Phỏng vấn nhạc sĩ trẻ Trân Lưu Hoàng
Tạp chí Âm nhạc Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ trẻ Trần Lưu Hoàng, người vừa tham dự Sự kiện Âm nhạc châu Á 2017 tại Tokyo với tác phẩm “Khúc cầu nguyện” cho dàn nhạc thính phòng.
- Nhạc sĩ có thể cho biết về tác phẩm “Khúc cầu nguyện”?
Tác phẩm được sáng tác năm 2013, với thời lượng 25 phút, "Khúc cầu nguyện" là một tác phẩm được lấy cảm hứng từ đề tài chiến tranh, như tập trung vào sự phản ánh cuộc sống của con người đã trải qua những khó khăn mong muốn một thế giới hòa bình. Tác Phẩm “khúc nguyện cầu” được chia làm 3 phần. Phần 1: Được viết trên phong cách cổ điển, hiện lên một bức tranh về đồng quê, làng mạc yên bình. Phần 2: Các phương pháp tiếp cận cấu trúc thay vì hình thức phát triển truyền thống cho phép nhà soạn nhạc truyền đạt một ý tưởng biến đổi và hiện đại hơn cho khán giả về mặt âm sắc và tiết tấu. Phần 3: Sử dụng đa phần những âm sắc gai góc của đàn dây tạo cho người nghe một không gian như có cảm giác trong cuộc chiến tranh bị tàn phá và khi mọi thứ đều tan vỡ nó trở nên tĩnh lặng và dần dần mất đi vẻ đẹp của cuộc sống.
- Nhạc sĩ có thể chia sẻ kinh nghiệm sáng tác tác phẩm tham dự các Festival quốc tế?
Trong lần tham dự Festival ACL lần này tại Tokyo Nhật Bản, cùng đi với tôi có nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã tham dự 4 buổi hòa nhạc thính phòng, khi được tiếp cận với những nền âm nhạc thính phòng của các nước châu Á - Thái Bình Dương khác, đây là một cơ hội hiếm có, một phần được giới thiệu tác phẩm của mình với thế giới, một phần được học hỏi các nhạc sĩ ở các nước khác, đa phần họ đều có trình độ chuyên môn rất cao, vì vậy khi sáng tác tác thẩm dự thi đều cần lấy chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam kết hợp với tác phẩm để giới thiệu trong Festival, đó là những tinh hoa trong những bài dân ca Việt được thể hiện trong các tác phẩm khí nhạc, và có được chất riêng trong tác phẩm của mình, và cũng được bạn bè các nước hiểu hơn về nền âm nhạc Việt Nam.
- Suy nghĩ của nhạc sĩ về công tác đào tạo nhạc sĩ trẻ hiện nay?
Hiện nay, công tác đào tạo các nhạc sĩ sáng tác theo dòng nhạc Thính phòng giao hưởng rất khó khăn, những khó khăn thường tập trung như thời gian đào tạo rất lâu mới có được một vài nhạc sĩ tâm huyết với nghề viết khí nhạc giao hưởng, và khi viết xong hiếm khi tác phẩm có “đất” diễn trong những chương trình hòa nhạc. Thường thì nhạc sĩ viết xong đều phải nhờ nhạc công thể hiện và dựng bài, đây là một bước cực kỳ quan trọng nhưng đa phần đều khó thực hiện vì kinh phí cho việc dàn dựng và biểu diễn rất cao, nên cũng phần nào bị hạn chế tác phẩm được công diễn. Rất mong Nhà nước và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các cơ quan đầu ngành về âm nhạc quan tâm hơn đối với các nhạc sĩ trẻ.
*
Nhạc sĩ Trần Lưu Hoàng sinh năm 1983 tại Hà Nội, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Nhạc viện Thượng Hải năm 2011.
Giải thưởng sáng tác của Trần Lưu Hoàng bao gồm tác phẩm: “Tổ khúc cho sáo trúc và Piano” Giải Quỹ hỗ trợ Đan Mạch năm 2014; Sáng tác chủ đề Âm nhạc Jazz do Mỹ tổ chức năm (2000); phối khí cho dàn nhạc Big Band Bravia biểu diễn tác phẩm “Inh Lả oi!” năm 2014; tác phẩm khí nhạc “Nam Mô A Di Đà” được giải thưởng sáng tác do Học viện Âm nhạc Thượng Hải tổ chức (2011). Tháng 6 năm 2015, Trần Lưu Hoàng được lời mời của giám đốc Liên hoan âm nhạc quốc tế China-ASEAN lần thứ 4 mời anh sang tham dự và giới thiệu tác phẩm của mình với quốc tế trong tuần lễ liên hoan âm nhạc tại thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, Nam Ninh và Học viện Nghệ thuật Quảng Tây. Tháng 10 năm 2015, tác phẩm “Nam Mô A Di Đà” được biểu diễn tại Festival âm nhạc mới Á - Âu 2014 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức. Tác phẩm “Fantasie” (Khúc phóng túng) được viết dựa trên làn điệu âm hưởng dân ca Việt Nam (Inh Lả ơi) đã giành Giải ACL Tưởng niệm Yoshiro Irino tại Festival - Hội nghị các nhà soạn nhạc châu Á lần thứ 34 tại Việt Nam tháng 10 năm 2016.