Claudio Monteverdi - nhà tiên tri của âm nhạc
Năm 2017 đánh dấu kỷ niệm 450 năm ngày sinh của Claudio Monteverdi, nhà soạn nhạc được những người cùng thời tôn xưng là “oracolo della musica” (nhà tiên tri của âm nhạc). Ông là một bậc thầy cách mạng của thể loại motet và madrigal, người đã sáng tác các vở opera lớn đầu tiên của Ý và viết ra thứ âm nhạc kết hợp kỹ thuật thanh nhạc phức điệu thời Phục hưng với những cấu trúc của thời Baroque. Thường được gọi là “bậc thầy opera”, Monteverdi đánh dấu sự thay đổi từ phong cách Phục hưng trong âm nhạc sang phong cách thời kỳ Baroque.
Claudio Monteverdi (1567-1643) là một trong những nhân vật có tầm nhìn xa trông rộng vĩ đại nhất trong thế giới âm nhạc. Như Beethoven khoảng 200 năm sau, ông nhanh chóng tinh thông và tận dụng hết truyền thống âm nhạc mình thừa hưởng – các kiệt tác hợp xướng theo phong cách phức điệu thời kỳ Phục hưng hay còn gọi là “prima prattica” – và đẩy nhanh tốc độ thay đổi phong cách, tiến tới những vinh quang của thời kỳ Baroque hay “seconda prattica”.
Ngay từ năm 1600, các xu hướng “hiện đại chủ nghĩa” của Monteverdi đã bị nhà lý thuyết đối thủ người Bologna, Giovanni Artusi, phê phán qua một tập sách mỏng, chế nhạo những kỹ thuật tiến bộ của Monteverdi.
Monteverdi đáp trả trong lời nói đầu của Tập Madrigal thứ năm của mình bằng cách cam đoan với thính giả rằng họ có thể “yên tâm vì chừng nào sự thuận tai và nghịch tai còn liên quan đến nhau thì quan điểm của tôi càng được chứng minh là đúng bằng sự thỏa mãn mà nó mang đến cho cả đôi tai và trí óc.”
Monteverdi không chỉ là người đả phá truyền thống như đã chứng tỏ trong những lá thư hiện còn sót lại của ông, những lá thư bộc lộ một con người quan tâm sâu sắc đến nghệ thuật của mình và rất nhạy cảm với những lời chỉ trích. Những lá thư cũng bộc lộ rằng việc mất đi người vợ đầu tiên, Claudia, vào năm 1607 là gần như quá sức chịu đựng với ông và rằng ông thực hiện nghĩa vụ làm cha rất nghiêm túc. Trên tất cả, đây chính là điều đã đẩy thiên tài của Monteverdi tới những đỉnh cao. Vừa phải làm cha vừa phải đương đầu với chứng trầm cảm, ông đã tìm ra lối thoát trong âm nhạc.
Cuộc cách mạng opera ở thời kỳ trứng nước
Là con trai cả của một thợ hớt tóc kiêm nhà phẫu thuật1, Monteverdi bắt đầu soạn nhạc từ thời niên thiếu và xuất bản tập motet2 ba bè đầu tiên tại Venice ở tuổi 15. Hai năm sau, ông xuất bản một tập canzonetta3và đến năm 1587 thì xuất bản tập đầu tiên trong số chín tập madrigal4.
Thành công bước đầu này đã giúp ông được bổ nhiệm làm nhạc công viol5 tại triều đình Mantua vào năm 1592. Nhưng việc này có vẻ lại là một hiểm họa, vì vương công Mantua khởi sự chinh phục người Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1595 và Monteverdi bị buộc phải đi theo để động viên tinh thần binh sĩ.
Ông đã sống sót qua nhiều cuộc đụng độ và bốn năm sau đó kết hôn với ca sĩ cung đình Claudia de Cattaneis, người sinh cho ông hai cậu con trai và một cô con gái – cô con út qua đời lúc còn ẵm ngửa.
Đến thời gian được bổ nhiệm làm maestro di cappella6 tại Mantua năm 1601, Monteverdi đã nổi danh là một trong những ngôi sao âm nhạc đang lên của Ý. Thế nhưng việc xuất bản các tập madrigal thứ tư (1603) và thứ năm (1605) của ông thật sự giống như việc đặt con mèo giữa đàn bồ câu.
Các quy tắc hàn lâm vốn có đã bị gạt bỏ hoàn toàn khi Monteverdi tạo ra các tiến trình hòa âm mới mẻ, mang tới cho lời ca sức sống chưa từng có trước đây. Các bản sao chép được lan truyền rộng rãi, tạo ra một bầu không khí hào hứng trong giới sành nhạc thời ấy.
Giai đoạn sáng tạo ban đầu này đã lên đến đỉnh điểm với buổi công diễn lần đầu vở opera đầu tay L’Orfeo. Đây là vở opera sớm nhất mà ngày nay vẫn thường xuyên được biểu diễn. Dù lấy cảm hứng từ cùng một câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp nhưng so với L’Euridice của Peri7, L’Orfeo của Monterverdi có những thay đổi mang tính lịch sử. Thay vì sử dụng các đàn lute, Monterverdi đã mở rộng biên chế dàn nhạc bằng việc dùng các đàn dây, harpsichord, organ, trumpet, recorder (ống tiêu)... khiến phần nhạc của opera trở nên giàu màu sắc và có tính tương phản rõ nét. Monterverdi cũng mở đầu opera bằng một đoạn nhạc ngắn, tiền thân của overture3 sau này. Ông cũng tạo cho các nhân vật sự khác biệt bằng những nét nhạc đặc thù. Recitative8 trong vở opera này không chỉ truyền tải nội dung ca từ mà còn thể hiện ý nghĩa của ca từ, khắc họa diễn biến nội tâm sâu sắc của nhân vật.
Vậy là chỉ bằng một cú ra đòn, Monteverdi đã cách mạng hóa một thể loại vẫn còn trong thời kỳ trứng nước. Các tình huống kịch tính mà trước đây chỉ khiến người xem hơi gật gù thì nay bắt đầu tác động một cách nghiêm túc tới cảm xúc của họ. Âm nhạc sẽ chẳng bao giờ như trước nữa. Khả năng thiên bẩm của Monteverdi trong việc chuyển dịch hình ảnh thị giác sang âm nhạc còn được thể hiện bằng hiệu quả vô cùng ấn tượng trong các vở ballet của ông mà nổi bật nhất là vở Il Ballo Delle Ingrate (1608).
Sự nghiệp đỉnh cao ở Venice
Bị buộc phải quay lại làm việc sau cái chết của người vợ vào năm 1607, Monteverdi càng ngày càng chán ngán đời sống ở Mantua. Năm 1610, với hy vọng có được một vị trí ở Rome, Monteverdi đã đề tặng một tập tác phẩm âm nhạc nhà thờ mới sáng tác có tên Vespers cho Giáo hoàng. Nỗ lực sáng tạo này được thực hiện trong giai đoạn ông vẫn vô cùng thương tiếc người vợ và trở nên ốm yếu đến mức các bác sĩ phải dùng đến biện pháp trích máu.
Bất chấp những nỗ lực hết mức của Monteverdi, cánh cửa tới Rome vẫn không mở ra. Khi vương công Vincenzo của Mantua qua đời vào năm 1612, vương công kế nhiệm không cần Monteverdi phục vụ nữa nên thải hồi ông. Vào năm tiếp theo, vị trí maestro di cappella tại nhà thờ St Mark ở Venice đã sẵn sàng đợi Monteverdi và ông gây ấn tượng lớn tại đó đến độ lương của ông được tăng lên gần gấp đôi trong vòng ba năm.
Giai đoạn Monteverdi phục vụ tại Venice là một đỉnh cao trong sự nghiệp lâu dài và lừng lẫy của ông. Vào năm 1619, ông xuất bản tập madrigal thứ bảy trong đó lối hòa âm táo bạo các tập trước được phát triển hơn nữa. Năm năm sau, tác phẩm sân khấu lai ghép giữa hát và hát nói Il Combattimento Di Tancredi E Clorinda (tạm dịch: Trận chiến giữa Tancredi và Clorinda) của ông được công diễn lần đầu. Libretto của nó là một số khổ thơ trích từ tập trường ca La Gerusalemme Liberata của Torquato Tasso. Tác phẩm “chiến trận” đột phá này – tiền thân của Wellington’s Victory của Beethoven và Overture 1812 của Tchaikovsky – khiến khán giả bị mê hoặc.
Lần đầu tiên dàn nhạc xuất hiện như một cơ thể độc lập với tất cả các kiểu cách kỹ thuật trong kho vũ khí của nó - đáng chú ý nhất là Concile Concile (phong cách kích động), được đặc trưng bởi các nốt lặp lại rất nhanh để gợi lên một trạng thái kích động hay khiêu chiến. Cuối cùng, khi hai chiến binh giáp mặt, kỹ thuật pizziato bất ngờ và chói tai gợi lên tiếng gươm đao giao đấu, trong khi tiếng ngựa phi được thể hiện bằng sự lặp lại của cùng một hợp âm nhảy cách quãng theo nhịp ba.
Đáng buồn là không phải toàn bộ các tác phẩm hay nhất của Monteverdi trong thời kỳ này đều còn lại đến ngày nay. Cả vở opera Proserpina Rapita năm 1630 chỉ còn sót lại một khúc trio, bản mass9 tạ ơn viết cho nhà thờ St Mark năm 1631 chỉ còn lại khúc Gloria. Tập madrigal thứ tám (1638) cho thấy một bước ngoặt nữa trong sự nghiệp của Monteverdi, người hình như dùng nó như một sự hồi tưởng về âm nhạc và các lý thuyết của mình trong 30 năm qua. Tập madrigal này cũng chứa đựng các sáng tác chứng tỏ sự phát triển liên tục về kỹ thuật và lý thuyết âm nhạc của Monteverdi. Gần như quay lưng lại với những cách đối âm năm bè rắc rối mà ông đã làm rất nhiều để phát triển, ông bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến ngôn ngữ hòa âm thuần khiết với các bè cùng dịch chuyển theo khối. Ông cũng đặt nhiều tin tưởng hơn vào các giọng hát solo được dàn đồng ca hát đáp gần như theo lối hát thời Trung cổ.
Monteverdi trở thành linh mục vào năm 1632 và rất có thể đã gác bút soạn opera mãi mãi nếu như nhà hát opera công cộng đầu tiên không được mở tại Venice vào năm 1637. Ông đã viết cho nhà hát này ba kiệt tác cuối cùng: Il Ritorno D’Ulisse In Patria (1640), Le Nozze D’Enea Con Lavinia (1641, bị thất lạc) và L’incoronazione Di Poppea (1642).
Monteverdi qua đời vào năm 1643 ở tuổi 76, một thời gian ngắn sau chuyến thăm quê hương Cremona lần cuối cùng. Ông yên nghỉ tại nhà thờ Frari tại Venice sau khi đã đơn thương độc mã chỉ ra phương hướng mà thế giới âm nhạc Ý sẽ đi trong 400 năm tiếp theo.
----
1 Nguyên văn barber-surgeon, một nghề nghiệp tồn tại từ thời Trung cổ cho đến thế kỉ 18 khi việc mổ xẻ chữa bệnh được giao cho giới thợ cạo dưới sự giám thị của thầy thuốc tu sĩ. Vì một bên khéo tay, quen sử dụng dao kéo còn một bên thì không được phép đụng chạm đến máu.
2 Motet: thể loại thanh nhạc có từ cuối thời kỳ Trung cổ. Đây là một trong những hình thức phức điệu nổi bật trong âm nhạc thời kỳ Phục hưng.
3 Canzonetta: thể loại thanh nhạc thế tục bắt nguồn từ Ý và rất phổ biến vào thời Phục hưng. Nó có phong cách nhẹ nhàng hơn thể loại Madrigal.
4 Madrigal: thể loại thanh nhạc thế tục phức điệu viết cho nhiều giọng hát ở thời kỳ Phục hưng và đầu thời kỳ Baroque.
5 Viol (còn gọi là viola da gamba hay gamba): loại nhạc cụ dây rất phổ biến vào thời Phục hưng và Baroque.
6 Nhạc sĩ chịu trách nhiệm cao nhất trong hoạt động âm nhạc của một nhà thờ.
7 L’Euridice của Jacopo Peri (1561-1633) là vở opera sớm nhất được lưu giữ trọn vẹn đến ngày nay.
8 Recitative: đoạn hát nói, có thể có nhạc đệm hoặc không.
9 Mass: Một hình thức hợp xướng tôn giáo được sử dụng trong lễ ban thánh thể.
Từ tháng Tư đến tháng 10 năm nay, các nghệ sĩ solo quốc tế sẽ hội ngộ với Dàn hợp xướng Monteverdi để biểu diễn bộ ba opera kiệt tác của Monteverdi còn tồn tại đến ngày nay - L’Orfeo, Il ritorno d’Ulisse in patria, và L’incoronazione di Poppea - dưới sự chỉ huy của Sir John Eliot Gardiner với hơn 30 buổi biểu diễn (ba buổi trong đó được truyền hình trực tiếp) tại 12 thành phố thuộc Anh, Tây Ban Nha, Ý, Áo, Thụy Sĩ, Đức, Ba Lan, Pháp và Mỹ. Trong các buổi biểu diễn đó, các nhạc cụ đẹp đẽ thời Monteverdi sẽ được đặt giữa sân khấu để đóng vai trò trung tâm trong tiến trình kể chuyện. Cũng nhân dịp kỉ niệm trọng đại này, hãng Deutsche Grammphon vừa phát hành cặp đôi CD “The Beauty of Monteverdi”, một sản phẩm lý tưởng cho những ai mới bắt đầu làm quen với Monteverdi, đồng thời cũng có thể làm thỏa mãn ngay cả những tai nghe sành sỏi. |
(Nguồn: http://tiasang.com.vn)