Sáu năm dài “sôi kinh nấu sử”

02/03/2017

26-10-1956 là ngày khai giảng khóa đầu tiên Trường Âm nhạc Việt Nam tại 32 Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Trong số học viên khóa I này có nhóm chúng tôi nguyên là học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn, là đoàn viên Thanh niên Xung phong Trung ương từ các công trường ở Phú Thọ và Cầu Đuống, gồm có: Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Văn Hoa, Trương Châu Mỹ, Vũ Văn Luyến, Phạm Minh Lộc, Nguyễn Văn Tài và Võ Hồng Thế.


Học viên Trường Âm nhạc Việt Nam. Nguồn ảnh: Trần Mùi

Chúng tôi có người học piano, violon, violoncelle, contrebasse, có người học thanh nhạc.

Lớp sáng tác có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng qua chín năm chống Pháp, và sau này trong những năm chống Mỹ, như: Hoàng Việt, Ngô Huỳnh, Hoàng Hiệp, Hồ Bông, Nguyễn Thành, Huy Thục, Hồng Thao, Tô Ngọc Thanh, Lê Quang Nghệ, Hồng Đăng, Trương Đình Quang, Vĩnh Long, Vĩnh Cát, Nguyễn Liệu, Văn Tuyền.

Lớp thanh nhạc có Quý Dương, Trần Hiếu, Thúy Huyền.

Chúng tôi thuê một căn hộ ở số 7C ngõ Trung Tiền, phố Khâm Thiên đặng tá túc. Học bổng mỗi tháng được cấp 22 đồng. Mỗi năm cấp thêm tiền quần áo là 48 đồng. Vì chúng tôi là công nhân của Cục Xây dựng nên thỉnh thoảng được truy lãnh. Chúng tôi hùn tiền mua một cây đàn piano cũ kỹ của cụ Duyệt (tức Lưu Quang Duyệt).

Những tiết học lên lớp chung như: chính trị, mỹ học, văn - sử - địa, Nga văn, hát dân ca ba miền. Vui nhộn nhất là những tiết hát dân ca nhạc cổ. Ai ghiền thuốc lá, thuốc lào thì tha hồ hút. Cái lạ là nhà trường không cấm cái vụ này. Tôi còn nhớ anh Bảy Hoàng Việt khi thèm thuốc lá thì lấy tờ giấy kẻ nhạc, liền sáng tác ra một câu nhạc: “Đứa nào có thuốc lá cho tớ một điếu, cảm ơn”, rồi chuyền tay từ người này sang người nọ.

Sang năm 1957, anh em miền Nam chúng tôi quây quần tại số 13 Cao Bá Quát để đón giao thừa xuân Đinh Dậu. Đây là ký túc xá dành cho học viên còn trong quân ngũ. Bữa ấy có mặt: Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Hồ Bông, Bửu Huyền, Hoàng Mãnh, Khánh Vân, Xuân Mai, Minh Phụng (tức Phụng Xồ) và tám anh em Sài Gòn chúng tôi. Đến phút thiêng liêng đón giao thừa, sau khi nghe giọng nói Bác Hồ chúc Tết đồng bào cả nước… thì anh Hoàng Việt cho chúng tôi thưởng thức một ca khúc vừa mới ra lò. Anh Minh Phụng tằng hắng lấy giọng, anh Hoàng Việt vừa ngậm điếu thuốc vừa nắn nót trên phím đàn guitare:

Khi cất lên tiếng ca gởi về người yêu phương xa

Ta át gió mưa thét gào cuộn dâng phong ba…

Đó là bản Tình ca, mà chúng tôi được “diễm phúc” thưởng ngoạn đầu tiên…

Lớp bổ túc ký xướng âm do thầy Vũ Thuận dạy, ngoài tám anh em chúng tôi còn có anh em bên quân đội, trong đó có Xinh “con” (tức Nguyễn Xinh). Gọi Xinh “con” là vì có ông Xinh “lớn” là bộ đội Nam Bộ tập kết, học contrebasse với thầy Nguyễn Xuân Khoát.

Môn Nga văn khó nuốt nhất. Đúng là “Rutxky day dứt”. Thầy Cao Xuân Hạo cũng là nhạc sĩ nên tánh tình cởi mở, thoải mái với học trò. Một vài người thi học kỳ môn Nga văn giống như “Bùi Kiệm đi thi”, nếu bị 2 điểm thì trong những ngày nghỉ hè phải chăm lo đèn sách để trả nợ. Tôi đã học qua 5 năm liền mà bây giờ chỉ nói được Đa (có) hoặc Nhét (không).

Có lẽ môn học hát dân ca ba miền là vui nhộn nhất, thư giãn nhất. Hát Chèo thì có bác Năm Ngũ dạy Sắp cổ phong, Lới lơ, Sư cụ (Đèn cù), Bà chúa con cua (có tiếng đệm “nứng nứng ự”). Nghệ nhân Mộng Ứng thì truyền lại dân ca Bình Trị Thiên, có Hò mái nhì, Lý ngựa ô, Lý con sáo Huế, Lý hoài xuân, lý hoài nam, Lý tử vi, v.v… Cụ Tam dạy hát Quan họ Bắc Ninh với các bài Hoa thơm bướm lượn, Cây trúc xinh, Qua cầu gió bay, Ngồi tựa mạn thuyền v.v… Còn nhạc sĩ Trần Khiết Tường dạy hát dân ca Nam Bộ với Hò Đồng Tháp, Hò Bạc Liêu, Hò Trà Vinh, Con chim manh manh, Bắc kim thang, Lý con sáo, Lý ngựa ô, Lý chuồn chuồn, Lý bình vôi, Lý cái mơn, Lý cây bông, Lý cây chanh, Nói thơ Bạc Liêu, v.v… Hò mái nhìHò Đồng Tháp thuộc loại khó xơi nhất. Nhạc sĩ Y Dơn, người dân tộc Gia rai mà trả bài những điệu hò này thì cả lớp bò lăn ra, cười muốn sái quai hàm. Anh Y Dơn nói tiếng Kinh chưa được “tròn vành rõ chữ” nên lời ca cứ bị đảo dấu giọng một cách tùy tiện.

Đến kỳ nghỉ hè 1957, tất cả giảng viên và học viên về lao động tại nông trường Đồng Giao tỉnh Ninh Bình. Hằng ngày, dưới trời nắng chang chang oi bức, chúng tôi giẫy cỏ tranh, phát cỏ, cuốc đất tạo thành những vòng tròn để trồng cà phê theo sự hướng dẫn kỹ thuật của chuyên gia nông trường. Nhiều người bị say nắng, ngất xỉu, bàn tay bị dộp phồng. Lao động chân tay vất vả thì cần cái ăn đủ chất lượng để “tái sản xuất”. Nhưng “anh nuôi, chị nuôi” không chuyên, do mỗi lớp thay phiên nấu nướng nên thường xuyên xơi “cơm tám” (chưa chín) hoặc nấu cơm khét bốc mùi. Thấy vậy, tôi xung phong làm anh nuôi. Nguyên nhân cơm sống là do gạo nát để trong kho từ lâu. Vo gạo rồi để nước trong chảo thật sôi mới đổ vào, gạo “ôm” với nhau thành từng cục như trái bóng bàn, ở trong thì gạo không chín được. Tôi nấu kiểu khác, vo gạo xong thì đổ vô chảo khi nước chưa nóng. Và khi nước và gạo sôi ùng ục thì xới cho đều đặn. Được ăn bữa cơm chín với một vài món ăn “Nam Bộ hóa”, tất cả thầy trò “biểu dương” đầu bếp hết lời. Vậy là tôi không vác cuốc ra hiện trường lao động, mà “bị” lãnh nhiệm vụ nấu ăn cho hết đợt ở nông trường cà phê Đồng Giao.

Từ lớp piano khóa I, tôi và Ngô Đông Hải thi vô lớp sáng tác khóa III (1958-1962). Lớp này gồm có Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Đình Tấn, Kim Hùng, Đàm Thanh, Giang Minh Thực, Y Dơn và Thạch Rương. Tôi được Ban giám hiệu cử làm lớp trưởng kiêm khóa trưởng khóa III.

Như vậy còn bốn năm ròng rã nữa, với học bổng 22 đồng một tháng thì đời sống và việc ăn học sẽ gặp nhiều khó khăn vất vả. Phải tranh thủ lao động ngoài giờ học và những ngày nghỉ, như khiêng đàn piano cho nhà trường đến Nhà hát Lớn, đến Câu lạc bộ Quốc tế. Đội “đặc nhiệm” khuân vác piano có năm lao công: Lư Nhất Vũ, Ngô Đông Hải, Nguyễn Văn Hoa, Trương Châu Mỹ và Vũ Văn Luyến. Nguyễn Văn Hoa được bầu làm đội trưởng, gọi là “Cai Hoa”. Khi nào có “xô” thì Cai Hoa gặp ông Tăng Lộc (còn gọi là “Tăng ủa” vì lúc nào ông cũng hay “ủa” ngạc nhiên) để bàn đến tiền nong. Nếu vận chuyển piano droit (như cái tủ đứng) trên đoạn đường ngắn, không khiêng lên lầu thì “barem” rẻ hơn. Nếu chuyển piano à queue (có cái đuôi to đùng) trên đoạn đường dài và khiêng lên cầu thang (trong Nhà hát Lớn) thì phải tăng thêm tiền. Mỗi lần như thế đều đóng góp phần trăm cho quỹ công đoàn nhà trường. Đây là đội quân thiện chiến có tay nghề cao, phải bảo đảm cho cây đàn không bị trầy, không bị xuống dây đàn. Lấy những tấm vải nhung (hoặc nỉ) bó lại, bên ngoài trùm những bao bố tời, rồi ràng buộc dây thừng cho chặt. Bốn người kề vai vào hai cây đòn, khiêng lên rồi từ từ xê dịch. Để đàn lên xe ba gác cho ngay ngắn, ràng cho chặt. Đằng trước, một người kê vai kéo, hai tay nắm hai càng xe như bò trâu kéo xe vậy. Đằng sau thì ba bốn người cùng đẩy. Có lần, tôi chưa kịp ăn cơm (hoặc hết tiền) mà khiêng vác, rồi phải ngồi sau sân khấu cho đến kết thúc đêm diễn thì… ngất xỉu.

Có công việc kiếm ra tiền liên quan đến nghề nghiệp là chép phân phổ cho các vở vũ kịch hoặc giao hưởng (như vũ kịch Tấm Cám). Đó là “lao động trí óc”, còn lao động chân tay là đi làm mướn đan lưới thép thành những cái rọ để đựng đá hộc chống vỡ đê Gia Lâm.

Nghỉ hè 1958, tôi cùng với Ngô Đông Hải và Nguyễn Văn Hoa lên Thái Nguyên gặp Phan Trường Thọ và Quân Văn Cậy ở trường Lương Ngọc Quyến đi ngược lên sông Cầu đốn nứa, kết bè vượt qua thác Hũ, đem nứa về bán cho trạm thu mua lâm sản. Đây là cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm. Suýt chút nữa tôi bị dòng thác cuốn phăng hoặc bị dìm xuống dưới đáy sông. Tôi kết dính ba cái mảng lại để chuẩn bị thả xuôi theo dòng sông. Cầm sào đứng trước cái mảng đi đầu điều khiển, chảy băng băng thật là nên thơ hùng dũng. Nào ngờ khi đổ xuống thác Hũ thì cái mảng đằng sau lại quay ngược lên phía trước. Tôi bất lực để bè mảng bị cuốn vô vòng xoáy quay tít thò lò… Hễ cái đầu mảng sắp thoát ra khỏi vòng xoáy thì bị cuốn quay tròn trở vô. Khoảng 60 phút, tôi mới lừa thế nạy đầu mảng thoát ra được. Cả mấy cái mảng nứa của nhóm đem về bán cho trạm thu mua không đủ tiền bù vào chi phí như mua dao rựa, ăn uống và hao mòn sức lực.

Các môn học của nhà trường thời bấy giờ thật nhiều và thật căng thẳng. Nào là ký xướng âm, chính tả bốn bè hòa âm, tính năng nhạc cụ, phối khí dàn nhạc giao hưởng, hình thức âm nhạc, phức điệu, lịch sử âm nhạc phương Tây, piano, triết học Mác-Lênin, Nga văn, thể dục thể thao, quân sự, chỉ huy dàn nhạc, v.v…

Tiếp thu một cách nhuần nhuyễn ngần ấy kiến thức và những ngón kỹ thuật âm nhạc kể trên thật muốn bở hơi tai. Học sinh nào làm đúng bài bản như trong giáo trình, giống hệt như thầy giảng bao giờ cũng đạt điểm cao (5 điểm). Nhưng sau khi tốt nghiệp hạng ưu, ra hoạt động âm nhạc ngoài đời chưa hẳn sáng tác hay. Nói như vậy không có nghĩa những người học kém đều có thể trở thành nhạc sĩ có tài. Điều này hiếm lắm.

Hễ mỗi học kỳ, nhà trường đều tổ chức những đêm “hội thi” một số bộ môn. Học sinh sáng tác các khóa thì “khoe tài” biểu diễn piano. Nào là các bài của Hanon, Czerry, Classiques-Favoris (volume 1 đến 3). Cái món khó gặm nhất là những bài Fuga của Bach. Thật là khổ, bao giờ tác phẩm của ông Bach đều phải chơi sau cùng. Đánh bài Fuga giống như ta đang leo dốc, sắp tới đích (kết bài) chỉ còn vài khuông nhịp nữa mà bị “hóc” thì coi như phải chơi lại từ đầu. Tôi nhớ có một lần nhạc sĩ T.Đ.Q (Khóa I) sắp về tới “vạch vôi” rồi mà không may bị “trợt tay”. Anh ta điềm tĩnh, thò tay vô túi quần lấy ra chiếc khăn lau hai bàn tay và các phím đàn, ý như muốn đổ thừa cho tay dính mồ hôi và các phím đàn bị bám bụi. Và anh ta đứng dậy xin phép các thầy cho đánh lại bài Fuga. Chị Thái Thị Liên trao đổi với chuyên gia Ba Lan. Ông này gật đầu: “Tak, tak, tak!”. Chẳng rõ tiếng Ba Lan “tak tak” nghĩa gì, hình như là những tiếng đệm lót đan xen trong từng câu nói?

Cứ mỗi sáng chủ nhật, tất cả đoàn viên Đoàn thanh niên Lao động của nhà trường đều phải tham gia “Ngày lao động xã hội chủ nghĩa”, như đi nạo vét hồ Bảy Mẫu để làm công viên Thống Nhất, đi đắp đường Cổ Ngư mở rộng ra mang tên đường Thanh Niên.

Dịp nghỉ hè thì đi lao động “ba cùng” ở các hợp tác xã nông nghiệp của Bắc Ninh, Bắc Giang. Mấy cô giáo dạy piano như: Thái Thị Liên, Nguyễn Thị Mai, Vũ Thị Hiển, Nguyễn Thị Nghĩa, Minh Thu… và các cô pianist tương lai: Thái Thị Sâm, Trịnh Nhật Ánh, Việt Kim, Hợp Bích, Phương Chi, Trịnh Thị Nhân… tất thảy “đổ quân” xuống ruộng, cầm cào làm cỏ lúa. Chỉ cần một, hai người không may bị mấy con đỉa bám vào bắp chân thì la lên khiến cho nhiều người quăng cào, chạy túa sua lên bờ ruộng, mặc cho những gié lúa bị đạp dí xuống sình. Tối đến, thầy trò ngồi quây quần trên sân phơi lúa của hợp tác xã để sơ kết công việc đồng áng trong ngày. Nhạc sĩ Y Dơn vừa hát vừa làm động tác minh họa bài Con đỉa vừa mới sáng tác sai dấu “quá ác”, khiến cho thầy trò cười vui thoải mái.

Hết đợt lao động thì tới đợt tập quân sự. Chúng tôi tập trung về trường nhạc mới xây xong ở Ô Chợ Dừa. Mỗi tiểu đội ở một phòng, có giường cá nhân, chăn màn gối đều phải xếp ngay ngắn giống như quân đội ở doanh trại. Nào là lăn lê bò toài, nào là bên phải... quay, bên trái... quay, đằng sau... quay, đi đều... bước! Tôi “trang bị” cho tiểu đội một cây trung liên, vài cây tiểu liên, súng trường và lựu đạn bằng đất. Tất cả vũ khí đều giả tuốt tuồn tuột. Đến cuối khóa quân sự, Thành đội Hà Nội xuống kiểm tra, đánh giá và cho điểm. Cả trường làm lễ duyệt binh và diễu binh tại sân đá banh gần chùa Láng, dưới sự chỉ huy của tiểu đoàn trưởng Tăng Quốc Thanh. Tội nghiệp cho trung đội Khóa II có nhạc sĩ Đ.V.H. cứ đánh đồng xa “ngược chiều” bị… trừ điểm! Khóa III của tôi được chọn diễn tập đánh trận giả bằng giao thông chiến tại cánh đồng nước gần đền Voi Phục, Cầu Giấy. Bên “đỏ” do tôi chỉ huy, bên “xanh” do Giang Minh Thực điều quân. Chúng tôi làm một chiếc xe tăng Mỹ to tướng bằng khung tre nứa dán giấy bồi, sơn màu đen. Xe tăng “đồ mã” này không chạy được, mà nhờ đến sáu người khiêng. Trong số “lính Mỹ ngụy” này có một số lính “da màu” như Thạch Rương, La En, Nay Oách. Hai bên xông trận, xung phong đánh giáp lá cà, lội bì bõm dưới ruộng. Một số “lính” bỏ chạy, một số bỏ thây, và vài tên xin đầu hàng. Quân “đỏ” nhào lên cướp “xe tăng” rồi lấy bật lửa đốt cháy xe tăng… giấy!

Tất cả chúng tôi mệt nhoài, mặt mày, quần áo ướt mèm, dính đầy sình lầy… đều tập hợp lại đội ngũ chỉnh tề báo cáo trận diễn tập tác chiến trước Ban chỉ huy Thành đội. Ai ai cũng đều vui vẻ vì được “cấp trên” biểu dương…

Có một “sự cố” đáng ghi nhớ là trong chương trình biểu diễn nhân dịp hè 1960, Kéoa III chúng tôi có tiết mục hợp xướng Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận được hoan nghênh nhiệt liệt. Cách vài tiết mục của các khóa khác, chúng tôi lại xuất hiện với tác phẩm của Y Dơn: Khổ vì tình. Anh chị em cải trang thành một số dân tộc trên thế giới. Ông Y Dơn lĩnh xướng với phục trang cô gái châu Phi, độn hai cái vú giả quá bự lại còn... sai vị trí! Tôi hóa trang chàng trai Thổ Nhĩ Kỳ, Ngô Đông Hải là một thanh niên Nepal. Nhưng Vũ Văn Luyến lại hóa trang thành chú chệt Đài Loan. Chính nhân vật này báo hại ngày hôm sau, Lư Nhất Vũ (Khóa trưởng) và Kim Hùng (Bí thư chi bộ học sinh) được phòng Giáo vụ “mời mần việc”. Ông Tăng Lộc cằn nhằn, cự nự gay gắt, nào là mất lập trường, vô chính trị, bôi bác quá đi mất…

*

Trong mấy năm học chúng tôi được thầy cô truyền đạt lại nhiều kiến thức vô cùng quý báu. Đó là những cẩm nang quyết định sự thành công trên con đường sự nghiệp âm nhạc sau này. Học sinh lớp sáng tác Khóa III (1958 - 1962) đã thành đạt trên một số lãnh vực âm nhạc như: Nguyễn Đình Tấn (1960 được cử đi học tại Liên Xô), Kim Hùng (Hiệu trưởng trường Văn hóa - Nghệ thuật Nam Hà), Giang Minh Thực (giảng viên Nhạc viện Hà Nội), Ngô Đông Hải (Viện Âm nhạc), Y Dơn (Đoàn Ca múa Tây Nguyên), Thạch Rương (Đoàn Ca múa quân Giải phóng, hy sinh 1970), Đàm Thanh (Đoàn Văn công Nhân dân khu Tự trị Việt Bắc), Lư Nhất Vũ (Đoàn Ca múa miền Nam).

Giờ đây, chỉ còn tôi và Ngô Đông Hải còn nặng nợ với đời, năm anh em đồng môn kể trên đã lần lượt ra đi vào cõi vĩnh hằng…

V

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...