bàn giao cho Trung tâm Bảo tồn và Phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP HCM (gọi tắt là Trung tâm Bảo tồn di tích) quản lý. Tất cả hiện vật, tài liệu, sách… gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của GS-TS Trần Văn Khê đã được giao cho Bảo tàng TP HCM và Thư viện Khoa học tổng hợp quản lý.
Hiện nay, số 32 Huỳnh Đình Hai trở thành văn phòng của Trung tâm Bảo tồn di tích. Ông Trương Kim Quân, Giám đốc trung tâm, cho biết theo quyết định của UBND TP HCM, Trung tâm Bảo tồn di tích quản lý phần nhà để làm văn phòng trung tâm. Phần kho tư liệu phía sau sẽ do Bảo tàng TP HCM quản lý.
Như vậy, coi như đã mất một địa chỉ văn hóa, dù các đơn vị quản lý có kế hoạch xây dựng phương án sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề triển lãm vào dịp kỷ niệm ngày mất hoặc ngày sinh GS-TS Trần Văn Khê những năm chẵn nhưng trên thực tế vẫn chưa được thực hiện.
Canh cánh nỗi lòng
NSND Kim Cương và một nhóm bạn hữu cảm thấy có lỗi với ông khi chưa thực hiện được di nguyện của người quá cố. Bà tâm sự: "GS-TS Trần Văn Khê luôn mong muốn bảo tồn, phục hưng nền âm nhạc truyền thống Việt Nam, qua việc tổ chức lập quỹ học bổng hoặc Giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người có công trình nghiên cứu hoặc cống hiến xuất sắc về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Ở đó, còn có thư viện mang tên ông, giúp người đọc có điều kiện tham khảo tư liệu để nghiên cứu, phát huy những giá trị to lớn của âm nhạc dân tộc. Cứ nghĩ đến những điều ông viết trong bản di nguyện mà chưa thực hiện được, sau gần 4 năm ông ra đi, trong đó ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, nơi ông sinh sống, tổ chức nhiều hoạt động âm nhạc lúc sinh thời đã không được gìn giữ đúng ước nguyện của ông, tôi cứ canh cánh bên lòng nỗi niềm như một người bất tín" - NSND Kim Cương tâm sự.
NSND Kim Cương cũng mong muốn thành lập Quỹ Trần Văn Khê để trao học bổng, tài trợ cho các dự án nghiên cứu, phát huy những giá trị của âm nhạc truyền thống và văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Khi qua đời, tang lễ GS-TS Trần Văn Khê được tổ chức rất trang trọng, số tiền phúng điếu lên đến 700 triệu đồng. GS-TS Trần Quang Hải là con trai cả, được cha tin cậy và ủy thác nhiều điều tâm đắc. Tuy nhiên, năm nay ông cũng đã 72 tuổi lại đang mắc phải căn bệnh ung thư máu. Trong thư ngỏ gửi chính quyền sau khi cha ông qua đời, GS-TS Trần Quang Hải trình bày việc thành lập Quỹ Trần Văn Khê rất khó thực hiện được vì ông là người nước ngoài, có rất nhiều trở ngại trong việc quản lý trực tiếp quỹ. Quỹ cần phải có trụ sở nhất định và phải có ngân khoản thường trực để trang trải mọi chi phí. Cũng như dự án Nhà Lưu niệm Trần Văn Khê, tuy đã được UBND TP HCM đồng ý giao căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai nhưng số tiền hưu trí ít ỏi của ông tại Pháp không đủ khả năng trang trải cho hoạt động của nhà lưu niệm. GS-TS Trần Quang Hải đã đề xuất giải quyết số tiền 700 triệu đồng vào mục đích từ thiện hoặc trao giải thưởng mang tên Trần Văn Khê. Hiện số tiền này vẫn được những người có trách nhiệm giữ gìn.
Di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê đang dang dở là một lời nhắc nhở đối với chúng ta.
Không bằng tỉnh lẻ NSND Kim Cương và các bạn hữu đang xúc tiến dự án xây dựng không gian văn hóa Trần Văn Khê. "Bằng mọi cách chúng tôi sẽ thực hiện các thủ tục để thiết lập lại không gian mang tên GS-TS Trần Văn Khê" - NSND Kim Cương khẳng định quyết tâm. Theo bà, TP HCM được xem là trung tâm văn hóa lớn nhưng chưa có địa chỉ của một nhà văn hóa đúng nghĩa. Không cần phải khao khát như thế giới, ngay tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, chính quyền và người dân nơi đây cũng đã ưu ái xây dựng nhà trưng bày được xem là không gian của nhạc sư Vĩnh Bảo; TP Huế có nhà của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, Lê Bá Đảng; còn chúng ta vẫn chưa có một không gian nhỏ nào đó cho GS-TS Trần Văn Khê. |
(Nguồn: https://nld.com.vn/)