Chương trình âm nhạc vinh danh cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên

06/06/2017

Cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên

Ngày 30 tháng 5 năm 2017, tại Hà Nội, Đoàn nghi lễ Quân đội đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ” nhằm tri ân và tôn vinh người Đoàn trưởng đầu tiên Trung tá, cố NSND Đinh Ngọc Liên bởi những đóng góp của ông trong quá trình xây dựng đơn vị, đặc biệt để vinh danh Giải thưởng Hồ Chí Minh mà ông được Nhà nước trao tặng, qua đó cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ nghệ sĩ toàn Đoàn noi gương thế hệ cha anh, phát huy truyền thống, cống hiến tài năng tích cực học tập, rèn luyện, lao động sáng tạo, sáng tác, phối khí nhiều hơn các tác phẩm âm nhạc có chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị, phục vụ Quân đội và đất nước.

Đến dự có: Thiếu tướng Hồ Thanh Tự - Chủ nhiệm chính trị, Bộ tổng tham mưu; Đại tá Lê Quang Bắc - Đoàn trưởng Đoàn nghi lễ Quân đội; nhạc sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo Đoàn nghi lễ Quân đội các thời kỳ, gia đình cố nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên.

Về phía Hội Nhạc sĩ Việt Nam có: PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội; nhạc sĩ Đức Trịnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội; NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội; NSND Quang Thọ - Ủy viên Ban Chấp hành.

Chương trình nghệ thuật “Đi theo tiếng gọi Bác Hồ” gồm 3 phần:

Phần 1: Cách mạng tháng 8 năm 1945 và sự ra đời của Quân nhạc Cách mạng, với những ca khúc “19 tháng Tám” của nhạc sĩ Xuân Oanh, do tốp ca nam nữ Đoàn nghi lễ Quân đội trình bày. Bài hát ra đời đúng ngày Cách mạng 19-8-1945 đã trở thành khúc ca truyền thống mỗi dịp kỷ niệm ngày giành chính quyền và mừng khai sinh nước Việt Nam độc lập; ca khúc “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” của Văn Cao, do NSND Quang Thọ trình bày. Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, nước ta đã làm nên Cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, và chính cuộc Cách mạng đó đã đưa nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên cùng đội Quân nhạc Bảo an binh đi theo Cách mạng trở thành Ban Âm nhạc giải phóng quân - tiền thân của Quân nhạc Đoàn nghi lễ quân đội ngày nay; ca khúc “Người Hà Nội” của Nguyễn Đình Thi, do ca sĩ Lưu Luy trình bày. Bài hát ra đời năm 1946 trong bối cảnh toàn quốc hưởng hứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch đứng lên kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là một bản trường ca về âm thanh mang tính chất liên khúc ngợi ca vẻ đẹp cổ kính của Hà Nội đồng thời miêu tả cuộc kháng chiến anh dũng của quân và dân Thủ đô trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến.


Ca ngợi Hồ Chủ Tịch


Người Hà Nội

Phần 2: Một số sáng tác tiêu biểu của NSND Đinh Ngọc Liên: Tác phẩm “Phất cờ Nam tiến” của Đại tướng Hoàng Văn Thái sáng tác năm 1944 khi cao trào khởi nghĩa đánh Pháp, đuổi Nhật sục sôi khí thế cách mạng. Trong một lần xuống thăm Quân nhạc, Đại tướng đã trực tiếp hát bài hát đó và nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên ghi âm lại và phối khí cho quân nhạc. Năm 1962, Đoàn Quân nhạc đã biểu diễn dưới hình thức hát cùng dàn nhạc. Từ đó đến nay tác phẩm thường xuyên được sử dụng trong các buổi duyệt, diễu binh; các tác phẩm của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên sáng tác “Phủ Thông chiến thắng” ra đời năm 1949 là hành khúc ngợi ca chiến công của bộ đội ta đánh đòn Phủ Thông thắng lợi, mở đầu cho chiến dịch giải phóng nhân dân Bắc Kạn khỏi sự chiếm đóng của thực dân Pháp; tác phẩm “Hải cảng ta về” ra đời trong không khí hân hoan, phấn khởi đó được phối khí thành một bản khí nhạc cho quân nhạc. Tác phẩm có tính chất âm nhạc hùng tráng, theo nhịp hành khúc thường xuyên được sử dụng trong diễu binh, diễu hành. Ngày 13 tháng 5 năm 1955, bộ đội ta tiến vào giải phóng thành phố cảng Hải Phòng. Sau 9 năm kháng chiến, người dân hân hoan theo bước chân của Đoàn quân giải phóng có quân nhạc dẫn đầu tiến về quảng trường Nhà hát Lớn, mít tinh chào mừng ngày giải phóng quê hương; tác phẩm “Vọng gác tiền tiêu miền duyên hải” là bản khí nhạc ra đời năm 1964, tính chất trữ tình mang âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ. Tác phẩm ngợi ca tinh thần dũng cảm trong chiến đấu, lạc quan trong lao động sản xuất của quân dân Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ, không quản gian khổ, hy sinh, kiên cường bám trụ, xứng đáng là vọng gác tiền tiêu của tổ quốc. Tác phẩm được biểu diễn trong những năm kháng chiến chống Mỹ đã có sức cổ vũ lớn lao quân và dân miền Bắc trong lao động và chiến đấu; tác phẩm “Xuân chiến thắng” – mừng xuân, mừng chiến thắng của quân ta trước giặc Pháp xâm lược, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã thao thức nhiều đêm để hoàn thành một tác phẩm tâm đắc cho dàn nhạc kèn. Tác phẩm nổi tiếng đã được phát nhiều lần trên sóng đài Tiếng nói Việt Nam.


Phất cờ Nam tiến

Phần 3: Nói lên sự trưởng thành và phát triển của Quân nhạc Việt Nam: “Trên đường chiến thắng” của Vũ Bằng Thành; “Hành khúc Đoàn nghi lễ Quân đội anh hùng” của Phong Hải, do tốp ca Đoàn nghi lễ Quân đội trình bày.

Chương trình do Dàn nhạc Đoàn nghi lễ quân đội trình bày, chỉ huy: Đại tá, NSƯT Đỗ Xuân Biểu; Trung tá - NSƯT Đào Quang Tiến.

Tại buổi lễ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có bài phát biểu:

“Từ trong hiện thực cuộc sống chiến đấu gian khổ ác liệt của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chủ nghĩa anh hùng cách mạng đã trở thành ngọn lửa thổi bùng lên niềm cảm hứng lớn lao trong sáng tạo nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ. Từ đó đã có nhiều tác phẩm âm nhạc tràn đầy âm hưởng lạc quan, hùng tráng và lãng mạn cách mạng làm xúc động hàng triệu con tim, tạo nên những giá trị tinh thần lớn lao thôi thúc hàng triệu người chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu

Ngày 20 tháng 5 năm 2017, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, giới văn học nghệ thuật vô cùng tự hào, phấn khởi và xúc động chứng kiến Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, là những phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước dành tặng những tác phẩm văn học, nghệ thuật xuất sắc nhất của những tác giả tiêu biểu trong đội ngũ văn nghệ sĩ. Các tác giả có tác phẩm, công trình được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, bằng tài năng sáng tạo đặc biệt và sức lao động bền bỉ, đã sáng tạo nên các tác phẩm có giá trị đặc biệt về nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà.

Trong niềm vui chung của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước, hôm nay chúng ta rất vui mừng có mặt tại đây để tôn vinh một nhạc sĩ tiêu biểu - NSND, nhạc sĩ, nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên vừa được Chủ tịch nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Là một nghệ sĩ - chiến sĩ thực thụ, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã có nhiều đóng góp quan trọng và xuất sắc trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam trên nhiều lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, đào tạo và hoạt động xã hội. Từ người nhạc công, nhạc trưởng với thực tiễn âm nhạc nhà binh, âm nhạc nhà thờ Catolic và những hiểu biết về dân ca cổ truyền, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đến với âm nhạc cách mạng bằng công việc hòa âm, phối khí, chuyển soạn các bản hành khúc cách mạng sang dàn nhạc kèn diễn tấu để phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến như Cùng nhau đi hồng binh, Tiến quân ca, Diệt phát xít, Du kích ca... Trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Pháp, ông còn sáng tác kịp thời ca ngợi chiến công của bộ đội và nhân dân, năm 1949 ông có tác phẩm Chiến thắng Phủ Thông; sau chiến thắng Biên giới ông viết bản nhạc theo nhịp Valse  Xuân Chiến thắng, rồi sau này là Hải cảng về ta, Vọng gác tiền tiêu... vừa hào hùng, vừa lãng mạn vừa phảng phất âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc bộ. Ngày nay, trong các sự kiện lớn của đất nước, những bản nhạc ấy vẫn vang lên trong âm hưởng của dàn nhạc Quân nhạc Việt Nam ở khắp mọi miền của Tổ quốc, dù ít người biết đó là những tác phẩm của Đinh Ngọc Liên giống như bài hành khúc 16 nhịp trống ếch trước kia, dường như âm nhạc của ông đã được dân gian hoá trong đời sống âm nhạc hôm nay vậy.


Hải cảng về ta

Trong gian khó của kháng chiến, ông sáng tạo ra dàn nhạc tre nứa để khắc phục thiếu thốn về nhạc cụ và kịp thời phục vụ động viên bộ đội và nhân dân. Từ trong kháng chiến và nhất là những năm sau hòa bình lập lại, với vốn liếng âm nhạc của mình, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã tích cực góp sức vào công việc đào tạo các thế hệ âm nhạc mới nhất là đối với bộ môn hòa tấu và chỉ huy dàn nhạc trong những năm đầu thành lập Trường âm nhạc Việt Nam, vườn ươm của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, nhạc sĩ âm nhạc tài năng của đất nước.

Năm 1956, trong quá trình vận động tổ chức các Hội Nghệ thuật, đã nhất thời hình thành Hội Nhạc sĩ biểu diễn, trong đó Nhạc trưởng Đinh Ngọc Liên là một gương mặt tiêu biểu. Khi thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, năm 1957 thống nhất cả sáng tác, biểu diễn và đào tạo âm nhạc... Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên được bầu vào Ban Chấp hành của Hội. Ông là người đồng chí, người bạn lớn của các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Phạm Đình Sáu,… Họ là những người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nên ngôi nhà chung - Hội Nhạc sĩ Việt Nam lớn mạnh ngày nay.


Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân tặng hoa chúc mừng Dàn nhạc và gia đình nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên

Trong đợt trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước năm 2016, giới nhạc sĩ Việt Nam vinh dự có 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh và 17 nhạc sĩ Giải thưởng Nhà nước. Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên cùng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về âm nhạc của các nhạc sĩ: Chu Minh, Trọng Bằng, Doãn Nho, Hoàng Hà, Thuận Yến. Đây là một niềm vui lớn, niềm tự hào và như một bó hoa đẹp của giới âm nhạc trong năm kỷ niệm lần thứ 60 ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1957-2017)”.

*
*      *

NSND, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên sinh năm 1911 tại xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Năm 1930, vì mưu sinh, Đinh Ngọc Liên gia nhập đội quân lính Khố Xanh và lên đến chức quản kèn. Ngày 19/8/1945, trước khí thế sôi sục của cuộc cách mạng, ông cùng 72 nhạc công trong đội kèn lính Khố Xanh theo tiếng gọi của Đảng đã về với Cách mạng và được đặt tên là Ban Âm nhạc giải phóng quân, tiền thân của Đoàn nghi lễ Quân đội ngày nay. Đây thực sự là một bước ngoặt trong cuộc đời ông. Từ đây dưới ánh sáng của cách mạng, vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quân tâm, động viên, giáo dục, ông đã mang hết tài năng nghệ thuật và sức lực phục vụ sự nghiệp cách mạng, phục vụ kháng chiến.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã có công lao và tài năng rất lớn trong 3 lĩnh vực: đào tạo, chỉ huy, sáng tác, đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển của ngành quân nhạc Việt Nam.

Về đào tạo, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên vừa là người chỉ huy, vừa là người thầy trực tiếp chỉ bảo hướng dẫn cặn kẽ từng nốt nhạc, từng động tác. Ông đã đào tạo nhiều thế hệ nhạc sĩ, nhạc công trưởng thành, có nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ tài năng của Quân đội như: Nguyễn Thành, Huy Thục, Nguyễn Lầy, Trọng Mai... Nhiều nghệ sĩ trở thành những cán bộ nòng cốt của Đoàn nghi lễ Quân đội các thời kỳ như: Trịnh Tân, Trịnh Thọ, Vũ Bằng Thành…, các nghệ sĩ ưu tú: Văn Tiến, Trần Mai Huyên, Nguyễn Hòa, Phạm Đồng Lạc... Nói tới công lao đào tạo của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, GS. nhạc sĩ Lưu Hữu Phước trong lời tựa cho cuốn hồi ký của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đã viết “Nếu như lịch sử âm nhạc thế giới yêu cầu giới thiệu một thành tựu cách mạng tiêu biểu, một gương sáng về khả năng ứng dụng tài năng âm nhạc cho nhu cầu kháng chiến về hoạt  động đào tạo nhảy vọt từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, thì tôi xin giới thiệu nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên đi nhận vòng nguyệt quế”.

Trong lĩnh vực chỉ huy dàn nhạc, NSND Đinh Ngọc Liên là một người chỉ huy tài năng, có phong cách rất riêng của người chỉ huy quân nhạc. Ngôn ngữ, phong thái chỉ huy khúc triết, rõ ràng, tinh tế nhưng chứa đựng một tâm hồn âm nhạc uyển chuyển, bay bổng. Ông đã chỉ huy hầu hết các buổi hòa nhạc và Nghi lễ trọng đại của Đảng, Nhà nước, quân đội trong những ngày đầu cách mạng thành công, trong kháng chiến chống Pháp và sau năm 1954 như: Quốc khánh 2/9/1945, Tuần lễ vàng, Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I năm 1946, Đón tiếp phái bộ đồng minh vào giải giáp phát xít Nhật. Tiễn Bác Hồ đi dự hội nghị Phông-ten-nơ-blô, Lễ mừng chiến thắng Việt Bắc tại Bắc Kạn ngày 19/2/1947, Tiếp quản Thủ đô Hà Nội 10/10/1954, Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969… Năm 1960 trong Hội diễn các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp miền Bắc, cùng với giải toàn đoàn, nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên được tặng Huy chương Vàng về chỉ huy dàn nhạc. Năm 1983 ông được Đảng và Nhà nước phong tặng Danh hiệu NSƯT, năm 1989 tiếp tục được phong tặng Danh hiệu NSND.

Trong lĩnh vực hòa âm phối khí và sáng tác âm nhạc cho quân nhạc, giai đoạn đầu cách mạng và trong khánh chiến chống Pháp, duy nhất một mình ông đảm nhiệm. Mãi sau này năm 1957 trở đi mới có những lớp cán bộ được đào tạo kế tiếp thay thế dần. Các tác phẩm do ông phối khí rất nhiều, tiêu biểu là: Quốc ca Việt Nam, Quốc ca Ấn Độ, các tác phẩm “Thiên thai”, “Suối mơ”, “Bắc Sơn” của Văn Cao; “Diệt Phát xít” của Nguyễn Đình Thi; “Du kích ca” của Đỗ Nhuận; “Tiếng gọi thanh niên”, “Việt Nam minh châu trời Đông” của Lưu Hữu Phước, “Tiếng chuông nhà thờ” của Nguyễn Xuân Khoát… và nhiều tác phẩm khác.

Về lĩnh vực sáng tác, tác phẩm của nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên tuy không nhiều, nhưng đều là những tác phẩm đánh dấu đậm nét những giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam, những chiến công của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sáng tác của ông đều viết cho dàn kèn quân nhạc với những cung bậc, mang âm hưởng hào hùng. Thu đông năm 1947, sau khi quân và dân ta có hàng loạt chiến thắng trên chiến trường Việt Bắc, đập tan ý đồ tiến lên Việt Bắc để tiêu diệt bộ máy đầu não kháng chiến của giặc Pháp. Cùng với “Trường ca sông Lô” của nhạc Văn Cao, ông sáng tác “Phủ Thông kháng chiến”. Tác phẩm vẫn thường xuyên sử dụng trong quân nhạc cho tới ngày nay vì tính chất âm nhạc rạo rực, thôi thúc lòng người, qua âm hưởng của kèn đồng vang lên khúc ca chiến thắng. Năm 1950 sau chiến thắng biên giới, mở cánh cửa nối liền nước ta với phe Xã hội chủ nghĩa, ông viết tác phẩm “Xuân chiến thắng”. Tác phẩm này đã được sử dụng trong Hội diễn ca múa nhạc miền Bắc năm 1960 và được đánh giá cao, cùng với 4 tác phẩm khác được tặng Huy chương Vàng. Tháng 5 năm 1955 khi Đoàn quân nhạc cùng với Đại đoàn Đồng Bằng và Trung đoàn Trung Dũng vào tiếp quản thành phố cảng Hải Phòng, ông đã sáng tác bản hành khúc “Hải cảng về ta” mang âm hưởng dạt dào và mạnh mẽ. Bản hành khúc đến nay vẫn thường xuyên được sử dụng trong các nghi lễ của Đảng, Nhà nước và Quân đội.

Ngoài ra nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên còn sáng tác các bản nhạc làm kèn hiệu xây dựng chính quy của Quân đội năm 1958, bản “Hành khúc chiến thắng” năm 1954, “Chiến sĩ Thủ đô” năm 1967, “Hành khúc tang lễ” 1968. Đặc biệt năm 1969 khi Bác Hồ qua đời, ông đã thức trắng cả đêm để viết “Khúc trống tang” phục vụ Lễ tang của Người.

Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên là người nghệ sĩ, chiến sĩ vinh dự được gắn cuộc đời mình với nhiều mốc son của lịch sử của dân tộc. Ông đã trực tiếp chỉ huy Quân nhạc cử Quốc ca trong Lễ Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945, Lễ đón Bác Hồ và Trung ương Đảng từ Việt Bắc trở về Thủ đô năm 1954 và Lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1969. Ông cũng là người có nhiều đóng góp xây dựng lực lượng Quân nhạc Quân đội Nhân dân Việt Nam.


Nhạc sĩ Nhân dân Đinh Ngọc Liên với Bác Hồ

Sau 30 năm trên cương vị người chỉ huy, nhạc trưởng, nhạc sĩ phục vụ Tổ quốc, phục vụ Quân đội Nhân dân, năm 1974 ông được về nghỉ hưu. Ông mất năm 1991, hưởng thọ 79 tuổi. Cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật của NSND Đinh Ngọc Liên là một tấm gương về sự tận tụy, thủy chung, cống hiến, hy sinh không biết mệt mỏi. Ông đã để lại những tác phẩm còn sống mãi với thời gian, những danh hiệu và phần thưởng cao quí: NSƯT, NSND, Giải thưởng Hồ Chí Minh… là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân đối với người nghệ sĩ tài năng, đức độ.  

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...