Paul Hindemith
Paul Hindemith sinh ngày 16 tháng 11 năm 1895 tại Hanau trong gia đình có ba anh chị em. Năm lên 7 tuổi cậu bé Paul bắt đầu học violin với Eugen Reinhardt và sau đó là Anna Hegner và Adolf Rebner. Ở tuổi 13 Hindemith nhận được học bổng tại nhạc viện Frankfurt, tại đây Hindemith học sáng tác và chỉ huy với Bernhard Sekles cũng như Arnold Mendelssohn.
(Nguồn: internet)
Khi 20 tuổi ông chính thức trở thành cây violin số 1 của dàn nhạc nhà hát Opera Frankfurk. Ông có một kỷ niệm khá vui trong cuộc thi tuyển chọn vào vị trí đầy khó khăn này: “Thứ năm, tôi có một cuộc kiểm tra trước hội đồng bao gồm một vài quí ông có thể kể đến như Mengelberg đến từ Asmterdam và một vài thành viên của dàn nhạc. Tôi chơi các tác phẩm của Bach, Brahms, Mendelssohn khá tốt nhưng Mengelberg, người đàn ông tóc đỏ với bề ngoài khó tính tỏ ra không muốn chọn tôi vì ông cho rằng tôi còn quá trẻ. Thế là họ đưa cho tôi một câu nhạc rất khó trong Salome của Richard Strauss mà tôi chưa bao giờ chơi, thế nhưng tôi đã chơi rất tốt và ông ấy chẳng còn cản tôi được nữa”.
Năm 1922 các tác phẩm của ông được biểu diễn trong liên hoan âm nhạc “International Society for Contemporary Music” tại Salzburg và nhận được sự quan tâm của khán giả cũng như giới phê bình. Một năm sau ông tham gia tổ chức liên hoan âm nhạc Donaueschingen, nơi giao lưu và biểu diễn của các nhạc sĩ đương đại lúc bấy giờ như Anton Webern, Arnold Schoenberg…
Năm1927, ông chuyển đến Berlin và dạy sáng tác tại nhạc viện đồng thời tiếp tục học chơi thêm nhiều nhạc cụ (sau này Paul Hindemith hầu như chơi được tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc và nó giúp ích rất nhiều cho ông trong việc sáng tác). Tại Berlin ông làm quen với hai nhạc trưởng lừng danh Furtwängler, Klemperer, những người sau này góp phần không nhỏ đưa các tác phẩm của Hindemith trở nên nổi tiếng. Hai năm sau đó ông lần đầu tiên biểu diễn tại Anh với nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng người Anh Walton. Tên tuổi của ông bắt đầu được công nhận trên khắp thế giới, bắt đầu có các cuốn sách viết về cuộc đời ông được xuất bản ở Nga cũng như Đức.
Năm 1933, lúc này Hittle nắm toàn bộ quyền quyền lực trong tay, các tác phẩm nghệ thuật bị kiểm duyệt một cách gắt gao. Hindemith bắt tay vào sáng tác vở opera Mathis der Maler dựa trên câu chuyện về họa sĩ có những tư tưởng tiến bộ thời Trung Cổ Matthias Grünewald. Âm nhạc của vở opera này được ông viết lại cho dàn nhạc và lấy tên là “Mathis der Maler symphony”, tác phẩm được Berlin Philharmonic Orchestre công diễn lần đầu vào tháng 3 năm 1934 dưới sự chỉ huy của Furtwängler và thành công rực rỡ. Tuy nhiên từ đây cũng bắt đầu nảy sinh những xung đột về quan điểm chính trị giữa ông và nhà cầm quyền độc tài, âm nhạc của ông bị coi là có những tư tưởng suy đồi (một số vở opera trước đó của ông có một số cảnh liên quan đến giới tính). Năm 1937 ông ngừng dạy tại nhạc viện ở Berlin mà chủ yếu dạy và lưu diễn ở Mỹ cũng như châu Âu. Một năm sau ông chuyển sang sống tại Thụy Sĩ cùng vợ (bà Gertrud Rottenberg vợ ông là người gốc Do Thái).
Khởi nghiệp là một nhạc công violin nhưng càng về sau này ông càng gắn bó với âm thanh của đàn viola và đến đầu những năm 1930 ông được coi là nghệ sĩ viola số một của nước Đức. Tuy nhiên Hindemith không hứng thú với việc trở thành nghệ sĩ solo mà ông tập trung vào sáng tác và chơi hòa tấu (Ông là thành viên của nhóm tứ tấu lừng danh Amar Quartet và thường xuyên chơi hòa tấu với nghệ sĩ violin Szymon Goldberg và nghệ sĩ cello Emanuel Feuermann). Hindemith viết tất cả 4 sonata cho viola solo và đều trong giai đoạn ông theo đuổi sự nghiệp biểu diễn. Bản sonata Op.11 No. 5 được viết năm 1919 ngay sau khi ông hoàn thành sonata cho piano và viola mang nhiều đường nét của chủ nghĩa Lãng mạn cũng như ảnh hưởng bởi các sáng tác cho viola của Reger. Bản sonata 4 chương này mang ít nhiều phong cách của Hindemith sau này, chương 1 viết theo hình thức sonata, chương 2 chậm êm ái, chương 3 là khúc Scherzo và Trio sôi nổi rồi kết bằng 1 Passacaglia. Bản sonata cho viola solo thứ 4 được ông viết trong thời kỳ ông không sử dụng cách đánh số thứ tự opus nữa vì vậy nó có tên “Sonata for viola solo 1937”. Bản sonata này được ông viết trong chuyến lưu diễn vào mùa xuân năm 1937 tại Mỹ trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Trên chuyến tàu đến nơi biểu diễn tại Chicago ông cảm thấy chương trình cho buổi diễn chưa ổn lắm và quyết định viết bản sonata và trình tấu ngay trong buổi biểu diễn hôm sau!
Bản sonata cho viola solo thứ 2, được ông viết tặng nghệ sĩ viola danh tiếng Ladislav Cerny, gồm 5 chương với ngôn ngữ súc tích và nhịp điệu hết sức linh hoạt mang nhiều đặc điểm của một caprice. Còn bản số 3 ông viết trong mùa hè năm 1923 có nhiều nét tương đồng với bản số 2 trước đó nhưng nó không được xuất bản khi Hindemith sống. Nhưng nổi bật hơn cả phải kể đến concerto cho viola và dàn nhạc “Der Schwanendreher” được ông viết năm 1953. Tác phẩm này cùng với các concerto cho viola của Walton và Bartok đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu cho nhạc cụ này. Concerto 3 chương này lấy chủ đề từ các bài hát của Đức thời Trung cổ nên nó còn còn có cái tên “"Concerto from Old Folk Songs". Tác phẩm do chính Hindemith biểu diễn lần đầu vào ngày 14 tháng 11 năm 1935 tại Amsterdam. Phần phối khí của bản nhạc này khá đặc biệt khi không có sự xuất hiện của violin trong bộ dây khiến âm sắc của cây viola trở nên nổi bật hơn.
Không chỉ viết concerto cho viola, ông viết rất nhiều concerto cho các nhạc cụ khác nhau như cello, trumpet, clarinet, horn, organ, bassoon và chúng đều được các nghệ sĩ hàng đầu biểu diễn.
Âm nhạc của Hindemith vẫn là âm nhạc có giọng điệu nhưng giọng điệu trong tác phẩm phát triển một cách tự do trên cả 12 âm chứ không giới hạn trên các bậc của gam. Ông chia hợp âm thành sáu nhóm cơ bản: dựa trên yếu tố thuận nghịch, có chứa quãng 4 tăng, có củng cố giọng điệu trung tâm. Cuối những năm 1930 ông viết cuốn sách The Craft of Musical Composition trình bày khá tỉ mỉ hệ thống ngôn ngữ âm nhạc của mình. Trong cuốn sách ông còn sử dụng hệ thông âm nhạc của mình để phân tích âm nhạc của các nhạc sĩ trước đó như J.S. Bach và thậm chí cả nhạc sĩ theo trường phái 12 âm Arnold Schoenberg.
Năm 1935, Paul Hindemith đựợc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giao cho việc xây dựng nền tảng âm nhạc hàn lâm và cụ thể là dự án “Universal and Turkish Polyphonic Music Education Programme”. Ông ở Thổ Nhĩ Kỳ không lâu nhưng để lại nhiều dấu ấn cho nên âm nhạc nước này mà tiêu biểu là nhạc viện Ankara State Conservatory cũng như đào tạo một lớp nhạc sĩ trẻ tài năng.
Năm 1940 do căng thẳng với chính quyền Phát xít, ông di cư sang Mỹ vừa sáng tác dạy học cũng như biểu diễn. Tại Mỹ ông chủ yếu dạy tại Yale University và có rất nhiều học sinh sau này nổi tiếng như Lukas Foss, Norman Dello Joio, Mel Powell, Harold Shapero, Hans Otte, Ruth Schonthal, George Roy Hill, Leonard Bernstein…Năm 1946 ông chính thức trở thành công dân Mỹ.
Piano là nhạc cụ Hindemith chơi rất tốt và ông cũng có những sáng tác tuyệt vời cho nhạc cụ này. Nổi bật nhất trong các tác phẩm viết cho piano của ông phải kể đến “Four temperaments” (1940) gồm 5 chương liên kết với nhau một cách chặt chẽ theo hình thức chủ đề và biến tấu; trong khi vai trò của piano không quá nổi bật so với dàn nhạc (có thể coi là piano symphony, một hình thức biến tấu của thể loại concerto được các nhạc sĩ hiện đại sau này sự dụng khá nhiều). Sở dĩ nó được gọi là “Four temperaments” vì toàn tác phẩm miêu tả khá rõ 4 trạng thái cảm xúc chính: u sầu, vui vẻ, giận dữ, bình thản. Ngoài ra ông còn viết 3 sonata cho piano solo trong đó sonata số 1 nổi tiếng hơn cả với những nét giai điệu cuốn hút mang hơi hướng của chủ nghĩa Lãng mạn. “Ludus Tonalis” viết cho piano vào những năm 40 đánh dấu sự định hình về phong cách sáng tác của Hindemith sau này (Tác phẩm gồm 12 fugue nối tiếp nhau bằng các interlude với vai trò chuyển giọng).
Trong số các tác phẩm viết cho dàn nhạc của Hindemith thì “Symphonic Metamorphoses of Themes by Carl Maria von Weber” viết năm 1943 là nổi tiếng hơn cả. Tác phẩm này, viết nhằm tưởng nhớ nhà soạn nhạc người Đức Carl Maria von Weber - “hoàng tử của chủ nghĩa lãng mạn”, được New York Philharmonic và nhạc trưởng Artur Rodzinski công diễn lần đầu. Bốn chương của tác phẩm phát triển trên các motif trong các tác phẩm viết cho piano 4 tay (op10, op60), cũng như “Oveture for Turandot” của Weber. Thực ra Hindemith viết nó làm nhạc nền cho vở ballet của Leonide Massine nhưng vì lý do nào đó khiến vở ballet mãi tới năm 1952 mới được công diễn. Ngoài ra ông còn viết rất nhiều tác phẩm cho dàn nhạc khác nữa có thể kể đến như: Symphony in B flat for Concert Band, Symphonie "Die Harmonie der Welt", Sinfonietta in E, Symphonia Serena , Amor und Psyche, Symphonie in Es, Symphonische Tänze…
Năm 1953 ông trở về sống ở châu Âu, dạy học tại Thụy Sĩ cũng như biểu diễn và thu âm. Cuối đời ông tập trung vào chỉ huy và thu âm chủ yếu các tác phẩm của mình. Hindemith mất tại Frankfurt vào ngày 28 tháng 12 năm 1963. Ngày nay âm nhạc của Hidemith thường xuyên được biểu diễn và thu âm. Paul Hindemith sẽ mãi được nhớ đến là một nhạc sĩ kiệt suất của thế kỷ 20.
Đỗ Minh (nhaccodien.info) tổng hợp