Chàng sinh viên Việt mong muốn quảng bá âm nhạc dân tộc trên đất Nga
Cao Đình Thắng bên góc học tập ở ký túc xá. (Ảnh: Hồng Quân/Vietnam+)
Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, mảnh đất giàu truyền thống văn hóa dân tộc, Cao Đình Thắng sớm được nuôi dưỡng trong những làn điệu dân ca Huế.
Tình yêu âm nhạc luôn được Thắng ấp ủ trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường sau đó đã giúp Thắng thi đỗ vào Học viện Âm nhạc Huế. Với sự nỗ lực của bản thân và sự động viện, giúp đỡ của những người thân, năm 2014, Cao Đình Thắng đã nhận được học bổng của nhà nước đi du học về chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Quốc gia Moskva mang tên Tchaikovsky.
Sinh hoạt và học tập trong một môi trường hoàn toàn mới lạ, ngôn ngữ Nga và nền văn hóa, nghệ thuật của Nga có nhiều điểm khác biệt, song Cao Đình Thắng đã tìm cách hòa nhập với cuộc sống và công việc học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky nổi tiếng thế giới bằng chính tình yêu và niềm đam mê đối với âm nhạc dân tộc.
Trong quá trình theo học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Thắng nhận ra rằng phần lớn những nhạc sỹ vĩ đại của thế giới đều có nhiều sáng tác mang âm hưởng của dân tộc mình. Như nhạc sỹ Pyotr Ilyich Tchaikovsky có nhiều tác phẩm mang giai điệu dân gian của người Slav, nhạc sỹ người Na Uy Edvard Grieg có những tác phẩm với chất liệu âm nhạc Bắc Âu... Họ đã góp phần rất lớn quảng bá âm nhạc, văn hóa của dân tộc mình ra thế giới.
Có thể đó chính là lý do mà hơn 4 năm học tập tại Nhạc viện Tchaikovsky, Thắng luôn tìm cách khai thác các chất liệu âm nhạc truyền thống của Việt Nam để áp dụng vào trong các tác phẩm do mình tự sáng tác.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Nga, Thắng bộc bạch: “Đối với em, di sản âm nhạc của dân tộc của chúng ta rất phong phú, đa dạng và sâu sắc. Ngay từ lúc còn ở Việt Nam, em thường xuyên tìm hiểu về các thể loại âm nhạc tại các vùng miền của đất nước. Điều này giúp em hiểu rõ hơn về bề dày văn hóa, lịch sử của dân tộc ta, và càng làm cho em thêm tự hào về Tổ quốc, dân tộc mình. Em muốn sử dụng những kiến thức đã học được về âm nhạc hàn lâm để kết hợp với âm nhạc truyền thống Việt Nam, qua đó góp một phần nhỏ công sức giúp phát triển và quảng bá âm nhạc dân tộc.”
Có những tác phẩm được Thắng sáng tác để biểu diễn trước công chúng hoặc cũng có thể chỉ vì niềm đam mê. Tác phẩm sáng tác cho dàn nhạc hơi đầu tiên của Thắng có tên là “Yếm đào” đã được trình diễn tại Nhạc viện Tchaikovsky và chiếm được cảm tình của nhiều khán giả sở tại.
Thầy giáo của Thắng, Phó Giáo sư Igor Nikolaevich Savinov (giảng viên hướng dẫn sáng tác và phối khí cho dàn nhạc hơi), cho biết bản thân có ấn tượng sâu sắc về tác phẩm “Yếm đào.” Thầy tỏ ra rất tự hào khi nói về sinh viên Cao Đình Thắng và đã trực tiếp đến dự buổi lễ trao giải Festival âm nhạc “Viva student” lần thứ 5, nơi cậu học trò Việt Nam của mình được trao giải 3 về phối khí cho dàn nhạc hơi. Thầy cũng đặt niềm tin vào tương lai tươi sáng của Thắng với tư cách là một nhà sáng tác chuyên nghiệp.
Ngoài "Yếm đào," Thắng còn viết một số tác phẩm nữa sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam như tổ khúc (suite) cho dàn nhạc dây mang tên "Nostalgia" (Hoài niệm), bản prelude (khúc dạo đầu) cho piano mang tên "Sông quê," bản sontata cho piano và kèn clarinet, ca khúc "Về đi con"…
Những tác phẩm này tuy chưa được Thắng gửi đi tham dự những cuộc thi về sáng tác, song đã được trình diễn nhiều lần tại những buổi hoà nhạc tại Nhạc viện Tchaikovsky ở Moskva và các phòng hoà nhạc khác ở Nga.
Nói riêng về tác phẩm "Nostalgia," Thắng cho biết một người bạn nước ngoài đã giới thiệu Thắng với dàn nhạc Belgorod và họ gợi ý Thắng viết một tác phẩm với âm hưởng của Việt Nam. Gặp đúng sở trường, Thắng nhận lời ngay và đã sử dụng chất liệu âm nhạc Nam Bộ và âm nhạc của Huế để viết tác phẩm này.
Cao Đình Thắng chia sẻ: “Bản thân em cũng là một người con đang học tập xa quê hương, em muốn thông qua tác phẩm này để chia sẻ cảm xúc của mình với những người con đất Việt xa xứ.”
Sau khi tác phẩm "Nostalgia" được trình diễn tại festival văn hóa ở thành phố Belgorod, có một sinh viên người Anh học tại khoa chỉ huy của Nhạc viện Tchaikovsky rất hứng thú với tác phẩm này và đã liên hệ với Thắng để dàn dựng tác phẩm cho dàn nhạc sinh viên của Nhạc viện Tchaikovsky, qua đó tiếp tục giúp cho tác phẩm của Thắng được biết đến nhiều hơn.
Không chỉ sáng tác những tác phẩm mang tính “hàn lâm” vốn rất kén chọn khán thính giả, Cao Đình Thắng còn tham gia viết nhạc phim với đơn đặt hàng đến từ các nhà làm phim Việt Nam. Gần đây nhất, Thắng đã sáng tác và phối khí bản nhạc chủ đề chính cho bộ phim ngắn “LAM” của đạo diễn Quản Phương Thanh.
Theo đánh giá của những người trong nghề, đây là “một bản nhạc hòa quyện giữa âm nhạc đương đại thể nghiệm châu Âu và chất liệu âm nhạc truyền thống từ Ca trù và Tuồng Việt Nam,” “Bản nhạc có sắc thanh dân tộc nhưng giai điệu phá cách và ẩn hiển những bí ẩn trong từng nốt nhạc."
Đánh giá chung về tiềm năng của sinh viên Cao Đình Thắng, Phó giáo sư Nhạc viện Tchaikovsky, giảng viên chuyên ngành sáng tác Kuzma Alexandrovich Bodrov nhận xét: “Đặc trưng trong âm nhạc của Thắng là tính giai điệu của âm nhạc dân tộc Việt Nam, điều này chắc chắn sẽ tạo cho Thắng sự khác biệt so với nhiều sinh viên khác tại Nhạc viện. Tôi thấy thú vị là Thắng không sợ sự đơn giản trong âm nhạc và điều đó tạo ra vẻ đẹp riêng. Thắng rất có năng khiếu trong sáng tác nhạc và tôi tin rằng cậu ấy sẽ có một tương lai tuyệt vời. Thắng rất tận tâm và thực hiện tất cả những điều tôi đã hướng dẫn một cách sáng tạo.”
Sự “đơn giản” trong âm nhạc bước đầu đã giúp Thắng có được 03 giải thưởng tại Nga: Giải nhì cuộc thi sáng tác toàn liên bang mang tên "The Kreutzer sonata," Giải thưởng đặc biệt trong chương trình sự kiện âm nhạc theo bình chọn của Đài Tiếng nói nước Nga, Giải ba về phối khí cho dàn nhạc hơi trong Festival âm nhạc Viva student năm 2018.
Chia sẻ về mục tiêu trong tương lai, Thắng cho biết: “Sau khi tốt nghiệp đại học tại Nga, em rất muốn có cơ hội được tiếp thu kiến thức và học hỏi nhiều hơn nữa về sáng tác âm nhạc, viết nhạc phim và sản xuất âm nhạc. Em hy vọng sẽ có cơ hội sáng tác những tác phẩm trên chất liệu âm nhạc Việt Nam để tham dự những cuộc thi về sáng tác tại Nga trong thời gian tới, qua đó góp phần quảng bá nền văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Nga và quốc tế”./.
(Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/)