"Ông giai điệu tự hào"

05/03/2019

Tôi may mắn được nhiều lần đồng hành cùng nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ngao du khắp ba miền đất nước, đặc biệt gần đây trong dịp VTV thực hiện phóng sự cho chương trình Tết Kỷ Dậu về những kỷ niệm dọc Trường Sơn ở Đông Hà, Quảng Trị. Cứ mỗi lần nhà thơ Nguyễn Thụy Kha xuất hiện ở đâu, nhiều người thường dừng lại ngắm nhìn, có lẽ do hình ảnh của nhạc sĩ xuất hiện nhiều lần trong chương trình Giai điệu tự hào chăng?  Ban đầu tôi còn ngạc nhiên, nhưng dần dà tôi đã quen, ít quan tâm để ý đến nữa. Nhưng mới đây khi nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và tôi đến thăm gia đình một người bạn cùng quê với nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo ở Đà Nẵng, bất ngờ trong gia đình, một cụ bà, vừa chạy đến ôm chầm vai nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha vừa nói to: "Ông Giai điệu tự hào" đây rồi!". Lấy làm thú vị chi tiết này nên tự nhiên "máu" nghề nghiệp trỗi dậy, tôi ngồi lại hầu chuyện với bà để hiểu thêm về ngọn nguồn từ đâu mà bà lại nhận ra nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, biết đâu lại có bài báo cuối năm không chừng.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha và bà Hà Thị Cà.

Bà kể, bà tên là Hà Thị Cà, năm nay 86 tuổi quê ở Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà thường xem chương trình này trên tivi, luôn chăm chú nghe "ông giai điệu tự hào" phân tích nhắc lại hoàn cảnh ra đời của bài hát, nhớ lại kỷ niệm của những ca khúc cách mạng một thời vang bóng. Cứ mỗi lần nhắc đến ngày xa xưa ấy, bà lại xúc động, rơm rớm nước mắt. Bà nhớ lại thời thanh niên của mình, năm 1955 được kết nạp Đảng, làm công tác đoàn, đặc biệt trong chiến dịch Điện Biên Phủ được tham gia gánh gạo ròng rã suốt hai tháng phục vụ bộ đội trong trận đánh vang dội lẫy lừng của dân tộc...

Ngay lúc ấy, tôi quay sang trò chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha ngồi cạnh bà. Ông cho biết: "Giai điệu tự hào không đơn thuần là một chương trình ca nhạc chỉ làm mới các ca khúc đã từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, mà điều đặc biệt hơn của chương trình nằm ở phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận giữa hai thế hệ xưa và nay. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện lúc tương đồng, khi lại mâu thuẫn đến nảy lửa". Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha không chỉ là người trong Ban cố vấn chương trình, ông còn là người dẫn dắt, cung cấp tư liệu, phân tích sâu về các tác phẩm âm nhạc, luôn mang lại cho khán giả những điều mới lạ, đậm tính nhân văn, có giá trị kết nối tinh thần sâu sắc giữa các thế hệ những người hâm mộ.

Câu chuyện ngẫu nhiên tình cờ mà hết sức thú vị. Bà Hà Thị Cà tuy tuổi đã cao nhưng trí tuệ còn minh mẫn, đi lại nhanh nhẹn. Bà nói với tôi: khi xem Giai điệu tự hào, mọi người trong gia đình, nhất là người cao tuổi thường hát theo những bài hát nổi tiếng một thời bi tráng của dân tộc, gắn liền với quá nhiều kỷ niệm trong kháng chiến. Và bà say sưa kể lại chuyện ngày còn thanh niên, khi cõng gạo từ Nghệ An ra chiến trường Điện Biên Phủ, bà vừa hát "Trời mưa không lo gạo ướt/  Nhẹ vai gồng chống vượt đường trơn/ Gạo khô đem tới chiến trường/ No lòng bộ tiến quân diệt thù". Tôi hỏi mãi bà vẫn không nhớ ra câu hát ấy trong bài hát nào. Bà Cà nói với nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, tại sao nhiều người thích gây gổ, cãi nhau về những bài hát, nhiều lúc thấy mất vui khi ngồi nghe các bạn trẻ bình luận không đúng về giá trị nội dung nghệ thuật các ca khúc một thời vang bóng ấy. Bà đâu cần hiểu đó là sự khác biệt trong văn hóa tiếp nhận phản biện, những quan điểm trái chiều trong chương trình này, cả những khi nhiều bạn trẻ không đồng tình với các thế hệ đi trước, đó cũng là điều tất nhiên dễ hiểu trong thưởng thức âm nhạc...

Thế mới biết, những ai đã từng là người lính kiên cường, là những công dân kiên trung của thời chiến, thấu hiểu nỗi đau thì những ca khúc của một thời tuổi trẻ này chính là máu thịt của họ. Đó là những ký ức không thể nào quên. Thế hệ trẻ đâu đó vẫn còn không ít người chưa hiểu về ca khúc ấy thì các bậc lão thành sẽ là người kể lại, nhắc hoàn cảnh ra đời, những ký ức không quên... để họ có thể hình dung được bối cảnh lịch sử của ca khúc. Điều này, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, người được mệnh danh là "từ điển sống của âm nhạc Việt Nam" đã góp phần không nhỏ, ông nhớ từng chi tiết về hoàn cảnh ra đời ca khúc, đồng thời phân tích giá trị của các tác phẩm một thời vang bóng, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung của cả dân tộc. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của lịch sử âm nhạc nói riêng, tái hiện bức tranh của đời sống, văn hóa xã hội một thời được khắc họa đậm đà đầy cảm xúc thông qua con đường âm nhạc.

Khi gặp bà Hà Thị Cà, gặp các bậc cha anh, những người đã từng tham gia trong hai cuộc kháng chiến, tôi mới hiểu thêm rằng, đời sống âm nhạc một thời vang bóng ấy có thể chưa hẳn tất cả đã hay về chất lượng nghệ thuật, nhưng trong mỗi tác phẩm đều chất chứa đậm đà tình yêu nước một thời chiến tranh khốc liệt. Các nhạc sĩ đã viết bằng chính sự rung động của trái tim, bằng chính nỗi đau và niềm tin, niềm tự hào dân tộc. Và, cũng chính điều này làm tôi nghĩ đến phong trào sáng tác ca khúc hiện nay, ngoài những tác phẩm đích thực sáng tạo từ tài năng của người nhạc sĩ, còn lại dường như mơ hồ có điều gì đó như một cuộc chơi bày biện hội hè, thiếu tâm huyết cháy bỏng của tình yêu trong tác phẩm của mình?

(Nguồn: http://cadn.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...