Dấu ấn Đêm nhạc Huy Du “Đường chúng ta đi”
Đêm 29 tháng 12 năm 2016, tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội; Ban Văn nghệ Đài truyền hình Việt Nam, đã phối hợp tổ chức chương trình nghệ thuật “Đường chúng ta đi” nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh nhạc sĩ Huy Du (1926 – 2016).
Đến dự có PGS.TS. nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; NSND Phạm Ngọc Khôi – Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội; NSND Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam; GS.nhạc sĩ Chu Minh, các nhạc sĩ lão thành, đồng nghiệp, bạn bè, gia đình nhạc sĩ Huy Du, cùng đông đảo khán giả thủ đô…
Đêm nhạc đã khái quát lại những tác phẩm đặc sắc của nhạc sĩ Huy Du, sống lại những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc ta qua những bản hùng ca cách mạng quen thuộc như: “Sẽ về Thủ đô”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Nổi lửa lên em” phỏng thơ: Giang Lam; “Anh vẫn hành quân” – lời thơ: Xuân Sách; “Bế Văn Đàn sống mãi” thơ: Trinh Đường; “Cùng anh tiến quân trên đường dài”, “Đường chúng ta đi” thơ: Xuân Sách… đắm mình trong giai điệu mượt mà của các ca khúc: “Tình em” thơ: Ngọc Sơn; “Ba Vì năm xưa”; “Hoa mộc miên”; “Miền Nam quê hương ta ơi”; “Bạch Long Vĩ đảo quê hương”; “Thương biển mùa đông”… với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ, ca sĩ nổi tiếng: NSND Quang Thọ, NSƯT Đăng Dương, NSƯT Việt Hoàn; ca sĩ Trọng Tấn; Lan Anh; Ngọc Bích; Lương Nguyệt Anh; Xuân Hảo; Ánh Phượng; Hồng Ngọc; nghệ sĩ Piano Nguyễn Huy Phương, nghệ sĩ Violin Dương Minh Chính; và các sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội… Chỉ đạo và tổng đạo diễn: thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh, nhạc sĩ Quang Vinh; Biên tập và dàn dựng âm nhạc: nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn, nhạc sĩ Đức Tân. Đêm nhạc đã đem đến cho khán giả những dấu ấn, cảm xúc sâu sắc.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân đã phát biểu tại đêm nhạc:
“Hôm nay, chúng ta hội tụ về đây trong một không khí đầm ấm chân tình trước thềm năm mới 2017, đúng vào tháng kỷ niệm 90 năm ngày sinh của nhạc sĩ Huy Du, để cùng thưởng thức, lắng nghe lại những tác phẩm âm nhạc của ông, người nhạc sĩ mà suốt cuộc đời đã cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà. Ông là người nhạc sĩ – chiến sĩ đã dành cả đời mình để sáng tác và hoạt động âm nhạc. Sự nghiệp của ông gắn liền với những bước đi của cách mạng, của kháng chiến và hòa bình xây dựng, những tác phẩm của Huy Du có sức mạnh tinh thần lớn lao những âm hưởng hào hùng trữ tình đậm đà, được phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Ông là một trong những cánh chim đầu đàn, một hiện tượng âm nhạc xuất sắc của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam nửa sau thể kỷ 20 và thập niên đầu của thế kỷ 21.
Ngay từ khi trẻ tuổi ông đã viết những bài hát với sự rung động chân thành và tài năng hiếm có, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị nghệ thuật như: “Sẽ về Thủ đô”, “Ba Đình năm xưa”, “Sóng nước Ngọc Tuyền”, “Những gác chuông giáo đường”, “Tôi yêu hòa bình”... Những bài ca yêu nước của ông đã được phổ biến sâu rộng trong thanh niên, học sinh... góp phần động viên nhân dân tham gia tổng khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Huy Du được Đảng, Quân đội và Nhà nước cử đi học Đại học Sáng tác tại Bắc Kinh, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tạo của ông, từ một chiến sĩ – nhạc sĩ viết ca khúc trở thành một nhà soạn nhạc chuyên nghiệp phát triển vững vàng trên cả hai phương diện: Thanh nhạc và khí nhạc. Thời kỳ rực rỡ nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông phải kể đến đó là thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Trường Sơn đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận trong những sáng tác của ông như: “Anh vẫn hành quân”, “Đường ra mặt trận”, “Nổi lửa lên em”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”... và những ca khúc đã trở thành những bài ca mãi đi cùng năm tháng như: “Bế Văn Đàn sống mãi”, “Bạch Long Vĩ – đảo quê hương”, “Việt Nam trên đường chúng ta đi”, “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”...
Với trọng trách là Trưởng đoàn ca múa Tổng cục Chính trị, ông đã trở thành Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III, Đại biểu Quốc hội khóa VII và VIII. Cuộc đời hoạt động và sáng tác âm nhạc của ông đã góp sức mình cho sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Ông còn là tác giả của những tác phẩm khí nhạc xuất sắc như: “Miền Nam quê hương ta ơi” viết cho Violon và Piano, tam tấu “Kể chuyện sông Hồng” cho Violon, Violoncell và Piano. Ông còn viết nhạc cho điện ảnh và sân khấu kịch nói. Khó có thể kể hết được những tác phẩm thanh nhạc và khí nhạc mà ông đã sáng tác từ những năm tuổi trẻ cho đến khi tuổi cao sức yếu.
Gặp ông những năm cuối đời ta như gặp một ông tiên, với mái tóc trắng như cước, nụ cười luôn nở trên môi và những câu chuyện sôi nổi bàn về âm nhạc, bàn về tuổi trẻ và những ký ức thời chống Pháp, chống Mỹ. Ông là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ văn nghệ sĩ, chiến sĩ, sống hết mình, sáng tạo hết mình, hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp âm nhạc, cho cái đẹp và lòng nhân ái của cuộc sống.
Để có được sự nghiệp âm nhạc mà cả dân tộc đã, sẽ và mãi mãi tôn vinh, chúng ta không thể không nhắc tới hậu phương lớn của ông mà người gắn bó song hành trên từng bước đường đi là người vợ đáng kính của ông – PGS.TS. nhạc sĩ Nguyễn Thị Nhung và những người con thân yêu, trong đó có PGS.TS. nghệ sĩ Piano Nguyễn Huy Phương.
Trong các thể loại từ ca khúc, hợp xướng, đến nhạc không lời toát lên một Huy Du trữ tình – lãng mạn cách mạng, lạc quan yêu đời và sâu nặng tình người, biểu hiện tình cảm, tư duy của người Việt Nam, gần gũi thân thương với mọi tầng lớp khán thính giả.
Tưởng nhớ tới ông trong không gian âm nhạc trang trọng và rất đỗi linh thiêng này, không gì hơn bằng việc để cho những tác phẩm của ông sẽ được cất lên trò chuyện, tâm tình với chúng ta hôm nay. Đâu đây như thấy hình bóng của ông đang cùng chúng ta trò chuyện, chứng kiến sự đổi mới của đất nước khi mùa xuân sắp về với ánh mắt nự cười và mái đầu bạc trắng bồng bênh như mây khói. Nhạc sĩ Huy Du – người nhạc sĩ – chiến sĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật – người nghệ sĩ của nhân dân. Đất nước mãi ghi nhớ Tài - Đức của ông – người nhạc sĩ của nhân dân”.
Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – Chủ tịch Hội Âm nhạc thành phố Hà Nội cũng có những chia sẻ ở phần giao lưu với khán giả:
“Nói đến nhạc sĩ Huy Du - hình tượng người nghệ sĩ tiền bối luôn luôn lồng lộng trong trái tim của chúng tôi. Sự đóng góp của ông cho đất nước, phải nói rằng mỗi một giai đoạn lịch sử của đất nước nhạc sĩ Huy Du đều có những tác phẩm để lại những dấu ấn mà người ta phải ghi nhận đấy là nhật ký của đất nước được ghi lại bằng âm nhạc. Trong cuộc kháng chiến chống pháp thì những bài hát như “Sẽ về Thủ đô” phải bằng sự xúc động, cảm nhận và trách nhiệm của người nhạc sĩ mới có thể viết lên được. Hồi đó nhạc sĩ Huy Du còn rất trẻ nhưng đã đi theo tiếng gọi của đất nước để ra chiến trường, lao vào mũi tên, hòn đạn, nơi rừng núi, với một tâm thế của người ra đi nhưng vẫn nghĩ đến ngày trở về, ngày vui, ngày sáng láng, và đấy là thời điểm của Huy Du để lại dấu ấn cho chúng ta.
Năm 1964, khi nhạc sĩ Huy Du đang là đoàn trưởng Đoàn Ca múa quân đội, chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ bắt đầu nổ ra (tháng 8 năm 1964), thì bài hát “Thề quyết bảo vệ Tổ quốc” của nhạc sĩ Huy Du là bài hát mới nhất, sớm nhất trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ở miền Bắc thì đây là bài hát đầu tiên và hết sức kêu gọi lòng người muốn đứng lên bảo bệ Tổ quốc của chúng ta. Sự nghiệp của đất nước gắn liền với những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Huy Du trong mỗi một giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ cứu nước… Đó là một đóng góp hết sức lớn lao cho sự nghiệp âm nhạc và đất nước.
Và dấu ấn trong thời kỳ hòa bình là “Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi”. Không khí âm nhạc tươi tắn, ca ngợi đất nước đã được hòa bình như một mùa xuân đang về. Tất cả giai đoạn đó đều được ghi lại bằng những cung âm, thanh âm mà chúng ta không bao giờ quên.
Về nghệ thuật, Huy Du là người sống ở đất Quan Họ, rất sâu sắc nhưng đầy lạc quan của dân tộc, lạc quan chính là vấn đề ở trong tác phẩm của Huy Du. Qua những ca khúc của Huy Du, đây là những tác phẩm của Việt Nam đích thực, cũng là ngũ cung nhưng là ngũ cung Việt Nam, là Quan Họ, Chèo, Ca Trù… Nhạc sĩ Huy Du đã sống và tâm hồn dân tộc thấm đẫm vào con người ông, thấm đẫm vào con người đất Quan Họ mới sáng tác được những tác phẩm âm nhạc như thế, và mãi mãi đọng lại trong tâm hồn của mỗi con người Việt Nam chúng ta”.
Cố nhạc sĩ Huy Du là một trong những cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam thời kháng chiến. Nhạc của ông mang âm hưởng hào hùng, thiết tha, bay bổng kết hợp với ca từ đẹp, sang trọng. Ông qua đời năm 2007 nhưng âm nhạc của ông vẫn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc.