Hãnh diện 100 năm âm nhạc Việt nam: "Hòn vọng phu" Lê Thương
Trong nhiều năm, nhạc sĩ góp phần khai sinh tân nhạc Việt Nam - Lê Thương đã dựng lên dọc lịch sử tân nhạc Việt Nam 3 "Hòn vọng phu" bằng âm thanh bất tử
Mùa xuân Mậu Dần 1938 cách đây 79 năm, tân nhạc Việt Nam đã chọn được năm khai sinh sau những năm tháng hoài thai, bắt đầu từ cuộc tri ngộ giữa 2 nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên từ Sài Gòn ra miền Bắc với nhạc sĩ Lê Thương ở Hải Phòng.
Người tri âm
Chuyến hành hương phương Bắc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên ấy nhằm mục đích diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại miền Bắc. Nhưng ở Hà Nội, ông Tuyên đã được đón tiếp không mặn mà lắm bởi giọng nói Nam Bộ lúc đó còn ít được người kinh thành nghe thấy, bởi tính "phớt ăng-lê" của người Thăng Long. Song ở Hải Phòng, nhờ có Lê Thương vốn bản tính sôi nổi nhiệt tình, mọi điều đã trở nên thú vị. Tại cuộc tri ngộ trên đất Cảng, ông Tuyên đã đề nghị ông Thương hát một bài hát mới của chính mình. Và Lê Thương đã hát bản đàn xuân rạo rực, trữ tình. Sau đó, cũng nhờ Lê Thương, Nguyễn Văn Tuyên đã được hát "Bông cúc vàng" tại rạp cinema Palace nhân kỳ hội của Trường Nữ họ Hoài Đức. Gặp Lê Thương, tuy tuổi đời thua ông Tuyên 5 tuổi, ông Tuyên vẫn coi như đã gặp được một tri âm, một bạn vong niên đồng hành trên con đường tân nhạc mới mẻ. Và chính họ là nhạc sĩ đầu tiên tạo nên tờ khai sinh cho tân nhạc Việt Nam mùa thu 1938 bằng việc ấn hành chính tác phẩm của mình trên báo "Ngày nay".
Khi "Bản đàn xuân" rung lên
Sau mùa thu 1938, "Bản đàn xuân" của Lê Thương ấn hành trên báo "Ngày nay", ít tháng sau nhóm Hoàng Quý đã tập tành công phu và lần đầu tiên trình diễn những tác phẩm của Lê Thương như "Tiếng đàn đêm khuya", "Một ngày xanh", "Thu trên đảo Kinh Châu", "Trên sông Dương Tử"… tại Nhà hát Lớn Hải Phòng, trong không khí hoạt động của "Hội ánh sáng" mà nhà thơ Thế Lữ khuấy động lên trong mùa hè 1939. Từ đó, âm nhạc Lê Thương bắt đầu lan tỏa lên Hà Nội, Vĩnh Yên nhờ nhóm kịch Thế Lữ đi diễn vở "Ông ký Cóp" của Vi Huyền Đắc ở nhiều nơi.
Rất tiếc là tới năm 1941, khi nhóm Hoàng Quý khởi lên thành nhóm Đồng Vọng như một luồng gió thênh thang vô ngã, hừng hực thanh xuân thì do Nhật chiếm Hải Phòng, Lê Thương cùng gia đình vào phiêu lưu, mưu sinh trên đất Nam Bộ. Vậy là ông hành nghề ở phương Nam, ngược lại với người tri âm Nguyễn Văn Tuyên khi xưa. Ở Nam Bộ, Lê Thương đã thử một cuộc vận động cho tân nhạc nhờ sự giúp đỡ của văn thi sĩ Nguyễn Văn Cổn và nhạc sĩ Jean Tịnh - một cây vĩ cầm điêu luyện của ca nhạc cải lương. Cả hai ông đều làm việc tại Radio Sài Gòn. Hãng này xuất bản riêng một tờ tạp chí cùng tên. Và "Thu trên đảo Kinh Châu" của Lê Thương đã được ấn hành.
Từ "đồ đó chưa xài" làm nên "Hòn vọng phu"
Nhưng khi ấy, tân nhạc ở Nam Bộ vẫn chưa gây được ảnh hưởng trong quần chúng. Vì yêu nghề, Lê Thương đi gõ cửa các cửa hàng đĩa hát như Béka, Keller, hãng đĩa Asia phim ảnh và hãng Asia đĩa hát. Họ đều nghe và khen tác phẩm của Lê Thương hay nhưng đều trả lời là ở đây, "đồ đó chưa xài". Chỉ khi đến hội Bắc kỳ ái hữu, Lê Thương mới được hội này tổ chức cho một cuộc diễn thuyết tân nhạc có sự góp mặt của ban nhạc Philippines do Julio phụ trách với 2 cây đàn guitar Hawai Scawell và Nguyễn Thông. Nhưng đó chỉ là một tiếng vang rất nhỏ.
Phải tới năm 1943, Quý Mùi, tân nhạc mới bắt đầu được chú ý ở Sài Gòn. Một loạt bài nhận định về "Phong trào nhạc mới" của Lê Thương đã được tuần báo "Thanh niên" đăng tải từ 25-3-1943 đến 26-8-1944. Ở Sài Gòn, Lê Thương vừa viết báo âm nhạc, vừa dạy học, vừa nung nấu những sáng tác có tầm cỡ hơn. Và trong nhiều năm, ông đã dựng lên dọc lịch sử tân nhạc Việt Nam 3 bài "Hòn vọng phu" bằng âm thanh bất tử.
Theo lời dẫn đầu bằng những câu lục bát nôm na "Đời xưa đời xửa vua gì - Có nàng đứng ngóng chồng về đầu non - Thế rồi mong mỏi mong mòn - Thế rồi hóa đá ôm con đứng chờ…", Lê Thương đã tạc lên "Hòn vọng phu" thứ nhất bằng một hành khúc hào sảng mà khi nghe âm vang thấy phảng phất hơi thở của "Chinh phụ ngâm": "Giã nhà đeo bức chiến bào - thét roi cầu vị ào ào gió thu…"
"Hòn vọng phu" thứ hai còn có tên là "Ai xuôi vạn lý" thực sự là một tự sự đầy chất thơ bi tráng. Hình tượng ngày chinh phu đi có đoàn cỏ cây dưới chân còn trẻ thơ, ấy vậy mà đến khi đoàn cỏ cây đã thành đoàn cổ thụ già, chinh phu vẫn chưa về. Quả là một phóng dụ đầy nước mắt.
Nhưng đến lời thứ hai thì quả là kiệt tác của ca từ. Đào Trọng Khánh - tác giả kịch bản và lời bình phim "Hà Nội trong mắt ai" nổi tiếng - đã nhận xét: "Bố Lê Thương giỏi quá. Không hiểu sao bố ấy lại nghĩ ra hình tượng núi non thương tình người vọng phu kéo nhau đi thăm nàng để rồi nằm thành Trường Sơn vạn lý xuyên nước Nam, rồi lại nhiều đồi rủ nhau kéo thành đảo ra xa tới khơi ngàn xem chàng về hay chưa? Tuyệt vô cùng!". "Hòn vọng phu" thứ hai được Lê Thương viết năm 1946. Ông muốn gửi gắm chút tâm sự về cuộc kháng chiến lúc bấy giờ chăng?
Trong "Hòn vọng phu" thứ ba còn có tên "Người chinh phu về", Lê Thương đã để người chinh phu bước dọc theo lịch sử Việt Nam qua những địa danh thành Cổ Loa, đền Vạn Kiếp, vượt Hoàng Sơn, vòng thành Huế, đất miền Đồng Nai… để rồi thấy "Núi đá thu rêu đã lấp mờ bao nghìn xưa…". Như một chuyện kể bằng âm nhạc, 3 "Hòn vọng phu" của Lê Thương đã lan tỏa và đứng sừng sững trong lòng dân chúng từ Nam chí Bắc bao nhiêu năm qua. Và chắc còn mãi mãi.
Tôi được gặp bác Lê Thương lần đầu tiên vào mùa hè năm 1985 ở Sài Gòn. Hôm ấy, tôi cùng vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao đến thăm bác tại tư gia 55 Bùi Viện. Bác quả là một người hóm hỉnh, vui tính. Nhất là hôm tất cả kéo sang nhậu ở nhà anh Lê Thắng, đường sông ở mạn cầu chữ Y, Lê Thương sương sương chút men hát rất hay: "Sớm bắt bướm hái hoa tung tăng nô đùa - Chiều lại ra vườn hoa dạo chơi - Tối quyến luyến má ba reo ca bên đèn - Bảy giờ đêm nằm mơ thấy tiên". Đó là giai điệu bài hát thiếu nhi mang tên "Tuổi thơ" rất hay của Lê Thương mà tôi đã thuộc từ khi còn rất nhỏ.
Bác mong có ngày ra Hải Phòng thăm bố tôi và lại cùng ăn bít-tết bánh mì. Nhưng sức khỏe đã giữ chân bác. Bác mất ngày 18-9-1996. Năm ấy nghe tin bác Hộ qua đời, bố tôi cũng buồn mất một dạo. Chắc sau ngày bố tôi chuyển cõi, bác và bố tôi đã gặp nhau ở cõi xa xăm.
Tôi kính trọng Lê Thương ngoài những kỷ niệm tình cờ giữa bác với tôi, kỷ niệm thuở hàn vi giữa bác với bố tôi và còn vì bác là một nhạc sĩ tân nhạc mà nhạc Việt của cha ông đã ngấm sâu trong mạch máu. Đừng hoài công tìm ở những sáng tác của Lê Thương có chút gì "lai căng". Bác đã sống, đã thở ra nhạc Việt cho ta tự hào.
Văn Cao luôn gọi là thầy Lê Thương, tên khai sinh là Ngô Đình Hộ. Ông sinh năm 1913 tại Nam Định. Sau khi tốt nghiệp sư phạm Hà Nội , thầy giáo Hộ về dạy học tại Trường Trung học Lê Lợi, Hải Phòng. Ở đấy, ông trở thành đồng nghiệp với bố tôi - thầy giáo Chín. Bên cạnh cái thú sáng sáng cùng bố tôi đi điểm tâm bít-tết bánh mì, bác Hộ (bố tôi hay gọi nhạc sĩ Lê Thương như vậy) còn có cái thú chơi với nhóm thanh niên trẻ ưa ca hát của Hoàng Quý, Canh Thân, Phạm Ngữ, Hoàng Phú (nay là nhạc sĩ Tô Vũ), Văn Cao, nàng Cúc Phương (tức hoa khôi Nguyễn Thị Cúc Phương), nàng Thư Nhàn… Không biết vô tình hay cố ý, bác Hộ lấy cái tên làm âm nhạc của mình là Lê Thương lại nhằm vào một trong đội ngũ cung (Cung, Thương, Giốc, Thủy, Vũ). Sinh thời, Văn Cao luôn gọi Lê Thương là thầy dạy nhạc của mình. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)