Ba anh em ruột đều là nhạc sĩ
Ở làng Quảng Xá, xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, có ba anh em ruột là nhạc sĩ, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đó là nhạc sĩ Dương Viết Hòa, nhạc sĩ Dương Thị Nguyệt Ánh và nhạc sĩ Dương Bích Hà.
Độc giả là người ngoại tỉnh, chắc sẽ không có gì nghi vấn, nhưng là người Quảng Bình thì không ít người thắc mắc, vì sao ba anh em họ Dương đang ở thị xã Ba Đồn lại bảo họ ở làng Quảng Xá. Quảng Xá được gọi là "làng nhạc sĩ", bởi làng có đến sáu nhạc sĩ, nếu chưa tính hai chàng rể.
Ông cụ thân sinh của ba anh em nhạc sĩ họ Dương, chánh quán làng Quảng Xá. Ngày xưa, làng Quảng Xá có nghề dệt vải nổi tiếng, ông cùng nhiều bạn làng đi ra chợ Ba Đồn để mua bán bông, vải. Ông nhanh nhẹn, tháo vát, lại đẹp trai nữa nên lọt vào mắt biếc của cô gái Ba Đồn mà nên duyên vợ chồng. Họ sống với nhau, sinh con đẻ cái, lập nghiệp tại Ba Đồn cho đến nay.
Các vị cao niên của làng kể lại rằng: Ngày xưa làng Quảng Xá nhờ nghề dệt vải phát triển mà giàu lên, làng góp tiền mua đá liếp để lát toàn bộ con đường quan (con đường chạy dọc từ đầu làng đến cuối làng, thẳng tắp như đường kẻ nằm về phía tây của làng, cùng với 14 đường trôổng nằm ngang, nối đường quan với đường đập (nằm về phía đông của làng), cũng chạy song song dọc với đường quan. Trong các xóm, nhà ở san sát, lợp ngói hương ký, ngói liệt, tường vôi trắng rất đẹp. Phía đường quan có hàng cây bố phòng, phía đường đập có lũy tre xanh bao bọc, đường ngang lối dọc như bàn cờ.
Có thể nói, làng Quảng Xá phát triển nghề dệt vải thủ công từ xưa, nên gắn kết với hát hò, dân ca cũng từ rất sớm. Trong phả tộc họ Dương, có đến 2 ông giữ chức suất đội cung đình và suất đội hòa thanh Huế: ông Dương Viết Căn (ông cao của giáo sư mỹ học âm nhạc Dương Viết Á) và ông Dương Viết Hoành (ông cố của bác sĩ Dương Viết Họa, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Bình và thầy giáo Dương Viết Thủ, hàng cao niên của làng). Còn trong phả tộc họ Nguyễn có thầy dạy vua Hàm Nghi, có ông Bát Vời từng cho con cháu vào Huế học ca Huế về truyền dạy lại cho làng,... Thật đúng là một làng có truyền thống ca hát và dạy học từ xưa.
Ngày còn học cấp 2, vào những năm cuối thập kỷ 50, đầu thập kỷ 60 của thế kỷ trước, tôi cũng đã từng hát theo các làn điệu ca Huế của đội nhạc do bố tôi làm đội trưởng (cầm đàn nguyệt), ông Tham (đàn nhị), ông Quả (đàn bầu, kèn co), ông Thận (sanh tiền), hòa tấu cho các bà hát gồm có mẹ tôi, cô Hường, mẹ Chi (cô ruột của Giáo sư Dương Viết Á), mẹ Quả, mẹ Thận, mẹ Nhung...
Có thể nói rằng, ba anh em họ Dương: Viết Hòa, Nguyệt Ánh và Bích Hà, người gốc làng Quảng Xá là có cơ sở để phát triển tài năng âm nhạc của họ.
Nhạc sĩ Dương Viết Hòa, anh trai cả của gia đình, trưởng thành từ Quân đội, chuyển ngành học khoa Sáng tác - Lý luận Quốc gia Âm nhạc, nay là Học viện Âm nhạc Huế; sau chuyển vào Quy Nhơn, công tác tại Đài Truyền hình Quy Nhơn (Đài khu vực miền Trung), sau đó lại chuyển về dạy âm nhạc cho các trường đại học.
Ngoài các tác phẩm ca khúc được quần chúng yêu thích và được Đài Tiếng nói Việt Nam phổ biến rộng rãi như Tình yêu Apsara, Tâm tình con sáo sang sông, Tiếng trống Quang Trung, Ông già Bến Ngự,.. ông còn được biết đến ở quê hương Quảng Bình với ca khúc "Vòng quanh một mái hò khoan", do NSND Tuyết Thanh và tốp nữ Đài tiếng nói Việt Nam thể hiện, Cổ tích Phong Nha - Kẻ Bàng và các ca khúc về quê hương Ba Đồn như Em đi chợ Đồn, Sự tích cầu Bánh tét, Chợ phiên đá...
Tuy nhiên, nói đến nhạc sỹ Dương Viết Hòa, phải nói đến thế mạnh của ông là mảng hợp xướng, khí nhạc. Các hợp xướng Hạm đội (4 chương), Trên rừng Biên giới (3 chương), ca khúc hợp xướng Dâng Đảng niềm tin, Tiếng chiêng rừng, Vầng trăng cuộc đời, Khúc Rondo Đà nẵng,... gây được tiếng vang lớn trong quần chúng cũng như giới học thuật.
Các tác phẩm khí nhạc của ông thật phong phú, đa dạng , từ những bản hòa tấu viết cho dàn nhạc dân tộc, đến những bản Preluyt - Fuygơ, Uvertuya, Rasodi, Variation, các bản Sonata viết cho piano, violine, đặc biệt giao hưởng thơ Huyền Trân công chúa, liên khúc giao hưởng 4 chương Truyền thuyết hoang vu, là những tác phẩm lớn, rất hiếm đối với sự nghiệp một nhạc sỹ chuyên nghiệp. Ngoài ra, ông cũng viết khá nhiều cho nhạc múa, thành công nhất là kịch múa 3 chương "Trước lúc ra đ" (Biên đạo: NSND Ybrơm), kịch múa 3 chương "Cánh đồng bất tận" (Biên đạo: NSƯT Lê Huân), kịch múa 4 chương "Hành Phương Nam" (Biên đạo : NSƯT Lê Huân)...
Trong công tác giảng dạy, ông đã đào tạo nhiều nhạc sỹ sáng tác, nhạc sỹ nghiên cứu - lý luận - phê bình, nhạc công, ca sỹ...; soạn nhiều giáo trình các bộ môn lý thuyết âm nhạc như Lý thuyết Âm nhạc cơ bản, Ký - Xướng âm, Hòa thanh, Lịch sử Âm nhạc...
Ngoài công tác Sáng tác - giảng dạy, ông còn có nhiều bài viết phê bình, giới thiệu âm nhạc, đặc biệt các bài viết, công trình nghiên cứu khoa học như Ngũ âm Dân tộc, Cồng chiêng Banar, Nhạc trống Tây sơn, Hệ thống ký hiệu Âm nhạc các Dân tộc,...
Trong quá trình hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Dương Viết Hòa đã gặt hái được nhiều huy chương vàng, huy chương bạc qua các hội diễn văn nghệ quần chúng và chuyên nghiệp toàn quốc.
Em gái của nhạc sĩ Dương Viết Hòa là nhạc sĩ Dương Thị Nguyệt Ánh, sinh ngày 22 tháng 10 năm 1958, chị có bút danh là Nguyệt Ánh. Chị từng là biên tập viên văn nghệ Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình từ năm 1989. Chị đã tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, Đại học báo chí, hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, chuyên ngành sáng tác, từ năm 2010. Chị là Ủy viên BCH Hội Văn học nghệ thuật Quảng Bình 2 nhiệm kỳ liên tục từ 1999 - 2008, Phó thư ký Phân hội Âm nhạc của Hội từ 2003 - 2019.
Những năm làm việc tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Quảng Trạch, sau khi được học nghiệp vụ âm nhạc tại trường Văn hóa nghệ thuật tỉnh, chị đã sáng tác nhiều ca khúc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, được đồng nghiệp và công chúng đánh giá cao.
Năm 1989, chị chuyển công tác về làm biên tập viên văn nghệ của Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Bình. Từ đó đến nay, Nguyệt Ánh đã xây dựng nhiều chương trình ca nhạc phát sóng trên Đài và dàn dựng chương trình ca nhạc cho các đơn vị tham gia hội diễn của tỉnh và của các ngành. Dàn dựng các chương trình Khắp nơi ca hát, Làng vui chơi - Làng ca hát; viết bài giới thiệu ca khúc mới, giới thiệu chân dung tác giả - tác phẩm, làm giám khảo các cuộc liên hoan tiếng hát Phát thanh -Truyền hình giải Sao Mai hàng năm và các hội diễn văn nghệ của tỉnh.
Ngoài ra, tại các liên hoan giọng hát hay trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các giải Sao Mai của Đài Truyền hình Việt Nam, chị Nguyệt Ánh còn làm trưởng đoàn chỉ đạo nghệ thuật, dẫn các thí sinh đi thi, có một số em đã đạt giải cao như: Thùy Linh, Thanh Nhân, Hoàng Viết Danh.
Các sáng tác của chị như: Miên man Long Đại, Trăng của em, Yêu lắm biển quê hương, Vươn tới ngày mai, Dáng tàu - Con sóng, Vũ điệu Phong Nha, Tiếng ru, Tam Đảo chiều lãng du, Cánh sóng mến yêu, Vì bình yên cuộc sống, Khúc ru miền Trung, Nơi tôi tìm về, Quảng Bình quê em, “Tiếng nói VN ” trên đảo Trường Sa,...đã được in ấn trong tuyển tập ca khúc Quảng Bình quê ta ơi, biểu diễn tại các hội diễn trong tỉnh, giới thiệu trên Tạp chí Nhật Lệ, trên sóng PT-TH tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam...
Trong quá trình công tác, chị được tặng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT, Huy chương Vì sự nghiệp báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp Công đoàn, Kỷ niệm chương của Bộ TT-TT (2013), Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở 2013, Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (2012), nhiều bằng khen của Ty VHTT Bình Trị Thiên vì đã có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng toàn tỉnh, giải nhất ca khúc: Trăng của em - 1994 (Tỉnh đoàn Quảng Bình tặng), giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư tỉnh Quảng Bình lần thứ 4 với ca khúc: Khúc ru miền Trung, giải tặng thưởng của UBND tỉnh với ca khúc: Vì bình yên cuộc sống năm 2010, giải B Liên hoan âm nhạc Khu vực Bắc miền Trung - Hội NSVN cho các ca khúc: Khúc ru Miền Trung (2011), Lãng du Thơ (2012), Miên man Long Đại (2013), giải C do UBND tỉnh Quảng Bình tặng trong cuộc vận động sáng tác kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh và phát triển tỉnh Quảng Bình, (2014) với ca khúc: Nơi tôi tìm về.
Nhạc sĩ Dương Bích Hà, sinh ngày 2 tháng 2 năm 1964, là em gái của Dương Viết Hòa và Dương Thị Nguyệt Ánh, hiện là giảng viên khóa Sáng tác - Lý luận - Chỉ huy, Học viện Âm nhạc Huế. Nhạc sĩ Dương Bích Hà thường xuyên tham gia các hoạt động âm nhạc ở địa phương và Trung ương, tham gia nhiều chương trình với Đài Phát thanh và Truyền hình Huế.
Là nhạc sĩ chuyên ngành lý luận, nhưng nhạc sĩ Dương Bích Hà sáng tác ca khúc khá đều đặn và có chất lượng. Nhiều ca khúc của chị được phổ biến rộng rãi và đoạt giải thưởng quốc gia: Tháng sáu, Bồi hồi hoa phấn, Hồn nhiên áo trắng, Đò chiều, Những người hát bè trầm, thơ: Hoàng Vũ Thuật, Câu hò quê hương... Chị còn viết nhiều đề tài khoa học về âm nhạc như Lý Huê, Dân ca Bình Trị Thiên,... Chị đã vinh dự được tặng Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo của Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam.
Nhạc sĩ Dương Bích Hà là Ủy viên BCH Hội âm nhạc Thừa Thiên Huế, Ủy viên BCH Hội VNDG Thừa Thiên Huế. Chị từng là thành viên Ban giám khảo các hội diễn, liên hoan nghệ thuật của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Chị đã có 27 công trình và đề tài khoa học được công bố, 28 giải thưởng về âm nhạc từ cấp tỉnh, khu vực đến cấp Quốc gia và nhiều bằng khen của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Huế trao tặng.
Trong quá trình hoạt động nghệ thuật, nhạc sĩ Dương Bích Hà đã được trao tặng Kỷ niệm chương của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn học nghệ thuật”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch”, Kỷ niệm chương “Vì chủ quyền an ninh biên giới”, vì đã có nhiều đóng góp (các tác phẩm âm nhạc cũng như dàn dựng các chương trình nghệ thuật) cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới Tổ quốc của Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ quốc phòng) năm 2015.
(Nguồn: http://baoquangbinh.vn)