Hồi ký Berlioz (13)
(Tiếp theo)
Chương 13
Các sáng tác đầu tay cho dàn nhạc - Học tập ở Nhà hát Opéra - Hai người thầy: Lesueur và Reicha.
Chính trong thời kỳ này tôi đã viết các tác phẩm lớn đầu tiên cho dàn nhạc: bản ouverture Những thẩm phán tự do. Và sau đó không lâu là ouverture Waverley . Lúc ấy tôi kém hiểu biết về tính năng một số nhạc cụ đến mức sau khi viết khúc solo giọng rê giáng trưởng cho bè kèn trombone trong khúc mở màn Những thẩm phán tự do tôi sợ rằng nó có vẻ cực kỳ khó chơi và tôi rất lo lắng tới đưa cho cho một nghệ sĩ trombone trong nhà hát xem. Người này, sau khi đọc đoạn nhạc, đã làm tôi yên tâm hoàn toàn. Anh bảo: “Trái lại, giọng rê giáng trưởng là giọng rất thuận lợi với nhạc cụ này và cậu có thể đánh giá trên hiệu quả tuyệt vời mà nó tạo ra cho đoạn nhạc của cậu”.
Lời đảm bảo này khiến tôi vui đến nỗi trên đường về nhà đầu óc toàn nghĩ về nó mà chẳng để ý đến bước đi nên bị ngã bong gân. Giờ đây mỗi khi nghe tác phẩm này là tôi lại thấy đau chân. Nhưng có lẽ những người khác thì thấy đau đầu.
Cả hai người thầy đều chẳng dạy tôi chút gì về phối khí. Thầy Lesueur hiểu biết về nghệ thuật này rất hạn chế. Thầy Reicha thì hiểu biết tính năng riêng của phần lớn các nhạc cụ hơi nhưng tôi không tin rằng thầy có quan niệm tiên tiến về việc tập hợp chúng theo nhóm lớn và nhỏ. Vả lại môn học này, hiện nay vẫn chưa hề có mặt tại Nhạc viện, là xa lạ với chương trình giảng dạy chỉ gồm đối vị và phức điệu của thầy. Trước khi đầu quân cho nhà hát Nouveautés tôi đã làm quen với một người bạn của Gardel, một thầy dạy ballet danh tiếng. Nhờ những tấm thẻ vào khu sàn gỗ mà anh cho, tôi thường xuyên đi nghe mọi buổi biểu diễn tổ chức tại Nhà hát Opéra. Tôi đem theo tổng phổ của tác phẩm sắp được biểu diễn và đọc nó trong lúc nghe nhạc. Nhờ đó tôi bắt đầu quen với cách sử dụng dàn nhạc và chí ít cũng biết được giọng và âm sắc nếu không phải là âm vực và tính năng của hầu hết các nhạc cụ. Việc đối chiếu tỉ mỉ giữa hiệu quả tạo ra và phương tiện sử dụng của tác phẩm cũng khiến tôi nhận ra mối liên hệ ngầm ẩn đã gắn kết cách biểu đạt âm nhạc với nghệ thuật đặc thù của việc phối dàn nhạc mà chẳng có ai chỉ đường đi nước bước cho mình. Việc nghiên cứu phương pháp của ba bậc thầy hiện đại: Beethoven, Weber và Spontini, việc khảo sát công tâm các thông lệ phối dàn nhạc, các thông lệ hình thức và cách phối hợp không được sử dụng, sự giao du với các nghệ sĩ bậc thầy, các tác phẩm đầu tay mà tôi đem đến cho họ chơi thử trên các nhạc cụ khác nhau và một chút bản năng đã giúp tôi làm phần còn lại.
Thầy Reicha dạy môn đối vị với một sự sáng sủa đáng kinh ngạc. Thầy đã dạy tôi rất nhiều trong một thời gian ngắn mà khá kiệm lời. Nói chung không giống như phần lớn giáo viên, thầy chẳng bao giờ bỏ mặc học trò tự loay hoay tìm lý do cho những quy tắc mà thầy khuyên họ tuân thủ, bất cứ khi nào có thể.
Chẳng phải người theo chủ nghĩa kinh nghiệm cũng chẳng có đầu óc bảo thủ, thầy tin vào sự tiến bộ trong các thành phần nghệ thuật nhất định và sự tôn trọng của thầy dành cho những ông tổ của hòa âm không đi đến mức sùng bái. Trong số những bất đồng luôn tồn tại giữa thầy và Cherubini thì chuyện gần đây nhất đã đẩy thần tượng của những nhân vật uy tín trong âm nhạc tới chỗ làm việc viển vông là tự mình phán xét, như ông viết trong cuốn Luận về đối vị: “Cách sắp xếp hòa âm này với tôi có vẻ tốt hơn cách khác nhưng những bậc thầy cổ xưa có quan điểm ngược lại, và cần phải tuân thủ điều đó”.
Trong các tác phẩm của mình, thầy Reicha vẫn tuân theo lề thói cũ dù xem thường nó. Một lần tôi xin thầy nói thẳng điều thầy nghĩ về các đoạn xướng âm phức điệu trên từ amen hay trên từ kyrie eleison có đầy rẫy trong các bản messe trọng thể hay messe tang lễ của những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của mọi trường phái. Thầy trả lời không chút do dự: “Chúng là của thời dã man!” - “Nếu thế thì thầy có viết chúng không ạ?” - “Chúa ơi, mọi người đều làm thế cả!”. Miseria! ...
Về mặt này thì thầy Lesueur lại logic hơn. Những đoạn phức điệu quái dị này, mà vì giống với những tiếng gào thét của một đám người say rượu, dường như chỉ là một sự giễu nhại báng bổ lời và phong cách thánh ca. Thầy cũng nghĩ chúng là di vật từ thời dã man và của người dã man nên thầy hết sức tránh viết và các đoạn fugue khá hiếm hoi mà thầy viết rải rác trong các tác phẩm tôn giáo của mình chẳng có gì giống với những thứ gớm ghiếc lố lăng này. Ngược lại thì một trong các đoạn fugue của thầy, bắt đầu với câu “Quis enarrabit coelorum gloriam!” (Ai sẽ kể về vinh quang của thiên đàng?) xứng đáng là một kiệt tác của phong cách, của khoa học hòa âm và hơn nữa là một kiệt tác của cách biểu đạt mà dùng hình thức fugue tại đây là thích hợp. Sau khi phần trình bày chủ đề (khoáng đạt và đẹp đẽ) bắt đầu ở âm át thì phần đáp đề nhập vào một cách xán lạn trên chủ âm, lặp lại câu “Quis enarrabit!”, dường như bè hợp xướng này, được sự hăng hái của bè hợp xướng kia kích động, cất tiếng hát ngợi ca những kỳ quan thiên đàng với một sự hứng khởi càng lúc càng tăng. Rồi sau đó mọi bè giọng hát được bè khí nhạc rạng rỡ điểm tô thật tuyệt vời biết bao! Dưới những nét giai điệu của bè violon đang lấp lánh ở bè cao của dàn nhạc tựa như những vì sao, bè cello và contrebass lướt đi thật uy lực biết bao! Đoạn nhạc dồn đuổi trên pedal mới rực rỡ làm sao! Chắc chắn đây là một bản fugue chân chính nhờ ý nghĩa của ngôn từ, xứng đáng với chủ đề của nó và đẹp huy hoàng! Đó là tác phẩm của một nhạc sĩ mà niềm cảm hứng có được từ một sự thăng hoa hiếm thấy và của một nghệ sĩ lý luận về nghệ thuật của mình. Còn những đoạn fugue mà tôi thảo luận với thầy Reicha, những đoạn fugue của quán rượu và những nơi tồi tệ, tôi có thể dẫn ra một số lượng lớn tác phẩm ký tên các nhà soạn nhạc cao siêu hơn thầy Lesueur nhiều; nhưng vì chỉ viết theo thông lệ nên các nhà soạn nhạc này, dù họ là ai, đã phủ nhận trí thông minh của mình một cách đáng hổ thẹn nhất và đã phạm một lỗi xúc phạm không thể tha thứ đối với sự biểu đạt bằng âm nhạc.
Trước khi đến Pháp, thầy Reicha từng là bạn học của Beethoven tại Bonn. Tôi không nghĩ là họ chưa từng dành cho nhau một thiện cảm sâu sắc. Thầy Reicha rất chú trọng đến kiến thức toán học. Trong một buổi lên lớp thầy bảo chúng tôi: “Chính nhờ nghiên cứu toán học mà tôi trở nên hoàn toàn làm chủ các ý tưởng của mình, nó đã thuần hóa và kìm bớt trí tưởng tượng của tôi mà trước đó đã lôi kéo tôi một cách điên cuồng, và bằng sự suy ngẫm, nó đã làm tăng sức mạnh của ý tưởng lên gấp đôi”. Tôi không biết liệu tư tưởng này của thầy Reicha có đúng đắn như thầy nghĩ không và liệu có phải năng lực âm nhạc thầy đạt được phần nhiều là nhờ nghiên cứu các môn khoa học chính xác không. Có lẽ sở thích đối với những kết hợp trừu tượng và những trò đùa bằng âm nhạc, sự quyến rũ thực sự mà thầy tìm thấy trong việc giải quyết một số vấn đề gai góc hầu như chỉ làm chuyển hướng nghệ thuật theo cách khiến thầy mất đi tầm nhìn mục tiêu mà lẽ ra phải luôn đấu tranh để đạt được; có lẽ niềm say mê tính toán lại là một trở ngại lớn cho thành công và giá trị của các tác phẩm thầy viết vì làm chúng mất đi hiệu quả âm nhạc thuần túy là biểu hiện giai điệu và hòa âm, những thứ đạt được trong các kết hợp phức tạp, trong những khó khăn vượt qua, trong những công việc tỉ mỉ hướng tới con mắt hơn là đôi tai. Vả lại thầy Reicha dường như dửng dưng với cả lời khen cũng như tiếng chê, thầy có vẻ chỉ quan tâm đến sự thành công của các nghệ sĩ trẻ mà thầy dạy hòa âm trong nhạc viện và thầy dạy họ những bài học với lòng tận tình và chu đáo hết mức. Cuối cùng thì thầy cũng tỏ ra trìu mến với tôi nhưng trong quãng thời gian mới bắt đầu theo học thầy tôi nhận thấy mình đã làm thầy khó chịu vì cứ luôn buộc thầy cho biết lý do của mọi quy tắc; những lý do mà trong một vài trường hợp thầy không thể đưa ra được bởi vì... chả có lý do. Các bản ngũ tấu nhạc cụ hơi của thầy khá thịnh hành tại Paris trong nhiều năm. Đó là các tác phẩm thú vị song hơi lạnh lùng. Mặt khác, tôi nhớ đã từng nghe một khúc duo tuyệt diệu, đầy nhiệt huyết và đam mê trong Sapho, vở opéra chỉ được biểu diễn vài buổi của thầy .
(Còn nữa)
Ký hiệu ở các chú thích:
HB - chú thích của tác giả Hector Berlioz.
DC - chú thích của David Cairms, dịch giả bản tiếng Anh.
Ngoài ra, chú thích nào không có ký hiệu HB hay DC là chú thích của NA9 - người dịch sang tiếng Việt.
Các tên người, địa danh và một số thuật ngữ âm nhạc trong bản dịch tiếng Việt được để nguyên tiếng Pháp, ngôn ngữ mà Berlioz dùng để viết hồi ký.
Tác giả: Dịch giả: NA9 Lê Ngọc Anh